gương điển hình
Gần 30 năm gắn bó với nghề chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sinh non thiếu tháng, bác sỹ (BS) Phạm Thị Thu Phương, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện (BV) Phụ Sản Hà Nội đã có dịp trải lòng với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề. Qua những câu chuyện kể của chị về nghề, chúng tôi không thể lý giải được vì sao người phụ nữ nhỏ bé thế lại có thể làm những điều kì diệu đến vậy trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Mọi chuyện chỉ có thể được lý giải được bằng một chữ yêu!
Tâm huyết trong nghề nghiệp
Câu đầu tiên trong cuộc trò chuyện với chúng tôi của người phụ nữ nhỏ nhắn có nụ cười hồn hậu ấy là : “Nếu có một điều ước, tôi ước một ngày có hơn 24 giờ để có thời gian làm được nhiều việc hơn”.
Vì sao chị lại có ước mơ không tưởng thế này, tôi hỏi? “Chỉ có 24 giờ trong một ngày với những người làm nghề chăm sóc trẻ sơ sinh, đặc biệt là những đứa trẻ sinh non thiếu tháng là không đủ. Khoa Sơ sinh mỗi ngày có khoảng 120 bệnh nhi trong đó đến 80% trẻ sinh non, còn lại là trẻ đủ tháng có bệnh lý nặng cần hồi sức, cấp cứu theo dõi. Những trẻ sơ sinh chỉ vẻn vẹn 500-600gr, tuổi thai 25- 26 tuần thì hành trình giành giật lại sự sống thật gian nan. Trẻ được chăm sóc trong một quy trình khép kín: Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh, vận chuyển bệnh nhi vào khoa hồi sức sơ sinh, khám, cho y lệnh, thực hiện y lệnh, chăm sóc hồi sức, chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc phát triển, giải thích cho người nhà, hướng dẫn chăm sóc con… Với mọi người nói chung sẽ làm việc 8 tiếng một ngày, còn với chúng tôi làm việc 10 đến 12 tiếng một ngày là bình thường”, chị Phương chia sẻ.
BS Phạm Thị Thu Phương
Với chị Phương công việc không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc điều trị trẻ, chị phải tham gia quản lý, vận hành các công việc trong khoa. Ngoài ra chị còn là thành viên các hội đồng của bệnh viện như: Hội đồng quy trình chuyên môn, Hội đồng nghiên cứu khoa học, Hợp tác quốc tế…, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Để hoàn thành những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp và kiến thức phải được cập nhật liên tục. Và những công việc không tên này cũng ngốn không ít thời gian và tâm sức của chị.
Dành trọn “Tâm- Trí- Lực” cho Khoa Sơ sinh
Năm 1995, BS Phạm Thị Thu Phương tốt nghiệp chuyên Khoa Nhi- Đại học Y Hà Nội và được nhận về công tác tại Khoa Sơ sinh của BV Phụ Sản Hà Nội làm việc. Trải qua 27 năm gắn bó với Bệnh viện, với Khoa Sơ sinh, chị được chứng kiến từng bước thay đổi của khoa. Thời điểm đó Khoa Sơ sinh còn là khoa nhỏ bé so với các khoa “đàn anh, đàn chị” khác cả về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực.
Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ lãnh đạo khoa cùng tập thể Khoa Sơ sinh, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc BV, sự tài trợ của các tổ chức đến từ Pháp, Ý và gần đây nhất từ năm 2018 hợp tác với tổ chức Newborn Việt Nam, Khoa Sơ sinh đã được xây dựng theo mô hình khép kín toàn diện, mọi thứ có sự đồng bộ hơn. Các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo từ các chuyên gia hàng đầu đến từ Vương Quốc Anh. Đây là những ngày tháng không thể nào quên với tập thể Y bác sĩ tại Khoa Sơ sinh nói chung và cá nhân BS Phương nói riêng. Đó là khoảng thời gian vừa gian nan, vất vả, cùng một lúc vừa học thêm Tiếng Anh chuyên ngành, vừa học nâng cao kiến thức, lại vừa đảm bảo công việc chuyên môn tại khoa, mà vẫn hoàn thành trả bài cho các thầy cô đúng hạn. Thêm vào đó, Khoa Sơ sinh phải mở rộng mặt bằng, sắp xếp lại khoa theo từng khu vực. Có thể nói, bộ mặt Khoa Sơ sinh đã thay da, đổi thịt từng ngày và đã trở thành một trong những khoa mũi nhọn của BV, BS Phạm Thị Thu Phương là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình phát triển, lớn mạnh của khoa.
Bản thân BS Phương còn phải tham gia cùng với các thầy cô chuyên gia Anh Quốc xây dựng hệ thống sơ sinh thí điểm Hà Nội cho các bệnh viện tuyến dưới. “Nghĩ lại, tôi cũng không thể tin rằng chúng tôi lại có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy, giai đoạn mà ngay cả đến thời gian dành cho bản mình cũng không có”. BS Phương kể lại.
Khoa Sơ sinh hôm nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới với một môi trường an toàn, thân thiện và thoải mái, có cơ sở vật chất với các trang thiết bị hiện đại và một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Khoa Sơ sinh đã khẳng định được mình, thành quả lớn nhất là Khoa Sơ sinh- BV Phụ sản Hà Nội đã trở thành một địa chỉ tin cậy để các bà mẹ lựa chọn sinh con.
Truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ
Không chỉ giỏi chuyên môn, đầy trách nhiệm nhiệt huyết với công việc mà một dấu ấn với BS Phạm Thị Thu Phương chính là chị là một “người thầy” hết lòng vì thế hệ trẻ. Chị luôn đồng hành cùng thế hệ trẻ trong công việc, trong giảng dạy và đào tạo, là người khơi gợi, đưa ra các ý tưởng để các bạn trẻ đưa ra các cải tiến, sáng tạo để phục vụ chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh. Đồng thời chị là người hỗ trợ, hướng dẫn các BS trẻ tham gia cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo trong nhiều năm và được giải cao của Bộ Y tế và ngành y tế Thủ đô.
Không chỉ lan tỏa tình yêu nghề sự say mê nghiên cứu nội viện, cá nhân chị đã tham gia vào quá trình giảng dạy, đào tạo cho các bệnh viện tuyến dưới. Các đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế của BV chị cũng nhiệt tình tham gia và đạt thành tích tốt. Chị Phương cũng tham gia các dự án làm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh, các khóa học dự án đồng hành, hồi sức sơ sinh tại phòng sinh, các lớp đào tạo cho cộng đồng...
Chị bảo: “Muốn thổi tình yêu nghề cho người trẻ trước hết mình phải có tình yêu đủ lớn với công việc. Mình rất yêu những đứa trẻ, cả đời gắn bó với trẻ con rồi, mỗi lần nhìn trẻ thấy cái gì trong sâu thẳm thôi thúc mình phải làm điều gì đấy cho những đứa trẻ này. Bạn thấy đấy, mỗi ngày tiếp xúc với trẻ nhiều như thế, tình yêu nó ngấm vào máu thịt mình rồi. Muốn chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ cần rất nhiều điều nhưng bài học đầu tiên là phải có tình yêu với trẻ. Bởi sau những bộn bề công việc, sau những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi của người thầy thuốc, được nhìn thấy những thiên thần nhỏ bé ngày ngày, được chứng kiến niềm vui vỡ òa của gia đình sản phụ, điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Làm nghề chữa bệnh cứu người, dành lại sự sống cho trẻ nhỏ và nhân niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình thật sự vất vả đấy, hy sinh đấy nhưng trong đời có mấy ai được làm những công việc đầy kiêu hãnh như chúng tôi”, ánh mắt chị Phương lấp lánh ánh cười.
BS Phạm Thị Thu Phương sinh năm 1971. Hiện là Trưởng khoa sơ sinh tại BV Phụ sản Hà Nội. Năm 1995: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Nhi- Đại học Y Hà Nội Năm 2004: Tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Nhi- Sơ sinh Đại học Y Hà Nội Năm 2015: Tốt nghiệp BS chuyên khoa II- chuyên ngành Nhi- Sơ sinh Đại học Y Hà Nội Năm 2014: Nhận được học bổng khóa học “Giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh” tại CH Liên bang Nga Năm 2017: Tham gia khóa : Học mãi Foundation” tại Úc Bác sỹ có hơn 27 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sơ sinh Giảng viên Quốc gia chương trình NRP (hồi sức sơ sinh tại phòng sinh) Tác giả chính của một số bài báo đăng trên tạp chí Y học Việt Nam Đồng tác giả của bài báo đăng trên tạp chí Y Dược học Đại học Quốc Gia, tạp chí Jounal of Infection.
|
Hoàng Vi Hoa
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng