TIN TỨC - SỰ KIỆN
Số ca nhập viện do tai nạn giao thông giảm 11%, tử vong giảm 28% so với Tết năm ngoái
Sau 8 ngày nghỉ Tết năm nay, có hơn 9.700 người phải nhập viện điều trị do tai nạn giao thông, giảm đến 11% so với Tết năm ngoái, số ca tử vong giảm mạnh đến 28%...
Theo báo cáo cập nhật của Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ 25/1 - 1/2/2025), các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã thực hiện khám, cấp cứu 548.151 lượt người bệnh. Trong đó, số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 194.457 người; đã phẫu thuật cho 19.262 ca.
Đáng chú ý, qua 8 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ đón 16.508 trẻ chào đời.
Bên cạnh đó, có 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 47 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ, pháo hoa giảm 135 người (22,8 %); tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 48 người (53,3 %).
Số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu trong 8 ngày qua là 709 người, trong đó 442 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong...
Số lượt khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông trong 8 ngày nghỉ Tết (từ ngày 25/1 - 1/2) là 24.054 người. Số lượt người bệnh nghi liên quan đến tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú, theo dõi trong 8 ngày qua là 9.755 người. Số tử vong nghi do tai nạn giao thông trong 8 ngày là 159 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở khám chữa bệnh là 66 người.
Đến sáng 1/2, số người bệnh nghi do tai nạn giao thông đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh là 5.073 người.
So sánh với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 8,9%; số ca phải nhập viện điều trị, theo dõi giảm 11,1%; tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28%; tử vong trước viện giảm 45,2%; tử vong tại viện giảm 9,4%; tiên lượng tử vong xin về giảm 21,3%.
Ngoài ra, trong 8 ngày Tết vừa qua, cả nước chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
(https://www.anninhthudo.vn/so-ca-nhap-vien-do-tai-nan-giao-thong-giam-11-tu-vong-giam-28-so-voi-tet-nam-ngoai-post602387.antd)
Cùng nội dung thông tin:
Hơn 548 nghìn lượt người khám, cấp cứu trong 8 ngày nghỉ Tết
(https://hanoimoi.vn/hon-548-nghin-luot-nguoi-kham-cap-cuu-trong-8-ngay-nghi-tet-692097.html)
8 ngày nghỉ Tết, hơn 24.000 người cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông
Gần 194.500 người bệnh nhập viện trong 8 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ
Hơn 3.700 người vào viện khám, cấp cứu nghi liên quan TNGT trong một ngày Tết
Hơn 24.000 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong 8 ngày Tết
Hơn 24.000 lượt khám, cấp cứu nghi liên quan tai nạn giao thông
Hơn 16.000 trẻ chào đời dịp Tết Ất Tỵ 2025
(https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-22-hon-16000-tre-chao-doi-dip-tet-at-ty-2025-d243905.html)
Kỳ tích ghép tạng Việt Nam
Lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Đặc biệt là trong năm 2024, khi chúng ta chứng kiến những thành tựu quan trọng, những cột mốc đáng nhớ trong công tác ghép tạng.
Cột mốc lịch sử
Tháng 10/2024, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân nguy kịch từ người cho chết não.
Cụ thể, bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy tim giai đoạn nặng. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.
Cùng thời điểm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn hy vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng.
Nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ lấy tạng của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chỉ đạo chuyên môn từ xa, cử chuyên gia đánh giá tình trạng và triển khai phẫu thuật lấy thận, gan, tim, giác mạc từ bệnh nhân hiến tạng.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức hai nhóm, một ở lại hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ghép tạng cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Nhóm còn lại chuyển gan và tim về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau 8 giờ phẫu thuật, ca ghép đồng thời tim – gan lịch sử tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công. Trái tim và lá gan của người hiến tạng hoạt động ổn định trong cơ thể bệnh nhân Đ.V.H, các chỉ số đông máu, men gan của bệnh nhân H dần trở về bình thường. Hiện tại, chức năng tim, chức năng gan của bệnh nhân đã hồi phục gần như bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhận định: “Ghép tạng là cơ hội mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân suy tạng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Qua đó cho thấy sự phát triển của nền y học Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là lĩnh vực ghép tạng. Những thành tựu trong ghép tạng thời gian vừa qua đã thể hiện vị trí nền y học Việt Nam trong bản đồ ghép tạng thế giới”.
Trên thế giới, ghép đồng thời tim – gan đến nay vẫn được xem là một kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa và các trang thiết bị y tế hiện đại. Ước tính toàn cầu chỉ có khoảng 20 – 30 trung tâm y tế có thể thực hiện kỹ thuật này, chủ yếu tập trung ở các quốc gia phát triển.
TS.BS Dương Đức Hùn - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: “Từ khi thực hiện ca ghép thận đầu tiên ở người vào tháng 4/2002, đến nay, sau 22 năm, bệnh viện Việt Đức đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tim, gan, phổi, thận, đa tạng, ghép mô, đặc biệt là những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao, phối hợp liên chuyên khoa, trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước với 2.060 ca ghép thận, 137 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi cùng hàng ngàn ca ghép mô (xương sọ, mạch máu, gân, sụn, màng tim, mô thần kinh, khí quản...). Chúng tôi cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho trên 10 bệnh viện”.
Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam không chỉ thể hiện bằng những ca phẫu thuật mang tính lịch sử của các “mũi nhọn” như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn nằm ở sự tham gia, tiến bộ mạnh mẽ tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện thành công các ca lấy – ghép tạng từ người cho chết não, giúp nhiều cuộc đời được hồi sinh.
Đơn cử, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã ghi tên mình lên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang vào ngày 8/9/2024. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Ngày càng có nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh đủ điều kiện thực hiện lấy, ghép tạng như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Đa khoa Thanh Hóa, Đa khoa Kiên Giang…
Hiện cả nước đã có 25 trung tâm ghép tạng kéo dài từ Bắc vào Nam và đang vươn lên trở thành điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, chính sách và quy định về ghép tạng ở Việt Nam đã có những cải tiến rõ rệt. Năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc hiến tạng, đồng thời hoàn thiện các quy trình pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các ca ghép tạng. Các bệnh viện và cơ sở y tế đã chủ động ứng dụng các quy định pháp lý này để thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng khó.
Ths.BS Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Chính sách pháp lý rõ ràng và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã giúp chúng tôi thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng phức tạp”.
Nhiều kỳ vọng
Với những thành tựu nói trên, nhiều chuyên gia khẳng định, dù đi sau thế giới hơn 40 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước, thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với nhiều quốc gia phát triển, trong khi chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Chi phí một ca ghép ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ.
Bên cạnh sự phát triển rõ rệt của các cơ sở y tế, trình độ bác sĩ, năm 2024 cũng ghi nhận những dấu hiệu cho thấy cộng đồng đang ngày càng quan tâm và có những quan niệm tích cực hơn về việc hiến tạng. Trong năm 2024 đã ghi nhận hơn 30 ca chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam.
Có mặt tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cùng gia đình để đăng ký hiến mô, tạng vào một chiều cuối năm, em Đỗ Thị Liên (sinh năm 2005, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Khi đọc những thông tin về nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng trước khi qua đời, em cảm thấy rất xúc động và đã bày tỏ nguyện vọng được thực hiện điều này với bố mẹ. Điều bất ngờ gia đình đã ủng hộ, vì vậy, hôm nay gia đình em mới đến đây để đăng ký nguyện vọng hiến tặng mô, tạng sau chết”.
Bà Tú Anh (52 tuổi, Yên Bái) cho hay, biết thông tin về hiến ghép mô tạng qua thông tin truyền thông, đặc biệt trong thời gian gần đây được người nhà chia sẻ nhiều bài liên quan tới những trường hợp bệnh nhân không qua khỏi, gia đình đã quyết định hiến tạng để cứu những người khác. Những câu chuyện đó khiến bà xúc động. “Họ đã làm những việc mà không phải ai cũng dám làm. Cũng từ những câu chuyện này mà tôi có nguyện vọng hiến mô, tạng của mình. Đáng mừng hơn là khi biết tôi có nguyện vọng hiến mô, tạng sau khi chết, chết não gia đình không ai phản đối, thậm chí còn ủng hộ”, bà Tú Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ: “Một người chết não có thể hiến tặng mô, tạng để cứu sống hàng chục người khác. Đây là hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần sẻ chia và tương thân tương ái. Nguồn tạng hiến là cứu cánh cuối cùng của người bệnh, niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh. Điều ấy còn có ý nghĩa đối với gia đình người hiến tạng khi nghe tiếng đập của con tim hay ánh mắt của người thân của mình còn để lại”.
Các chuyên gia nhận định, với sự phát triển không ngừng về công nghệ, hợp tác quốc tế, các chính sách cải cách và đồng hành của toàn xã hội, triển vọng ghép tạng ở Việt Nam là rất khả quan. Ngành ghép tạng có thể trở thành một lĩnh vực y tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành y tế nước nhà.
(https://daidoanket.vn/ky-tich-ghep-tang-viet-nam-10299159.html)
Tích cực ứng phó 5 trọng tâm thách thức y tế toàn cầu
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) trước thời hạn và trở thành điểm sáng trên toàn cầu. Không dừng lại ở đó, những năm qua, ngành Y tế Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng để ứng phó với những khó khăn, thách thức mới về y tế toàn cầu.
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành Y tế trong hành trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Trong những năm qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, một trong số đó là giảm tình trạng tử vong ở bà mẹ mang thai và trẻ em. Cụ thể, theo ước tính của Liên hợp quốc, trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1990-2017, Việt Nam thuộc nhóm "tử vong mẹ" thấp thứ 4, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Riêng trong năm 2023, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 18,2‰, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống còn 11,6‰. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm mạnh.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh cũng được quan tâm. Nhờ đó năm 2023, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được nhân viên y tế đỡ đạt trên 94%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ duy trì xấp xỉ 70%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vaccine uốn ván đạt 89,5% .
Nhờ lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với một số dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản mà những năm qua hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được bao phủ từ Trung ương đến thôn, bản. Cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em tại trạm y tế là hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản hoạt động tích cực tại các thôn, bản đã vận động được nhiều phụ nữ mang thai đi khám thai, tiêm phòng uốn ván và đưa trẻ đi tiêm chủng...
Đảm bảo nguồn nhân lực y tế
Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030, đặt ra thách thức quan trọng đối với các mục tiêu phát triển bền vững về y tế. Đảm bảo nguồn nhân lực y tế cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế Việt Nam trong những năm qua.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế Việt Nam tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo. Hiện tại, theo thống kê cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ. Trong đó, theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là khoảng 11.297 bác sĩ, số dược sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 8.470 dược sĩ, số điều dưỡng tốt nghiệp năm 2023 là 18.178 người.
Về quy mô tuyển sinh năm 2024, số chỉ tiêu tuyển sinh bác sĩ là 16.500 chỉ tiêu, dược sĩ là 13.350 chỉ tiêu và điều dưỡng đại học là 10.300 chỉ tiêu. Với quy mô đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ của các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay thì cơ bản đạt được chỉ tiêu cho năm 2024 là 14 bác sĩ/vạn dân, 3,08 dược sĩ/vạn dân và 18 điều dưỡng/vạn dân.
Phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cải thiện sức khỏe tâm thần
Trên thế giới, các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực. Tổ chức Y tế thế giới đang nỗ lực để bảo vệ người dân trên toàn thế giới khỏi những nguy cơ dẫn tới các bệnh mạn tính thông qua việc hướng dẫn thực hành lối sống lành mạnh hơn.
Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...
Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) có tỷ lệ tử vong không cao (chiếm 5,3% tổng số tử vong) nhưng lại gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn, chiếm tới 9,8% tổng số DALY do mọi nguyên nhân.
Những bệnh không lây nhiễm được coi như là "kẻ giết người thầm lặng" vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại nước ta, những năm qua, công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cải thiện sức khỏe tâm thần được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã xây dựng và tổ chức triển khai Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn đến năm 2030; ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; tăng thuế rượu, bia; tăng cường vận động thể lực cho người dân. Bên cạnh đó tiến hành triển khai dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở.
Giải quyết tình trạng kháng kháng sinh
Theo WHO, kháng kháng sinh đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trên toàn thế giới. Tại nước ta, tình trạng kháng kháng sinh đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực phòng chống kháng kháng sinh. Bắt đầu từ năm 2013, Bộ Y tế đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Chương trình hành động Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh nhằm kêu gọi sự hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăn nuôi thủy - hải sản, thú y cùng hành động để sử dụng kháng sinh hợp lý và dần cải thiện tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để hạn chế kháng thuốc. Năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, với tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Môi trường, Công Thương bao gồm các nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ sức khỏe, doanh nghiệp, nông dân và cá nhân.
Kế hoạch hành động Quốc gia trong các lĩnh vực y tế và nông nghiệp cũng đã được phê duyệt bởi Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ, đặt ra các mục tiêu cụ thể về nhận thức, giáo dục, giám sát, nghiên cứu, kiểm soát nhiễm trùng, tối ưu hóa sử dụng kháng sinh và đầu tư bền vững.
Ứng dụng các thành tựu khoa học và đổi mới trong y tế
Trong những năm gần đây, ngành Y tế Việt Nam đã có nhiều thành tựu khoa học và đổi mới trong y tế. Ngành Y tế đã tích cực, chủ động xây dựng và ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm, văn bản hướng dẫn để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ lĩnh vực y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, ngành Y tế Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực y tế, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới; làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân; làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới nổi. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo chuẩn quốc tế để phát triển thuốc, vaccine, kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật trong giai đoạn hiện nay.
(https://suckhoedoisong.vn/tich-cuc-ung-pho-5-trong-tam-thach-thuc-y-te-toan-cau-169250123145854395.htm)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc