TIN TỨC - SỰ KIỆN
“Em khoẻ hơn rất nhiều như được hồi sinh lại vậy. Em có thể làm được các việc nặng giúp mẹ. Khi ghép thận thành công, em chỉ muốn thật nhanh được ôm mẹ và nói với mẹ rằng con khoẻ lắm mẹ ạ…” – đây là những lời bày tỏ của anh P.T.H (24 tuổi) quê Nghĩa Châu, Nam Định mắc viêm cầu thận phải chạy thận gần 3 năm nay mới được các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đức Giang ghép thận thành công từ chính thận hiến của mẹ ruột.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đánh giá cao những thành tựu trong công tác ghép thận của BVĐK Đức Giang.
Những cuộc sống mới đang đến
Sau 13 ngày được ghép thận tại BVĐK Đức Giang, sức khoẻ của anh P.T.H đã ổn định. Bà N.T.D (mẹ ruột em H) thương con trai tuổi còn trẻ mà sức khoẻ sa sút, bà đã hiến thận của mình, quyết tâm mang lại cuộc sống mới cho con, dù có phải bán nhà.
Hai mẹ con anh H đều khoẻ mạnh sau ca ghép thận.
“Đã nhiều lần ngỏ lời muốn hiến thận cho con nhưng cháu không đồng ý vì thương mẹ tuổi cao sức yếu. Ban đầu, tôi cũng rất lo lắng không biết có thể hiến thận cho con hay không, phẫu thuật có thành công không. Thật may mắn, hai mẹ con tương thích nên các bác sĩ đã ghép thận thành công cho con. Hiện cả hai mẹ con đều khỏe mạnh, chờ vài ngày nữa sẽ được xuất viện. Tôi xin cảm ơn các bác sĩ của BVĐK Đức Giang đã ghép thận thành công cho con trai tôi và cũng rất tận tâm trong quá trình điều trị, chăm sóc cả 2 mẹ con.” – bà D chia sẻ.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài sự chăm sóc tận tình về mặt chuyên môn, Ban lãnh đạo BVĐK Đức Giang đã hỗ trợ về mặt kinh phí cho trường hợp này. Đây là bệnh nhân thứ 3 tại BVĐK Đức Giang vừa được ghép thận thành công.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và BVĐK Đức Giang chúc mừng hai mẹ con bệnh nhân H.
Trước đó, BVĐK Đức Giang cũng đã thực hiện thành công 2 ca ghép thận đều từ người hiến sống và người hiến đều là mẹ của bệnh nhân. Đó là trường hợp của chị N.T.B.H. (26 tuổi, ở Tuyên Quang) được ghép thận thành công từ quả thận của người mẹ đẻ. Chị H được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận 3 lần/tuần. Vì thế, chị mong muốn được ghép thận tại BVĐK Đức Giang và không phải đến bệnh viện lọc máu nữa.
Nhưng điều đặc biệt ở ca ghép này khá khó khăn khi mẹ chị H. đã lớn tuổi, thể trạng nhỏ hơn con gái nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng. Để ca ghép thành công, BVĐK Đức Giang đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng trước tất cả các khả năng có thể xảy ra. Ca ghép đã diễn ra thành công. Sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định và nhanh chóng hồi phục trở về với cuộc sống hàng ngày.
Khi xuất viện, chị N.T.B.H nghẹn ngào: "Tôi rất xúc động trước tình cảm của người thân trong gia đình và sự tận tuỵ của các y bác sĩ BVĐK Đức Giang. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi tới gia đình và các y, bác sĩ, những người đã dành cho tôi trọn vẹn sự yêu thương. Thời gian trước và sau ghép thận là phần cuộc đời đáng nhớ nhất của tôi. Tôi cũng muốn nói lời cảm ơn đến người đặc biệt nhất cuộc đời mình - mẹ tôi, người đã mang nặng đẻ đau sinh ra tôi, đã hy sinh cho tôi một phần cơ thể để tôi tiếp tục được sống một cuộc đời khỏe mạnh".
Còn với anh L.B.C. (19 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hóa) vào tháng 4 vừa qua, L.B.C. có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa, phải nhập viện. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận, anh C. bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
Các bác sĩ BVĐK Đức Giang tư vấn cho anh về các phương pháp điều trị thay thế thận suy. Trong đó, ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này. Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, thận của mẹ đẻ phù hợp để ghép cho L.B.C.
Ngày 11/9, e-kíp ghép thận của BVĐK Đức Giang đã phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả L.B.C. và mẹ đẻ đều tiến triển tốt.
“Tôi rất vui mừng khi đã được ghép thận thành công, giờ đây không còn phải mệt mỏi vì chạy thận cũng như hao tốn tiền bạc, tinh thần, sức khỏe nữa, ca phẫu thuật thành công đã mang đến cho tôi hy vọng về cuộc sống mới", L.B.C nói.
Từ hành trình xây dựng quy trình ghép thận
Ngày 8/9/2024, BVĐK Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang. Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu cho biết, để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu một lần. Ngoài các chi phí BHYT thanh toán, người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hàng năm. Mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, sau khi được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường.
Theo Giám đốc BVĐK Đức Giang Nguyễn Văn Thường, để thực hiện 3 ca ghép thận thành công này, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã mất 2 năm chuẩn bị với 4 kỳ thẩm định khắt khe. Khi triển khai, Bệnh viện dù có nhiều lo lắng nhưng rất quyết tâm.
Chia sẻ về khó khăn và thuận lợi của lần đầu tiên thực hiện ghép thận tại Bệnh viện, TS Nguyễn Văn Thường cho biết, Bệnh viện có nhiều thuận lợi chính là sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt chuyên môn của các thầy thuốc tại Bệnh viện Quân y 103; sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Bệnh viện và sự chuẩn bị, đồng lòng trong 2 năm của ê-kíp triển khai ghép thận.
Sau gần 3 tuần thực hiện các ca ghép đầu tiên (các ngày 8, 11, 13/9), các bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt. Rất may mắn là Bệnh viện đã triển khai các ca ghép đều suôn sẻ, chưa phải triển khai cuộc hội chẩn nào để xử trí vấn đề phát sinh sau ghép.
Hàng năm có hàng trăm trường hợp bệnh nhân khám và điều trị tại BVĐK Đức Giang có tình trạng suy thận mạn tính. Riêng khoa Nội thận - Tiết niệu quản lý và điều trị lọc máu cho gần 180 bệnh nhân, trong đó chiếm 25-30% là bệnh nhân dưới 50 tuổi trong độ tuổi lao động. Số lượng bệnh nhân lọc máu chu kì tăng hàng năm và phải chuyển tuyến 50 – 60 ca do số máy lọc máu có hạn. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại BVĐK Đức Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chúc mừng e-kíp ghép thận của BVĐK Đức Giang.
Để có được thành công như trên, Bệnh viện đã tổ chức 29 cuộc họp liên quan đến triển khai lấy, ghép thận. Cử cán bộ đi đào tạo tại Bệnh viện Quân y 103. Sửa chữa cơ sở hạ tầng liên quan đến lấy, ghép thận tại các khoa. Mua bổ sung dụng cụ, vật tư, trang thiết bị, hoá chất, thuốc phục vụ lấy, ghép thận. Xây dựng đề án lấy, ghép thận…
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao những thành tựu trong công tác ghép thận của BVĐK Đức Giang. Đồng thời, đề nghị BVĐK Đức Giang tiếp tục duy trì thành công kỹ thuật này.
BVĐK Đức Giang là BVĐK hạng 1, là một trong 4 BVĐK lớn nhất của thủ đô. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, Bệnh viện có sự trưởng thành vượt bậc từ cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị đến con người. Đây là nền tảng để triển khai rất nhiều kỹ thuật cao. Sau đại dịch Covid-19, BVĐK Đức Giang đã phát triển rất nhanh và mạnh.
Đối với những bệnh nhân chẳng may bị suy tạng, đây là căn bệnh khá nguy hiểm, ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống lao động, sinh hoạt của người bệnh trong đó có suy thận. Nếu không được ghép thận thì người bệnh phải chạy thận nhân tạo chu kì. Bình thường bệnh nhân phải chạy tối thiểu 3 lần/tuần, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, thậm chí chi phí cao. Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4000 bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận nhân tạo.
Đối với việc điều trị suy thận, ghép thận là giải pháp tối ưu nhất. Thứ nhất, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người suy thận. Bệnh nhân không phải phụ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo. Thứ hai, sức khoẻ người bệnh cũng tăng lên rất tốt, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ như 3 bệnh nhân vừa được ghép thận tại BVĐK Đức Giang vừa qua. Thứ ba, sau ghép thận, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống lao động.
Để thực hiện được ca ghép thận thành công, đây không phải là thành công của riêng một người mà là sự nỗ lực, cố gắng của cả e-kíp. Trung bình một e-kíp ghép thận cần 50-70 người tham gia ở tất cả các khâu từ khâu sàng lọc, tuyển chọn, tạo nguồn, chuẩn bị người bệnh, xét nghiệm các chuyên ngành, chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, chụp chiếu, các bác sĩ lâm sàng từ nội thận đến ngoại thận, bác sĩ gây mê, hồi sức và chăm sóc, e-kíp điều dưỡng… Để có được ca ghép thận thành công, quan trọng nhất là tất cả các chuyên ngành tham gia ghép thận đều phải nâng cao vì tất cả các chuyên ngành tham gia ghép thận đó không đạt được trình độ nhất định thì không thể ghép thận thành công được. Tất cả các khâu ghép thận như một mắt xích, một khâu yếu cũng sẽ rất nguy hiểm.
Một khâu thiết nghĩ là đơn giản như dinh dưỡng người bệnh nếu không làm cẩn thận thì kết quả ghép thận cũng sẽ gặp vấn đề. Chính vì vậy, việc thành công ghép thận tức là e-kíp bệnh viện hay tất cả các khoa phòng của bệnh viện đã đạt một tầm cao mới.
Tuần tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục ghép thận cho 2 trường hợp nữa. Mới khởi đầu nhưng chỉ trong một tháng, Bệnh viện thực hiện được 5 ca ghép thận, thể hiện được tốc độ rất nhanh và kỹ thuật tốt. Sau những ca ghép cùng huyết thống, tới đây hy vọng Bệnh viện sẽ có thêm nhiều thành công trong ghép thận từ nguồn hiến khác, đặc biệt từ người chết não và có thêm nhiều ca ghép những tạng khác.
Ngoài ra, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cũng mong muốn BVĐK Đức Giang triển khai nhiều các kỹ thuật cao khác trong các chuyên ngành khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn quận và đặc biệt trên địa bàn Bắc sông Hồng.
Theo Giám đốc BVĐK Đức Giang Nguyễn Văn Thường, tới đây, Bệnh viện cố gắng đưa ghép thận thành kỹ thuật có tính thường quy tại Bệnh viện. Để duy trì điều này, Bệnh viện đã thành lập hội đồng, xây dựng quy trình để vận động người cho tạng, người cho chết não hiến tạng để tăng thêm nguồn tạng hiến, mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh.
Việt Nam
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc