Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 4/11/2024
Ngày đăng 05/11/2024 | 09:57  | Lượt xem: 80

Cảnh báo nguy cơ để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Do vậy, việc tuân thủ các bước bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có thể phòng tránh các bệnh do thực phẩm gây nên như ngộ độc thực phẩm và các bệnh mạn tính khác.

Ngộ độc thực phẩm gây nỗi bất an

Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với 9 tháng năm 2023. Tuy nhiên, số người ngộ độc tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc trên 30 người tăng.

Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật salmonela trong thịt nguội, các món gà, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa hay vi sinh vật Bacillus cereus trong canh chua thịt giá đỗ, vi sinh vật Staphylococus aureus trong mì Quảng,…

Từ các vụ ngộ độc cho thấy, việc thực hiện các quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ thường xuyên. Có cơ sở không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Có cơ sở không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Thực tế, ngày càng có nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Những hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản và sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt, cá ôi thiu. Đó còn là quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt trong chế biến…

Điều đáng lo ngại là hàng ngày, hàng giờ, đâu đó xảy ra những vụ việc ngộ độc thực phẩm gây nỗi bất an. Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn ở bất kỳ thời điểm nào trước khi ăn. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, TS Trương Hồng Sơn lưu ý người dân cần tuân thủ các bước bảo đảm ATTP có thể phòng tránh phần lớn các bệnh do thực phẩm gây nên.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, bảo đảm ATTP là bí quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Trong đó, người tiêu dùng nên chọn lựa thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng.

Các gia đình cần bảo quản thực phẩm đúng cách, từ thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, dằn, hâm, ướp lạnh).

Đặc biệt, ông Đặng Thanh Phong lưu ý, người dân giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống; vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn uống; vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng và ăn uống. Khi nấu nướng chế biến thức ăn, người dân cần dùng riêng các dụng cụ.

Bên cạnh đó, các gia đình cần sơ chế, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, đúng cách; sử dụng nguồn nước sạch; “ăn chín, uống sôi”, ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ. Các gia đình nên thận trọng khi ăn uống ở hàng quán bên ngoài; lựa chọn hàng quán có uy tín, thương hiệu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh - Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội cảnh báo, việc đun nấu lại nhiều lần các món ăn không chỉ làm mất dinh dưỡng mà còn dễ gây nhiễm khuẩn. Chưa kể nếu bảo quản không đúng cách, đồ ăn để lâu ngày có nguy cơ nấm mốc, ôi thiu...

Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, mỗi gia đình nên lưu ý ưu tiên nấu ăn trong ngày, các món ăn nói chung không nên để qua đêm, đặc biệt không đun đi đun lại nhiều lần.

Vì khi để thức ăn trong tủ lạnh, nhiều gia đình bảo quản không đúng cách cũng gây hại ngay cả khi chưa “hết hạn sử dụng”. Bởi vậy, trong trường hợp phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, các gia đình cần để riêng thức ăn sống, chín, bọc kỹ từng loại.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo quản tốt đồ ăn thừa một cách an toàn, không làm mất đi chất dinh dưỡng, không gây hại đối với sức khỏe, tốt nhất các bà nội trợ nên bảo quản trong hộp thủy tinh, hộp nhựa an toàn hay dùng màng bọc thực phẩm bọc kín. Thức ăn thừa phải để nguội trước khi cho vào tủ lạnh.

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần chọn mua thực phẩm của những nhà cung cấp, nhà sản xuất có uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng nói không với các loại hàng rẻ, hàng trôi nổi, hàng không có nhãn mác.

Các gia đình thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ nhằm hạn chế hàm lượng thuốc trừ sâu tích tụ vào cơ thể, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng.

Người tiêu dùng phải tìm hiểu, cung cấp cho mình những kiến thức về tiêu dùng sạch, sản xuất sạch để có cách nhận biết hoặc sử dụng thực phẩm một cách an toàn, thông minh.

TS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Báo Kinh tế & đô thị

https://kinhtedothi.vn/canh-bao-nguy-co-de-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham.html

Hà Nội chủ động kiểm soát các dịch bệnh

Tuần qua (từ ngày 25-31/10), TP Hà Nội ghi nhận thêm 612 ca mắc sốt xuất huyết, dịch vẫn đang tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 612 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 110 ca so với tuần trước đó; thêm 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện.

Số các mắc phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Oai; Nam Từ Liêm; Đống Đa; Ba Đình; Thanh Xuân…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 612 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 110 ca so với tuần trước đó; thêm 26 ổ dịch tại 13 quận, huyện.

Số các mắc phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Oai; Nam Từ Liêm; Đống Đa; Ba Đình; Thanh Xuân…

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 5.677 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong(giảm 80% so với cùng kỳ 2023).

Bên cạnh dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang có số mắc cao. Tuần qua, thành phố đã ghi nhận 34 ca mắc tay chân miệng (giảm 6 trường hợp so với tuần trước), ghi nhận 1 ổ dịch tại Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) với 3 trường hợp mắc. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 2.297 ca mắc tay chân miệng.

Hà Nội cũng ghi nhận 10 ca mắc sởi; trong đó có 7 trường hợp chưa được tiêm chủng và 3 trường hợp đã tiêm chủng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống; tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; tiếp tục giám sát công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Sởi-Rubella tại các xã, phường, thị trấn.

Dự báo số mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng do đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm.

Bệnh sởi hiện đã ghi nhận rải rác, bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, các địa phương có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh trong những ngày tới.

Dịch tay chân miệng không ghi nhận ổ dịch phức tạp, trong khi các dịch, bệnh khác như ho gà, rubella, não mô cầu, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản... có thể ghi nhận ca bệnh tản phát...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường các hoạt động chuyên môn giám sát, phát hiện, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân.

Đồng thời, các địa bàn tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc; tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định; đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp, trên hệ thống phần mềm và tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng, não mô cầu... cũng được chú trọng để tăng tính chủ động của người dân.

Với các bệnh có vaccine, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-chu-dong-kiem-soat-cac-dich-benh-20241104113901337.htm

Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 500 thuốc các loại

Trong đợt công bố danh mục thuốc cấp mới, gian hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất này có 335 thuốc sản xuất trong nước, còn lại hơn 160 thuốc tương đương sinh học. Việc gia hạn, cấp mới này để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, đấu thầu, mua sắm, phòng chống dịch...

TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết vừa ký ban hành danh mục 335 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam đợt 212.

Trong số này có 329 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam hiệu lực 05 năm; 6 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam hiệu lực 03 năm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm: Sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in hoặc dán số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cùng đó, thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT ngày 18/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BYT đối với các thuốc trong Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.

Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cùng đó, dịp này Cục Quản lý Dược cũng công bố danh mục thuốc có chứng minh tương đương sinh học có thay đổi, bổ sung thông tin thuốc đợt 9 - Năm 2024 với 143 thuốc; cấp mới và gia hạn 18 thuốc có chứng minh tương đương sinh học, đợt 10 năm 2024. Tổng số 2 đợt là 161 thuốc.

Được biết trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã có nhiều lần công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước, nhập khẩu, thuốc biệt dược gốc, thuốc có chứng minh tương đương sinh học... được cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược 2016 và Nghị quyết 80 của Quốc hội.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2024, Cục Quản lý Dược đã cấp mới, gia hạn khoảng gần 1.400 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước, nhập khẩu, biệt dược gốc, thuốc có chứng minh tương đương sinh học.

Báo Sức khỏe & đời sống

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-cap-moi-gia-han-giay-dang-ky-luu-hanh-500-thuoc-cac-loai-16924110411372357.htm

Hà Nội: Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện

Số ca mắc sởi gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây trên địa bàn Hà Nội. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 5405/SYT-NVY gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh sởi trong bệnh viện.

Theo đó, hiện nay tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 46 trường hợp mắc sởi; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Điều đáng nói, số ca mắc sởi gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong các bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện đang tiếp nhận khám và điều trị các trường hợp mắc, nghi mắc sởi, Sở Y tế thành phố đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh; bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, thực hiện báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán theo đúng quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hoặc khi số mắc bệnh tăng cao.

“Các bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị trong khoa”, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.

Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm.

Thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông tại bệnh viện nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vắc xin sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát nhân viên y tế có nguy cơ (tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi) chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi phải được tiêm bổ sung vắc xin ngay.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong đơn vị về hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh; yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát sự tuân thủ; hướng dẫn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng thực hiện.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-lay-nhiem-soi-trong-benh-vien-683446.html

Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn trường học

TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học và khu vực cổng trường, nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội - thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, tính đến hết tháng 10/2024, thành phố đã kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn. Trong số này, có 15 cơ sở đạt tiêu chuẩn, và kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy 190/190 mẫu đều đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho học sinh và giáo viên.

Công tác đảm bảo ATTP tại các trường học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu kiểm tra, giám sát 100% các cơ sở giáo dục theo quy định, với con số kiểm tra trong năm 2023 đạt 84,5% trên tổng số cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc quản lý ATTP tại các khu vực xung quanh trường học, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố và gánh hàng rong khu vực cổng trường.

Trước tình hình trên, từ đầu tháng 8/2024, thành phố Hà Nội đã triển khai các đoàn kiểm tra chuyên đề về ATTP tại trường học. Không chỉ tập trung kiểm soát các bếp ăn tập thể trong trường, các đợt kiểm tra còn mở rộng ra khu vực cổng trường và các khu vực lân cận, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết, từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025, thành phố sẽ thực hiện các đợt cao điểm đảm bảo ATTP trong và ngoài các trường học.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025, thành phố sẽ thực hiện các đợt cao điểm đảm bảo ATTP trong và ngoài các trường học.

Tất cả các bếp ăn trong trường học hiện đang được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và quá trình chế biến thực phẩm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã được yêu cầu tăng cường giám sát các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, điều tra kỹ lưỡng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các dịch vụ ăn uống và quầy hàng quanh trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trong các đợt kiểm tra này, thành phố đặc biệt lưu ý đến các gánh hàng rong tự phát quanh cổng trường. Các gánh hàng này thường có nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm quy định ATTP.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn và xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.

Bên cạnh công tác kiểm tra, thành phố đã ban hành Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP giai đoạn 2024 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTP. UBND thành phố kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Trong tháng 11/2024, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong quản lý. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các cơ sở giáo dục và xã hội.

Báo Công thương

https://congthuong.vn/ha-noi-day-manh-kiem-tra-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-tai-cac-bep-an-truong-hoc-356664.html

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 300
Lượt truy cập trong tuần: 36110
Lượt truy cập trong tháng: 47389
Lượt truy cập trong năm: 2646061
Tổng số lượt truy cập: 46713449
Về đầu trang