gương điển hình
Điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt (sinh năm 1994) công tác tại Phòng khám đa khoa, Bệnh viện Tim Hà Nội được biết đến là tấm gương sáng về một điều dưỡng tâm huyết với nghề và luôn hết mình với trách nhiệm cộng đồng. Tính đến nay, điều dưỡng Đạt đã có 52 lần hiến máu tình nguyện - con số hiến máu gần gấp đôi tuổi đời của anh.
Điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt mong mình có đủ sức khỏe để có thể hiến máu giúp nhiều người. (ảnh nhân vật cung cấp)
Công việc hằng ngày của điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt tại Phòng khám đa khoa là luyện tập phục hồi chức năng tim mạch, tư vấn giáo dục sức khỏe về bệnh, thuốc, hoàn thiện hồ sơ cho bệnh nhân và tham gia trực cấp cứu. Công tác tại một bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành tim mạch, để có thể đáp ứng được khối lượng công việc lớn, điều dưỡng Đạt đã nỗ lực học tập, tìm tòi, hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn cả trong và ngoài giờ làm việc. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng anh được người bệnh tin tưởng bởi sự thấu hiểu và thái độ ân cần với người bệnh.
Điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt cho biết: “Đặc điểm dễ nhận thấy của bệnh nhân tim mạch là sự thay đổi tâm lý. Trạng thái lo âu, mệt mỏi, cảm xúc không ổn định ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị, phục hồi của bệnh nhân. Tiếp xúc gần nhất, nhiều nhất với bệnh nhân, người điều dưỡng phải nắm bắt được tâm lý để hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công việc có áp lực tới đâu, người bệnh có khó tính tới đâu thì người điều dưỡng càng phải cố gắng đồng hành bởi đây là khoảng thời gian vàng giúp người bệnh bình phục.” Với tâm niệm chăm sóc bệnh nhân như những người thân trong gia đình, điều dưỡng Đạt đến từng giường bệnh để hướng dẫn, giải thích cặn kẽ giúp bệnh nhân yên tâm, tin tưởng điều trị tại bệnh viện.
Điều dưỡng Đạt đồng hành cùng người bệnh luyện tập phục hồi chức năng.
Nhận thấy mình cần trách nhiệm hơn khi quyết định lựa chọn nghề y, năm 2013, ngay từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Nghiêm Văn Đạt đã tham gia hiến máu tình nguyện. “Khi còn nhỏ tôi luôn được mọi người trong gia đình động viên làm những điều tốt. Trong một lần tình cờ xem truyền hình về tấm gương người đã hiến máu nhiều lần giúp mang lại cơ hội sống cho các bệnh nhân, nghĩa cử cao đẹp đó đã in dấu trong tôi. Tôi tự nhủ một ngày gần nhất sẽ tham gia hiến máu tình nguyện.”
“Ngày đầu đăng ký hiến máu tôi có sợ đau nhưng tôi tự trấn an mình rằng điều quan trọng nhất lúc này là phải hiến được máu. Rồi hiến máu nhiều thành quen, nói hết sợ là không đúng vì ai chẳng rùng mình khi bị kim chọc vào da thịt. Tuy nhiên cảm giác sợ lùi dần theo số lần hiến máu, thay vào đó là niềm vui lớn hơn. Tôi vui khi máu của mình có giá trị cứu sống cho ai đó và tôi mong họ khỏe mạnh”. Từ năm 2013 đến nay, điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt đã tham gia hiến máu 52 lần, trung bình mỗi năm có 5 lần hiến máu và tiểu cầu. Bên cạnh đó, nhiều lần điều dưỡng Đạt hiến máu đột xuất để kịp thời cấp cứu các bệnh nhân trong giai đoạn nguy kịch.
Tần suất hiến máu liên tục khiến người thân trong gia đình không khỏi lo lắng vì ảnh hưởng đến sức khỏe của Đạt. Với chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân, điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt đã thuyết phục để người thân hiểu lợi về ích sức khỏe cũng như lợi ích xã hội của việc hiến máu. Từ đó, người thân dần thay đổi quan niệm, không những không phản đối mà còn rất ủng hộ việc làm của Đạt, đồng thời còn tích cực tham gia hiến máu.
Điều dưỡng Đạt ân cần hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho các bệnh nhân cao tuổi. (ảnh nhân vật cung cấp)
“Nhớ lại 2 năm trước, khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi trực tiếp tham gia công việc tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Chứng kiến những khoảnh khắc sự sống mong manh, tôi học hỏi được rất nhiều điều. Trước hết, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với công việc của một người thầy thuốc và xã hội. Với tôi có thể làm được điều gì dù là nhỏ nhưng góp ích cho xã hội sẽ luôn sẵn sàng làm. Vì thế, còn sức khỏe tôi còn tham gia hiến máu.”- điều dưỡng Nghiêm Văn Đạt bộc bạch.
Diệu Linh
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc