TIN TỨC - SỰ KIỆN
* Hà Nội: bệnh viện công lập thứ 9 triển khai bệnh án điện tử
Ngày 30/11, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh tổ chức hội nghị thẩm định bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 9 của Hà Nội triển khai hệ thống này.
Tham dự có PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam; TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa Đông Anh là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, với 15 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng và 5 phòng chức năng. Bệnh viện có quy mô 430 giường bệnh kế hoạch, tổng số giường thực kê là 572 giường. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện khám cho hơn 257.300 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 30.000 bệnh nhân.
Bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB) và quản lý đơn vị. Bệnh viện từng bước đưa vào áp dụng việc thanh toán điện tử, chữ ký số, lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay thế cho in phim, lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy, sử dụng các phần mềm bệnh viện…
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, cải thiện sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành y tế trong thời gian tới.
“Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức của tập thể lãnh đạo và nhân viên y tế trong triển khai thực hiện chuyển đổi số rất quan trọng. Đơn vị cần đẩy mạnh xây dựng quy trình chuyển đổi số trong hoạt động KCB” – TS Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Hà Nội đã triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP; kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT, tăng cường kết nối, liên thông làm giàu dữ liệu; mở rộng triển khai bệnh án điện tử đến toàn bộ cơ sở y tế. Qua đó, tạo môi trường làm việc số, tư duy số đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến KCB.
Tại hội nghị, Hội đồng thẩm định đã khảo sát, kiểm tra cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống và đánh giá quy trình thực hiện bệnh án điện tử trên hệ thống theo quy định của Bộ Y tế.
Kết quả, việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Kết luận buổi làm việc, PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội tin học Y tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị bệnh viện tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định đầy đủ, chi tiết hơn, tiếp tục nâng cấp và bổ sung thiết bị, phần mềm để phục vụ tốt việc triển khai bệnh án điện tử chính thức.
Cùng với đó, bệnh viện xây dựng quy chế hoạt động chi tiết về triển khai thực hiện bệnh án điện tử, phân cấp sử dụng chữ ký số; đảm bảo an toàn thông tin lưu trữ dữ liệu, cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để sử dụng bệnh án điện tử; nâng cấp đường truyền đảm bảo việc kết nối luôn thông suốt.
Ngoài ra, bệnh viện đảm bảo hệ thống lưu trữ dữ liệu, xây dựng kế hoạch lưu trữ dữ liệu hàng năm, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin để triển khai phần mềm chính xác, hiệu quả hơn, kết nối liên thông với các phần mềm khác.
Bệnh viện Đa khoa Đông Anh triển khai thí điểm bệnh án điện tử từ cuối năm 2023. Việc ứng dụng bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy là bước đi đột phá quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của ngành y tế.
Bệnh án điện tử giúp giảm sai sót về chuyên môn; nâng cao hiệu quả, chất lượng, giúp lưu trữ chi tiết thông tin lịch sử của người bệnh; tăng cường tính tương tác giữa người bệnh và nhân viên y tế. Đồng thời, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.
Hiện nay, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng hiện chỉ có 8 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử: Phụ sản Hà Nội; Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa huyện Mỹ Đức; Đa khoa Vân Đình; Đa khoa Hòe Nhai; Đa khoa huyện Ba Vì; Đa khoa Sóc Sơn; Đa khoa huyện Quốc Oai.
Báo Kinh tế & Đô thị
https://kinhtedothi.vn/y-te.html
https://hanoimoi.vn/benh-vien-thu-9-cua-ha-noi-trien-khai-benh-an-dien-tu-686077.html
https://baomoi.com/benh-vien-dong-anh-trien-khai-benh-an-dien-tu-c50867271.epi
*Tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tình nguyện của Hà Nội cao nhất cả nước
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được trên 55.000 đơn vị máu. Nhờ đó, góp phần rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ dân số tham gia hiến máu của Hà Nội đạt 3,8% - cao nhất cả nước.
Sáng 1-2, tại Bảo tàng Hà Nội, Viện Huyết học truyền máu trung ương phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày hội hiến máu “Trái tim tình nguyện” lần thứ XVI.
Ngày hội được tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế tình nguyện 5-12.
Trải qua 15 kỳ tổ chức (2009 - 2023), chương trình đã tiếp nhận được gần 35.000 đơn vị máu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên, sinh viên trên địa bàn Thủ đô về hoạt động tình nguyện nói chung và tình nguyện hiến máu nói riêng.
Chương trình cũng là dịp để tri ân, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các tổ chức tình nguyện và tình nguyện viên trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; lan tỏa những giá trị nhân văn để làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Năm nay, Ngày hội hiến máu "Trái tim tình nguyện" được tổ chức trong 2 ngày 30-11 và 1-12 với thông điệp “Chung tay hiến máu cứu người”. Chương trình dự kiến tiếp nhận khoảng 2.500 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, điều trị người bệnh dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Riêng trong ngày đầu tiên tổ chức, đã có gần 1.500 người đến hiến máu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là “cái nôi” trong phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước. Cách đây gần 31 năm, Ngày phát động hiến máu nhân đạo đầu tiên của Việt Nam cũng được tổ chức tại Thủ đô. Đặc biệt, vào thời điểm đó, có một tổ chức đặc thù của thanh niên làm công tác tuyên truyền, vận động hiến máu của Thủ đô được thành lập, sau nhiều lần đổi tên nay là Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội.
Từ khi thành lập cho đến nay, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu. Hiện nay, các mô hình này đang được nhân rộng và áp dụng có hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước như: Lễ hội Xuân hồng, Giọt hồng tri ân, Trung thu cho em… hay Ngày hội "Trái tim tình nguyện" được tổ chức ngày hôm nay.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được trên 55.000 đơn vị máu, là đơn vị dẫn đầu trong phong trào hiến máu của Thủ đô. Nhờ đó, góp phần rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ dân số tham gia hiến máu của Hà Nội đạt 3,8% - cao nhất cả nước và cao gấp 2,4 lần tỷ lệ trung bình của cả nước.
Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng nên Trung tâm Máu quốc gia đã đảm bảo việc cung cấp máu và chế phẩm máu cho hơn 180 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước.
Báo Hà Nội mới
Hà Nội triển khai chiến dịch uống bổ sung vitamin A đợt II-2024
Chiến dịch uống bổ sung vitamin A đợt II-2024 trên địa bàn Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-12, uống vét ngày 3 và 4-12. Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Sáng 1-12, Hà Nội đồng loạt triển khai cho trẻ 6-35 tháng tuổi uống vitamin A đợt II-2024.
Tại huyện Ứng Hòa ngày 1-12 đã tổ chức 32 điểm uống vitamin A cho trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi. Theo ghi nhận sáng nay, tại các điểm uống đều được sắp xếp theo quy trình một chiều, bố trí đầy đủ ghế ngồi chờ ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, bảo đảm khoảng cách giữa bàn uống.
Ngoài ra, vật tư, trang thiết bị như: Viên nang vitamin A, cốc, thìa, giấy lau, thùng rác, kéo... được chuẩn bị đầy đủ. Đồng thời, người dân khi đưa trẻ đến các điểm uống đều được tư vấn cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cũng tổ chức 140 điểm uống bổ sung vitamin A. Dự kiến, trong đợt này huyện có 17.010 trẻ được bổ sung vitamin A, trong đó có 3.126 trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi và 13.884 trẻ từ 12 - 35 tháng tuổi.
Tại các điểm uống được sắp xếp theo quy trình một chiều, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Bố trí đủ ghế ngồi chờ ở nơi có mái che nắng, mưa; phân bổ số trẻ đến uống hợp lý, mời theo giờ tránh tình trạng trẻ đến uống ùn tắc, quá tải.
Bên cạnh đó, tại các điểm uống cũng được chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư như: Khay, kéo; biển hướng dẫn uống và liều dùng; nước uống, cốc/thìa uống nước, thùng đựng giấy lau…
Còn tại Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng trong sáng nay cũng triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A đợt II năm 2024 tại các điểm uống trên địa bàn 18 phường.
Qua công tác kiểm tra, giám sát tại các điểm uống đều được tổ chức theo quy trình một chiều, được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Các điểm đều bố trí ghế ngồi chờ ở nơi có mái che tránh mưa, tránh lạnh. Số trẻ tại mỗi điểm uống được phân bổ theo khung giờ nên không xảy ra ùn tắc và quá tải. Cán bộ y tế cho trẻ uống vitamin A bảo đảm đúng kỹ thuật và đúng liều...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chiến dịch uống bổ sung vitamin A đợt II-2024 trên địa bàn Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-12, uống vét ngày 3 và 4-12. Đối tượng được bổ sung vitamin A là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Mục tiêu đặt ra của chiến dịch là 99,8% trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A. Để tổ chức tốt chiến dịch, trước đó, CDC Hà Nội đã tổ chức triển khai, hướng dẫn đến cán bộ phụ trách hoạt động uống vitamin A của các đơn vị về kỹ thuật cho trẻ uống vitamin A, xử trí các tình huống như hóc, sặc… và cách bố trí, sắp xếp trang thiết bị dụng cụ, công tác thống kê, báo cáo.
Theo CDC thành phố, vitamin A là một vi chất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Khi thiếu vitamin A sẽ làm cho trẻ chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Thiếu vitamin A nặng gây khô mắt, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.
Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A, đó là: Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A; mắc các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng; trẻ bị suy dinh dưỡng.
Do đó, để phòng thiếu vitamin A cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Cùng với đó, cải thiện bữa ăn bằng thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt gà, chất béo từ thịt, trứng, sữa, kem, bơ…
“Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitaminA. Ăn các loại rau có nhiều tiền chất vitamin A như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, bí đỏ, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…); các loại rau màu xanh sẫm; dầu cọ và một số loại dầu ăn khác có bổ sung vitamin A. Ngoài ra, bổ sung vitamin A liều cao là một trong những giải pháp phòng thiếu vitamin A ở trẻ”, các chuyên gia lưu ý.
Báo Hà Nội mới
https://baomoi.com/ha-noi-trien-khai-chien-dich-uong-bo-sung-vitamin-a-dot-ii-2024-c50867912.epi
https://baomoi.com/ha-noi-to-chuc-gan-1-700-diem-uong-vitamin-a-dot-2-c50868025.epiVĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc