tác hại thuốc lá
Sáng 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về "Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam".
Số bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá chiếm 96,8%
Tại Hội thảo, đông đảo đại biểu đã lắng nghe các tham luận, bài phát biểu của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Lãnh đạo trường ĐH Thương mại và Tổ chức HealthBridge Việt Nam.
Trình bày tham luận "Thực trạng sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá và mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế) nêu lên thực trạng tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế) trình bày tham luận.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: "25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam; Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm đến 96,8%; Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao".
Nói về gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá thông tin, số tiền mua thuốc lá trung bình lên đến 49.000 tỷ đồng; Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP.
Tại tham luận "Các sản phẩm thuốc lá mới: tác hại, nguy cơ gia tăng sử dụng trong giới trẻ" do Ths. Bs. Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, hiện nay các nhóm sản phẩm thuốc lá mới.
Trong đó, thuốc lá điện tử có nicotine, hoạt động theo cơ chế nung nóng một loại dịch chứa nicotine (e-liquid) tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol và/hoặc Glycerin (đóng vai trò dung môi cho nicotine). Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử (e-cigar), shisha điện tử (e-shishas).
Ths. Bs. Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam).
Thuốc lá điện tử không chứa nicotine có cơ chế hoạt động tương tự loại thuốc lá trên nhưng không chứa nicotine; Thuốc lá nung nóng hoạt động theo cơ chế nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá (khoảng 600 °C). Bên cạnh đó có nhómsản phẩm hỗn hợp (hybrid): có cả sợi thuốc lá và dung dịch nicotine.
Tại tham luận, ông Nguyễn Tuấn Lâm cũng làm rõ việc thuốc lá nung nóng cũng chứa nhiều chất độc giống như khói thuốc lá. Trong đó, ông Lâm cho rằng, dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Dù các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn, nhưng chúng không làm giảm nguy cơ.
Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe
Trình bày tham luận "Một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đề xuất kiến nghị", do Ths. Trần Thị Trang (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay…
Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội.
Bà Trần Thị Trang cũng thông tin, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Ths. Trần Thị Trang (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế).
Trong khi đó, hiện Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong thuốc lá mới (trên 18.000 chất và hương liệu), chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật… Đặc biệt, Luật, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn in cảnh báo sức khỏe đối với bao thuốc lá điếu, không điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe; Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ; Phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và điều kiện Việt Nam: WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá nung nóng; Cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự…
Hồng Vân (theo Báo Sức khỏe và đời sống)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc