gương điển hình
Công tác và gắn bó tại khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện đa khoa Đức Giang) đến nay đã hơn 11 năm - khoảng thời gian đủ dài để điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung hiểu và càng thêm yêu với nghề mình đã lựa chọn.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang là bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội, thu hút lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh lớn. Trong khi đó, khoa Thăm dò chức năng chỉ có 17 cán bộ, cùng với khả năng chịu áp lực trong công việc, từng thành viên trong khoa phải đảm bảo tổ chức công việc khoa học, linh hoạt, đáp ứng giữa các ca thăm khám thường xuyên và các ca khám cấp cứu.
“Chúng tôi chứng kiến một ca khám bệnh buổi sáng mà riêng buồng nội soi của khoa thực hiện 40 ca về nội soi đường tiêu hóa. Mỗi khi bước vào ca làm việc, từng người trong ê kíp của chúng tôi sẽ phụ trách một phần việc được phân công. Chúng tôi hiểu từng thao tác, thói quen của bác sĩ. Không cần nói, chỉ cần một ánh mắt, một cái chỉ tay hay xoay người là chúng tôi biết bác sĩ cần gì. Mọi khâu luôn phải làm khẩn trương nhưng chính xác tuyệt đối bởi mỗi giây, mỗi phút lãng phí cũng ảnh hưởng đến bệnh nhân hoặc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng” - điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung cho biết.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung tại lễ khen thưởng của Sở Y tế Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác điều dưỡng năm 2023.
Chịu áp lực từ công việc là một phần, văn hóa ứng xử với người bệnh càng đòi hỏi người điều dưỡng phải hoàn thiện hàng ngày. Đối tượng người bệnh rất đa dạng nên phải có kỹ năng phù hợp, như với bệnh nhi phải dỗ dành, với người già phải ân cần thuyết phục. Chị nói: “Có một trường hợp bệnh nhân rất trẻ (sinh năm 2000) bị nhiễm HIV là lượt người cuối cùng vào khám, người bệnh gần như suy sụp buông bỏ. Trước tình huống này, tôi đã thuyết phục hơn 30 phút người bệnh mới chấp nhận thực hiện y lệnh của khoa khám điều trị. Một trường hợp khác, cụ già 83 tuổi thực hiện nội soi gây mê, gia đình nhất định không đồng ý do sợ người bệnh cao tuổi sẽ bị tác dụng phụ của thuốc gây mê. Lúc này, tôi hay bất kể điều dưỡng khác phải nhẫn nại thuyết phục, giải thích các nguyên lý gây mê, các nội dung quy trình để người nhà yên tâm phối hợp. Ca nội soi được tiến hành nhanh chóng ngay sau đó.”
So với những ngày đầu vào làm việc, điều dưỡng Dung tự nhận thấy bản thân thay đổi nhiều từ suy nghĩ đến thái độ nghiêm túc với nghề. Chị tâm niệm rằng, khi không may phải mặc trên mình bộ đồ bệnh nhân thì người tiếp xúc đầu tiên, nhiều nhất với người bệnh là các điều dưỡng, hình ảnh của người điều dưỡng góp phần tạo nên thương hiệu của bệnh viện. Điều quan trọng để giúp bệnh nhân đối mặt và chiến thắng bệnh tật đó là tinh thần. Sự quan tâm của điều dưỡng giúp người bệnh lạc quan và chính thái độ sống tích cực trở thành “thần dược”, giúp họ vượt qua nghịch cảnh. Chính vì vậy, chị luôn ân cần trong giao tiếp, ứng xử để người bệnh hài lòng.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân.
Với những tình cảm đặc biệt dành cho bệnh nhân và sự trân trọng đối với nghề nghiệp, năm 2022, điều dưỡng Phương Dung đã sáng tác bài hát “Trái tim em, vẻ đẹp người điều dưỡng”. Tác phẩm được phát sóng trên truyền hình VTV1 trong chương trình kỉ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Ca khúc tạo sức lan tỏa rộng về chuyện nghề của những người làm công tác điều dưỡng.
“Từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan gây quá tải cho hệ thống y tế, trong những tháng ở lại trực tại bệnh viện, chứng kiến đồng nghiệp cùng đồng lòng chiến đấu với dịch bệnh trong nỗi nhớ người thân, lắng nghe những câu chuyện của người bệnh tâm sự và với niềm tin vào chiến thắng dịch bệnh, tôi tiếp tục viết ca khúc ‘Em, ánh sao nhỏ của anh’ để thay lời động viên và cảm ơn đến đồng nghiệp.”- chị Phương Dung cho biết. Từ đó, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè lại biết đến một điều dưỡng trẻ nhiều “tài lẻ”.
Quá trình công tác của điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Dung đã góp phần vào thành tích chung của khoa Thăm dò chức năng và sự phát triển của Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Nhưng trên hết đó là sự tận tụy, yêu nghề, về vẻ đẹp người điều dưỡng trẻ năng động, tự tin và giàu lòng nhân ái để trái tim người điều dưỡng cùng “hòa nhịp” với trái tim người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung (sinh năm 1991, quê quán huyện Đông Anh, Hà Nội) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội với tấm bằng giỏi chuyên ngành điều dưỡng. Năm 2011, chị là điều dưỡng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Trong quá trình công tác, nhiều năm liền điều dưỡng Phương Dung được nhận danh hiệu Điều dưỡng xuất sắc Bệnh viện đa khoa Đức Giang; được Ban chấp hành Trung ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Thầy thuốc trẻ năm 2021; Giải Ba Chung kết Hội thi điều dưỡng, kĩ thuật viên, nữ hộ sinh giỏi ngành y tế năm 2019 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức; Giải nhất chung khảo Hội thi Điều dưỡng giỏi Bệnh viện đa giang Đức Giang năm 2022. Gần đây nhất, ngày 10/5/2023, chị được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong công tác điều dưỡng năm 2023 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5). |
Diệu Linh
VĂN BẢN MỚI
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc
- Thu hồi thuốc Methtrexat Bidiphar 50mg/2ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng