TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm tin y tế trên các báo ngày 30/4/2024
Ngày đăng 02/05/2024 | 15:09  | Lượt xem: 46

*Phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng ho gà vào giai đoạn nào?

Nếu người mẹ được tiêm vaccine phòng ho gà thì miễn dịch sẽ truyền từ mẹ sang con; tức là đứa trẻ sinh ra đã có ngay miễn dịch.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết: Hầu hết các trường hợp mắc ho gà vừa qua là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Hiệu quả của vaccine phòng ho gà không cao như một số vaccine khác, vì vậy việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là rất cần thiết.

“Đặc biệt, ngoài tiêm vaccine phòng ho gà cho trẻ, chúng tôi cũng khuyến cáo cần tiêm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cụ thể là những phụ nữ đang có ý định mang thai, phụ nữ đang trong thai kỳ, cần tiêm một số mũi vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vaccine phòng ho gà. Nếu người mẹ được tiêm vaccine phòng ho gà thì miễn dịch sẽ truyền từ mẹ sang con; tức là trẻ sinh ra đã có ngay miễn dịch”, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo.

Với những phụ nữ mang thai chưa rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa tiêm, tiêm chủng chưa đầy đủ, cần tiêm bổ sung một mũi vaccine có thành phần phòng bệnh ho gà vào giai đoạn tuần thứ 27-36 của thai kỳ.

Ông Khổng Minh Tuấn cũng khuyến cáo: Hiện các vaccine đã được cung ứng đầy đủ, người dân cần kiểm tra lại các mũi tiêm của con em mình. Nếu chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm đầy đủ các mũi vaccine theo đúng lịch, độ tuổi. thì cần đưa trẻ đi tiêm chủng ngay để phòng tránh tất cả các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine, trong đó có ho gà. Việc nâng cao được tiêm chủng sẽ giúp trẻ có hàng rào miễn dịch phòng bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Chính vì vậy, bệnh ho gà ở trẻ nhỏ rất dễ lây lan khi ở cùng một không gian như trường học, nhà ở... dễ gây thành dịch.

Lịch tiêm vaccine phòng ho gà:
Với trẻ em, tiêm các mũi vaccine vào các thời điểm:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 một tháng.
- Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 một tháng.
- Mũi 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Với phụ nữ mang thai: Tiêm mũi vaccine có thành phần ho gà vào tuần thứ 27-36 của thai kỳ.

(Báo Tin tứchttps://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/phu-nu-mang-thai-can-duoc-tiem-phong-ho-ga-vao-giai-doan-nao-20240429150536477.htm)

*Vì sao Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị...

Đa phần bệnh nhân ung thư cổ tử cung đến khám, điều trị giai đoạn muộn

Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú.

Các chuyên gia của Bệnh viện K cho hay, phần lớn người bệnh ung thư cổ tử cung đều đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc khi đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chủ yếu do nhiễm HPV. Nhiều nghiên cứu chỉ ra 99% ca mắc dương tính HPV. Trong đó, chủng HPV 16, 18 gây ra >70% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Các yếu tố nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, bạn tình nhiễm HPV, suy giảm miễn dịch, nhiễm Chlamydia, hút thuốc lá chủ động và thụ động, sinh nhiều con (từ 3 con), điều kiện kinh tế kém,... cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư này.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và tiền ung thư không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan. Đôi khi bệnh nhân bị ra máu âm đạo bất thường sau giao hợp, giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường, giao hợp đau, đau vùng chậu, sưng phù chi dưới... thì tổn thương thường rõ ràng và có thể đã lan rộng.

Tại hội thảo do Bộ Y tế tổ chức để lấy ý kiến về mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn để chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh trong dự án Luật BHYT sửa đổi, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, Chính phủ Việt Nam cam kết đạt tỷ lệ sàng lọc ung thư cổ tử cung là 60% vào năm 2025, nhưng hiện chỉ có 28% phụ nữ Việt Nam được sàng lọc hàng năm.

Tỷ lệ sàng lọc trong 3 năm qua là 17%, trong khi tỷ lệ sàng lọc trong 5 năm qua là 21%, cho thấy có một khoảng cách đáng kể để đạt được mục tiêu sàng lọc.

Bà Trang cũng thông tin, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra bằng chứng rằng việc đáp ứng các mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể, dựa trên ước tính rằng mỗi USD đầu tư có thể mang lại khoảng 28 USD khi xem xét tác động của sức khỏe được cải thiện của phụ nữ đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

"Vì vậy, việc xem xét phạm vi chi trả của Quỹ BHYT cho việc sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung nói riêng và một số bệnh lý khác là rất quan trọng và có thể mang lại hiệu quả, lợi ích cao cho người bệnh, Quỹ BHYT và xã hội"- Bà Trang nói.

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung: Điều trị hiệu quả, giảm chi tiền túi của người bệnh

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B.

Về sàng lọc ung thư cổ tử cung, trong đánh giá tác động của dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu công bố bởi UNFPA năm 2023, ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được đánh giá tại Việt Nam, bao gồm: xét nghiệm HPV 10 năm/ lần, xét nghiệm tế bào học 5 năm/ lần, và xét nghiệm VIA 3 năm/lần.

Kết quả mô hình hóa trong toàn bộ thời gian sống của quần thể cho thấy, các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn 280 - 287 nghìn ca tử vong và giúp tăng thêm 7,2 – 7,4 triệu năm sống.

"Hiện đã có nhiều bằng chứng về chi phí - hiệu quả của biện pháp sàng lọc. Trong đó, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 đến 3 nghìn tỉ đồng/năm; với ung thư vú là 2,5 đến 5,3 nghìn tỉ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả BHYT cho bệnh này"- bà Trần Thị Trang nói.

Chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

"Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với đó, việc tiêm phòng vắc-xin cũng là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung"- TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú - phụ khoa Bệnh viện K nói.

Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy - Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế: Nếu như được phát hiện sớm và xử lý một cách đúng đắn những trường hợp tiền ung thư cổ tử cung, tỷ lệ chữa lành bệnh lên đến hơn 90%.

Trong các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung, các hướng dẫn cập nhật của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (2020), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa kỳ (2021) và Tổ chức Y tế Thế giới (2021) đang khuyến cáo ưu tiên sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ với khoảng cách sàng lọc 5 năm/lần, cùng với que tăm bông tự lấy mẫu để gia tăng độ phủ sàng lọc.

Từ bức tranh các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã triển khai thành công chương trình sàng lọc quốc gia, hầu hết đều sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ, hoặc đang được chuyển đổi từ các phương pháp khác như tế bào học sang HPV DNA.

(Báo Sức khoẻ đời sốnghttps://suckhoedoisong.vn/vi-sao-bo-y-te-de-xuat-bhyt-chi-tra-sang-loc-ung-thu-co-tu-cung-169240430161126051.htm)

*Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt do nắng nóng

Những ngày qua, nắng nóng gay gắt bao trùm khắp cả nước với mức nhiệt 40 - 44 độ C khiến nhiều người bị sốc nhiệt. Khi cơ thể bị sốc nhiệt, sẽ làm tổn thương đa cơ quan dẫn đến suy đa tạng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong.

Tử vong do sốc nhiệt 

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến 2 người đàn ông tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bị sốc nhiệt, tử vong sau khi đi ngoài đường. 2 nạn nhân được xác định cùng ở xã Kim Song Trường là ông N.H.O. (80 tuổi, trú tại thôn Đình Hồ) và ông N.H.T. (70 tuổi, ngụ tại thôn Phúc Yên).

Sáng 28/4, ông N.H.O. đi xe đạp sang nhà người thân ở cùng xã chơi. Trưa về, do tuổi cao sức yếu cùng với thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C khiến ông O. bị say nắng, ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong do bị sốc nhiệt.

Tương tự, trưa 27/4, ông N.H.T. đi bộ từ nhà con ở cùng thôn về nhà với quãng đường chỉ 500 m cũng bị sốc nhiệt ngất xỉu nằm ra đường và tử vong sau đó.

Trước đó, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị sốc nhiệt, đột quỵ do thời tiết nắng nóng gay gắt. Đơn cử, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nam thanh niên (29 tuổi) chuyển từ Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội với chẩn đoán sốc nhiệt có tổn thương nội tạng (gan, thận, huyết học) sau khi chạy bộ khoảng 5km vào lúc 17 giờ chiều.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được kiểm soát thân nhiệt, truyền dịch, bù điện giải và các phương pháp điều trị nội khoa tích cực khác, nhờ đó, cải thiện chức năng các tạng, không để lại di chứng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân V.V.C. (55 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng có biểu hiện đột quỵ, khó nói, méo miệng. Ông C. là bảo vệ, thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Do thời tiết nắng nóng nên bệnh nhân bị kiệt sức, người uể oải và ngã quỵ. May mắn, ông được cấp cứu trong thời gian vàng.

Cũng có nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng nhưng nhập viện muộn, khiến việc hồi phục trở nên khó khăn. Điển hình như ông T. (là thợ xây, ở Gia Lâm, Hà Nội), khi đang làm việc trên giàn giáo, bất ngờ cảm thấy tối sầm mặt, loạng choạng, hoa mắt. Ông T. nhập viện muộn sau khi đã qua giờ vàng điều trị nên bị biến chứng nặng nề.

Sốc nhiệt, say nắng là hiện tượng nhiều người lo ngại khi miền Bắc đang bước vào những ngày Hè nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Học - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nắng nóng gây cơ thể mất nước, muối nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu bị lưu thông kém. Hậu quả là làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Say nắng và sốc nhiệt đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển của tình trạng này là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Trong đó, những người có bệnh lý nền thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.

Sơ cứu người bị sốc nhiệt

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên khỏe mạnh có tham gia tập luyện thể thao hoặc tắm nắng dưới nhiệt độ nóng cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt.

Thông thường, những người trẻ, khỏe không nhận thấy được các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt cũng như không mấy chú tâm đến chúng, hoặc họ có thể cảm thấy ngại khi than phiền về việc cảm thấy khó chịu trong quá trình luyện tập thể thao.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, người dân nếu phải ở lâu ngoài trời, cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.

Mỗi người dân phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.

Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế lưu ý, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp.

Ở mức độ nhẹ, chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.

Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút, các biểu hiện sẽ giảm dần. Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

(Báo Kinh tế đô thịhttps://kinhtedothi.vn/canh-bao-nguy-co-soc-nhiet-do-nang-nong.html)

*Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024:Siết chặt công tác quản lý

Sau hai tuần ra quân triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vi phạm.

Công tác quản lý được siết chặt đã góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Xử phạt hành chính 270 cơ sở vi phạm

Theo báo cáo nhanh kết quả triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15-4 đến ngày 26-4, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại 11/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 36,7%) và 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, 9/15 cơ sở đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60%); 6/15 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 40%). Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 81 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 311 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Cùng với tuyến thành phố, các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã kiểm tra, giám sát 4.768 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Kết quả có 4.480 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 94%) và 288 cơ sở vi phạm (chiếm 6%). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 270 cơ sở với tổng số tiền hơn 918 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Trong quá trình cùng với Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đi thực tế, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, bên cạnh những cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định thì vẫn còn tồn tại những nơi chưa đáp ứng điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, quận Hà Đông), tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đánh giá, bên trong khu vực nhà xưởng đã xuống cấp; hệ thống cống chạy dọc từ khu sản xuất đến các kho chứa hàng đều lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, nhà xưởng của khu vực sản xuất không bảo đảm khép kín. Tại đây phát hiện có phân côn trùng…

Còn tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gà ủ muối Hoàng Thị Thu Hằng (ở xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội phát hiện nhiều loại phụ gia thiếu nhãn mác chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và khi sang chiết ra lọ nhỏ không có tem nhãn phụ. Trực tiếp kiểm tra cơ sở này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đã yêu cầu, chủ cơ sở phải sắp xếp và thiết lập một quy trình sản xuất gà ủ muối với các khâu cụ thể, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, toàn bộ nguyên liệu đưa vào sản xuất, chế biến cần phải có tem mác đầy đủ, có hóa đơn chứng minh nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Giảm thiểu ngộ độc khi mùa hè đến

Trong hai tuần ra quân triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố. Riêng các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Tại quận Hà Đông hiện có 6.591 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cùng 3 trung tâm thương mại, 14 siêu thị, 16 chợ dân sinh trong quy hoạch. Do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhiều, trong khi số lượng cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm lại ít, nên tỷ lệ cơ sở được kiểm tra chưa đạt được như mong muốn. Thêm vào đó, việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được giải quyết triệt để, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, do lực lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ nên rất khó để kiểm tra, theo dõi...

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để tiếp tục triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, công tác kiểm tra, quản lý cần được siết chặt hơn, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm và công khai để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.

Riêng với ngành Y tế thành phố, trong thời gian tới sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền… nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

(Báo Hà Nội mớihttps://hanoimoi.vn/thang-hanh-dong-ve-an-toan-thuc-pham-nam-2024-siet-chat-cong-tac-quan-ly-665015.html)

*Gần 350 cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã ra thông báo có 346 nhà thuốc, quầy thuốc tổ chức bán lẻ thuốc phục vụ người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Trong đó bao gồm 39 nhà thuốc bệnh viện trực bán thuốc 24/24h và 307 quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân bán thuốc từ 6 - 7 giờ sáng đến 22 - 23h30 hàng ngày. Các cơ sở bán lẻ thuốc này không được để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khi bùng phát dịch bệnh.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn và phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp nghỉ lễ.

Với các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cần đảm bảo cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, khan hiếm thuốc, đặc biệt là thuốc cho cấp cứu, thuốc phòng chống dịch bệnh và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa hè như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy…

Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, cung ứng theo đơn hàng của các cơ sở khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá thuốc.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị phòng y tế 30 quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược, quy định về kinh doanh thuốc đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá…

(Báo Lao động thủ đô- https://laodongthudo.vn/gan-350-co-so-ban-le-thuoc-phuc-vu-nguoi-dan-trong-dip-nghi-le-304-va-15-169913.html)

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 98
Lượt truy cập trong tuần: 3981
Lượt truy cập trong tháng: 71814
Lượt truy cập trong năm: 883297
Tổng số lượt truy cập: 44950685
Về đầu trang