TIN TỨC - SỰ KIỆN
7 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, gần 600 người khám, cấp cứu do thức ăn tự chế biến, say bia, rượu
Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ 25 - 31/01/2025 có 584 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu, trong đó 369 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.
Báo cáo công tác y tế ngày 31/1 tức Mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho biết đến sáng 31/1 có 118.812 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Trong vòng 24 giờ, tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là 62.520 người. Tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu trong 7 ngày Tết Nguyên đán từ 25-31/01/2025 là 478.069 người.
Trong khi đó, tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú 24h qua là 31.977người, nâng tổng số trường hợp nhập viện trong 7 ngày từ 25-31/1/2025 là 160.423 người.
Chỉ trong 24 giờ từ ngày 30-31/1, các y bác sĩ đã tiến hành 2.438 ca phẫu thuật là, trong đó số trường hợp phẫu thuật cấp cứu là 443 ca. Tổng số ca phẫu thuật trong 7 ngày từ 25-31/01/2025 là 16.713 ca, trong đó 2.887 ca phẫu thuật cấp cứu.
Bộ Y tế cũng cho hay, chỉ trong 24 giờ đã có 2.340 ca đỡ đẻ, mổ đẻ thành công tại bệnh viện, nâng tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ thành công trong 7 ngày từ 25-31/01/2025 là 14.044 ca.
Về tình hình khám cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, Bộ Y tế thông tin trong 24 giờ, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông là 3.684 trường hợp. Tổng số ca khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết từ 25-31/01/2025 là 20.700 người trong đó 8.309 người phải nhập viện theo dõi, điều trị.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, số lượng tử vong nghi do tai nạn giao thông là 123 người.
Về tai nạn nghi do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, Bộ Y tế cho hay từ sáng Mùng 2 - sáng Mùng 3 Tết ghi nhận có 33 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 8 trường hợp khám, cấp cứutai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, từ 25-31/01/2025 có 456 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 44 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong.
Bộ Y tế cho hay, trong 24 giờ từ Mùng 2 - Mùng 3 Tết, số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu là 99 người, trong đó 73 người phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong 7 ngày từ 25 - 31/01/2025 có 584 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu, trong đó 369 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong.
Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm (63/63 tỉnh/thành phố, 5 Viện khu vực trên toàn quốc) và cả trên phương tiện thông tin đại chúng, đến 12 giờ ngày 30/1 trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Đến thời điểm 12 giờ ngày 31/1, Bộ Y tế không nhận được phản ánh về việc thiếu thuốc, tăng giá thuốc và chất lượng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu chuyên môn, báo cáo trực đầy đủ. Chưa ghi nhận nhập viện do vụ tai nạn hoặc ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Tình hình khám, cấp cứu; nhập viện, tử vong, tai nạn nghi do giao thông giảm rõ rệt so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024. Khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ giảm so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024...
Cùng nội dung thông tin:
7 ngày nghỉ Tết, gần 600 người khám cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, say bia/rượu
(https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/7-ngay-nghi-tet-gan-600-nguoi-kham-cap-cuu-do-roi-loan-tieu-hoa-say-biaruou-408313.html)
Gần 600 người khám, cấp cứu do thực phẩm, say bia rượu trong 7 ngày Tết
7 ngày nghỉ Tết: Gần 600 ca khám, cấp cứu do thức ăn, bia rượu
(https://www.nguoiduatin.vn/7-ngay-nghi-tet-gan-600-ca-kham-cap-cuu-do-thuc-an-bia-ruou-204250201082509166.htm)
20.700 người khám, cấp cứu do tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết
(https://plo.vn/20700-nguoi-kham-cap-cuu-do-tai-nan-giao-thong-trong-7-ngay-nghi-tet-post832311.html)
Kỷ lục “tuần ghép tạng” và niềm tin sự sống được hồi sinh
Thời gian qua, cùng với việc tăng cường vận động, ngành y tế đã nghiên cứu, vận dụng, đề xuất các chính sách để bảo đảm tính bền vững, thúc đẩy hoạt động hiến-ghép mô, tạng tại Việt Nam.
Nhờ công tác truyền thông về ý nghĩa nhân văn của nghĩa cử cao đẹp này được lan tỏa, số người hiến tạng sau chết não đã tăng, nhiều người không may mắc bệnh hiểm nghèo được kéo dài sự sống.
Chỉ trong tuần thứ 2 của tháng 1/2025, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 21 ca ghép tạng. Đáng chú ý, với sự đồng thuận từ bốn gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng, các y, bác sĩ đã tiến hành ghép tạng thành công cho 15 người bệnh đang mong chờ cơ hội được sống từng ngày (bốn bệnh nhân ghép tim, một bệnh nhân ghép đồng thời gan-thận, ba bệnh nhân ghép gan, bảy bệnh nhân ghép thận).
Trong 21 ca ghép đó phải nhắc đến ca ghép gan-thận đồng thời cho ông V.H.Đ, 63 tuổi, quê ở Nam Định bị ung thư gan, xơ gan và suy thận độ V, tình trạng sức khỏe đẩy ông vào ranh giới nguy hiểm của sự sống và cái chết.
Ca phẫu thuật phức tạp được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi từng ghi dấu ấn với ca ghép gan-thận đồng thời đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 17/12/2019.
Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của ngành ghép tạng nước nhà, mở ra hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh lý đa cơ quan. Thành công của ca phẫu thuật không chỉ mang lại sự hồi sinh cho bệnh nhân mà còn là cột mốc quan trọng trong lịch sử y học Việt Nam.
Để thực hiện thành công 21 trường hợp ghép tạng trong sáu ngày, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm việc liên tục. Các ca phẫu thuật được phối hợp nhịp nhàng từng khâu với độ chính xác cao nhất. Mỗi ca ghép là một cuộc chạy đua với thời gian không kể ngày đêm.
Dù áp lực lớn và khối lượng công việc khổng lồ, tất cả đều chung một mục tiêu là cứu sống bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đạt được con số 21 trường hợp ghép tạng trong một tuần, ghi nhận dấu mốc mới trong ngành y tế Việt Nam.
Theo PGS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau chết. Năm 2024, số ca chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng đã tăng lên 41; tổng số tạng hiến từ người cho chết não là 157, chiếm 12,9%, tăng gấp ba lần so với năm 2022 (4,7%) và năm 2023 (4,5%). Đây được coi là kỷ lục về số ca hiến tạng tại Việt Nam.
Những năm trước, số ca hiến tạng chỉ tập trung ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh thì 41 ca hiến tạng sau chết não của năm 2024 được thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố; có 15 bệnh viện trong cả nước tư vấn thành công chết não hiến tạng...
Để đạt được số ca hiến tạng tiếp tục tăng cao, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Ngày 19/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức.
Sự kiện đã lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham dự. Ngoài ra, trong năm 2024, nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện; nhiều bệnh viện, địa phương thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Bộ Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo cho cán bộ y tế các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, từ ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, tính đến hết năm 2024, cả nước đã thực hiện được 9.516 ca ghép tạng với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Riêng ba năm trở lại đây, mỗi năm thực hiện thành công trung bình 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tim-gan; lần đầu tiên thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới; thực hiện 12 ca ghép phổi...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số ca hiến, ghép tạng liên tục tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần tạng ghép của những người không mắc bệnh hiểm nghèo cần ghép tạng. Mặt khác, tỷ lệ tạng ghép từ hiến sống vẫn còn cao (94%), trong khi tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não là rất thấp.
Hiện nay, Việt Nam hiện chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô, tạng của người cho chết não, trong khi đó, còn rất nhiều bệnh viện trên cả nước chưa thành lập được phòng, tổ tư vấn vận động hiến tạng; các chi phí cho các hoạt động hồi sức, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật liên quan ghép tạng vẫn chưa được xây dựng, thống nhất khiến cho nhiều bệnh viện còn gặp khó khăn trong hoạt động này.
Khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, mở rộng hoạt động lấy, ghép tạng. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật từ đó đưa ra những định mức kinh tế, kỹ thuật, xây dựng một mức giá tính đúng, tính đủ bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế.
Trong năm 2024, Bộ Y đã ban hành hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản, chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và người chết não; ban hành Thông tư số 48/2024/TTBYT ngày 31/12/2024 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể ở người hiến sau khi chết...
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu, vận dụng để đề xuất các chính sách chi trả cũng như cơ cấu giá hợp lý nhằm bảo đảm tính bền vững và thúc đẩy công tác hiến mô, tạng tại Việt Nam.
Đồng thời tăng cường ứng dụng thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đăng ký danh sách về ghép, tuân thủ các quy tắc điều phối bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch trong công tác tiếp nhận và ghép tạng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng, đây là điều quan trọng và cần thiết thúc đẩy hoạt động hiến-ghép mô, tạng ở Việt Nam.
(https://nhandan.vn/ky-luc-tuan-ghep-tang-va-niem-tin-su-song-duoc-hoi-sinh-post858261.html)
Hai người chết não hiến tạng giúp 3 bệnh nhân hồi sinh ngay đầu năm mới
Từ tạng hiến của hai người bệnh chết não đã giúp thực hiện thành công 3 ca ghép tạng ngay đầu năm mới.
Tối 31-1, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, trong 2 ngày 30 và 31-1 (tức mùng 2 và mùng 3 Tết), bệnh viện đã thực hiện thành công vận động hiến tạng từ hai người bệnh chết não giúp 1 trái tim và 2 quả thận được ghép, hồi sinh cho 3 bệnh nhân trong những ngày đầu năm mới.
Cụ thể, vào ngày 31-1 (tức mùng 3 Tết), bệnh nhân V.T.P.L (20 tuổi, đến từ Phú Thọ) sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kỳ đã nhận thận ghép thành công từ người hiến chết não.
Quả thận từ một người chết não xa lạ hiến tặng đã giúp L hồi phục sức khỏe, tiếp tục con đường học tập tại trường Đại học. Món quà Tết đặc biệt không chỉ là sự sống mới mà còn là hy vọng, là niềm tin vào một tương lai tươi sáng phía trước.
Ngoài trường hợp của L, chị N.T.T.H (41 tuổi, đến từ Nghệ An) cũng bị suy thận giai đoạn cuối và được ghép thận thành công vào ngày 31-1.
Trước đó, chị H phải trải qua những tháng ngày đầy thử thách với việc lọc máu chu kỳ 3 buổi/tuần, tình trạng bệnh phát triển nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Với một gia đình làm nghề tự do và hai con nhỏ còn đang đi học, chị H không chỉ phải đối mặt với căn bệnh mà còn phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, sự kiên cường và tinh thần lạc quan đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn.
Món quà Tết đặc biệt này không chỉ là cơ hội để chị H có lại sức khỏe, mà còn mang lại hy vọng cho cả gia đình về một tương lai tươi sáng hơn.
Trước đó, vào ngày 30-1, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã thực hiện ca ghép tim thành công cho anh N.T.C (37 tuổi, ở Vĩnh Phúc).
Anh C đã sống chung với căn bệnh cơ tim suốt 10 năm. Một chặng đường dài đầy gian khó nhưng anh luôn kiên cường đối mặt với bệnh tật.
Nhờ trái tim từ người chết não hiến tặng, anh C có thêm cơ hội để tiếp tục chăm sóc gia đình, tiếp nối con đường giúp đỡ cộng đồng mà anh đã đi suốt bao năm qua. Sự sống mới đã đến vào đúng dịp Tết, mang theo niềm hy vọng và sự biết ơn vô hạn đối với những tấm lòng nhân ái.
Tết là thời khắc đoàn viên, nhưng không phải ai cũng có may mắn ở bên gia đình. Giữa những mất mát và chia xa, có những người đã chọn cách biến đau thương thành hy vọng - hiến tạng người thân để trao cơ hội sống cho người khác.
Đó là nghĩa cử cao đẹp, là sự sẻ chia thiêng liêng, giúp những người bệnh đang cận kề cái chết được hồi sinh. Và chính trong những ngày đầu năm, phép màu ấy càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Cùng nội dung thông tin:
2 người chết não hiến tạng trong những ngày đầu năm mới
(https://plo.vn/2-nguoi-chet-nao-hien-tang-trong-nhung-ngay-dau-nam-moi-post832286.html)
Năm 2025, dân số Việt Nam thay đổi thế nào?
Dân số Việt Nam hiện là hơn 101,1 triệu người. TP HCM có dân số đông nhất cả nước, gấp hơn 29 lần nơi ít dân nhất
Từ năm 2019 đến 2024, dân số Việt Nam tăng mỗi năm gần 1 triệu người song tốc độ tăng bình quân chỉ đạt 0,99%, giảm so với mức 1,22% giai đoạn 2014-2019. Tổng cục Thống kê đánh giá tốc độ giảm do mức sinh giảm nhưng quy mô dân số duy trì ổn định.
Mỗi năm dân số tăng gần 1 triệu người
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 1 vừa qua, dân số Việt Nam thời điểm 1-4-2024 là hơn 101,1 triệu người. Dân số nam là 50,6 triệu người, chiếm 49,9% và nữ là 50,7 triệu người, chiếm 50,1%.
Với dự báo về mức tăng dân số hàng năm, dân số Việt Nam năm 2025 ước đạt khoảng 102 triệu người.
Cũng theo điều tra này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 16 trên thế giới. Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người.
Dân số thành thị đạt 38,6 triệu người, chiếm 38,2%; dân số nông thôn đạt 62,5 triệu người, chiếm 61,8%.
Cả nước có hơn 28,1 triệu hộ dân cư, tăng gần 1,3 triệu hộ so với năm 2019, tăng 3,9 triệu hộ so với năm 2014.
Nước ta có 19 tỉnh với quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người; 37 tỉnh có quy mô dân số từ 1 đến 2 triệu người; 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người.
Riêng Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố có quy mô dân số lớn nhất. Dân số Hà Nội đạt gần 8,7 triệu người; TP HCM hơn 9,5 triệu người. Bắc Kạn ít dân nhất với 328.600 người, chênh lệch hơn 29 lần so với TP HCM.
Mức sinh thấp kỷ lục
Tổng tỉ suất sinh của Việt Nam năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế (2,1 con).
Theo các chuyên gia dân số, mức sinh năm 2024 thấp nhất trong lịch sử và có phần đi ngược với xu hướng sinh nhiều con vào năm đẹp như năm Rồng.
Trong 2 năm 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2024, mức sinh tại thành thị giảm còn 1,67 con/phụ nữ, khu vực nông thôn đạt 2,08 con/phụ nữ. Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên là 3 vùng có mức sinh cao, hơn mức sinh thay thế (lần lượt là 2,34 con/phụ nữ, 2,24 con/phụ nữ).
Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ).
Tình trạng giảm tỉ lệ sinh tại Việt Nam tương tự nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi các chính phủ đang nỗ lực giải quyết bài toán dân số già.
Bộ Y tế cho biết Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
(https://nld.com.vn/nam-2025-dan-so-viet-nam-thay-doi-the-nao-196250131220000233.htm)
Hà Nội: Hiện thực hóa mục tiêu 100% người dân có sổ sức khỏe điện tử
Hà Nội phấn đấu hết năm 2025, 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử để áp dụng thay cho sổ giấy trước đây và bỏ hồ sơ sức khỏe giấy truyền thống. Hướng đến mục tiêu sau năm 2025, mỗi người dân trên địa bàn thành phố kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử.
Hiệu quả thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử
Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm: Thông tin hành chính, tiền sử bệnh, tóm tắt về quá trình phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh của cá nhân tại các cơ sở y tế.
Thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân có thể tự quản lý thông tin sức khỏe trong suốt cuộc đời mình, từ đó, chủ động phòng tránh bệnh tật; còn bác sĩ có thể căn cứ vào đó chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Cùng với đó, hồ sơ sức khỏe điện tử còn cho phép người dân có thể chia sẻ thông tin điện tử về sức khỏe của mình tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trên cả nước; giúp cho việc phối hợp điều trị thống nhất, góp phần hạn chế lạm dụng chỉ định, lãng phí quỹ BHYT.
Quan trọng hơn, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết hợp với thăm khám hiện tại, bác sĩ có thể nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho người dân được liên tục, toàn diện theo nguyên lý hoạt động của y học gia đình. Với những mục tiêu và ý nghĩa đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5349/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đến năm 2025.
Từ tháng 11/2023, Hà Nội được lựa chọn triển khai thí điểm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Tính đến năm 2024, thành phố đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với gần 800 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2024, trong tổng số 42 bệnh viện công lập trên địa bàn TP hiện có 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Người dân Thủ đô hưởng lợi từ Đề án 06
Thực tế cho thấy, hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại lợi ích không chỉ cho người dân mà cả thầy thuốc, cơ sở y tế và cơ quan quản lý.
Đó là mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khoẻ điện tử theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe. Từ hồ sơ sức khỏe điện tử ngày sẽ hướng tới kết nối với mô hình khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Về phía thầy thuốc được cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám, giảm thời gian thăm khám, điều trị.
Với cơ quan quản lý, giúp cho UBND thành phố, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Từ dữ liệu hồ sơ sức khỏe có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp UBND thành phố, Sở Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn…
Với các cơ sở y tế, bước đầu hình thành kho dữ liệu sức khỏe người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được quản lý tập trung trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố; giúp chủ động phân tích được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị mình trên hệ thống; kế thừa được dữ liệu khám chữa bệnh của các cơ sở y tế khác…
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bước đi tất yếu và cấp bách giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành Y tế trong thời gian tới.
“Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức của tập thể lãnh đạo và nhân viên y tế trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số là rất quan trọng, đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng quy trình chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”, TS Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Hà Nội đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT; tăng cường kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ cơ sở y tế. Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến khám chữa bệnh.
Trong thời gian tới đây, thành phố Hà Nội sẽ triển khai tiếp các mô hình phân tích, đánh giá, mô hình bệnh tật nhằm đánh giá xu hướng, tình hình mắc bệnh trên địa bàn thành phố, đồng thời nghiên cứu tích hợp các công nghệ lớn như BigData, AI vào hệ thống, nghiên cứu phương án chia sẻ thông tin sức khỏe người dân lên trung tâm điều hành y tế thông minh, trung tâm điều hành của thành phố Hà Nội.
Các đơn vị tiếp tục nâng cấp API chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân và tiếp nhận thông tin người dân khai báo từ sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng iHaNoi, nhằm hỗ trợ người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử quản lý toàn bộ sức khỏe gia đình, phục vụ công tác khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để tiếp nhận dữ liệu sức khỏe người dân Hà Nội đi khám BHYT tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện Bộ ngành và tại các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố khác.
(https://tuoitrethudo.vn/hien-thuc-hoa-muc-tieu-100-nguoi-dan-co-so-suc-khoe-dien-tu-270329.html)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc