gương điển hình
Tình yêu với nghề điều dưỡng của ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn) đến và ăn sâu trong chị từ những điều tự nhiên, giản dị hàng ngày như được chăm sóc bệnh nhân, được truyền cảm hứng nghề nghiệp cho nhiều điều dưỡng trẻ…
Gần 12 giờ trưa, guồng công việc của ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các điều dưỡng khoa Ngoại Tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn hối hả, liên tục. Theo ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Ngoại Tổng hợp 2 mang những nét đặc thù riêng. Hằng ngày, khoa tiếp nhận điều trị và chăm sóc cho hơn 50 bệnh nhân, cao điểm lên đến 70 bệnh nhân sau phẫu thuật. Nhắc đến ngoại khoa là nói đến vô khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng chéo, cùng với đó là các yêu cầu riêng biệt về chăm sóc, phục hồi, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh: “Nói thì đơn giản nhưng đó là một quá trình dài. Vì nhiều áp lực như thế nên rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã chuyển nghề, nhưng cũng có rất nhiều người vẫn tiếp tục trên con đường chăm sóc sức khỏe người bệnh - trong đó có tôi. Khi đã theo nghề điều dưỡng tôi xác định mình phải thực sự yêu nghề, thường xuyên nâng cao năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp.”- chị Ngọc cho biết.
“Áp lực đối với nghề điều dưỡng là không nói nên lời, nó chìm khuất trong những cơn đau và ánh lên từ những niềm vui hàng ngày của người bệnh. Tôi luôn tin rằng song hành cùng một người bác sĩ giỏi là sự chuyên tâm và tận tụy của người điều dưỡng sẽ đem đến sự thành công trong nhiệm vụ khám, chữa bệnh của Bệnh viện Thanh Nhàn.”- ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh.
Tại một giường bệnh gần cửa sổ, bệnh nhân Cao Thị Sơn (66 tuổi) nghe cuộc trao đổi của chúng tôi. Đó là một trong những bệnh nhân mổ u đại tràng được các điều dưỡng tại khoa điều trị, chăm sóc gần 10 ngày nay. Bệnh nhân nhớ tên từng bác sĩ, từng điều dưỡng hàng ngày khám bệnh, nhắc nhở uống thuốc, truyền dịch, thay bông, băng. “Khối u mới chớm nhưng mổ xong đau, được các cháu điều dưỡng trực bên giường bệnh liên tục hỗ trợ, chăm sóc, hướng dẫn ăn uống, tập luyện. Nhìn các cháu vất vả tôi thương lắm, cũng cảm ơn nhiều lắm vì đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Nhờ sự tận tình của các điều dưỡng, bệnh nhân Cao Thị Sơn tinh thần vui vẻ, phối hợp điều trị tốt, phục hồi sức khỏe nhanh. Cùng với bệnh nhân Cao Thị Sơn, tất cả các bệnh nhân khác tại khóa đều có điểm chung là họ luôn được tiếp cận điều trị, chăm sóc một cách bình đẳng.
“Không phải người bác sĩ, điều dưỡng nào cũng may mắn có được niềm vui cứu chữa để bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện. Cũng có không ít người bệnh tuyệt vọng vì vô phương cứu chữa, họ tội lắm, rất cần người hỗ trợ, chăm sóc trực tiếp. Trong những lúc trầm buồn đó, chúng tôi xác định cần trở thành chỗ dựa để bệnh nhân trải qua những ngày cuối cùng một cách nhẹ nhàng hơn.” - ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Chị Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi đã từng tiếp xúc và gặp nhiều ca bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trường hợp mà tôi nhớ nhất đó là vào năm 2022, khi mà cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19. Hôm đó là vào một buổi chiều, chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân nam, trung tuổi được bàn giao từ khoa Cấp cứu. Bệnh nhân đó được chuyển lên khoa của chúng tôi sau khi được mổ cấp cứu với chẩn đoán vỡ giả phồng động mạch đùi do tiêm chích nhiều năm. Trong suốt thời gian nằm viện, bệnh nhân không có người nhà đến thăm mà chỉ có nhân viên y tế chăm sóc như đánh răng, thay quần áo, lau người, cho ăn uống ...
Thấy hoàn cảnh cô độc của bệnh nhân, chúng tôi đã làm đơn xin hỗ trợ viện phí, xin từ thiện, đồng thời báo cơ quan chức năng. Sau gần 2 tháng được điều trị, chăm sóc tại khoa, bệnh diễn biến nặng lại kèm theo thể trạng suy kiệt ngay từ khi vào viện nên bệnh nhân đã không qua khỏi và mất tại khoa.
Tôi còn nhớ, trưa hôm đó chúng tôi nói với nhau: hôm nay ông ấy nặng lắm, chẳng biết có qua được không? Và rồi chiều bệnh nhân mất. Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của một người điều dưỡng đến phút giây cuối cùng cho bệnh nhân, cùng thay bộ quần áo mới cho bệnh nhân và báo bên Đại thể. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi là khi bệnh nhân được đưa từ buồng bệnh ra, không ai bảo ai, những điều dưỡng có mặt lúc đó đều dành một phút cúi đầu chào tiễn đưa lần cuối.”
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (giữa) hướng dẫn điều dưỡng về các thang điểm đánh giá người bệnh.
Với vai trò là điều dưỡng trưởng khoa, ThS. Ngọc thường xuyên nắm bắt tình hình bệnh nhân, tiếp thu ý kiến đóng góp của người bệnh, giám sát điều dưỡng về công tác chuyên môn, giao tiếp ứng xử để kịp thời khắc phục thiếu sót, tồn tại. Chị cũng tích cực tham mưu cho lãnh đạo khoa và lãnh đạo bệnh viện trong việc tổ chức các cuộc thi kiểm tra đánh giá tay nghề, các lớp đào tạo kỹ năng thực hành cho điều dưỡng. Đến nay, 100% điều dưỡng khoa Ngoại Tổng hợp 2 đã đạt trình độ cử nhân điều dưỡng trở lên.
“Để hoàn thành được khối lượng công việc lớn mỗi ngày, tập thể khoa Ngoại Tổng hợp 2 luôn đoàn kết, các thành viên như những người thân trong gia đình. Phát huy sức mạnh tập thể, nhiều kỹ thuật mới, nhiều quy trình đảm bảo an toàn người bệnh áp dụng thành công tại khoa được người bệnh hài lòng và đánh giá cao - đây cũng là mục tiêu nghề nghiệp để mỗi cán bộ, nhân viên y tế hướng tới.” ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc |
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (thứ 3 từ phải qua trái) là điều dưỡng tiêu biểu có thành tích xuất sắc năm 2023 được Sở Y tế Hà Nội biểu dương, khen thưởng.
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn: - Tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng (năm 2017), thạc sĩ điều dưỡng (năm 2021) của Trường Đại học Y Hà Nội. - Kinh nghiệm 16 năm làm công tác điều dưỡng với 10 năm (2008-2018) điều dưỡng viên khoa Cấp cứu, 6 năm (2018 - 2024) Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2. - Chị là một trong số 51 gương điều dưỡng tiêu biểu có thành tích xuất sắc năm 2023 được Sở Y tế Hà Nội biểu dương, khen thưởng nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5) vừa qua. |
Diệu Linh
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc