phòng chống tai nạn thương tích

Cảnh báo tai nạn: Hóc dị vật do ngậm trị ho
Ngày đăng 17/02/2023 | 14:34  | Lượt xem: 380

Vừa qua Viện điều trị Cán bộ cao cấp Quân đội (A1) - Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một bệnh nhân, nam 58 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, ho khạc đờm nhiều.

Cách vào viện 5 ngày bệnh nhân sau nhiễm lạnh xuất hiện ho khan. Theo phương pháp điều trị dân gian, người bệnh tự ngậm vỏ quả Kha Tử trị ho. Trong lúc ngậm xuất hiện ho đột ngột, bệnh nhân không biết mình có hít phải dị vật không, nhưng không thấy khó thở nên cũng không đi khám kiểm tra. Sau 2-3 ngày xuất hiện sốt cao 39-40 độ, ho tăng hơn, khàn tiếng, người bệnh đến viện 108 khám, chụp CT Sanner ngực thấy hình ảnh tổn thương đông đặc thùy giữa phổi phải và phát hiện dị vật trong lòng phế quản. Qua nội soi phế quản ống mềm thấy dị vật có kích thước 1,2cm x 1,5cm gây tắc hoàn toàn phế quản trung tâm.

Hình 1: Phim chụp Cắt lớp vi tính thấy hình ảnh dị vật trong phế quản bên phải

Hình 2: Hình ảnh dị vật ở phế quản trung gian bên phải qua nội soi phế quản

Khoa hô hấp đã tiến hành gắp dị vật thành công, hút rửa sạch phế quản. Sau khi được nội soi lấy dị vật thành công bệnh nhân hết sốt, triệu chứng ho giảm. Tiếp tục điều trị kháng sinh, bệnh nhân dần ổn định và ra viện.

Hình 3: Dị vật là mảnh của quả Kha Tử sau khi được lấy ra từ phế quản người bệnh

Dị vật đường thở là tình trạng trong thanh- khí- phế quản của người bệnh đang mắc các vật dụng vô cơ hoặc thức ăn kích thước lớn. Khi có dị vật người bệnh thường có các triệu chứng như: ho sặc sụa, khó thở, tím tái, khàn tiếng… Nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh chóng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, viêm phế quản- phổi, xẹp phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày, sẹo hẹp thanh quản thậm chí tử vong. Khi nhắc đến dị vật đường thở chúng ta thường nghĩ ngay đến đối tượng là trẻ em, người già nhưng hóc dị vật có thể xảy ra với bất kì ai nếu chúng ta sơ suất.

Khuyến cáo người dân, khi nghi ngờ bị hóc dị vật …Tùy lứa tuổi và tình trạng của nạn nhân mà xử trí đúng cách và nhanh chóng. Nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo, tốt nhất bạn nên tìm người có chuyên môn hoặc chờ đội cấp cứu, không nên cố gắng dùng tay móc hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra. Những việc này làm cho niêm mạc miệng xước, dễ chảy máu, nhiễm trùng hoặc làm dị vật có thể mắc sâu hơn và rơi xuống những vị trí nguy hiểm. Mỗi người dân cần trang bị cho bản thân và gia đình các kiến thức sơ cứu cơ bản các tai nạn thường gặp nhất là hóc dị vật.

          Nếu người bị nghẹt sặc còn tỉnh, có thể nói, ho mạnh hoặc thở đầy đủ thì chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp nạn nhân bị tắc nghẽn đường thở nặng và đe dọa tính mạng (Nạn nhân vẫn tỉnh nhưng không thể ho, nói, khóc hoặc thở được) bạn có thể thực hiện biện pháp Heimlich đối với người tỉnh:

Bước 1: Vỗ mạnh 5 cái vào sau lưng (hình 4)

Dùng phần cuối bàn tay vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần riêng biệt tại vị trí giữa hai bả vai.

Cẩn đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh và mỗi lần vỗ lưng tách biệt. Cố gắng đánh bật dị vật ra với mỗi lần vỗ lưng.

Đánh giá tình trạng cải thiện sau mỗi lần vỗ lưng.

Hình 4: Thủ thuật vỗ lưng tống dị vật đường thở ra ngoài

Bước 2: Tiến hành ép bụng 5 cái

1/ Áp dụng cho người lớn và trẻ > 1 tuổi

Người cứu hộ đứng hoặc quỳ gối phía sau và vòng 2 tay qua người nạn nhân.

Đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức để ép bụng dành cho những người không mang thai hoặc béo phì; đặt lên mặt trước 1/3 dưới xương ức để ép ngực dành cho người béo phì và phụ nữ cuối thai kỳ.

Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm

Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần

Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có.

2/ Đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi: Cho trẻ nằm ngửa lên cẳng tay và kê lên đùi người sơ cứu (như hình 5), chú ý nâng đầu và cổ trẻ cận thận, dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào 1/3 dưới xương ức.

Hình 5: Thủ thuật Heimlich

Bước 3: Lặp lại bước 1 và bước 2 cho đến khi:

Dị vật bắn ra ngoài.

Nạn nhân có thể ho mạnh và thở được.

Bước 4: Làm gì tiếp theo:

Nếu dị vật bắn được ra ngoài, nạn nhân có thể ho mạnh và thở được, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu nạn nhân mất ý thức: cẩn thận cho nạn nhân nằm xuống mặt phẳng, đánh giá tình trạng hô hấp tuần hoàn, nếu ngừng tuần hoàn, gọi cấp cứu 115 và tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản ngay.

Hồng Vân (nguồn  Bệnh viện TWQĐ 108)

https://www.benhvien108.vn/canh-bao-tai-nan-hoc-di-vat-do-ngam-tri-ho.htm

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 253
Lượt truy cập trong tuần: 2004
Lượt truy cập trong tháng: 194674
Lượt truy cập trong năm: 3067788
Tổng số lượt truy cập: 47135176
Về đầu trang