TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 21/11/2024
Ngày đăng 22/11/2024 | 16:18  | Lượt xem: 62

Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, bởi có những tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, cùng với sự nỗ lực trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, thời gian qua, các địa phương của thành phố Hà Nội đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.

Thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, vẫn có thói quen tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa không rõ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, thường giữ thói quen “tiện đường, tiện mua”, nên có nguy cơ ngộ độc cao. Trong khi đó, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao. Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, hằng ngày, gia đình bà vẫn sử dụng các loại thực phẩm, như: Thịt, cá, sản phẩm chế biến sẵn mua tại chợ dân sinh, chưa quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội hầu hết nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, chưa thực hiện tốt các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ngày càng tăng cao. Hệ thống quản lý, giám sát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm còn hạn chế. Một số ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn chưa quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, triển khai chỉ mang tính hình thức.

Một số đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến xã, thị trấn chưa đủ mạnh, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra và xử lý còn yếu, nên trong quá trình thực hiện hiệu quả chưa cao. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, các đoàn thanh tra chủ yếu là nhắc nhở, chưa đưa ra các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đúng mức, nên không có tính răn đe.

Trước thực trạng trên, ngoài biện pháp quản lý sát sao của các cấp, ngành chức năng, chính người dân (dù với góc độ là người sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng) đều phải có trách nhiệm chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy lùi mọi hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa tới an toàn sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, để người dân có kiến thức về an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã đã tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Cùng với đó, thị xã tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm về an toàn thực phẩm, như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội xuân..; làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Đồng thời, thị xã Sơn Tây tập trung tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Phòng Y tế tổ chức 3 hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật và kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho 310 người quản lý và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại 3 xã, phường (Phú Thịnh, Sơn Đông, Cổ Đông); phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức hai hội nghị tập huấn cho hội viên với 180 người tham dự...

Còn Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm qua nhiều hình thức với nội dung phong phú, tập trung vào chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; tổ chức và phối hợp tổ chức 78 hội nghị với 2.085 lượt người tham dự; nói chuyện chuyên đề 80 buổi, 50.757 lượt người tham dự.

Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn 10 lớp, với 670 lượt người là thành viên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện, xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cán bộ, giáo viên, cô nuôi, học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện tham gia. Huyện cũng đã biên tập và cung cấp 259 bài tuyên truyền với 2.275 lượt phát thanh trên hệ thống đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn; treo 57 băng rôn, khẩu hiệu, phát 1.925 tờ rơi, tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Thanh Trì triển khai công tác vận động, phát động các phong trào bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa tại địa phương cho các hội viên.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đồng thời, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát mối nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các địa phương…

Báo Hà Nôị mới

https://hanoimoi.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-an-toan-thuc-pham-685111.html

 

Bộ Y tế ban hành đặc điểm kinh tế - kỹ thuật 990 dịch vụ lĩnh vực y tế dự phòng

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 34/TT-BYT quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của 990 dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập, trong số này nhóm dịch vụ về phòng chống bệnh truyền nhiễm chiếm nhiều nhất với 314 dịch vụ...

Theo đó, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng của 990 dịch vụ, theo Thông tư 34 bao gồm :

1. Nhóm dịch vụ về kiểm dịch y tế gồm 60 dịch vụ.

2. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng gồm 180 dịch vụ.

3. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm 314 dịch vụ.

4. Nhóm dịch vụ về phòng, chống bệnh do ký sinh trùng, côn trùng gồm 212 dịch vụ.

5. Nhóm dịch vụ về sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học gồm 224 dịch vụ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2024.

Báo Sức khoẻ & Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-ban-hanh-dac-diem-kinh-te-ky-thuat-990-dich-vu-linh-vuc-y-te-du-phong-16924112108090782.htm

 

Ráo riết siết quản lý 'thực phẩm bẩn'

Cứ mỗi dịp cuối năm, vấn nạn “thực phẩm bẩn” lại được cảnh báo. Mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, là mối đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Vừa qua, khi kiểm tra nhà hàng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện hơn 500 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở cho biết, số rượu này được đặt của người dân tự nấu và ngâm. Biết bán rượu không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt, nhưng vì lợi nhuận nên chủ cơ sở vẫn kinh doanh.

Vấn nạn rượu giả, rượu lậu vẫn chưa bao giờ hết “nóng”. Đã có không ít vụ việc thương tâm xảy ra khi các nạn nhân sử dụng những loại rượu này. Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu với con số tử vong lên tới hàng chục người. Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; Do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm như uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; Do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây), hoặc ngâm với động vật...

Bên cạnh ngộ độc rượu, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại, nhất là ở khu công nghiệp đông người. Thủ phạm của các vụ ngộ độc được tìm thấy chủ yếu là các vi khuẩn Salmonella, E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus… có trong thức ăn.

Vụ 150 công nhân tại Công ty TNHH Sunrese Apparel Việt Nam (Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu sau bữa trưa được xác định là do chất histamin với hàm lượng cao có trong món cá thu ù kho trong bữa ăn. Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Shinsung Vina sau bữa liên hoan ngày 20/10 khiến 91 người nhập viện cấp cứu. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, nguyên nhân ngộ độc do vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho hay, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…Trước thực trạng thời gian qua, cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, Chính phủ đã có Chỉ thị số 38 ngày 11/10/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Chỉ thị nêu rõ, từ đầu năm đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu, tiếp tục gây lo lắng trong nhân dân. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có).

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

Báo Đại đoàn kết

https://daidoanket.vn/rao-riet-siet-quan-ly-thuc-pham-ban-10294926.html

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) trước cổng trường học dù được cơ quan chức năng chấn chỉnh, siết chặt nhưng vẫn diễn ra. Để giải quyết bài toán này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó nhà trường, phụ huynh, học sinh cần nâng cao ý thức tiêu dùng.

Tiện lợi gắn liền với hiểm họa về ATTP

Hàng quán vỉa hè trước cổng trường học từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là những hiểm họa về ATTP mà phụ huynh, học sinh và nhà trường cần phải cảnh giác.

Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng,… còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ gây bệnh ung thư.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trước cổng nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán vỉa hè, xe hàng lưu động, xe hàng rong xuất hiện nhan nhản, hoạt động khó kiểm soát. Những hàng quán bày bán đủ các món ăn vặt như xúc xích, nem chua rán, phô mai que, thịt xiên, bánh tráng trộn, bánh kẹo,… luôn thu hút đông đảo học sinh bởi hương vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt và giá cả phải chăng.

Trong vai học sinh mua những món khoái khẩu của các cô cậu học trò, chúng tôi “choáng ngợp” trước cách chế biến cũng như giá cả của các món ăn quà vặt này ở gần một cổng trường học trên địa bàn Hà Nội. Qua quan sát cho thấy, giá của các loại “xiên bẩn” được bán với mức giá dao động chỉ 2.000 – 8.000 đồng/xiên; nhiều loại nước giải khát đủ màu, đủ vị chỉ có giá 5.000 – 15.000 đồng/cốc;...

Đáng lo ngại, những mặt hàng thực phẩm này thường được chế biến một cách sơ sài với nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác thương hiệu,... Dầu chiên thường được tái sử dụng nhiều lần và ngả màu đen kịt, gây nguy cơ sinh ra các chất độc hại.

Quy trình chế biến ở các cơ sở này cũng là một điều đáng chú ý khi dụng cụ chế biến thường xuyên được sử dụng lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín mà không qua vệ sinh kỹ lưỡng. Người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng tay trần; cách bảo quản sơ sài, không che đậy khiến bụi bẩn và côn trùng dễ dàng xâm nhập;…

Thậm chí, tại một cơ sở bán "xiên bẩn" ở ngã tư phố Lò Đúc giao Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), gần trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, phóng viên bắt gặp hình ảnh chiếc giẻ lau sau khi được người bán hàng dùng làm sạch bàn cuốn nem – nơi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, lại tiếp tục được dùng để lau tay và các dụng cụ chế biến như dao, kéo hay thấm dầu thừa trong khay đựng đồ chín.

Do không thể tìm được vị trí hợp lý, nhiều xe hàng rong bất chấp bán ngay gần các khu vực mất vệ sinh như cạnh thùng rác, cống rãnh. Không những vậy, tại đây còn tồn tại hiện tượng các que xiên sau khi “thượng đế” vứt xuống đất đã được chủ hàng vô tư nhặt lên để tái sử dụng. Dù chưa thể xác minh liệu các que xiên này có được làm sạch và xử lý đúng quy chuẩn vệ sinh ATTP sau đó hay không nhưng hành động thiếu ý thức của người bán hàng đủ cho thấy chỉ vì lợi nhuận mà “ngó lơ” quy định ATTP, đạo đức kinh doanh…

Cả cộng đồng chung tay vào cuộc

Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP tại các trường học luôn được TP Hà Nội quan tâm, chú trọng. Từ tháng 8/2024, TP đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8/2024 đến hết tháng 8/2025, toàn TP tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm ATTP trong và ngoài trường học. Hà Nội sẽ rà soát các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học. Tuy nhiên, việc kiểm soát từ chính quyền sẽ không thể đạt hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp từ gia đình và nhà trường.

Để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước cổng trường, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, vai trò giáo dục từ gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An lưu ý, phụ huynh trang bị cho con em kiến thức cơ bản về việc phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, nhận diện các địa chỉ uy tín và tránh xa những nơi bán thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Song song với đó, nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Không chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo học sinh và phụ huynh không nên sử dụng thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc, các trường học tăng cường giám sát và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn về ATTP.

Báo Kinh tế & Đô thị

https://kinhtedothi.vn/canh-bao-an-toan-thuc-pham-truoc-cong-truong-hoc.html

 

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 671
Lượt truy cập trong tuần: 287
Lượt truy cập trong tháng: 133348
Lượt truy cập trong năm: 2732020
Tổng số lượt truy cập: 46799408
Về đầu trang