TIN TỨC - SỰ KIỆN
*Triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người.
Không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm
Ngày 20/1, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban công tác chuyên môn về y tế cơ sở quý IV/2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát.
Thành phố duy trì được thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, tái nổi như Cúm A/H5N1, bệnh do virus Marburg, Ebola, Mers-CoV, bệnh đậu mùa khỉ,…; bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả với số mắc duy trì ở mức thấp, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Ngoài ra, thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại; không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu. Hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều ghi nhận số mắc giảm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, liên cầu lợn.
Một số dịch bệnh như sởi, ho gà, não mô cầu có số mắc tăng nhưng đều ghi nhận tản phát, không ghi nhận ổ dịch lớn.
Công tác khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế đáp ứng được nhu cầu của người dân, không để xảy ra sai sót về chuyên môn.
Tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa, 494/579 (85,3%) trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Kết quả, tổng số lượt khám, chữa bệnh năm 2024 đạt trên 2,8 triệu lượt. Trong đó, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên 2,6 triệu lượt.
Quản lý và điều trị các bệnh mạn tính
Thực hiện quản lý sức khỏe, khám, điều trị các bệnh thường gặp cho người dân, quản lý và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tại các phòng khám đa khoa và các trạm y tế trên địa bàn.
Kết quả, sàng lọc nguy cơ cho 1,93 triệu người từ 18 tuổi trở lên; trong đó gần 49.000 người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu bia được tư vấn can thiệp; hơn 199.000 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 59.226 người cơ nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng....
Công tác xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quyết định 1300/QĐ-BYT đạt 573/579 xã, phường, thị trấn (98,96%). Hiện nay, toàn thành phố có 27 quận, huyện, thị xã có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, toàn thành phố có 80.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, ngành y tế quản lý 46.105 cơ sở (thành phố: 3.874 cơ sở; quận/huyện/thị xã: 8.165 cơ sở; xã/phường/thị trấn: 34.066 cơ sở).
Thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% các phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.
Duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người năm 2024 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã.
Duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại 20 bếp ăn tập thể trường học thuộc 10 quận, huyện. Nhân rộng mô hình tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với tổng số 324 trường...
Đối với công tác tổ chức cán bộ, trong năm 2024, ngành y tế đã hoàn thành chuyển các trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về thuộc UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây quản lý theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý về tổ chức, nhân lực; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ y tế và các công tác khác theo quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã trong quản lý hoạt động của trung tâm y tế.
Để nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn y tế cơ sở, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị giám đốc các đơn vị quan tâm thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình, hoạt động y tế năm 2025.
Trong đó, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động dự báo tình hình dịch bệnh để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.
Các trung tâm y tế tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh, tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn, không để xảy ra các tai biến do sai sót về chuyên môn.
Tiếp tục triển khai trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, quản lý tốt sức khoẻ cho người dân ngay tại địa phương.
Ông Chung cũng lưu ý việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.
Báo nguoiduatin
* Ấm áp gian hàng 0 đồng trong bệnh viện ngày cận Tết
Sáng 20/1, hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, phấn khởi đến với các gian hàng trong hội chợ Tết 0 đồng Xuân yêu thương 2025. Cận Tết, nhiều bệnh viện đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động mang Xuân ấm đến với các bệnh nhân nghèo.
Trong khuôn viên Bệnh viện Thanh Nhàn sáng 20/1, gần 20 gian hàng bán nhiều mặt hàng gia dụng, thực phẩm dinh dưỡng, bánh chưng, mứt Tết, quần áo, giày dép, chăn ấm... với giá 0 đồng nhằm phục vụ nhu cầu người bệnh đang điều trị tại đây trong những ngày giáp Tết. Với mỗi tấm phiếu trong hội chợ, người bệnh (hoặc người thân bệnh nhân) có thể nhận 5 món hàng miễn phí.
Ông Trần Thế Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Hội chợ 0 đồng hôm nay không chỉ đơn thuần là những món quà hỗ trợ về vật chất, mà còn là lời động viên tinh thần, sự sẻ chia đầy nhân ái với tinh thần "lá lành đùm lá rách", góp phần mang đến một cái Tết ấm áp cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn".
Năm nay, Bệnh viện Thanh Nhàn dành hơn 500 suất quà gửi tặng các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tổ chức chương trình ca múa nhạc nhằm động viên tinh thần người bệnh.
Tham dự Hội chợ Tết 0 đồng, bệnh nhân Nguyễn Thị Lan (ở Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất vui và cảm động trước những tình cảm, sự sẻ chia của các bác sĩ, các nhà hảo tâm đối với người bệnh. Hội chợ đã giúp nhiều người bệnh cảm thấy ấm lòng khi ngày Tết cổ truyền cận kề dù là đang phải chiến đấu với bệnh tật trong bệnh viện".
Trong những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức "Chợ Tết yêu thương" nhằm gây quỹ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại bệnh viện điều trị trong dịp Tết. Chia sẻ về ý nghĩa của "Chợ Tết yêu thương", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện cho biết: "Bên cạnh việc điều trị bệnh cho người bệnh, chúng tôi mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn, san sẻ yêu thương, mang đến những ngày Tết ấm áp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện, không được đón Tết tại quê nhà. Đây cũng là cầu nối đầy tình yêu thương giữa người thầy thuốc và bệnh nhân trong những ngày đón xuân tại Bệnh viện Bạch Mai".
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, "Xuân yêu thương" là hoạt động thường niên và ý nghĩa của Bệnh viện trong dịp Tết đến xuân về, với mong muốn đem đến hương vị ngày Tết, động viên, sẻ chia với những bệnh nhi và gia đình đang điều trị tại Bệnh viện. Chương trình năm nay đã dành tặng gần 2.000 suất quà thông qua 37 gian hàng không đồng cho các bé và gia đình.
ThS Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện nay mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận thăm khám khoảng 4.000 bệnh nhi ngoại trú, có hơn 2.000 bệnh nhi điều trị nội trú, 120 trường hợp phải thở máy/mỗi ngày. Hầu hết các em đều ở tỉnh xa và mắc bệnh hiểm nghèo, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
"Vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, cùng chung tay với bệnh viện để chăm lo cho các cháu đang nằm điều trị với những món quà về vật chất và tinh thần, nhằm góp phần giúp các cháu có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật, sớm trở về với gia đình, bạn bè để đón xuân và học tập. Ngoài chương trình hôm nay, để có cái Tết ấm áp cho các bệnh nhi, bệnh viện đã có phương án hỗ trợ khoảng 1.000 bệnh nhi còn ở lại điều trị trong những ngày Tết. Dự kiến trong 4 ngày Tết, bệnh viện và các nhà tài trợ sẽ phát suất ăn miễn phí cùng các nhu yếu phẩm cần thiết cho các bé", ThS Trịnh Ngọc Hải chia sẻ.
Đến hẹn lại lên, với mong muốn sẻ chia, hỗ trợ những bệnh nhân nằm viện điều trị dịp cận Tết và trong tết Nguyên đán, hầu hết các bệnh viện đều có các hoạt động ý "tương thân, tương ái". Đây không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần quý giá, giúp người bệnh vững tin hơn trong hành trình điều trị.
Báo giaothong
https://baogiaothong.vn/am-ap-gian-hang-0-dong-trong-benh-vien-ngay-can-tet-192250120161910124.htm
* Hà Nội kiểm soát chặt an toàn thực phẩm dịp Tết
Sau một tháng ra quân đồng loạt kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết tại các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm, các đoàn liên ngành của TP đã mạnh tay xử lý nghiêm vi phạm. Hàng loạt cơ sở vi phạm ATTP bị tạm dừng hoạt động.
Mạnh tay xử lý vi phạm ATTP
Những ngày qua, sự việc cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình) bị tạm dừng hoạt động do vi phạm các quy định về ATTP được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây chú ý trong dư luận.
Trực tiếp kiểm tra cơ sở này, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Việt Dũng thực sự bất ngờ và sốc khi chứng kiến quy trình sản xuất thủ công, tạm bợ; tất cả công đoạn sản xuất đều vi phạm nghiêm trọng ATTP.
Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với ông Nguyễn Duy Anh - chủ cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh về 4 hành vi vi phạm.
Từ sự việc này cho thấy, muốn phát triển sản phẩm, giữ vững thương hiệu thì dù sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại hay theo phương thức thủ công truyền thống đều phải tuân thủ và chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, ATTP.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra đột xuất Công ty CP Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh – Cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thực phẩm snack, bánh ngũ cốc, bánh ngũ cốc phủ socola, kẹo Socola (số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức) cũng phát hiện nhiều vi phạm ATTP và đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động.
Tương tự, Đoàn đã quyết định tạm dừng hoạt động Công ty TNHH thực phẩm Hải Việt (cụm công nghiệp Yên Nghĩa, Hà Đông) do vi phạm các quy định về ATTP như nhà xưởng không đảm bảo vệ sinh, các thành phẩm bị đặt trực tiếp trên sàn nhà, người lao động không sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay hay khẩu trang khi trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm.
Tạm dừng hoạt động 6/7 cơ sở kiểm tra đột xuất
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, trong dịp Tết năm 2025, UBND TP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP. Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP đến nay đã làm việc với 7 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hà Đông, Chương Mỹ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm và Mỹ Đức; đồng thời trực tiếp kiểm tra đột xuất 7 cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của 6/7 cơ sở do không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, ATTP. Trong đó, Công ty CP Thương mại & Công nghiệp thực phẩm Đức Vinh là cơ sở “khủng khiếp về mức độ mất ATTP”.
Ngoài ra, các cơ sở vi phạm chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy trình khép kín một chiều. Thêm vào đó, nhận thức của chủ cơ sở về vấn đề bảo đảm ATTP chưa cao, khi bị kiểm tra còn có thái độ đối phó, chưa hợp tác.
Theo ông Đặng Thanh Phong, năm nay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo TP, UBND TP, các đoàn kiểm tra không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở đi kiểm tra. Sau kiểm tra, đoàn báo cáo lại với lãnh đạo TP để TP nắm được và tiếp tục chỉ đạo.
Còn với cơ sở đoàn đến kiểm tra nhưng thông báo đóng cửa không tiếp đoàn, cho công nhân nghỉ, đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện kiểm tra lại (kiểm tra đột xuất), nếu cơ sở có lỗi vi phạm, xử lý thật nặng. Đến khi cơ sở khắc phục được các nội dung, Ban Chỉ đạo quận, huyện xuống kiểm tra thực tế đúng với báo cáo, sẽ cho hoạt động trở lại. Còn cơ sở chưa khắc phục được tồn tại vẫn tiếp tục dừng hoạt động.
Mặt khác, lãnh đạo Chi cục ATVSTP yêu cầu các đoàn kiểm tra chặt về nguồn gốc, lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm dịp Tết, nhất là rượu (xét nghiệm dư lượng hóa chất, hóa chất bảo quản, vi sinh…). TP Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và chất lượng cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, Hà Nội luôn chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm ở mức cao nhất có thể vận dụng, áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, tạm dừng hoạt động sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm…
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh sản phẩm ngay tại chỗ. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại. Đặc biệt, TP sẽ tái kiểm tra đột xuất xem chính quyền địa phương giám sát, xử lý vi phạm đến đâu và các cơ sở khắc phục ra sao.
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, với các lỗi vi phạm, biện pháp xử lý cần phải nghiêm túc, công khai, không được bao che, để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm. Từ đó, họ sẽ đầu tư lại hệ thống máy móc, trang thiết bị và lấy lại uy tín, thương hiệu các sản phẩm của mình.
Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành của TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 là “thời gian vàng” để tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các mặt hàng phục vụ Tết.
Ngoài ra, công tác kiểm tra cần được tiếp tục tăng cường sau dịp Tết và mùa lễ hội, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp này. Qua đó, bảo đảm ATTP Tết cho người dân, kiên quyết không để các mặt hàng kém chất lượng kịp lưu thông trên thị trường.
Báo kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-kiem-soat-chat-an-toan-thuc-pham-dip-tet.html
*Hà Nội có thêm hơn 100 ca bệnh sởi tại 22 quận, huyện
Tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi tại 22 quận, huyện. Dự báo,số ca mắc sởi có thể tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2025.
Ngày 20-1, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10-1 đến ngày 17-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 102 trường hợp mắc sởi tại 22 quận, huyện(giảm 18 trường hợp so với tuần trước đó).
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 566 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Riêng năm 2025 đã có 102 trường hợp mắc sởi tại 22/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 11 trường hợp dưới 6 tháng (chiếm 10,8%); 10 trường hợp từ 6 đến 8 tháng (chiếm 9,8%); 8 trường hợp từ 9 đến 11 tháng (chiếm 7,8%); 24 trường hợp từ 1 đến 5 tuổi (chiếm 23,5%); 20 trường hợp từ 6 đến 10 tuổi (chiếm 19,6%) và 29 trường hợp từ 10 tuổitrở lên (chiếm 28,4%).
Tuần qua, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch sởi trong trường học tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm; phường Hoàng Liệt và phường Mai Động, quận Hoàng Mai.
Theo CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần qua có giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Dự báo, số ca bệnh có thể tăng cao trong 3 tháng đầu năm 2025 do sự gia tăng giao lưu, tiếp xúc trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán, tương tự theo xu hướng diễn biến dịch giai đoạn năm 2018-2019.
Ngoài ra, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 83 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện (tăng 16 trường hợp so với tuần trước).
Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 9.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 77% so với năm 2023). Riêng năm 2025 ghi nhận 88 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhưng chưa ghi nhận ổ dịch.
Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 21 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 6 trường hợp so với tuần trước) và không có ổ dịch.
Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc uốn ván trong năm nay. Bệnh nhân này là cụ bà 72 tuổi ở huyện Mỹ Đức mắc uốn ván từ vết thương ở cẳng tay phải.
Còn lại các dịch bệnh khác như: Liên cầu lợn, não mô cầu, Covid-19… không ghi nhận ca bệnh trong tuần qua.
Báo hanoimoi
https://hanoimoi.vn/ha-noi-co-them-hon-100-ca-benh-soi-tai-22-quan-huyen-691053.html
https://hanoionline.vn/video/them-hon-100-ca-benh-soi-tai-22-quan-huyen-297721.htm
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc