khám chữa bệnh phổ biến kiến thức y khoa
Vai trò của vitamin A đối với trẻ
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ.
Vitamin A tham gia vào quá trình phân chia tế bào do vậy nó giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất bình thường.
Vitamin A tham gia vào chức năng nhìn của mắt. Do vậy khi trẻ bị thiếu vitamin A, khả năng nhìn của trẻ trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ giảm, hiện tượng này được gọi là bệnh “quáng gà”. Đây là dấu hiệu sớm của thiếu vitamin A.
Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu…. Vì vậy thiếu vitmin A gây khô da, sừng hóa và nếu tổn thương ở mắt thì gây “khô mắt”. Khi các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Chính vì thế mà khi thiếu vitamin A, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Nguyên nhân trẻ bị thiếu vitaminA
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A ở trẻ:
Do ăn uống
Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà vitamin A phải được bổ sung từ ăn uống. Nếu khẩu phần ăn của trẻ nghèo vitamin A, Beta caroten (Beta caroten là tiền chất của vitamin A, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A) thì trẻ sẽ có nguy cơ bị thiếu vitamin A.
Đối với trẻ nhỏ đang bú thì nguồn cung cấp vitamin A là sữa mẹ, vì vậy trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A sẽ gây thiếu vitamin A cho con. Thiếu vitamin A cũng thường hay xảy ra trong giai đoạn cho ăn bổ sung do trẻ không đủ lượng vitamin A từ thực phẩm.
Ngoài ra trẻ có thể bị thiếu vitamin A ngay cả khi khẩu phần ăn giàu vitamin A, Beta caroten nhưng thiếu dầu, mỡ. Lý do Vitamin A là loại vi chất dinh dưỡng tan trong dầu, mỡ và chỉ được hấp thu khi khẩu phần ăn có đủ dầu, mỡ.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị thiếu vitanin A (Ảnh Thanh Thủy)
Trẻ mắc bệnh
Trẻ hay mắc các bệnh viêm hô hấp, tiêu chảy tái đi tái lại, sởi, … dễ bị thiếu vitamin A, do nhu cầu vitamin A trong những trẻ này tăng cao nhằm bảo vệ trước tác nhân gây bệnh.
Trẻ nhiễm ký sinh trùng đường ruột (thường gặp nhất là giun đũa) có thể bị thiếu vitamin A. Nguyên nhân là các ký sinh trùng ký sinh tại ruột làm giảm khả năng hấp thu vitamin A của trẻ.
Trẻ suy dinh dưỡng protein
Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ thường kèm theo thiếu vitamin A, vì cơ thể trẻ thiếu đạm để chuyển hóa và vận chuyển vitamin A. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể trẻ.
Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A
- Cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ: Bảo đảm cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Bổ sung cho bữa ăn của trẻ các thức ăn giàu vitamin A có nguồn gốc từ động vật như: thịt, cá, trứng, gan, bầu dục, tôm... ; các thức ăn có nguồn gốc thực vật giàu Beta caroten như dứa, cà rốt, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…. Ngoài ra bữa ăn của trẻ cần đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.
Các loại rau, củ, quả có hàm lượng Beta caroten cao (Ảnh Thanh Thủy)
- Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ.
- Bổ sung vitamin A cho trẻ: Trẻ từ 6-36 tháng cần được uống bổ sung định kỳ viên nang vitaminA liều cao mỗi năm 2 lần. Đối với bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng, trẻ dưới 5 tuổi khi bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, lên sởi, trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ cũng cần được bổ sung vitamin A liều cao theo chỉ định của cán bộ y tế.
Bổ sung phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ trong ngày vi chất dinh dưỡng (Ảnh Thanh Thủy)
- Ngoài ra để đề phòng thiếu vitamin A ở trẻ, cần phải bảo đảm sức khỏe chung cho trẻ bằng cách: giữ gìn vệ sinh, tiêm chủng đầy đủ, đề phòng các viêm nhiễm và các bệnh do ký sinh trùng đường ruột.
Đỗ Anh Chính
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng