TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm báo ngày 3/12/2018
Ngày đăng 13/03/2019 | 15:54  | Lượt xem: 92

Nhiều phụ nữ sau khi được ghép thận vẫn sinh con khỏe mạnh
 
PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận – Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong số gần 250 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã được ghép thận thành công ở Bệnh viện Bạch Mai tính đến nay, có 5 trường hợp là phụ nữ sau khi ghép thận đã lấy chồng, mang thai, sinh con khỏe mạnh.
 
Đây là những điều rất kỳ diệu. Trong đó, trường hợp chị N.T.H (sinh năm 1975) có con lần đầu ở tuổi 36 chính là ca sản phụ có tiền sử ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Bạch Mai sinh con thành công.
 
Được biết, hiện trung bình mỗi tuần tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện 2 ca ghép thận. Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, với những người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lại bị suy thận, cơ hội có con rất khó khăn. Với nữ bệnh nhân suy thận mãn, phương pháp ghép thận thực sự là cứu cánh đối với cuộc đời họ, giúp họ vừa có chất lượng sống tốt hơn, vừa tăng cơ hội được làm mẹ.
 
Nhìn từ 5 nữ bệnh nhân sau khi ghép thận đã lấy chồng, mang thai và sinh con thành công, PGS Tuyển cho biết, sau ghép, chức năng thận của các bệnh nhân trở về gần như người bình thường, huyết áp khống chế tốt, thuốc ức chế miễn dịch điều chỉnh phù hợp.
 
(Báo An ninh thủ đô)
 
Để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi: Ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt!: 
 
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia cho biết, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả nam và nữ. Theo Globocan năm 2018, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 24 nghìn ca mắc mới và hơn 20 nghìn ca tử vong do căn bệnh này.
 
Thực tế việc điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K cho thấy, 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn. Điều này cũng lý giải vì sao số ca mắc mới gần tương đương với số người tử vong. PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, với giai đoạn muộn, ở người bệnh đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện như: Tức ngực, ho, khó thở…, thậm chí là di căn khiến việc điều trị không đạt hiệu quả cao. 
 
 
GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Có tới 85-90% ca mắc ung thư phổi là do hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần người không hút thuốc. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng dần theo số lượng thuốc lá/ngày, thời gian hút thuốc ở cả người hút thuốc chủ động và thụ động.
 
PGS.TS Lê Văn Quảng đưa ra khuyến cáo, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như: Người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… nên chủ động đi tầm soát ung thư phổi khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần.
 
(Báo Hà nội mới)
 
Tăng cường kiểm tra đảm bảo ATTP trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019
 
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019.
 
Theo Cục ATTP, trong dịp Tết các loại thực phẩm: thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.
 
Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm… Ngoài bảo đảm ATTP trong dịp Tết, Cục ATTP cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là làm thế nào để bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học, đặc biệt là bếp ăn công nghiệp cung cấp bữa ăn cho công nhân. Các bữa ăn giữa ca là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp được.
 
Thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang cung cấp cho công nhân những bữa ăn chỉ từ 12.000-14.000 đồng. Giá bữa ăn càng thấp thì nguy cơ về các vấn đề ATTP càng tăng cao và dễ dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.
 
Cũng theo Cục ATTP, từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm. Trong 10 tháng qua, Cục ATTP đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về ATTP.
 
(Báo Pháp luật và xã hội)
 
Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động sàng lọc nâng cao chất lượng dân số
 
 Ông Tạ Quang Huy, Chi Cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, đến thời điểm này công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là việc chú trọng giảm sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
 
Nhờ vậy, tổng số sinh 9 tháng là 77.012 trẻ giảm 250 trẻ so với cùng kỳ năm 2017. Số trẻ là con thứ 3 trở lên 9 tháng năm 2018 là 5.727 trẻ, giảm 125 trẻ  so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái.
 
Cũng theo ông Tạ Quang Huy, thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện vào Trung tâm y tế quận, huyện, công tác dân số đi vào hoạt động ổn định, duy trì và đảm bảo kế hoạch 2018 đề ra. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã đẩy mạnh việc thực hiện đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện đề án năm 2018.
 
“Kết quả, toàn thành phố tỷ lệ sàng lọc trước sinh 9 tháng đầu năm 2018 đạt 74,67%, dự kiến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra 75%. Trong đó, siêu âm hội chẩn 1.393 ca, chọc ối làm nhiễm sắc thể 592 ca, đình chỉ thai nghén 177 ca”-ông Huy thông tin.
 
Dẫn chứng thực tiễn, ông Tạ Quang Huy cho biết, một số đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai tốt chương trình sàng lọc trước sinh 9 tháng đầu năm 2018 như Ba Đình, Tây Hồ, Phúc Thọ, Sóc Sơn...
 
Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng đã tăng cường công tác sàng lọc tim bẩm sinh tại cộng đồng, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương duy trì, triển khai sàng lọc tại 10 BVĐK các huyện: Đông Anh; Ba Vì; Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ,  Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng và Bệnh viện Nhi Trung ương (Tại phòng khám ngoại trú Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh ); mở rộng triển khai ở BVĐK huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa (BVĐK Vân Đình).
 
(Báo Sức khỏe và đời sống)
Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 176
Lượt truy cập trong tuần: 25049
Lượt truy cập trong tháng: 75856
Lượt truy cập trong năm: 762504
Tổng số lượt truy cập: 44829892
Về đầu trang