TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 5/9/2024
Ngày đăng 05/09/2024 | 15:34  | Lượt xem: 195

* Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại Cảng Hàng không Nội Bài

Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã khẩn trương triển khai giám sát đậu mùa khỉ bằng cách tăng cường kiểm dịch y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Ngay sau khi bệnh đậu mùa khỉ được công bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã khẩn trương triển khai các giải pháp giám sát đậu mùa khỉ trong giai đoạn chưa ghi nhận ca bệnh, như tăng cường kiểm dịch y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Bốn cửa xuất, nhập cảnh đều được kiểm soát dịch bệnh y tế quốc tế. Mỗi ngày, gần 100 chuyến bay nhập cảnh tương ứng 16 nghìn lượt hành khách được giám sát thân nhiệt và các biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.

Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa kiểm dịch y tế quốc tế - CDC Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi giám sát tất cả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ. Nếu có biểu hiện sốt trên 37 độ, khách nhập cảnh sẽ được kiểm tra dịch tễ theo quy định”.

Mỗi vị trí kiểm soát dịch bệnh y tế đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế ban đầu xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội, cho hay: “Chúng tôi đã chỉ đạo phối hợp với bệnh viện trung ương và bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm Đống Đa cách ly điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ nếu có theo quy định, giám sát chặt chẽ không để lây lan trong cộng đồng”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đường lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần là lây qua vết thương hở, giọt bắn hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như khu vực Trung và Tây Phi cần tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn kịp thời.

(https://hanoionline.vn/video/giam-sat-benh-dau-mua-khi-tai-cang-hang-khong-noi-bai-263240.htm)

* Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh tại Việt Nam

Lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), kháng kháng sinh là các vấn đề y tế toàn cầu và yêu cầu các hành động đáp ứng liên ngành, đa quốc gia để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững...

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những thông tin trên tại sự kiện khởi động dự án "Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững" (SAPPHIRE) do Viện Đại học Sydney Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Tham dự sự kiện diễn ra từ ngày 4-5/9 tại Hà Nội có bà Renée Deschamps, Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam; TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; TS.Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam; GS. Greg Fox, Đồng Chủ nhiệm dự án Đối tác Sydney Châu Á Thái Bình Dương về đổi mới y tế và hệ sinh thái bền vững - SAPPHIRE; GS. Navneet Dhand, Giám đốc Hiệp hội dịch tễ học thú y Châu Á Thái Bình Dương – APCOVE và các đơn vị liên quan.

Dự án SAPPHIRE sẽ tập trung vào phát hiện và phòng ngừa bệnh lao; kháng kháng sinh (trong y tế và nông nghiệp); và bệnh phổi mạn tính, trong khi dự án APCOVE (Hiệp hội Dịch tễ học thú y Châu Á Thái Bình Dương) sẽ nâng cao năng lực cho các chuyên gia thú y để phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các dự án này đều được Chính phủ Úc tài trợ thông qua sáng kiến Hợp tác vì một khu vực khỏe mạnh với kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có tỷ lệ giảm phát hiện lao cao nhất trên thế giới

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia phòng, chống lao với tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục giảm số tử vong do bệnh lao, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân và hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

"Tuy nhiên, tình hình bệnh lao hiện nay vẫn còn nhiều mối lo ngại; có tới 40% số người mắc lao không được phát hiện; năm 2018, Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao và do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có tỷ lệ giảm phát hiện lao cao nhất trên thế giới"- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh lý đường hô hấp mãn tính khác rất phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với các nguyên nhân chính như do hút thuốc lá, thường xuyên hít phải khói thuốc lá, môi trường sống ô nhiễm. Các bệnh lý đường hô hấp mạn tính này đang trở thành gánh nặng về y tế trên toàn cầu.

Cùng với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh; bán thuốc kháng sinh không kê đơn và kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý đang diễn ra phổ biến.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục tăng cường hợp tác, cam kết chung tay kiểm soát các vấn đề y tế công cộng

Thông tin tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ năm 2014, đến nay qua 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực như đã phát hiện và thu dung điều trị cho hơn 1,3 triệu bệnh nhân lao và điều trị cho hơn 1,2 triệu bệnh nhân với tỷ lệ khỏi bệnh cao trong giai đoạn 2011- 2022.

Số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện, thu dung điều trị cũng tăng dần qua từng năm. Bộ Y tế cũng thường xuyên tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh lao; năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 25/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong các bệnh không lây nhiễm ưu tiên đã được đưa vào trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015 với mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm.

Về vấn đề kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã xác định phòng chống kháng kháng sinh là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành y tế và từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020.

Năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh thêm, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của ngành Y tế, chúng tôi đánh giá cao và mong muốn sự phối hợp chặt chẽ với các ngành và các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và cam kết chung tay để kiểm soát các vấn đề y tế công cộng, các yếu tố nguy cơ, góp phần trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân và ổn định để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc của Chính phủ Việt Nam là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, cần hành động, phối hợp chung tay mạnh mẽ hơn từ các cá nhân, tất cả các lĩnh vực của xã hội, bao gồm sức khỏe con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả các chiến lược này.

Tại hội nghị, đại diện WHO, FAO, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại học Sydney, Viện Đại học Sydney Việt Nam, các đối tác và tổ chức quốc tế bày tỏ tiếp tục cùng Việt Nam trong hoạt động quản lý, phòng, chống lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và kháng kháng sinh.

Dự án SAPPHIRE được dẫn dắt bởi GS Greg Fox. Ông là giáo sư chuyên khoa nội hô hấp tại Khoa Y và Sức khỏe của Trường Y Sydney, đồng thời là Giám đốc Mạng lưới Học thuật Sydney Việt Nam và Trưởng nhóm Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock.

GS Fox cho biết: Bệnh lao, bệnh mãn tính và tình trạng kháng thuốc kháng sinh là những vấn đề cấp bách đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

Đối với tình trạng kháng thuốc kháng sinh, SAPPHIRE sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô các chương trình quản lý tại 40 cơ sở chăm sóc sức khỏe tuyến huyện tại Việt Nam; áp dụng phương pháp tiếp cận 'Một sức khỏe' để hiểu rõ hơn về việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp và y tế; đồng thời xây dựng các chương trình giảm thiểu việc lạm dụng kháng sinh.

Hợp phần về bệnh mãn tính của SAPPHIRE sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô của Chiến lược Quốc gia Phòng chống Bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 của Việt Nam. Chiến lược này sẽ tập trung vào bệnh hô hấp mãn tính và ung thư bằng cách mở rộng hỗ trợ điều trị bệnh phổi tại bốn tỉnh, hỗ trợ các chiến lược cai thuốc lá và xây dựng năng lực chẩn đoán hình ảnh tại năm tỉnh.

(https://suckhoedoisong.vn/day-manh-hop-tac-quoc-te-phong-chong-lao-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-va-khang-khang-sinh-tai-viet-nam-169240904164815546.htm)

* Lo ngại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mùa tựu trường

Hôm nay - 5/9, học sinh các cấp, sinh viên bước vào năm học mới. Mùa tựu trường cũng là thời điểm ngành y tế lo ngại số ca mắc các bệnh truyền nhiễm ở nhiều địa phương có nguy cơ gia tăng. Chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là yêu cầu được đặt ra...

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến cuối tháng 8/2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.

So với tình hình dịch bệnh cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Bộ Y tế lo ngại cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương mỗi khi đến mùa tựu trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm thường ghi nhận các dịch bệnh mùa tựu trường gia tăng.

 

Nguyên nhân là sau thời gian nghỉ hè, trẻ từ các gia đình, các môi trường sống khác nhau bắt đầu tập trung vào một không gian lớp học, cùng nhau sinh hoạt, ăn uống bán trú… Khi mầm bệnh xuất hiện trong nhà trường, những trẻ chưa có miễn dịch, chưa được bảo vệ bằng vaccine có nguy cơ dễ nhiễm bệnh.

Chuyên gia này cũng thông tin thêm, mới đây khi xuất hiện một nhóm ca bệnh sởi được đưa đến bệnh viện, các chuyên gia đã điều tra ngược lại cộng đồng và phát hiện, ổ dịch đó khởi phát từ một trường học. Do đó, để ngăn chặn và khống chế kịp thời sự lây lan của dịch bệnh, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, các nhà trường cần thông báo cho trạm y tế.

Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường

Để chủ động công tác phòng, chống dịch trong mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý;

Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh của năm học mới 2024-2025, như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.

Theo đó, trong văn bản do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh...

Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/ Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch...

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ mắc, lây lan dịch bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng và các bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường hô hấp đối với trẻ em mầm non, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh.

Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh như: bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng tại các lớp học; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch,...

Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và cơ quan chức năng tại địa phương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ em mầm non, học sinh để phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế địa phương phối hợp xử lý, không để dịch lây lan trong trường học; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh khi bước vào năm học mới 2024-2025.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động cha mẹ, gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Phối hợp thực hiện rà soát, kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/7/2023 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(https://suckhoedoisong.vn/lo-ngai-dich-benh-truyen-nhiem-bung-phat-mua-tuu-truong-169240905112058421.htm)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 712
Lượt truy cập trong tuần: 15410
Lượt truy cập trong tháng: 196203
Lượt truy cập trong năm: 1928513
Tổng số lượt truy cập: 45995901
Về đầu trang