Điểm báo
Bộ Y tế làm rõ phản ánh thiếu vắc-xin tiêm chủng trong chương trình mở rộng
Bộ Y tế vừa có báo cáo làm rõ phản ánh về việc thiếu vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thiếu vắc-xin ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng
Báo cáo số 1009/BC-UBTVQH15 ngày 16/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV nêu rõ, mặc dù Chính phủ có biện pháp gỡ khó cho Bộ Y tế về tiêm chủng bằng việc từ giữa đầu tháng 2/2024 bằng việc ban hành Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 về kinh phí tiêm chủng mở rộng, song đến tháng 6/2024, Bộ Y tế mới ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Ban Dân nguyện, vừa qua Bộ này đã có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin song thực tế cho thấy, còn đó nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9/2024 vẫn xảy ra tình trạng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp quyết liệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; đánh giá về ảnh hưởng khi trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nhất là đối với những vắc-xin được chỉ định tiêm cho trẻ em ngay sau khi sinh ra và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Đồng thời xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin trong thời gian qua; đánh giá tình hình dịch sởi, bạch hầu và ho gà xảy ra ở một số tỉnh, thành phố và mối liên quan đối với tình trạng thiếu vắc-xin ở các địa phương; dự báo về diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Trước ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết có hồi đáp cho rằng, có nguyên nhân khách quan là do tình hình chung của thế giới sau đại dịch, do dịch bùng phát theo chu kỳ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018 là một trong những năm có số ca mắc sởi cao nhất trong vòng một thập kỷ, với gần 10 triệu ca nhiễm và hơn 140.000 ca tử vong trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, trong các năm 2014 và 2019 đã ghi nhận số trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi tăng cao, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng tiêm chủng các mũi vắc-xin sởi đạt tương ứng: năm 2014 là sởi mũi 1: 97,4%, Sởi mũi 2: 93,8%; năm 2019 là sởi mũi 1: 95,4%, Sởi mũi 2: 92,4%.
Năm 2023-2024, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi đã bùng phát trở lại, hiện nay đã bùng phát trở lại tại 103 quốc gia sau 5 năm.
Về kinh phí thực hiện tiêm chủng mở rộng, theo Bộ này còn đó khó khăn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020: Kinh phí mua vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được bố trí trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế được cấp kinh phí mua vắc-xin và phân bổ cho các địa phương. Giai đoạn 2021 - 2022: Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc.
Theo Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, ngân sách trung ương tiếp tục bố trí kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2021 - 2022 tương tự như giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy giai đoạn trước 2023, Bộ Y tế được giao kinh phí mua vắc-xin và phân bổ cho các địa phương.
Từ năm 2023, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương mua vắc-xin từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...
Vì vậy, nhiều địa phương đã kiến nghị đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm đầu mối mua vắc-xin và phân bổ cho các địa phương. Đồng thời, theo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã ghi nhận các kiến nghị của địa phương.
Nỗ lực cung ứng vắc-xin
Kế hoạch tiêm chủng mở rộng hàng năm là tổng hợp từ đăng ký nhu cầu của các địa phương. Đối với tổng hợp nhu cầu vắc-xin năm 2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố rà soát, xác định nhu cầu vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 ngay từ tháng 12/2023.
Năm 2024, Bộ Y tế chưa được bố trí kinh phí cho hoạt động tiêm chủng mở rộng ngay từ đầu năm như giai đoạn 2016-2022. Do đó Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất nhu cầu kinh phí để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng 2024.
Song song với việc gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phê duyệt kinh phí mua vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng 2024, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 bao gồm nhu cầu vắc-xin 6 tháng cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025. Việc ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 vào đầu tháng 6/2024 và trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí là kịp thời.
Trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục mua sắm vắc-xin, để đảm bảo cung cấp vắc-xin cho chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch Bộ Y tế đã chủ động đề nghị WHO, UNICEF, Chính phủ Úc, các tổ chức viện trợ, hỗ trợ vắc-xin phối hợp Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván, Viêm gan B và Hib (DPT-VGB-Hib) và vắc-xin Sởi-Rubella trong năm 2023-2024.
Đồng thời, trong giai đoạn chờ phê duyệt kinh phí năm 2024, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành mua sắm các vắc-xin cần cung ứng ngay cho chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm vắc-xin uốn ván và vắc-xin viêm gan B tiêm cho đối tượng trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Y tế, hiện còn một số khó khăn trong quá trình mua sắm vắc-xin như hiện nay quy trình mua sắm vắc-xin còn nhiều thủ tục cần thời gian triển khai thực hiện (ước tính khoảng 2-3 tháng).
Các quy trình mua sắm vắc-xin bao gồm giao dự toán ngân sách nhà nước; phê duyệt kế hoạch đặt hàng; xây dựng phương án giá; thẩm định giá và phê duyệt (2 tháng).
Quá trình thẩm định và phê duyệt giá vắc-xin trải qua nhiều bước, yêu cầu phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các đơn vị sản xuất, điều này có thể dẫn đến chậm trễ trong việc ban hành giá cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm.
Báo Đầu tư
ĐB Quốc hội: gỡ vướng hoạt động đấu thầu cho cơ sở y tế công lập
Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà, các cơ sở công lập gặp khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, nhưng các cơ sở y tế ngoài công lập vẫn đảm bảo đủ thuốc, thiết bị…
Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Khó kiểm soát chất lượng, giá cả khi người dân phải mua thuốc bên ngoài
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, về quy định tại Khoản 2 Điều 55, cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Về giá thuốc mua vào, Nghị định 155/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trong vòng 12 tháng.
Về giá thuốc bán ra, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Do đặc thù nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, quy định tại Khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 2, tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng Luật Đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm. Khi triển khai thực tế, đã có rất nhiều sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay, thực trạng hiện nay các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều loại thuốc, thiết bị y tế, để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân. Ngoài thuốc, nhà thuốc bệnh viện cũng còn có một số loại mặt hàng khác như thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sữa, đều là những mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu”.
Để đảm bảo tính logic giữa các điều khoản Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2 như sau: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).
Nghịch lý giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập
Về quy định liên quan đến gói thầu đào tạo, bồi dưỡng tại Điều 29 “Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt”, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng với “gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ, công chức do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao”.
Đối với các lĩnh vực như giáo dục, y tế, ngoài đội ngũ công chức với số lượng ít, lực lượng của ngành chủ yếu là viên chức và lao động hợp đồng. Với quy định hiện hành, các gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành dành cho viên chức lại không được sử dụng quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung đối tượng viên chức, người lao động vào nội dung điều khoản này.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại.
Bên cạnh đó, mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập. Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu.
Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm, đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh.
Báo Kinh tế & đô thị
https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-go-vuong-hoat-dong-dau-thau-cho-co-so-y-te-cong-lap.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc