TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 5/2/2025
Ngày đăng 05/02/2025 | 18:18  | Lượt xem: 54

Bé trai 8 tuổi suýt mất vành tai vì bị chó nhà cắn

Bé trai 8 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà bà nội nuôi cắn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, mất máu nhiều, vành tai phải gần đứt rời.

Theo người nhà kể lại, bé trai đến chơi nhà bà nội và bị chó nhà nuôi cắn. Cháu được đưa đến Bệnh viện huyện Chương Mỹ sơ cứu, băng bó vết thương và cầm máu tạm thời, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Cháu bé nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm tại tai phải, da đầu, cẳng bàn tay phải và xây xát da nhiều vị trí do chó cắn. Qua thăm khám thấy tổn thương đứt rời gần hoàn toàn vành tai phải, đứt rời sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, còn cầu da 2.5 cm tại dái tai, nhiều vết cắn răng sâu và nhiều vết thương rách da sâu hết lớp dưới da tại vùng đầu và cánh tay phải, vết rách dài nhất khoảng 5 cm.

Bác sĩ Hùng Anh, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, bác sĩ trực đã khẩn trương thực hiện các xét nghiệm và phẫu thuật cấp cứu cho cháu bé. Bệnh nhi được phẫu thuật cắt lọc phần dập nát, khâu lại sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, nối lại tĩnh mạch tai bằng kĩ thuật vi phẫu. Sau mổ, hình thể tai đạt yêu cầu, vành tai hồng ấm, màu sắc bình thường, không tím.

Theo các bác sĩ, tai nạn do súc vật cắn là tai nạn thường gặp, nhất là với trẻ em vì tâm lý tò mò của trẻ, cũng như chưa nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm của vật nuôi. Khi bị chó cắn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như: Tổn thương mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng vết cắn và đặc biệt nghiêm trọng như bệnh dại hay tổn thương đứt rời bộ phận như: Cơ quan sinh dục, tai, mũi, chi, thể… Ngoài ra, còn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý trẻ, do đó, người nhà cần có các phương án phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ.

Đặc biệt, khi nuôi chó, mèo, các gia đình cần tiêm phòng dại và xích, đeo rọ mõm cho chó, đề phòng chó tấn công người.

Bác sĩ Hùng Anh khuyến cáo, khi trẻ bị súc vật cắn hoặc liếm vào vết xước… bố mẹ hoặc người chăm sóc nên rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong 15 phút; sát trùng vết thương bằng cồn hoặc betadin; băng cầm máu nhẹ nhàng; đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tiêm phòng và theo dõi động vật cắn trong 15 ngày.

(https://laodongthudo.vn/be-trai-8-tuoi-suyt-mat-vanh-tai-vi-bi-cho-nha-can-184182.html)

Cùng nội dung thông tin:

Bé trai ở Hà Nội bị chó cắn vào tay và đầu, suýt đứt mất tai

(https://laodong.vn/y-te/be-trai-o-ha-noi-bi-cho-can-vao-tay-va-dau-suyt-dut-mat-tai-1458388.ldo)

Thương tâm bé trai 8 tuổi suýt mất tai vì chó cắn

(https://suckhoedoisong.vn/thuong-tam-be-trai-8-tuoi-suyt-mat-tai-vi-cho-can-169250204151039445.htm)

Bé trai 8 tuổi suýt bị mất tai do bị chó nhà cắn

(https://vov.vn/xa-hoi/be-trai-8-tuoi-suyt-bi-mat-tai-do-bi-cho-nha-can-post1152505.vov)

Hà Nội: Bé trai bị chó nhà cắt gần đứt rời vành tai

(https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-be-trai-bi-cho-nha-cat-gan-dut-roi-vanh-tai-20250204143233546.htm)

Bé trai bị chó cắn suýt mất tai

(https://vtcnews.vn/be-trai-bi-cho-can-suyt-mat-tai-ar923757.html)

Suýt đứt rời tai do bị chó nhà cắn

(https://plo.vn/suyt-dut-roi-tai-do-bi-cho-nha-can-post832673.html)

Bị chó nhà cắn, bé trai 8 tuổi suýt mất vành tai phải

(https://www.nguoiduatin.vn/bi-cho-nha-can-be-trai-8-tuoi-suyt-mat-vanh-tai-phai-204250204144421285.htm)

Các bệnh viện tuyến cuối nỗ lực tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu gia tăng trong dịp Tết

Ngay từ những ngày đầu năm Ất Tỵ, số lượng ca cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai đã tăng đột biến. Dưới những cành đào hồng là những chiếc cáng cứu thương liên tục di chuyển vào bên trong Trung tâm Cấp cứu A9 của bệnh viện.

Cuộc phỏng vấn nhanh của chúng tôi cùng bác sĩ trực tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong một góc nhỏ, cạnh khu vực cấp cứu bị ngắt quãng và xê dịch liên tục bởi những chiếc cáng liên tục đưa bệnh nhân tới.

Bác sĩ Nguyễn Như Bình, Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai thông tin, trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua số lượng bệnh nhân gia tăng mạnh, gây sức ép quá tải đối với cán bộ, nhân viên y tế. Vì là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh viện Bạch Mai là nơi cuối cùng để tiếp nhận bệnh nhân từ các tuyến, các địa phương.

Với nhiều cơ sở y tế hay một số khoa bệnh, số lượng bệnh nhân trong dịp Tết sẽ giảm hẳn bởi mọi người thường lựa chọn tiếp tục thăm khám, điều trị sau khi kết thúc kỳ nghỉ. Tuy nhiên, với đặc thù của mình, khoa cấp cứu tại hầu khắp các cơ sở y tế đều phải tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng cao xuyên suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Thống kê từ khi bắt đầu kỳ nghỉ cho đến nay, hằng ngày, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đều duy trì tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, dàn trải với nhiều dạng bệnh, bao gồm các trường hợp diễn biến bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên lẫn dạng nhẹ do người dân tự vào viện.

“Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới nghỉ do đó bệnh nhân tập trung đông về các bệnh viện tuyến đầu, trong đó có Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là nơi “đầu sóng ngọn gió”. Dù chúng tôi đã chuẩn bị và lên kế hoạch dự phòng nhưng năm nay với số lượng bệnh nhân tăng đột biến cũng gây áp lực rất lớn”, bác sĩ Nguyễn Như Bình chia sẻ.

Tương tự tại Bệnh viện Xanh Pôn, số lượng bệnh nhân nhập viện những ngày đầu năm Ất Tỵ cũng tăng khoảng 30% so với ngày thường. Trong đó, số lượng các các ca khám cấp cứu hay phẫu thuật đều tăng 20% so với cùng kỳ.

Công tác y tế trong Tết được bảo đảm với 548.151 lượt khám, cấp cứu, 194.457 ca nhập viện và 19.262 ca phẫu thuật, trong đó 3.275 ca cấp cứu do tai nạn.

Năm nay, số lượng bệnh nhân phải nhập viện liên quan đến ngộ độc rượu và tai nạn giao thông giảm thiểu so với mọi năm, đây là đánh giá từ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, các bệnh viện đã triển khai trực 4 cấp, bảo đảm hoạt động chuyên môn 24/24 giờ từ trước, trong và sau thời điểm Tết.

Trong những ngày đầu năm, đâu đâu cũng là những lời chúc mừng một năm mới thuận lợi, an lành, vương đầy không khí Tết. Nhưng tại các cơ sở y tế, các y, bác sĩ và nhân viên y tế vẫn rất khẩn trương và duy trì công tác liên tục để chăm sóc sức khỏe người dân.

(https://nhandan.vn/video-cac-benh-vien-tuyen-cuoi-no-luc-tiep-nhan-benh-nhan-cap-cuu-gia-tang-trong-dip-tet-post858664.html)

Bộ Y tế mở rộng quy mô chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi tại nhiều tỉnh, thành

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao và khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, rất cao, những nơi hiện có chùm ca sởi cần triển khai tiêm chủng chiến dịch. Năm 2024, VIệt Nam ghi nhận 7.583 trường hợp dương tính, 16 ca tử vong liên quan đến sởi.

Bộ Y tế vừa ban hành "Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025".

Bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới

Theo Bộ Y tế, hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao...WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi (ghi nhận những trường hợp sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch, các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch.

Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.

Tại Việt Nam, năm 2024 cả nước ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi của các ca dương tính sởi trong năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25 %).

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo khuyến cáo của WHO, lứa tuổi tiêm chủng vacine sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi 1 - 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi, còn ở những nước đã loại trừ bệnh sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15-18 tháng tuổi.

WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vacine có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); vacine sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.

Mở rộng quy mô chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi thêm nhiều tỉnh, thành

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế cùng với việc tăng cường tiêm chủng vacine trong Chương trình tiêm chủng, chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 01-10 tuổi đã được triển khai từ tháng 9/2024 tại 31 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 và Quyết định số 3526/QĐ-BYT ngày 22/11/2024 sửa đổi, bổ sung Quyết định 2495/QĐ-BYT.

Đến nay, 7/31 tỉnh, thành phố đã kết thúc chiến dịch trong giai đoạn 1, 24 tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai tổ chức tiêm, tiêm vét cho các đối tượng để kết thúc chiến dịch giai đoạn 1.

Để tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng tại vùng nguy cơ năm 2025, trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ và đề xuất của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc triển khai tiêm chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi giai đoạn 2 cho đối tượng trẻ từ 1-10 tuổi và triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho nhóm đối tượng là trẻ từ 6-9 tháng tuổi, căn cứ vào đặc điểm dịch tễ học, tình hình dịch bệnh sởi hiện nay, khuyến cáo và ý kiến thống nhất của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025.

Việc này nhằm đạt mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra.

Theo đó, đối tượng tiêm của chiến dịch là trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra.

Trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra, nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, nhóm tuổi cụ thể tiêm chủng do các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc xin từ nguồn tài trợ và nguồn lực của địa phương, trên cơ sở trao đổi thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.

Về phạm vi triển khai, trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi tại 24 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh, nguồn lực của địa phương để trao đổi với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực đề xuất mở rộng phạm vi triển khai cho nhóm tuổi này.

Trẻ từ 1-10 tuổi, giai đoạn 1: Các tỉnh, thành phố thuộc Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vacine phòng, chống dịch sởi năm 2024 và Quyết định số 3526/QĐ-BYT ngày 22/11/2024 sửa đổi, bổ sung Quyết định 2495/QĐ-BYT chưa hoàn thành chiến dịch, tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Giai đoạn 2 tại 17 tỉnh, thành phố (Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Trước đó, tháng 8/2024, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vacine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố.

(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-mo-rong-quy-mo-chien-dich-tiem-vac-xin-phong-soi-tai-nhieu-tinh-thanh-169250205083827523.htm)

Cùng nội dung thông tin:

Mở rộng quy mô chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi tại nhiều tỉnh, thành

(https://baodautu.vn/mo-rong-quy-mo-chien-dich-tiem-vac-xin-phong-soi-tai-nhieu-tinh-thanh-d244362.html)

Đề xuất tiêm vaccine phế cầu miễn phí cho trẻ

Bộ Y tế đề xuất bổ sung vaccine phòng bệnh do phế cầu vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ.

Đề xuất được nêu trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2024 của Bộ Y tế về danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Dự thảo được lấy ý kiến tới giữa tháng 3.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung bệnh do phế cầu thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, trẻ em trên toàn quốc tiêm lần một khi đủ hai tháng tuổi; lần hai ít nhất hai tháng sau lần một và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.

Phế cầu sinh sống ở hầu họng của người bệnh và người khỏe mạnh, lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp và có thể xâm lấn vào các cơ quan như phổi, não. Phế cầu gây bệnh viêm phổi, viêm màng não và viêm tai giữa, dễ trở nặng ở người cao tuổi và trẻ em nên cần tiêm vaccine phòng ngừa.

Hiện nay, vaccine phế cầu được tiêm dịch vụ (có trả tiền) giá khoảng 1,2 triệu đồng/một lần tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Như vậy, trẻ dùng đủ liệu trình, chi phí cho vaccine khá lớn. Khi vaccine này được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí.

Đây là một trong 4 loại vaccine sẽ được bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng theo lộ trình từ giai đoạn 2022 đến năm 2030. Theo đó, vaccine phòng bệnh do virus rota (tiêu chảy cấp) được bổ sung từ năm 2022; vaccine phòng bệnh do phế cầu từ 2025; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ 2026; vaccine phòng cúm mùa từ 2030.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tại Việt Nam từ năm 1981, do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Chương trình có mục tiêu ban đầu là tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới một tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới một tuổi trên toàn quốc đã được tiếp cận với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2010, có 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình gồm vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.

Cùng với tiêm cho trẻ, Chương trình tiêm chủng mở rộng còn tiêm miễn phí vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai.

(https://vnexpress.net/de-xuat-tiem-vaccine-phe-cau-mien-phi-cho-tre-4845956.html)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 959
Lượt truy cập trong tuần: 347513
Lượt truy cập trong tháng: 399559
Lượt truy cập trong năm: 1558770
Tổng số lượt truy cập: 48853811
Về đầu trang