TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 24/11/2024
Ngày đăng 25/11/2024 | 09:40  | Lượt xem: 78

Chủ động kiểm soát dịch sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng

Thời gian qua, dịch sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước tình hình đó, các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, sốt xuất huyết nhằm chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Dịch sởi, sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 115.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca. Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh, 3 bệnh viện nhi lớn là Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 thời gian qua liên tục ghi nhận ca sốt xuất huyết trẻ em. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan. Trên địa bàn Thành phố, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 46 (từ ngày 11 - 17/11) là 12.013 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm: Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

Thống kê của ngành Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 2.245 ca bệnh sởi, phân bổ ở cả 11 huyện, thành phố. Cùng thời điểm này, năm 2023, Đồng Nai chỉ có 3 ca bệnh sởi, không có ca tử vong. Thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc sởi nhiều nhất với 863 ca, tiếp đến là huyện Trảng Bom 452 ca và huyện Vĩnh Cửu 224 ca.

Thực tế, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi với khoảng 80.000 người đã được tiêm, đạt hơn 97% tổng số đối tượng theo đăng ký của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn cao. Theo Sở Y tế Đồng Nai, 91,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm vaccine cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vaccine sởi trong chiến dịch. Sở Y tế Đồng Nai đang chỉ đạo các đơn vị rà soát đối tượng để tiêm vào các đợt tiếp theo; đồng thời chuẩn bị đầy đủ hậu cần như vaccine, tổ chức tiêm vaccine cho những đối tượng chưa có miễn dịch.

Dịch sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và ghi nhận nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 6.233 ca, tăng 36,57% so với cùng kỳ năm 2023 (4.564 ca).

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm,Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết tăng là do các huyện, thành phố ở Đồng Nai tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, người dân dù tích cực tham gia diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường nhưng các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để.

Tại tỉnh Bạc Liêu, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 393 ca mắc sởi (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 16 ca); tập trung nhiều tại thị xã Giá Rai với 113 ca, thành phố Bạc Liêu 81 ca.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu nhận định, dịch bệnh sởi đang có xu hướng tăng. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Phạm Văn Tùng cho biết, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi và virus rubella gây ra, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của trẻ như: viêm phổi, viêm màng não…

Việc triển khai tiêm phòng diện rộng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, còn giúp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

Tăng cường biện pháp phòng, chống lây lan trong cộng đồng

Hiện, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch sởi trên quy mô toàn tỉnh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, sau khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi tại thành phố Biên Hòa, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa tiến hành khử trùng bề mặt tại nhà bệnh nhân và các gia đình xung quanh bằng xà phòng/các dung dịch sát khuẩn thông thường/dung dịch khử trùng; tăng cường thông khí, ánh sáng tự nhiên nhà ở bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đề nghị, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trên địa bàn rà soát học sinh trong độ tuổi tiêm chủng sởi (dưới 10 tuổi) để tiêm đủ, tiêm đúng vaccine sởi, sởi/rubella. Thực tế, bệnh sởi lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Do đó, người dân không được chủ quan. Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình cần đưa trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine sởi đến trạm y tế trong khu vực hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng, tránh để mắc bệnh, bệnh nặng và có nguy cơ tử vong.

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có công văn đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, chủ động kiểm soát, ngăn ngừa bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Theo đó, Sở Y tế Tây Ninh hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.

Sở Y tế bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vaccine khi công bố dịch sởi; thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh…

Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/y-te/chu-dong-kiem-soat-dich-soi-sot-xuat-huyet-dang-co-xu-huong-gia-tang-20241123130709119.htm

 

Chung kết cuộc thi 'Y tế cơ sở giỏi năm 2024'

Chung kết cuộc thi “Y tế cơ sở giỏi năm 2024” do Bộ Y tế tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của 6 đội thi đến từ 6 tỉnh, thành phố.

Đây là cuộc thi dành cho cán bộ y tế tuyến cơ sở diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11/2024. Cuộc thi đã trải qua qua các vòng: vòng thi sơ khảo; vòng thi khu vực diễn ra tại ba miền với 16 đội tham dự.

Trong nhiều tháng qua, cuộc thi "Y tế cơ sở giỏi" đã tạo thành chuỗi sự kiện có hiệu ứng lớn, là “liều thuốc tinh thần” đối với không chỉ cán bộ y tế cơ sở mà của ngành Y tế cả nước. Cuộc thi đã trở thành ngày hội của các cán bộ y tế cơ sở, nơi cán bộ y tế có thể giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện được sứ mệnh của mình, đó là góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và của ngành Y tế về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội

https://hanoionline.vn/video/chung-ket-cuoc-thi-y-te-co-so-gioi-nam-2024-282570.htm

 

Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng.

Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp cấp bách và đồng bộ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông - xuân sắp tới.

“Tấn công” cả trẻ nhỏ và người lớn

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), số ca mắc sởi đang tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần; nhưng đến tháng 11-2024 đã tăng lên từ 16 đến 25 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi của toàn thành phố là 87 trường hợp tại 23 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có nhiều trẻ 6-7 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) lo ngại, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Do đó, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, các chuyên gia y tế đều cho rằng, trẻ em có hệ miễn dịch kém nên vi rút sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, vi rút sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…

Không chỉ với trẻ nhỏ, bệnh sởi còn “tấn công” cả người lớn. Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cấp cứu nam bệnh nhân 56 tuổi (ở tỉnh Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Trước đó, khi phát hiện các triệu chứng: Sốt, đau đầu, mệt mỏi và xung huyết vùng kết mạc mắt, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau về uống trong 6 ngày nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn…

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.

Không được chủ quan, lơ là

Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để vi rút sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ. Do đó, nhiều người dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường nên vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, tâm lý nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em cũng khiến người lớn chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, sởi còn có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 12-21 ngày mới bắt đầu phát ban và lây bệnh khiến việc kiểm soát gặp khó khăn.

Ngoài những nơi tập trung đông người như khu vực công cộng, trường học... có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý thêm, trong số các bệnh nhi nhiễm sởi được ghi nhận tại bệnh viện thời gian qua có một số trẻ bị lây nhiễm chéo khi đang nằm điều trị nội trú. Dịch sởi năm 2014 khiến hơn 110 trẻ tử vong là bài học đắt giá về phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vì vậy, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm vào thời điểm này là công tác phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cùng với đó, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi...

Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn thành phố, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát những trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Cùng với đó, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Khi phát hiện trường hợp mắc sởi cần phải theo dõi chặt chẽ, cách ly và điều trị kịp thời.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/cap-bach-chan-dich-benh-soi-bung-phat-685420.html

 

Hà Nội: Lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.

Kế hoạch nhằm tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm để bảo đảm tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025…

Theo đó, thanh, kiểm tra tập trung đối tượng là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…

Để làm tốt công tác thanh, kiểm tra, UBND thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. Trong đó, Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Chương Mỹ, Ba Đình, Tây Hồ, Mỹ Đức.

Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh.

Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Mê Linh, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hai Bà Trưng, Sơn Tây, Ba Vì.

Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh, kiểm tra tại các quận, huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đống Đa, Đan Phượng, Ứng Hòa.

Tại cấp huyện, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm... đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý; phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra.

Cấp xã, phường, thị trấn, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo phân cấp.

UBND thành phố yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân…

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-lap-4-doan-kiem-tra-lien-nganh-an-toan-thuc-pham-dip-tet-va-le-hoi-685434.html

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 1009
Lượt truy cập trong tuần: 22187
Lượt truy cập trong tháng: 155248
Lượt truy cập trong năm: 2753920
Tổng số lượt truy cập: 46821308
Về đầu trang