TIN TỨC - SỰ KIỆN
* Tăng cường phòng, chống dịch mùa đông xuân, dịp Tết Nguyên đán
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa đông xuân, đảm bảo sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành và đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp để thực hiện.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các dịch bệnh mùa đông xuân (đặc biệt là sởi, ho gà, cúm gia cầm lây sang người,...); giám sát phát hiện bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế theo phân cấp; giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện có tổ chức lễ hội; giám sát phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch cần thiết để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Song song với đó là phối hợp, hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm Y tế (TTYT) trong hoạt động giám sát, điều tra và xử lý khi có ca bệnh, ổ dịch.
Các đơn vị tiếp nhận, cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin trong các chiến dịch cho các TTYT để tổ chức triển khai hiệu quả hoạt động tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, các bệnh viện trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế việc lây chéo các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện (đặc biệt là bệnh sởi); bố trí khu vực khám sàng lọc, cách ly, điều trị đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các bệnh viện dự trù, chuẩn bị đầy đủ cơ số giường, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Các đơn vị tăng cường các hoạt động truyền thông về thực hiện các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh mùa đông xuân cho người bệnh và người nhà khi đến khám và điều trị tại bệnh viện.
Đối với những bệnh có vắc xin phòng bệnh (đặc biệt là bệnh sởi) cần tăng cường hỏi tiền sử tiêm chủng để tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện thị xã chỉ đạo TTYT tuyên truyền về dịch bệnh và cách phòng chống, đồng thời triển khai đầy đủ các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt là phối hợp với các trường học, các ban ngành đoàn thể tiếp tục rà soát trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi để mời tiêm bổ sung, tiêm vét; rà soát trẻ 7 tuổi, đang học lớp 2 tại các trường tiểu học để tiêm vắc xin phòng uốn ván - bạch hầu (Td).
Báo tuoitrethudo
https://tuoitrethudo.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-mua-dong-xuan-dip-tet-nguyen-dan-269270.html
https://kinhtedothi.vn/giam-sat-phat-hien-som-dich-tu-cua-khau-khong-de-xam-nhap-vao-viet-nam.html
https://baophapluat.vn/ngan-chan-nguy-co-dich-benh-lay-lan-bung-phat-dip-tet-post537043.html
* Phát hiện nhiều vi phạm an toàn thực phẩm tại quận Bắc Từ Liêm
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2025 tại quận Bắc Từ Liêm.
Xử phạt 13 cơ sở vi phạm ATTP hơn 100 triệu đồng
Qua kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh Hùng Mai – cơ sở sản xuất giò chả (địa chỉ: số 17, ngõ 211 đường Thượng Cát, TDP Thượng Cát 2, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), cơ sở có một số tồn tại.
Cơ sở chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP của 2 người lao động. Cơ sở chưa xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia để sản xuất thực phẩm, bao bì chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở báo cáo có sử dụng phụ gia thực phẩm: SuperBind K70 để sản xuất giò chả, tuy nhiên trên nhãn sản phẩm không liệt kê phụ gia thực phẩm trong thành phần.
Về cơ sở vật chất, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt giữa các khu vực sản xuất chức năng: sơ chế, chế biến, đóng gói… Khu vực ô thoáng không có trang thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại; cửa ra vào khu vực sản xuất là cửa cuốn, không có thiết bị phòng chống bụi, côn trùng và động vật gây hại.
Tường khu vực sản xuất bám nhiều bụi bẩn. Cơ sở có 2 tủ mát và 1 đông bảo quản thực phẩm, tuy nhiên để lẫn nguyên liệu sản xuất thực phẩm với các thực phẩm sinh hoạt gia đình, không có bảo quản riêng biệt.
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tồn tại nêu trên; bố trí khu vực sản xuất đảm bảo theo nguyên tắc một chiều; tiếp tục làm việc giải quyết các tồn tại trong biên bản kiểm tra với Ban chỉ đạo công tác ATTP quận Bắc Từ Liêm.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 giao Ban chỉ đạo Công tác ATTP quận Bắc Từ Liêm tiếp tục làm việc với cơ sở, xử lý vi phạm, giám sát việc khắc phục của cơ sở và báo cáo kết quả về đoàn kiểm tra liên ngành số 1 trước ngày 15/1/2025.
Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết, quận Bắc Từ Liêm có 4.253 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025, quận đã thành lập 15 đoàn kiểm tra về ATTP, trong đó, 2 đoàn quận và 13 đoàn phường, kiểm tra, giám sát ATTP các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quận.
Tính đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 150 lượt cơ sở. Trong đó, quận kiểm tra 36 cơ sở; tuyến phường kiểm tra 114 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, các đoàn liên ngành xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở. Trong đó, quận xử phạt 7 cơ sở; phường xử phạt 6 cơ sở với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Xử lý nghiêm cơ sở bánh mứt kẹo vi phạm
Theo Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận, qua kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả tại các chợ, điểm bán lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép đăng ký kinh doanh tuyến phường quản lý gặp nhiều khó khăn.
Công tác quản lý ATTP từ quận đến cơ sở chưa thực sự chuyên sâu. Cán bộ làm công tác ATTP kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, thiếu chuyên môn.
Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.
Tại cuộc làm việc với quận Bắc Từ Liêm, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Trần Việt Dũng thông tin, tính đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP đã kiểm tra 7 cơ sở.
Qua kiểm tra đột xuất 7 cơ sở, có 6 cơ sở đều không đảm bảo ATTP và bị tạm dừng hoạt động để khắc phục lỗi vi phạm. Duy nhất có cơ sở tại quận Bắc Từ Liêm không bị tạm dừng hoạt động. Vi phạm của cơ sở chưa đến mức nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đề nghị quận tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương, ngành y tế, kinh tế…. trong dịp Tết.
Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, để công tác bảo đảm ATTP dịp Tết hiệu quả, quận Bắc Từ Liêm cần tăng cường công tác tuyên truyền ATTP trên các nền tảng xã hội; quận bổ sung thêm kết quả xử lý của công an quận và đội quản lý thị trường trên địa bàn qua thời gian kiểm tra. Cùng với đó, các đoàn liên ngành của quận tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.
“Qua kiểm tra tại cơ sở Hùng Mai (cơ sở sản xuất giò chả được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao), quận lưu ý, khi xét sản phẩm OCOP với các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, trong quá trình vận hành, quận phải có các cuộc kiểm tra thực tế tại cơ sở để xem cơ sở có đảm bảo đúng quy định không?
Quận cần có kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho các thương hiệu đã được công nhận là sản phẩm OCOP để duy trì, phát triển thương hiệu mạnh hơn” - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội lưu ý.
Song song với công tác kiểm tra trong dịp giáp Tết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cũng đề nghị quận làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn các cơ sở. Để trong quá trình kiểm tra, nếu cơ sở bị xử lý vi phạm, cơ sở nhận thức lỗi vi phạm là do chủ quan dù đã được hướng dẫn.
Ngoài ra, quận tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra công tác ATTP trong dịp Tết, lễ hội đầu Xuân năm 2025, đặc biệt là chú trọng một số cơ sở có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng giám sát, nhất là các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo ở phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo trên địa bàn quận.
Báo Kinhtedothi
https://kinhtedothi.vn/phat-hien-nhieu-vi-pham-an-toan-thuc-pham-tai-quan-bac-tu-liem.html
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc