Điểm báo

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 5/11/2024
Ngày đăng 06/11/2024 | 10:03  | Lượt xem: 40

Năm 2025, sử dụng sổ sức khỏe điện tử toàn bộ trên địa bàn Thủ đô

UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo phấn đấu hoàn thành mục tiêu: Đến năm 2025, 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và người dân trên địa bàn sử dụng sổ sức khỏe điện tử.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 3613/UBND-KSTTHC về việc triển khai thực hiện Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24/10/2024 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 8362/TCTTKĐA ngày 19/10/2024 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/Chính phủ.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm, thống nhất 3 quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại phần I, mục B Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24/10/2024 của Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và hiệu quả.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Đến năm 2025, 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và người dân trên địa bàn sử dụng sổ sức khỏe điện tử. Sau năm 2025, mỗi người dân trên địa bàn thành phố kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử.

Đến năm 2025, 100% người dân có nhu cầu có thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua VNeID. Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh" gắn với "5 bảo đảm" nêu tại nội dung 1a, phần III, mục B Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24/10/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, tập trung truyền thông các kỹ năng quan trọng cho người dân như phòng, chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy, chữa cháy trên các nền tảng số.

UBND thành phố giao Sở Y tế tham mưu UBND thành phố bảo đảm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để thực hiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, hoàn thành trong năm 2024 và thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử trên địa bàn thành phố. Đồng thời, bám sát Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID; khẩn trương tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện việc rà soát, làm sạch dữ liệu, bảo đảm 100% cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu lên bảo hiểm xã hội; 100% liên thông, cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh, xét nghiệm, chuyển tuyến, hẹn khám lại để người dân sử dụng

Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Công an thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm triển khai đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; người dân xuất trình sổ sức khỏe, giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại trên VNeID được chấp thuận và sử dụng

Đồng thời chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông; phấn đấu đạt 80% tỷ lệ người dân sử dụng trên VNeID/tổng số người dân đến khám, chữa bệnh; phấn đấu đạt 80% tỷ lệ người dân tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe, giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại trên VNeID đối với người dân thường trú trên địa bàn…

Báo Công lý

https://congly.vn/nam-2025-su-dung-so-suc-khoe-dien-tu-toan-bo-tren-dia-ban-thu-do-457677.html

Bộ Y tế thông tin việc đảm bảo vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng

Mới đây, Bộ Y tế có báo cáo trước ý kiến của Ban Dân nguyện về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV.

Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường

Tại Báo cáo của Ban Dân nguyện về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV có nêu: "Cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao…"

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thực trạng tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong TCMR thấp sau dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ do các biện pháp cách ly, hạn chế đi lại; việc cung cấp các dịch vụ y tế bị hạn chế, gián đoạn trong đó có tiêm chủng.

Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm trên thế giới, trong đó có Việt Nam luôn diễn biến phức tạp, khó lường, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện như bệnh đậu mùa khỉ và nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành đang có nguy cơ lây lan, bùng phát trở lại. Ngoài ra, một số bệnh bùng phát theo chu kỳ như bệnh sởi (3-5 năm)... Bệnh Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và có khả năng gây dịch theo chu kỳ 3-5 năm.

Tại Việt Nam, trong các năm 2014 và 2019 đã ghi nhận số trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi tăng cao, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine sởi đạt tương ứng: năm 2014 là Sởi mũi 1: 97,4%, Sởi mũi 2: 93,8%; năm 2019 là Sởi mũi 1: 95,4%, Sởi mũi 2: 92,4%. Năm 2023-2024, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi đã bùng phát trở lại, hiện nay đã bùng phát trở lại tại 103 quốc gia sau 5 năm.

Kinh phí mua vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được bố trí trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế được cấp kinh phí mua vaccine và phân bổ cho các địa phương. Giai đoạn 2021 - 2022: Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc. Theo Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ NSTƯ năm 2021, NSTƯ tiếp tục bố trí kinh phí cho Bộ Y tế mua vaccine TCMR năm 2021 - 2022 tương tự như giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy giai đoạn trước 2023, Bộ Y tế được giao kinh phí mua vaccine và phân bổ cho các địa phương.

Từ năm 2023, theo quy định của Luật NSNN, các địa phương mua vaccine từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai, các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai... Vì vậy nhiều địa phương đã kiến nghị giao Bộ Y tế tiếp tục làm đầu mối mua vaccine và phân bổ cho các địa phương.

Để khắc phục tình trạng nêu trên Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023, trong đó chỉ đạo bố trí NSTƯ để tiếp tục thực hiện Chương trình TCMR quốc gia bảo đảm thống nhất, kịp thời, hiệu quả trong cả nước. Từ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ về việc bố trí NSTƯ năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho Chương trình TCMR, trong đó giao Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho Chương trình TCMR, cuối năm 2023, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành phố và tổng hợp nhu cầu vaccine 2024 trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 24,2 triệu liều vaccine các loại sử dụng trong Chương trình TCMR từ nguồn NSNN và viện trợ; đến nay đã phân bổ 22,79 triệu liều theo kế hoạch cho các địa phương. Đồng thời Bộ Y tế đã họp với Vụ Khoa giáo Văn xã - Văn phòng Chính phủ vào ngày 11/7/2023 và xây dựng dự thảo Nghị định. Do nhiều nội dung trong dự thảo Nghị định liên quan đến các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố nên Bộ đã lấy ý kiến các Bộ, địa phương thực hiện các quy trình để đến ngày 5/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP.

Quy trình mua sắm vaccine còn nhiều thủ tục

Theo Bộ Y tế, kế hoạch TCMR hằng năm là tổng hợp từ đăng ký nhu cầu của các địa phương. Đối với tổng hợp nhu cầu vaccine năm 2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố rà soát, xác định nhu cầu vaccine trong TCMR 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 ngay từ tháng 12/2023. Năm 2024, Bộ Y tế chưa được bố trí kinh phí cho hoạt động TCMR ngay từ đầu năm như giai đoạn 2016-2022. Do đó sau khi Nghị định số 13/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP được ban hành, tháng 4/2024, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện hoạt động TCMR 2024.

Song song với việc gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phê duyệt kinh phí mua vaccine cho TCMR 2024, Bộ Y tế đã ký ban Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch TCMR năm 2024 bao gồm nhu cầu vaccine 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025. Việc ban hành kế hoạch TCMR năm 2024 vào đầu tháng 6/2024 và trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí là kịp thời.

Đối với việc phê duyệt kinh phí của Chính phủ, ngày 24/7/2024, Chính phủ có Tờ trình số 369/TTr-CP trình UBTVQH đề nghị bổ sung dự toán NSNN năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động TCMR. Ngày 30/8/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1162/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về bổ sung kinh phí chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế để thực hiện hoạt động TCMR.

Ngày 18/9/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1000/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung 424,514 triệu đồng bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2024 để thực hiện hoạt động TCMR. Thực hiện Quyết định của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 23/09/2024 về việc giao dự toán bổ sung ngân sách nhà nước năm 2024 để thực hiện hoạt động mua sắm vaccine trong TCMR.

Trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục mua sắm vaccine, để đảm bảo cung cấp vaccine cho chương trình TCMR, tiêm chủng chống dịch Bộ Y tế đã chủ động đề nghị WHO, UNICEF, Chính phủ Úc, các tổ chức viện trợ, hỗ trợ vaccine phối hợp Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván, Viêm gan B và Hib (DPT-VGB-Hib) và vaccine Sởi-Rubella trong năm 2023-2024. Đồng thời, trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí năm 2024, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành mua sắm các vaccine cần cung ứng ngay cho chương trình TCMR bao gồm vaccine uốn ván và vaccine viêm gan B tiêm cho đối tượng trẻ sơ sinh

Theo Bộ Y tế, còn một số khó khăn trong quá trình mua sắm vaccine: Hiện nay quy trình mua sắm vaccine còn nhiều thủ tục cần thời gian triển khai thực hiện (ước tính khoảng 2-3 tháng). Các quy trình mua sắm vaccine bao gồm: giao dự toán NSNN; phê duyệt kế hoạch đặt hàng; xây dựng phương án giá; thẩm định giá và phê duyệt (2 tháng).

Báo Sức khỏe & đời sống

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-thong-tin-viec-dam-bao-vaccine-cho-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong-169241105150512054.htm

Quản lý an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác đánh giá nguy cơ trong việc hỗ trợ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP.

Đây là bước đi có tính chiến lược và kịp thời trong đảm bảo ATTP cho người dân theo hướng quản lý dựa trên nguy cơ.

Xác định, đánh giá nguy cơ

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia vừa công bố Quyết định thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP. Theo đó, Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP thuộc Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia được thành lập theo quyết định số 1936/QĐ-BYT ngày 8/7/2024.

Trung tâm có chức năng xác định và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe gây ra bởi các tác nhân hóa học, sinh học, các tác nhân khác trong thực phẩm và các sản phẩm liên quan; tham mưu công tác quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ về ATTP.

Mặt khác, Trung tâm tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng mạng lưới thu thập - tổng hợp thông tin, dữ liệu; đào tạo, hợp tác trong nước và quốc tế về đánh giá nguy cơ ATTP theo quy định.

Nhiệm vụ của Trung tâm là xác định và đánh giá nguy cơ về ATTP; tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; xây dựng mạng lưới thu thập - tổng hợp thông tin, dữ liệu; đào tạo - hợp tác trong nước và quốc tế; tham mưu công tác quản lý ATTP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ATTP là vấn đề thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mọi người dân. Thực phẩm an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển bền vững và xây dựng niềm tin của xã hội.

Với nhu cầu ngày càng cao của xã hội, việc chủ động đánh giá, dự báo và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến ATTP đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác đánh giá nguy cơ trong việc hỗ trợ cho công tác quản lý ATTP, Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP.

Trung tâm ra đời trong bối cảnh này là một bước đi có tính chiến lược và kịp thời trong công tác đảm bảo ATTP cho người dân theo hướng quản lý dựa trên nguy cơ. Trung tâm sẽ có trách nhiệm đánh giá nguy cơ về ATTP, nghiên cứu, phát triển các phương pháp tiên tiến để nhận diện và phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ về mặt khoa học, kỹ thuật của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, ngành y tế hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống đánh giá nguy cơ ATTP bài bản, chuyên nghiệp, từ đó góp phần giảm thiểu các tác hại tới sức khỏe cộng đồng.

Kiểm soát chất lượng ATTP tốt hơn

Để Trung tâm hoạt động hiệu quả và thực sự phát huy vai trò, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP một số điểm quan trọng: Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cần ưu tiên phát triển về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Trung tâm. Trong đó, việc tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực đánh giá nguy cơ theo chuẩn của WHO/FAO.

Việc hợp tác sẽ giúp trung tâm tiếp cận các tiến bộ công nghệ và kiến thức quốc tế, từ đó áp dụng những phương pháp đánh giá tiên tiến nhất trong lĩnh vực ATTP.

Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia chủ động đề xuất, thực hiện các nghiên cứu đánh giá nguy cơ đối với các mối nguy tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, để đưa ra các cảnh báo sớm và phòng ngừa kịp thời các nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, Viện tạo điều kiện để Trung tâm đánh giá nguy cơ tích cực tham gia vào công tác xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP.

Việc này rất quan trọng trong việc thiết lập các quy định chặt chẽ và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là cơ sở để kiểm soát tốt hơn chất lượng và ATTP, đồng thời tăng cường lòng tin của người dân vào các sản phẩm tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cần xây dựng mạng lưới thu thập dữ liệu và thông tin về ATTP trên toàn quốc, nhằm phục vụ đánh giá nguy cơ về ATTP. Mạng lưới này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phân tích các nguy cơ mà còn cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý, giúp nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Ngoài ra, Trung tâm đánh giá nguy cơ thuộc Viện phải luôn là cầu nối tham mưu cho công tác quản lý Nhà nước về ATTP. Cục ATTP có những chỉ đạo để phát huy vai trò của Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP trong công tác quản lý ATTP dựa trên nguy cơ.

Trung tâm Đánh giá nguy cơ về ATTP được thành lập thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế. Sự ra đời của Trung tâm là niềm vui, niềm tự hào và là cột mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Viện kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia. Để Trung tâm đạt được mục tiêu hoạt động đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, sự đầu tư hiệu quả và kịp thời cả về chất và lượng của đội ngũ cán bộ chuyên trách.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện Trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.

Báo Kinh tế & đô thị

https://kinhtedothi.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-dua-tren-danh-gia-nguy-co.html

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 346
Lượt truy cập trong tuần: 26648
Lượt truy cập trong tháng: 101493
Lượt truy cập trong năm: 2700165
Tổng số lượt truy cập: 46767553
Về đầu trang