PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Hà Nội tăng cường xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có ca bệnh, ổ dịch Sốt xuất huyết
Ngày đăng 30/09/2024 | 10:33  | Lượt xem: 149

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 20-9 đến 27-9), toàn thành phố ghi nhận 279 ca mắc sốt xuất huyết; 65 ca tay chân miệng; 07 ca sởi; 01 ca uốn ván; 01 ca ho gà.

Cụ thể, trong tuần Hà Nội ghi nhận 279 ca mắc sốt xuất huyết, 0 tử vong; giảm 6 trường hợp so với tuần trước (285/0). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Thạch Thất, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thanh Xuân, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Phúc Thọ.

Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Dương Nội, La Khê thuộc quận Hà Đông; Hữu Bằng, Phùng Xá thuộc huyện Thạch Thất; Quất Động, Thường Tín; Tân Hội, Đồng Tháp, Thọ Xuân thuộc huyện Đan Phượng; Phú Đô, Nam Từ Liêm; Khương Đình, Thanh Xuân; Quan Hoa, Cầu Giấy. Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 3.530 trường hợp, 0 tử vong, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2023 (15.354/3).

Trong tuần ghi nhận 18 ổ dịch tại 8 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai; giảm 5 ổ dịch so với tuần trước (23 ổ dịch). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 183 ổ dịch, còn 34 ổ dịch đang hoạt động.

CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết tại: Quất Động, Thường Tín; Khương Đình, Thanh Xuân; Minh Khai, Bắc Từ Liêm; Nhật Tân, Tây Hồ; Hàng Bột, Văn Chương, Đống Đa; Tân Hội, Đan Phượng.

Thực hiện giám sát ổ dịch dại trên chó tại Minh Phú, Sóc Sơn: ghi nhận 01 ổ dịch dại trên chó (01 con chó dại khoảng 3 tháng tuổi, chó không rõ nguồn gốc, được gia đình mua từ chợ về nuôi được khoảng 1 tháng nay, cho chưa được tiêm phòng). Con chó này đã cắn 1 cháu bé 3 tuổi là cháu của chủ nhà (sống ngay cạnh nhà chủ nhà). Sau đó, chó có biểu hiện ốm (bỏ ăn, nôn) được người nhà cho đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút dại do Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm ngày 23-9-2024. Hiện tại, cháu bé đã được tiêm phòng vắc xin và huyết thanh phòng Dại sau khi chó có kết quả dương tính Dại, hiện sức khỏe đang bình thường.

Thành phố cũng ghi nhân 65 ca mắc tay chân miệng, 0 tử vong, tăng 20 ca so với tuần trước (45/0). Một số đơn vị nhiều bệnh nhân như: Hà Đông, Sóc Sơn, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Mê Linh. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 2.071 trường hợp, 0 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (1.798/0).

Trong tuần ghi nhận 01 ổ dịch tại Trung Văn, Nam Từ Liêm. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 42 ổ dịch, còn 01 ổ dịch đang hoạt động.

Hà Nội ghi nhận 07 trường hợp mắc sởi, 0 tử vong, trong đó có 5 trường hợp chưa được tiêm chủng và 2 trường hợp chưa tiêm đầy đủ vắc xin sởi; số mắc tăng 5 trường hợp so với tuần trước (2/0). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 13 trường hợp, 0 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0).

Ghi nhận 01 trường hợp mắc ho gà, 0 tử vong, giảm 3 trường hợp so với tuần trước (4/0). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 233 trường hợp tại 29 quận, huyện, thị xã, 0 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0).

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 01 trường hợp mắc Uốn ván tại Chương Mỹ, 0 tử vong. Đây là bệnh nhân nam, 47 tuổi, cách vào viện 10 ngày bị dằm đâm vào ngón tay trong khi làm vườn, không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 20-9, bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm, nhập bệnh viện 103, chẩn đoán Uốn ván. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 14 trường hợp, 1 tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (21/2).

Các dịch bệnh khác như: viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella không ghi nhận trong tuần.

Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại: Quất Động – Thường Tín, Yên Nghĩa – Hà Đông, Đông La – Hoài Đức, Khương Đình – Thanh Xuân, Sơn Hà – Phú Xuyên, Phú Đô – Nam Từ Liêm, Phụng Thượng – Phúc Thọ.

Các TTYT quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục để tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin sởi của toàn bộ trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong tháng 10-2024) để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố.

Tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân. Phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại trên động vật; triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Song song với đó, tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng… Đối với các bệnh có vắc xin thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

SỞ Y TẾ HÀ NỘI

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 417
Lượt truy cập trong tuần: 27051
Lượt truy cập trong tháng: 101896
Lượt truy cập trong năm: 2700568
Tổng số lượt truy cập: 46767956
Về đầu trang