gương điển hình

"Nữ hùng" nơi rốn lũ
Ngày đăng 28/08/2024 | 10:39  | Lượt xem: 469

Người phụ nữ với dáng vẻ chất phác đang lăn xả dọn dẹp Trạm y tế xã Nam Phương Tiến kia là chị Nguyễn Thị Uyên - Phó Trạm trưởng trạm y tế xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).

Chị Uyên sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nam Phương Tiến. Năm 2002, chị Uyên tốt nghiệp trường Trung cấp y tế Hà Đông và về công tác tại Trạm y tế xã Nam Phương Tiến. Chị gắn bó với Trạm y tế này đến nay đã 22 năm. Tháng 10/2010, chị được bổ nhiệm làm Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến phụ trách khu A.

Chị Uyên tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn Trạm y tế xã Nam Phương Tiến.

Xã Nam Phương Tiến là nơi rốn lũ, thường xuyên phải hứng chịu những vụ ngập lụt từ rất nhiều năm nay. Đặc biệt, mới đây chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, nước lên rất nhanh chỉ qua 2 ngày 2 đêm mưa to nước đổ về đã san phẳng 4 thôn vùng trũng là Nhân Lý, Nam Hải, Hạnh Bồ và Hạnh Côn. Trạm y tế xã Nam Phương Tiến cũng bị ngập lụt nặng phải tạm thời di chuyển lên khu bưu điện xã thuộc thôn Nam Hải để đảm bảo các hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng với các giải pháp chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản, những cán bộ của Trạm y tế xã cũng đã huy động toàn bộ lực lượng túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu cho nhân dân.

Chị Uyên chia sẻ: "Sau khi được thông báo có cơn bão số 2 đổ về thì Trạm y tế chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng chuẩn bị thuốc men và có thêm lực lượng bên quân đội đến phụ giúp vận chuyển. Mức nước lên đến 70cm vào trong nhà. Ở dưới trạm khu A có 3 nhân viên y tế không ngày nào được nghỉ. Trung tâm y tế (TTYT) huyện có cử 2 cán bộ về trạm tăng cường. Chúng tôi vẫn cung ứng đầy đủ cả thuốc bảo hiểm, thuốc nước ăn chân và thuốc nhỏ mắt cho bà con. Thiên tai ập đến chúng tôi luôn sẵn sàng ứng phó".

"Trạm y tế xã Nam Phương Tiến vỏn vẹn có 8 cán bộ gồm 3 y sĩ đa khoa, 3 y sĩ sản nhi, 1 dược sĩ cao đẳng và 1 viên chức dân số. Khi xảy ra bão lụt, các cán bộ của Trạm vẫn thường trực 24/24. Phân công từng thành viên xuống các thôn để cấp phát thuốc, cloramin B cho các hộ dân khử sạch nước sinh hoạt hàng ngày. Sau khi hết ngập lụt, Trạm cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó và cùng các ban ngành đoàn thể đi phun khử khuẩn, rắc vôi tiêu độc." - chị Uyên kể lại.

Chị Uyên cùng các lực lượng hỗ trợ mang thuốc đi cấp phát cho người dân.

Năm nào cũng vậy, trước lũ lụt, UBND xã đều có kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Do vậy, năm 2024, Trạm y tế xã Nam Phương Tiến cũng chủ động chuẩn bị vật tư y tế như thuốc nước bôi ngoài da, thuốc nhỏ mắt… Xã Nam Phương Tiến có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn, Trạm đã thực hiện cấp thuốc tại nhà cho các trường hợp mắc bệnh mạn tính, các bệnh về da và mắt với tổng số 374 gói thuốc.

Ông Dương Mạnh Hùng - Giám đốc TTYT huyện Chương Mỹ chia sẻ về công tác phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua: TTYT huyện Chương Mỹ đã thành lập và phân công 4 đội cơ động trực thường trú cấp cứu cơ động, phòng chống dịch ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ. Trung tâm đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch đến 32 trạm y tế về xử lý môi trường trước, trong và sau bão, úng, lụt. Chuẩn bị 2 cơ số thuốc cho công tác phòng chống bão lụt (thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi ngoài da, hồ nước, thuốc mỡ tra mắt, thuốc bôi…) để điều trị các bệnh thường gặp sau lũ như viêm kết mạc, tiêu chảy cấp, các bệnh ngoài da cấp miễn phí cho người dân trong vùng ngập lụt. Đóng gói và cung cấp 1.858 gói 100g cloramin B 25%. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phân công cán bộ nữ hộ sinh của các xã theo dõi sát tình trạng các bà mẹ và tư vấn các bà mẹ di dời đến nhà người thân ở các vùng không bị ngập úng. Sẵn sàng phối hợp với BVĐK huyện Chương Mỹ đưa các sản phụ tới bệnh viện và cấp cứu kịp thời các ca bệnh phát sinh.

Khi được hỏi về những khó khăn trong công tác phòng chống bão lụt, chị Uyên nói: "Khó khăn nhất là khi bão lụt, Trạm bị ngập nặng, nhân lực mỏng lại chia thành 2 phần Trạm nên mỗi nhân viên y tế lại càng vất vả. Tuy nhiên, sau khi nước rút, các ban ngành đoàn thể của xã cùng chung tay với Trạm dọn dẹp lại Trạm để thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Chúng tôi đã phải tập hợp tất cả nhân lực từ nhân viên y tế trạm và y tế thôn, tất cả các cộng tác viên dân số ở các thôn cùng nhau hợp lại để hỗ trợ người dân một cách triệt để nhất".

Bà Nguyễn Thị Trâm - Cộng tác viên y tế dân số thôn Nhân Lý chia sẻ: Y tế rất vất vả, vất vả nhất. Đi cấp phát thuốc suốt. Nếu như có đủ thuốc một lượt thì tôi sẽ cấp trong nhóm nhưng không đủ thuốc nên mỗi lần tôi cấp 100 hộ hoặc 50 hộ bắt buộc tôi phải đến từng nhà. Dù có tuổi nhưng tôi vẫn đam mê với nghề, tôi vẫn sẽ làm công việc này đến khi không còn sức để làm.

Bà Bùi Thị Bảy - một trong những hộ gia đình bị ngập sâu bày tỏ: Nhà tôi bị ngập hơn 1m, sau khi ngập xong thì được các cô y tế của xã xuống phát thuốc và hướng dẫn khử khuẩn, phun thuốc muỗi rất nhiệt tình, tận tâm.

Nếu những ngày mưa lũ, cán bộ y tế xã vừa phải túc trực tại trạm y tế lưu động vừa phải đến tận nhà cấp phát thuốc cho nhân dân thì ngay trước khi bắt đầu nước rút họ cũng nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh tẩy trùng từng căn phòng, đồ dùng y tế, chuẩn bị thuốc men sẵn sàng cho các hoạt động khám chữa bệnh trở lại sớm nhất.

Ban Giám đốc TTYT huyện Chương Mỹ tới thăm động viên cán bộ y tế xã Nam Phương Tiến.

Nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Uyên không khỏi xúc động: "Từ ngày ra trường, tôi làm việc và gắn bó rịt với Trạm y tế này, cũng đã 4 lần lăn xả với bão lụt ngập nặng. Năm 2018, khi mọi người đã kê tất cả trang thiết bị như bàn ghế, máy móc lên nhưng nước lên cao quá, chị em tôi lại phải lội bộ xuống trạm để xem xét xử lí. Tôi là người thấp nhất trong số đó nên được đi nhờ thuyền nhỏ của các hộ dân đến trạm, còn các chị em khác phải lội bộ rất khó khăn. Nhưng cũng từ đó mới thấy sức mạnh của sự đoàn kết, cùng nhau làm việc, cùng nhau giải quyết khó khăn để làm sao ít thiệt hại nhất về người và của, còn có chỗ để người dân tới thăm khám sức khỏe".

"Còn năm nay nước ngập vào Trạm 70cm, tôi lại phải huy động toàn bộ cán bộ cả 2 Trạm và y tế thôn thuê ca nô xuống để dọn dẹp khi nước rút xuống hết tầng 1. Sau lũ, toàn bộ Trạm phải nhờ nhiều nguồn lực từ các ban ngành đoàn thể xã để hỗ trợ dọn dẹp, tổng vệ sinh trạm cực kỳ vất vả". - chị Uyên chia sẻ thêm.

Giờ đây, khi nước rút hết, người dân đã từng bước ổn định lại cuộc sống, thì với những cán bộ y tế của xã Nam Phương Tiến vẫn là những chuỗi ngày làm việc không nghỉ vì đây là thời điểm các dịch bệnh dễ bùng phát nhất do đó các chị vẫn như con thoi đi từng ngõ gõ cửa từng nhà hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, vệ sinh nhà cửa, vườn tược. Triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết theo kế hoạch của UBND huyện và tiếp tục triển khai tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn xã.

Mặc dù là xã có gần 1000 hộ ngập sâu trong nước với thời gian dài nhưng đến nay lũ đã qua, tính mạng sức khỏe của người dân xã Nam Phương Tiến vẫn được chăm sóc chu đáo, an toàn, không có dịch bệnh xảy ra. Để có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời của các cấp chính quyền, ban ngành chuyên môn, trong đó đáng ghi nhận là những tấm lòng yêu nghề, sống có trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cán bộ y tế, dân số từ huyện đến xã và đặc biệt là chị Uyên.

"Với tình yêu nghề suốt bao năm qua, bản thân mình cũng đã góp một phần nhỏ công sức cho quê hương, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân địa phương". - Chị Uyên giãi bày.

Việt Nam

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 708
Lượt truy cập trong tuần: 15384
Lượt truy cập trong tháng: 196177
Lượt truy cập trong năm: 1928487
Tổng số lượt truy cập: 45995875
Về đầu trang