hoạt động Ngành
Năm 2024, thành phố phát hiện thêm 400 trường hợp nhiễm HIV mới và đạt 88,9% so với chỉ tiêu kế hoạch (450 trường hợp). Hiện số người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn thành phố Hà Nội là 14.997. Các hoạt động chuyên môn đã được ngành y tế phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện.
Nhiều kết quả đã đạt được trong năm 2024
Kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95, hiện có 73,2% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý, tăng 2,6% so với năm 2023 (70,6%). 88% số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV và 99,2% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế trên tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng vi rút.
Ngành y tế đã cùng với Quỹ toàn cầu tổ chức giám sát hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại 30 quận, huyện, thị xã. Triển khai giám sát trọng điểm HIV, giang mai, giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi trên nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm (hoàn thành 400 mẫu) và đã lập bản đồ nhóm phụ nữ bán dâm tại 11 quận trên địa bàn thành phố. Ngành y tế đã thực hiện giám sát hỗ trợ, đánh giá công tác xét nghiệm tại phòng xét nghiệm sàng lọc HIV của 73 cơ sở y tế trên địa bàn.
23 cơ sở điều trị methadone trên địa bàn thành phố đã điều trị cho trên 4500 bệnh nhân trong năm 2024.
Toàn thành phố duy trì việc cấp phát vật tư can thiệp như bao cao su, bơm kim tiêm và chất bôi trơn miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới. Cụ thể trong năm 2024, đã có 5111 người nghiện chích ma tuý được cấp phát bơm kim tiêm (109%); 888 phụ nữ mại dâm được cấp bao cao su (77%); 5824 người nam có quan hệ tình dục đồng giới được cấp phát bao cao su (93,2%).
Thành phố có 13 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và có 9644 người (96,1%) được sử dụng ít nhất một lần dịch vụ này trong năm 2024 và hiện tại có 4462 khách hàng đã dừng điều trị PrEP.
Việc điều trị HIV/AIDS tại 23 cơ sở điều trị HIV/AIDS (04 cơ sở thuộc bệnh viện trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 19 cơ sở điều trị do Sở Y tế quản lý) được đẩy mạnh với 13.311 lượt bệnh nhân được chăm sóc sức khoẻ, chiếm 88,8% bệnh nhân còn sống. Tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 100% (42/42 bệnh nhân).
Số người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại 19 cơ sở y tế của ngành y tế Hà Nội là 9527/9635 đạt 98,9% và tất cả các cơ sở này đều thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV do BHYT chi trả. Năm 2024, Hà Nội cấp thuốc ARV nguồn BHYT tại 19 cơ sở điều trị này với tổng số 9339/9527 (98%) bệnh nhân được nhận thuốc. Tất cả các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nhận thuốc ARV nguồn BHYT mua theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đều được hỗ trợ kinh phí đồng chi trả tiền thuốc.
Ngành y tế phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội duy trì hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone tại 23 cơ sở (19 cơ sở do ngành y tế quản lý và 4 cơ sở do ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý) điều trị cho 4541 bệnh nhân. Công tác cung ứng thuốc methadone cho các cơ sở được đảm bảo đủ, chất lượng và việc bảo quản, cho bệnh nhân uống thuốc đều tuân thủ đúng quy trình chuyên môn của Bộ Y tế.
Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố Hà Nội vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 5/2/2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống HIV/AIDS năm 2025 giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, trong đó Sở Y tế là đơn vị thường trực.
Để dự phòng và can thiệp giảm tác hại, UBND thành phố yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV như can thiệp giảm tác hại cho nhóm người nguy cơ cao: nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, vợ/chồng/bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS cần tập trung vào nội dung tư vấn song song với giám sát dịch tễ học HIV/AIDS. Điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV bằng thuốc, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV…
UBND thành phố cũng đề ra mục tiêu cụ thể: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế.
Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu cụ thể như:
- 370 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2025.
- 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 70% phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 70% nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận với chương trình bao cao su.
- 4.350 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone.
- Hoàn thành 300 mẫu giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế.
- 13.737 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (Bao gồm các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện đại học Y Hà Nội).
- 400 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV.
- 85% bệnh nhân đang điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng HIV; 98% bệnh nhân có kết quả tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế (< 1.000 Cp/ml).
- 9324 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần.
- 95,2% người nhiễm đang điều trị HIV/AIDS hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn.
Theo đánh giá của ngành y tế trong năm 2024 ở mục tiêu 90 thứ nhất mới đạt được 73,2% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý và số trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện đạt 88,9% theo kế hoạch của UBND thành phố giao. Tìm rõ căn nguyên và đưa ra những giải pháp phù hợp là việc ngành y tế và các sở, ngành liên quan phải làm để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống HIV/AIDS trong năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Hồng Thương
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc