phòng chống HIV/AIDS
HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản về tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 242.000 người. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay; tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Đáng chú ý, MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.
Theo PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), những năm qua, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là bước đột phá của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT và tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ BHYT đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV từ nguồn quỹ BHYT, nâng tỷ trọng của quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn tài chính cho chương trình phòng chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ BHYT không chi trả, do vậy việc cung cấp các dịch vụ dự phòng còn rất nhiều khó khăn.
Liên quan đến tiếp cận các dịch vụ y tế trong phòng chống HIV/AIDS, đại diện nhóm chuyên gia của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS cho biết, đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến cho công tác phòng chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn. Các rào cản rõ hơn trong thời gian giãn cách xã hội như các đối tượng không được ra ngoài, thiếu thông tin về các gói dịch vụ y tế, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, sức khỏe tâm thần không bảo đảm để tiếp cận các dịch vụ… Những cản trở này vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến những kết quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Tư vấn điều trị HIV. (ảnh sưu tầm)
Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thườn, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội chứ không phải là một bệnh mạn tính.
Thêm nữa do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử nên những người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch gây khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS.
Việc không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Họ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng chống HIV/AIDS…
Nhằm bảo đảm bền vững các kết quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 3 trụ cột chính. Thứ nhất, đó là triển khai xét nghiệm HIV, phát hiện người dương tính HIV cần điều trị càng sớm càng tốt và phải đạt tới mức dưới ngưỡng ức chế. Thứ hai, điều trị giảm người tử vong, triển khai các biện pháp dự phòng khác nhau, tập trung vào các nhóm ưu tiên và địa bàn cần ưu tiên để tiết kiệm nguồn lực. Thứ ba, cần có các giải pháp xây dựng về chính sách pháp luật, về tài chính, về truyền thông, huy động nhân lực, huy động cộng đồng, phối hợp liên ngành và các chiến lược về giám sát dịch để bảo đảm các nghiên cứu, định hướng, đường lối tốt nhất cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các dự án do nước ngoài hỗ trợ như dự án Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS (dự án VUSTA). Giai đoạn 2021-2023, dự án đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng và triển khai tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay, dự án VUSTA luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế. Trong số đó, một trong những mục tiêu của dự án là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi.
Để những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận tốt các dịch vụ y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng đưa ra một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mua sắm thuốc ARV BHYT để thực hiện các kế hoạch mua sắm bổ sung thuốc ARV; điều tiết thuốc ARV các nguồn để hỗ trợ cho các cơ sở chưa có thuốc. Đồng thời, đẩy mạnh làm việc với Quỹ toàn cầu đề nghị hỗ trợ thuốc ARV đối với các thuốc do BHYT và nguồn ngân sách nhà nước chi trả nhưng không mua được. Làm việc với các đơn vị cung ứng xét nghiệm tải lượng, hướng dẫn các cơ sở điều trị điều chỉnh đơn vị ký hợp đồng xét nghiệm tải lượng HIV…
Công cuộc phòng chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành quả. Việt Nam từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí (giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS). Để tiếp tục bảo đảm bền vững kết quả đã đạt được, Việt Nam vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tích cực để người bệnh sớm phát hiện bệnh, sớm tiếp cận dịch vụ điều trị hướng tới không còn người nhiễm HIV vào năm 2030.
Việt Nam
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc