tiêm chủng mở rộng
Đặc điểm của bệnh
Bện uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tốt (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân.
Tác nhân gây bệnh
Là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani), gram dương, di động tương đối trong môi trường yếm khí. Trực khuẩn thường tạo nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào trực khuẩn có hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván chết ở 56°C, nhưng nha bào uốn ván rất bền vững. Nha bào còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin có thể diệt nha bào sau 8-10 tiếng. Nha bào chết sau khi đun sôi 30 phút.
Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện tản phát ở khắp các tỉnh trong cả nước. Chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Trong giai đoạn 1996-2000, tỷ lệ mắc UVSS trung bình năm của cả nước là 0,13/1000 trẻ đẻ sống. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ UVSS theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc UVSS dưới 1/1000 trẻ đẻ sống.
Nguồn truyền nhiễm
Ổ chứa:
Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò… kể cả người, tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh.
Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.
Thời gian ủ bệnh:
Thường từ 3 đến 21 ngày. Cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.
Thời kỳ lây truyền:
Bệnh uốn ván, kể cả UVSS, xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác.
Phương thức lây truyền:
Thông qua nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khi cho các nha bào uốn ván phát triển.
Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.
Các biện pháp dự phòng
Tiêm vắc xin phòng uốn ván để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UVSS cho con vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được UVSS cho con.
Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng vắc xin uốn ván, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc cao, kể cả những người khi khỏi bệnh uốn ván. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.
Phụ nữ có thai cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được tiêm 3 liều uốn ván, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
http://tiemchungmorong.vn/vi/content/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-uon-van.html
Nhã Khanh
(Nguồn: Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc