gương điển hình
Là một bác sĩ ai chẳng mong cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Công việc đã khó khăn vất vả là vậy, những y bác sĩ Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đức Giang luôn trong tình trạng chân không nghỉ, tất cả đều dồn lực giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu (BVĐK Đức Giang) nơi ánh đèn không bao giờ tắt.
Tại Khoa Cấp cứu này ngày cũng như đêm, mọi thứ luôn trong guồng quay hối hả. Mỗi ngày khoa tiếp nhận trên dưới 100 bệnh nhân, trong đó các trường hợp nặng, nguy kịch chiếm 1/3. Riêng ca trực đêm kéo dài từ 17h đến 8h sáng hôm sau thường có khoảng 40-50 bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Với lượng bệnh nhân lớn, dồn dập, tình trạng nặng, đòi hỏi 14 y bác sĩ của ca trực đêm phải phối hợp với nhau nhịp nhàng, khẩn trương.
Theo ThS.BS Trần Minh Tân – Khoa Cấp cứu (BVĐK Đức Giang), lực lượng tham gia kíp trực thường có 2 bác sĩ nội khoa, 6 bác sĩ ngoại khoa và 6 điều dưỡng. Các bác sĩ tham gia kíp trực cấp cứu được bố trí để đảm bảo có đủ các chuyên ngành cần thiết cho các trường hợp cấp cứu, ít nhất cần có chuyên ngành tiêu hóa (xử lý các trường hợp như tắc mật, viêm ruột thừa) và chấn thương (xử lý các trường hợp như gãy xương, đa chấn thương, chấn thương sọ não).
Các bác sĩ cũng được phân thành: cọc 1, cọc 2, cọc 3, cọc 4. Trong đó, bác sĩ cọc 1 là người giàu kinh nghiệm và chuyên môn nhất có thể đưa ra các quyết định cao nhất trong kíp trực. Trong khi đó, lực lượng điều dưỡng có nhiệm vụ tiếp đón, phân loại bệnh nhân, thực hiện các thủ thuật (lấy dấu hiệu sinh tồn, băng bó vết thương, cầm máu, cố định chi thể…), y lệnh như điện tim, xét nghiệm máu… Mỗi người một nhiệm vụ, nhiều lớp hỗ trợ nhau giúp cấp cứu bệnh nhân nhanh, chính xác và đảm bảo hiệu suất làm việc xuyên suốt ca trực kéo dài 14 giờ đồng hồ.
"Mỗi 5 ngày chúng tôi lại trực cấp cứu một lần. Như vậy, có những tuần phải trực 2 ngày. Đặc biệt với những cán bộ y tế nữ đã có gia đình, đây là một sự hy sinh rất lớn", bác sĩ Tân chia sẻ.
Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng, những người được làm việc trong ngành y vừa là vinh dự lớn lao nhưng gánh vác trọng trách không hề nhỏ. Với những bác sĩ trẻ đang làm việc tại Khoa Cấp cứu – nơi được coi là đầu sóng ngọn gió tại bệnh viện thì áp lực càng tăng lên gấp bội, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát. Thế nhưng họ vẫn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.
Bác sĩ Lê Thị Tâm (29 tuổi) – bác sĩ nữ ngoại khoa duy nhất ở Khoa Cấp cứu (BVĐK Đức Giang) có lựa chọn ban đầu học về kinh tế nhưng sau đó với mong muốn trở thành bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và giúp đỡ mọi người, cô gái trẻ quyết định bảo lưu kết quả thi lại vào ngành y. Con đường trở thành bác sĩ đã bắt đầu như vậy.
Bác sĩ Lê Thị Tâm thăm hỏi người bệnh, động viên người nhà bệnh nhân.
Gần 3 năm công tác tại đây, bác sĩ Tâm đã phải đối mặt với không ít áp lực, đó có thể là sự tấn công của bệnh nhân hay người nhà người bệnh hay những thời khắc chứng kiến các bệnh nhân ra đi chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
“Hầu như ngày nào mình cũng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân tai nạn, say rượu hay gia đinh người nhà bệnh nhân không tôn trọng bác sĩ, có lần người nhà muốn đánh cả bác sĩ. Ban đầu mới về mình cũng rất sợ, nhưng sau cũng quen dần lên và học cách kiềm chế làm thế nào để dung hòa được điều đó” – Bác sĩ Tâm chia sẻ.
Bác sĩ Tâm kể: Năm 2022, dịch Covid-19 cực kì căng thẳng, viện mình điều trị rất đông bệnh nhân, mình cũng tham gia điều trị Covid khoảng 4 tháng. Trong 4 tháng ấy, mình có trực chính tại khu điều trị bệnh nhân nặng, một mình trực nên cảm thấy rất áp lực. Có những hôm cuối buổi trực có đến 4,5 bệnh nhân tử vong trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Lúc ấy cảm giác rất stress, mình nghĩ trong khoảng thời gian mình gắn bó với nghề y còn không gặp nhiều trường hợp tử vong trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy.
Cũng đã công tác tại BVĐK Đức Giang hơn 3 năm. Từ những ngày đầu tiên bác sĩ Nguyễn Duy Toản đã làm việc tại Khoa Cấp cứu. Một vài lần được cử đi tăng cường các khoa khác, anh nhận thấy làm việc tại Khoa Cấp cứu vẫn là vất vả nhất, vì thế ít bác sĩ xin về hơn. Để làm việc được ở Khoa Cấp cứu, bác sĩ cần nhanh nhẹn, quyết đoan và thậm chí liều linh. Mỗi buổi trực đêm tại đây thường rất áp lực.
Bác sĩ Nguyễn Duy Toản – Khoa Cấp cứu (BVĐK Đức Giang) cho biết: lượng bệnh nhân vào cấp cứu ban đêm thường nhiều hơn ban ngày. Thứ hai nữa là áp lực về mặt thời gian, yêu cầu tốc độ xử lý nhanh hơn các chuyên khoa khác. Thứ ba là áp lực về mặt gia đình. Người bệnh và người nhà bệnh nhân luôn muốn được chăm sóc tốt nhất đôi khi cũng gây áp lực lên các bác sĩ.
Khi chọn ngành y đôi khi có thể là sự chạnh lòng khi dao sắc không gọt được chuôi, thời điểm người thân cần mình chăm sóc lúc ốm đau bệnh tật thì vì công tác lại không thể ở bên.
Bác sĩ Toản thăm khám cho bệnh nhân.
“Thời điểm cả bố và mẹ mình đều mắc Covid-19, sốt cao mà mình phải trực 4 ngày vì khi ấy bệnh viện rất thiếu người nên mọi người phải trực dài ngày liên tiếp. Khi về thì bố mẹ đã khỏe rồi, tuy nhiên bố mẹ hiểu và không trách nhưng mình vẫn cảm thấy chạnh lòng” – bác sĩ Toản bộc bạch.
Để giữ ngọn lửa nghề không bao giờ tắt đó là những phút giây cân não, giành giật sự sống cho người bệnh, có thể cứu được họ qua ranh giới sinh tử, trở về cuộc sống bình thường là động lực giúp những bác sĩ trẻ tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghề. Bên trong cánh cửa Khoa Cấp cứu (BVĐK Đức Giang), các y, bác sĩ vẫn luôn tận lực cứu chữa bệnh nhân để tiếp tục thắp lên những ngọn lửa hy vọng.
Việt Nam
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng