khám chữa bệnh phổ biến kiến thức y khoa

Tác dụng trị bệnh của vị thuốc Diệp hạ châu
Ngày đăng 04/04/2023 | 14:20  | Lượt xem: 6831

Diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, diệp hòe thái, lão nha châu…vị thuốc Diệp hạ châu thường được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, đặc biệt là trong chữa trị bệnh gan và một số bệnh khác như mụn nhọt, đinh râu…

1. Mô tả đặc điểm cây Diệp hạ châu

Cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa là một loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 30 cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành, thường có màu đỏ. Lá mọc so le lưỡng lệ trông như lá kép, phiến lá thuôn, dài 5-15mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép nguyên nhưng như hơi có răng cưa rất nhỏ, mặt dưới màu lơ xanh, không cuống hay có cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu, đơn tính, hoa đực, hoa cái cùng gốc, ở đầu cành, cái ở dưới, hoa không cuống, hoặc có cuống rất ngắn. Đường kính quả có thể đạt tới 2mm, treo lủng lẳng dưới lá do đó có tên: Diệp=lá, hạ = dưới, châu=hạt, nghĩa là hạt dưới mặt lá. Hạt ba cạnh, hình trứng, màu lâu nhạt, có vân ngang.

Cây diệp hạ châu tên khoa học Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Hornem.). Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

Cây diệp hạ châu mang tên chó đẻ răng cưa vì người ta thấy những con chó sau khi đẻ thường đi ăn cây này, cây thường mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta cũng như ở khắp các nước vùng nhiệt đới. Người dân dùng toàn cây hái về làm thuốc, mùa hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ, thường dùng tươi có khi phơi khô.

2. Một số tác dụng của cây diệp hạ châu

Diệp hạ châu được nhân dân ở nước ta dùng để trị mụn nhọt, đinh râu, chữa rắn cắn, có thể dùng đắp ngoài hoặc uống trong, đặc biệt còn dùng trị sốt, lợi tiểu, đái tháo đường, u xơ tuyến tiền liệt, viêm âm đạo, khó tiêu, viêm đại tràng, viêm gan vàng da.

Liều dùng: ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống. Dùng ngoài không có liều lượng.

3. Một số bài thuốc từ vị thuốc diệp hạ châu

3.1. Thông huyết, hoạt huyết

Bài 1: Lá chó đẻ, mần tưới mỗi thứ 1 nắm, có thể thêm bột đại hoàng 8g. Tất cả giã nhỏ, thêm đồng tiện, vắt lấy nước uống; bã đắp. Chữa vết thương ứ máu.

Bài 2: Lá chó đẻ 1 nắm, giã nhỏ, thêm ít vôi tôi, đắp lên vết thương khi bị thương, bị chảy máu.

3.2. Thanh can, lợi mật

Bài 1: Diệp hạ châu 24g, nhân trần 12g, chi tử 8g, sài hồ 12g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống; uống liên tục 3 tháng. Trị viêm gan virus B.

Bài 2: Diệp hạ châu 30g, mã đề thảo 20g, chi tử 12g. Sắc uống. Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy.

Bài 3: Diệp hạ châu 16g, bồ bồ 16g, vỏ bưởi khô 5g, hậu phác 8g; thổ phục linh, tích huyết thảo, chi tử, rễ đinh lăng mỗi vị 12g; vỏ cây đại 8g. Sắc uống. Chữa viêm gan virus.

3.3. Thuốc tiêu độc

Bài 1: Diệp hạ châu 1 nắm, giã hoặc xay nát với ít muối, ép nước uống, bã đắp vào chỗ đau. Chữa nhọt độc sưng đau.

Bài 2: Lá chó đẻ, lá thồm lồm liều lượng bằng nhau; đinh hương 1 nụ. Tất cả giã nát, đắp chỗ đau. Chữa lở loét không liền miệng.

3.4. Chữa sốt rét

Bài 1: Cây chó đẻ 8g, dạ giao đằng 10g, thường sơn 12g, thảo quả 10g, lá mãng cầu tươi, dây gân 10g, dây cóc 4g, binh lang 4g, ô mai 4g. Sắc uống trước khi lên cơn 2 giờ. Chữa sốt rét.

Bài 2: Diệp hạ châu 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống hàng ngày. Chữa suy gan, sốt rét, nhiễm độc nổi mẩn mụn do nhiệt.

Bài 3: Cây chó đẻ 10g, cỏ nhọ nồi 20g, xuyên tâm liên 10g. Các vị tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 5g. Chữa sốt rét.

Kiêng kỵ: Phu nữ có thai không dùng.

3.5. bài thuốc trị viêm gan, vàng da:

Bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu như diệp hạ châu, nhân trần, chi tử, hạ khô thảo, sài hồ và sắc uống trong ngày. Nên kiên trì uống trong 3 tháng để đạt được hiệu quả tốt nhất.

4. Một số lưu ý khi sử dụng diệp hạ châu

Mặc dù những thành phần của diệp hạ châu rất tốt cho sức khỏe nhưng khi sử dụng người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau: 

- Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng diệp hạ châu: Đau bụng, đi ngoài, đau khi tiểu, đầy bụng, buồn nôn, hạ đường huyết. Do đó, bạn nên cẩn trọng nếu đang sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp

Một số bài thuốc từ diệp hạ châu có thể gây đầy bụng

- Tương tác thuốc: Diệp hạ châu cũng có thể tương tác với một số loại dược liệu, các loại thuốc hoặc một số thực phẩm chức năng khác. 

- Một số trường hợp không nên sử dụng diệp hạ châu: 

+ Phụ nữ đang có thai và trẻ nhỏ dưới 12 tuổi. 

+ Bên cạnh đó, nếu trong quá trình sử dụng, gặp phải những bất thường, bạn nên thông báo sớm đến các bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. 

Tuy là một loại cây mọc hoang, nhưng diệp hạ châu lại có chứa rất nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên những công dụng điều trị bệnh và những bài thuốc nêu trên chỉ là thông tin tham khảo. Khi có những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh, đồng thời có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các bài thuốc từ diệp hạ châu để phòng tránh tối đa các tác dụng không mong muốn từ loại dược liệu này. 

 

Thanh Hiển

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 424
Lượt truy cập trong tuần: 16372
Lượt truy cập trong tháng: 63138
Lượt truy cập trong năm: 874621
Tổng số lượt truy cập: 44942009
Về đầu trang