khám chữa bệnh phổ biến kiến thức y khoa

Cảnh báo tác hại của việc bổ sung glucosamine không theo chỉ dẫn
Ngày đăng 27/03/2020 | 15:11  | Lượt xem: 35636

Các chế phẩm glucosamine được người dân đặc biệt là người cao tuổi, người có vấn đề về viêm, thoái hóa khớp truyền tai là thực phẩm bổ sung tốt cho xương khớp.Các chế phẩm glucosamine hiện được rao bán tràn lan trên mạng, được mua hay biếu tặng dưới dạng hàng xách tay mang từ nước ngoài. Vậy bổ sung glucosamine có thực sự tốt và an toàn?

(Ảnh minh họa)

Glucosamine là gì?

Glucosamine là một amino - mono - saccharid được tìm thấy trong cơ thể người, là một thành phần giúp tổng hợp glycosaminoglycan cấu tạo nên mô sụn trong cơ thể và các chất khác liên quan đến tạo gân, dây chằng, lớp dịch nhày ở khớp. Glucosamine được tổng hợp bởi cơ thể nhưng khả năng đó giảm đi theo tuổi tác.

Ở ngoài cơ thể, glucosamine thường được chiết xuất từ các loại sò biển hoặc tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Glucosamine trên thị truờng có 3 dạng chính: Glucosamine sulfat, glucosamine hydrochorid và N-acetylglucosamine. Gốc sulfat là gốc hóa học quan trọng và cần thiết cho việc tổng hợp sụn trong cơ thể, do đó glucosamin sulfat được các nhà nghiên cứu cho là có hiệu quả hơn là các gốc khác như hydrochloride hay N-acetyl.

Bổ sung glucosamine có thực sự tốt?

Trong cơ thể, các khớp được đệm bằng dịch và sụn bao quanh. Ở người cao tuổi, người bị viêm xương khớp, sụn bị thoái hóa và trở nên mỏng hơn,tạo ra ma sát gây đau khớp và cứng khớp.Sử dụng Glucosamine được cho rằng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng khớp và sụn thường được dùng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về xương khớp.

Tuy nhiên,trong y văn, quan điểm về việc sử dụng glucosamine trong điều trị viêm thoái hóa khớp của các cơ quan quản lý dược phẩm, các cơ quan chuyên môn và hội chuyên môn cơ xương khớp trên thế giới vẫn chưa thống nhất.

Việc glucosamine và các chế phẩm kết hợp của nó được sử dụng khá rộng rãi là do truớc đây đã có những nghiên cứu cho rằng sử dụng glucosamine an toàn và có hiệu quả làm giảm đau và cải thiện chức năng trong bệnh viêm khớp xương mãn tính. Tuy vậy, qua các phân tích gộp về các nghiên cứu có đối chứng placebo (giả dược) ngẫu nhiên đã kết luận: sở dĩ có nhận định về tác dụng của glucosamine như trên là do có thiếu sót về phương pháp thiết kế nghiên cứu và đôi khi là sự thiên vị trong công bố kết quả đã dẫn đến sự thổi phồng về những lợi ích tiềm năng của glucosamine. Việc sử dụng glucosamine không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khả quan và glucosamine không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh viêm xương khớp. Ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, glucosamine chưa được công nhận là thuốc, chỉ được công nhận là thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. Nhưng trên thế giới, hiện nay có khoảng 70 quốc gia công nhận glucosamine là thuốc điều trị thoái hóa khớp.

Tại Việt Nam, theo các tài liệu hướng dẫn của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Glucosamine được chỉ định với mục đích “giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình". Việc sử dụng glucosamine trong điều trị viêm thoái hóa khớp ở các vị trí khác ngoài khớp gối không được khuyến cáo và Glucosamine bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi do chưa có số liệu về độ an toàn và hiệu quả điều trị.

Cẩn trọng khi sử dụng glucosamine không theo chỉ định

Theo Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, mặc dù thường được dung nạp tốt, nhưng glucosamine cũng có thể gây ra các phản ứng bất lợi. Khi dùng đường uống, các tác dụng bất lợi thường gặp nhất của glucosamine bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón và đau/nhạy cảm ở thượng vị; các triệu chứng có thể giảm nếu glucosamine được dùng cùng hoặc sau khi ăn. Các tác dụng bất lợi khác bao gồm đau đầu, ngủ gà và mất ngủ, phản ứng trên da như đỏ da và ngứa. Phù ngoại vi và mạch nhanh đã được báo cáo ở một số bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn về glucosamine đường uống hoặc tiêm bắp, nhưng mối quan hệ nhân quả chưa được thành lập.

Trong Cơ sở dữ liệu về Cảnh báo thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến hết tháng 6/2019, một số báo cáo nghiêm trọng, đáng chú ý liên quan đến glucosamine đã được ghi nhận, đặc biệt là phản ứng phản vệ, sốc phản vệ và trụy tuần hoàn (30 báo cáo), độc tính trên gan (01 báo cáo), tăng men gan (12 báo cáo), tăng glucose máu (54 báo cáo) và phơi nhiễm với thuốc trong thai kỳ (01 trường hợp) trong tổng số 3784 báo cáo liên quan đến glucosamine.

Tại Việt Nam, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về theo dõi phản ứng có hại của thuốc tính đến hết tháng 6/2019 cũng đã ghi nhận 68 báo cáo liên quan đến glucosamine, trong đó chủ yếu là các báo cáo về phản ứng trên da (mẩn ngứa, mày đay); các phản ứng đáng chú ý khác với số báo cáo không lớn bao gồm khó thở, tức ngực và tím tái.

Tóm lại, do còn thiếu dữ liệu về các nghiên cứu quy mô lớn, dài hạn, nhất quán về lợi ích và độ an toàn của glucosamine, việc sử dụng glucosamine cần được cân nhắc cẩn thận, nhất là trong bối cảnh thuốc này đang được mua bán và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Để sử dụng thuốc hiệu quả bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác, không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.

Bích Thủy

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 439
Lượt truy cập trong tuần: 3658
Lượt truy cập trong tháng: 196328
Lượt truy cập trong năm: 3069442
Tổng số lượt truy cập: 47136830
Về đầu trang