TIN TỨC CHUNG

Chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng
Ngày đăng 24/04/2024 | 10:26  | Lượt xem: 467

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài và có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Đây là điều kiện môi trường làm gia tăng các bệnh như say nắng, say nóng, đột quỵ.

Người cao tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong những ngày nắng nóng vừa qua.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 104/MT-SKMT ngày 3/4/2024 về việc dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn 2024. Do đó, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2024. Cụ thể:

Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, kế hoạch dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế… Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động (Ban hành kèm theo công văn số 104/MT-SKMT ngày 3/4/2024 của Bộ Y tế). Các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh khác liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương cung cấp thông tin, tài liệu truyền thông về các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và các dịch bệnh liên quan khác. Tăng cường truyền thông trên Cổng thông tin Sở Y tế, trang tin điện tử của đơn v, các nền tảng số như zalo, youtube… nhằm chủ động cung cấp thông tin và phổ biến kiến thức cho báo chí, các tổ chức và người dân trong cộng đồng.

Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép vào Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường từ 29/4-6/5/2024. Phối hợp với Viện Paster, Viện vệ sinh dịch tễ tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và phòng chống dịch bệnh mới nổi, tái nổi. Ưu tiên truyền thông trên các địa bàn, khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nước xâm nhập mặn để chủ động tổ chức triển khai giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe kịp thời.

Đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày thời tiết nắng nóng.

Các biện pháp dự phòng nắng nóng theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

Người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài, bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng, hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Đồng thời, tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày.

Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Ngoài ra, cần rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng, và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ, như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.

Trường hợp này cũng nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng, như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính.

Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Lưu ý, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc.

Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất, như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc, như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp.

Việt Nam

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 324
Lượt truy cập trong tuần: 91960
Lượt truy cập trong tháng: 192045
Lượt truy cập trong năm: 3065159
Tổng số lượt truy cập: 47132547
Về đầu trang