TIN TỨC - SỰ KIỆN
8 em học sinh của trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đến bệnh viện kiểm tra do có biểu hiện buồn nôn, đau đầu sau khi hút phải thuốc lá điện tử.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt xác nhận, ngày 5/12, 1 học sinh lớp 3A2 nhặt được thuốc lá điện tử và mang đến lớp. Sau khi ăn bán trú, trong lúc nghỉ giải lao chuẩn bị đi ngủ trưa, một số học sinh cùng lớp tò mò dùng thử hoặc hít phải khói thuốc nên có dấu hiệu buồn nôn.
Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã đưa các em xuống phòng y tế kiểm tra đồng thời mời phụ huynh cùng lãnh đạo trường đưa các bé dùng thử và hít phải khói thuốc đến bệnh viện kiểm tra. Trong số 8 em học sinh đến bệnh viện khám có 1 em hút thử, 4 em nói cho thuốc lá vào miệng ngậm. 3 em còn lại khi đến bác sĩ kiểm tra thì không còn dấu hiệu như các em nói ban đầu.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt cho biết thêm, qua sự việc này, nhà trường đã rút kinh nghiệm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử tới tất cả học sinh và phụ huynh, đồng thời đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường kiểm soát chặt chẽ những vật dụng khi học sinh mang đến trường và sử dụng.
PGS.TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hóa chất khác với thuốc lá truyền thống.
Chất nicotine trong các sản phẩm này là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, đồng thời việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.
Nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma túy,…
Việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi không hồi phục.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thế hệ mới đều độc hại đối với sức khỏe và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới. Sự "mới lạ" của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, "văn hóa hút thuốc lành mạnh", sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của "tuổi mới lớn" và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người chưa hút, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Theo kết quả Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung là 0,2%. Đến năm 2019, Theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019" của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).
Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.
Một nghiên cứu khác tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).
Đáng ngại là, nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới, và tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.
https://suckhoedoisong.vn/8-hoc-sinh-nhap-vien-cap-cuu-do-hut-phai-thuoc-la-dien-tu-169221207145332273.htm
Hà Khanh (Theo Sức khỏe & Đời sống)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc