TIN TỨC - SỰ KIỆN
* Hà Nội tăng 33 ổ dịch sốt xuất huyết, số trẻ mắc sởi vẫn cao
Trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới, tổng số mắc lên tới 585 trường hợp, tăng 89 ca so với tuần trước đó…
Ngày 2-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 22 đến 28-11), toàn thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, giảm nhẹ 3 trường hợp so với tuần trước, trong đó 23 trường hợp chưa tiêm phòng vaccine.
Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận tới 33 ổ dịch SXH mới, nhiều nhất tại Đống Đa (9 ổ dịch), tiếp đến là Thường Tín (6 ổ dịch); Nam Từ Liêm (4 ổ dịch)… Hiện toàn thành phố còn 45 ổ dịch đang hoạt động.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc tay chân miệng, 01 trường hợp mắc ho gà tại Hà Đông…
Ca mắc não mô cầu tại Đông Anh là bệnh nhân nữ, 18 tuổi, tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 19-11 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn, co giật, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, được chẩn đoán viêm màng não mủ ngày 20-11, sau đó gia đình xin chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Đây là ca mắc não mô cầu thứ 3 của Hà Nội trong năm 2024.
CDC Hà Nội nhận định, số mắc bệnh sởi vẫn đang có xu hướng gia tăng. Số mắc SXH cũng vẫn duy trì ở mức cao. Các dịch bệnh khác như ho gà, rubella, não mô cầu... có thể ghi nhận ca bệnh mới trong thời gian tới.
Báo An ninh Thủ Đô
https://baomoi.com/ha-noi-tang-33-o-dich-sot-xuat-huyet-so-tre-mac-soi-van-cao-c50874734.epi
Mắc bệnh hiếm gặp sau nhiều năm chăm cá cảnh
Hơn một năm qua, ông T. (60 tuổi), sống tại Hà Nội xuất hiện khối sưng đỏ ở ngón tay thứ hai ở bàn tay phải.
Điều đáng chú ý, tổn thương này không đau, không ngứa, nhưng dù đã thử bôi nhiều loại thuốc, tình trạng vẫn không cải thiện.
Mới đây, tình trạng tay diễn biến nặng hơn, ông T. quyết định đi khám.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho biết: "Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có đam mê nuôi cá cảnh. Ngày nào, bệnh nhân cũng dành hàng tiếng để chăm bể cá. Mọi việc từ thay nước, lau dọn bể đều tự tay làm, nhưng bệnh nhân không bao giờ mang găng tay".
Sau khi thăm khám và hỏi kỹ bệnh sử, xét nghiệm nuôi cấy, BS Tiến Thành chẩn đoán đây là trường hợp mắc u hạt do nhiễm Mycobacterium. Đây là một bệnh lý hiếm gặp nhưng không phải quá xa lạ với các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thường gặp ở những người chơi cá cảnh.
Trường hợp của ông T. là lời cảnh báo cho những ai đam mê thú chơi cá cảnh nhưng chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe. Sau khi được BS Tiến Thành điều trị theo phác đồ chuyên biệt, tình trạng của ông đã cải thiện rõ rệt, nhưng không phải ai cũng may mắn phát hiện bệnh sớm.
Căn bệnh hiếm gặp từ vi khuẩn trong nước bẩn
Theo BS Tiến Thành, vi khuẩn gây bệnh thường xuất hiện trong môi trường nước bẩn hoặc bể cá có mầm bệnh. Vi khuẩn này xâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ trên da, gây tổn thương dạng u hạt - tình trạng mà ông T. gặp phải.
"Triệu chứng của bệnh là xuất hiện sẩn, cục nhỏ hoặc mảng màu đỏ nâu 1-4cm, có thể có vết chợt, bề mặt tăng sừng và sùi lên, thường không loét. Một số trường hợp có vảy tiết trên nền u hạt, có thể tiết dịch mủ.
Có ca có sẩn nhỏ vệ tinh, có thể tạo các đường ngầm bên dưới u hạt. Bệnh nhân thường dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương lành tính: Nấm da, viêm da tiếp xúc, hạt cơm…
Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài dai dẳng trong nhiều năm, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày", BS Tiến Thành chia sẻ.
Ai dễ mắc bệnh?
Theo BS Tiến Thành, bệnh thường gặp ở những người có thói quen tiếp xúc trực tiếp với bể cá, hồ cá hoặc môi trường nước bể bơi, hồ bơi... nhiễm khuẩn mà không mang đồ bảo hộ.
Những nhóm có nguy cơ cao bao gồm:
- Người chơi cá cảnh, thường xuyên vệ sinh bể bằng tay trần.
- Nhân viên làm việc trong các cửa hàng cá cảnh hoặc môi trường thủy sinh.
- Người đánh bắt cá.
Để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh, BS Tiến Thành đưa ra một số lời khuyên:
- Luôn sử dụng găng tay bảo hộ khi vệ sinh bể cá hoặc xử lý nước bẩn.
- Duy trì vệ sinh bể cá định kỳ: Thay nước thường xuyên và làm sạch các dụng cụ trong bể.
- Không chạm tay trần vào nước bẩn, đặc biệt khi da có vết xước, tổn thương hở, cần đeo đồ bảo hộ.
"Nếu phát hiện những tổn thương da kéo dài bất thường, như khối sưng đỏ không đau, ngứa chảy dịch… không lành, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời", BS Tiến Thành nhấn mạnh.
Báo Dân Trí
https://baomoi.com/mac-benh-hiem-gap-sau-nhieu-nam-cham-ca-canh-c50869777.epi
Chịu đau 3 ngày mới vào viện, người phụ nữ phải cắt buồng trứng
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ trong tình trạng nguy kịch do khối u buồng trứng lớn, bị xoắn và nhiễm trùng nghiêm trọng.
Bệnh nhân là chị N.T.S., 44 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội. Trước khi vào viện 3 ngày, chị S. đã xuất hiện triệu chứng đau bụng và sốt. Phải đến khi không chịu nổi cơn đau, người phụ nữ mới quyết định nhập viện.
Theo BSNT. Nguyễn Văn Tiến, Phụ trách khoa Phụ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngày 26/11 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt 38°C, bụng cứng và sờ thấy khối u chắc. Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số CRP lên tới 346,7mg/l, biểu hiện của nhiễm trùng nặng.
“Qua siêu âm và thăm khám, chúng tôi phát hiện khối u buồng trứng lớn chèn ép vào các cơ quan xung quanh”, bác sĩ Tiến cho biết.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân phát hiện khối u từ 2 năm trước nhưng do khối u ban đầu nhỏ và không gây đau, chị chủ quan không điều trị dù đã được bác sĩ khuyến cáo nên phẫu thuật. Vài tháng trở lại đây, khối u bắt đầu tăng kích thước nhanh chóng.
Khối u to bằng quả bưởi, chèn ép các tạng
Với tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, trường hợp xấu nhất, độc tố của vi khuẩn có thể qua khối u đi vào máu gây số nhiễm trùng/nhiễm độc dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Tiến, trong quá trình phẫu thuật, thách thức lớn nhất là việc khối u quá to đã dính chặt vào các cơ quan xung quanh như quai ruột non, phúc mạc và đại tràng. Quá trình bóc tách, cắt buồng trứng cần thực hiện cẩn thận để tránh gây mất máu hoặc làm tổn thương các cơ quan khác.
“Sau khi bóc tách, chúng tôi đã phải cắt toàn bộ buồng trứng bên phải. Khối u được lấy ra có đường kính lên đến 25cm. Bên cạnh ca phẫu thuật, quá trình hồi sức cho bệnh nhân cũng đòi hỏi phải đặc biệt chú ý”, BS Tiến thông tin.
Việc cắt bỏ buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân mà còn gây ra các vấn đề nội tiết, dẫn đến các triệu chứng như loãng xương, mất ngủ, bốc hỏa – đặc trưng của mãn kinh sớm. BS Tiến nhấn mạnh, nếu bệnh nhân đi khám và điều trị sớm, bác sĩ có thể bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng, tránh những hệ lụy này.
Dấu hiệu cảnh báo u buồng trứng
Từ trường hợp này, BS Tiến khuyến cáo chị em phụ nữ cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu bất thường như: Đau bụng kéo dài, đặc biệt ở vùng bụng dưới; Sốt nhẹ kéo dài không rõ nguyên nhân; Bụng to lên bất thường, sờ thấy khối chắc.
“Nhiều chị em thường lầm tưởng bụng to là do ăn nhiều hoặc béo lên, nhưng thực chất đó có thể là dấu hiệu của khối u buồng trứng. Khi phát hiện những triệu chứng này, cần đến bệnh viện thăm khám ngay”, BS Tiến khuyến cáo.
Khối u buồng trứng thường gặp nhất ở phụ nữ từ 30-50 tuổi, đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh. Để bảo vệ sức khỏe, BS Tiến khuyến nghị chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ.
“Điều trị u buồng trứng ở giai đoạn sớm không chỉ dễ dàng hơn mà còn bảo vệ được khả năng sinh sản và nội tiết. Các bác sĩ có thể bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng và tránh nguy cơ phải cắt bỏ hoàn toàn”, BS Tiến nhấn mạnh.
Báo VOV
https://baomoi.com/chiu-dau-3-ngay-moi-vao-vien-nguoi-phu-nu-phai-cat-buong-trung-c50873181.epi
https://baomoi.com/hoi-han-khon-nguoi-vi-chu-quan-voi-khoi-u-buong-trung-c50873736.epi
Dịch sởi đang tăng tại Hà Nội
Tại Hà Nội, cộng dồn năm 2024 thành phố ghi nhận 7.239 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, 0 tử vong, số mắc giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023 (35.726/4); ghi nhận 115 trường hợp tại 25 quận, huyện, 0 tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (0/0).
CDC Hà Nội nhận định, đánh giá bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.
Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Báo Đầu tư
Hà Nội: Bảo hiểm y tế cho người có HIV
Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV là điều trị thuốc kháng vi rút HIV cần liên tục và suốt đời. Hết năm 2018, nguồn viện trợ thuốc ARV điều trị miễn phí của các tổ chức quốc tế cho bệnh HIV tại Việt Nam đã kết thúc. Điều này tưởng chừng như ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh. Nhưng, từ năm 2019, Quỹ bảo hiểm y tế đã trở thành “phao cứu sinh” cho những người nhiễm HIV.
Hơn 10 năm sống chung với HIV, hàng tháng, bệnh nhân này đều đến khoa truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì để được bác sĩ tư vấn và lĩnh thuốc ARV. Hiện nay, bệnh viện này đã và đang điều trị cho 621 bệnh nhân HIV đều tham gia Bảo hiểm Y tế.
Bệnh nhân HIV xã Phong Vân - huyện Ba Vì cho biết: "Sức khỏe tôi đến bay giờ vẫn bình thường, ổn định, vẫn đi làm đều đặn. Tôi cũng mong những người bị bệnh như tôi cố gắng giữ sức khỏe của mình và được các bác sĩ thăm khám. Nếu như có bảo hiểm, việc điều trị HIV như tôi thuộc diện cận nghèo thì chi trả có 0,5% thôi. Hầu như không mất gì nhiều cả".
Bác sĩ CKI Phạm Hoàng Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì cho biết: “Điều trị nội trú là điều kiện mà các bệnh nhân đều được hưởng, cũng đều được thanh toán bằng bảo hiểm cả. Với mục tiêu chấm dứt bệnh HIV/AIDS vào thời điểm 2030. Tôi khuyến cáo tất cả những người bệnh nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bị phơi nhiễm thì nên đến bệnh viện khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời".
Tại 23 cơ sở điều trị HIV/AIDS của Hà Nội đang quản lý và điều trị ARV cho trên 13 nghìn bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm Y tế. Các cơ sở điều trị của thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh HIV/AIDS được khám, chữa bệnh kịp thời, tránh kỳ thị với người có HIV, cũng như đảm bảo bí mật thông tin cá nhân cho người bệnh.
Bệnh nhân HIV phường Nghĩa Đô - Quận Cầu Giấy cho biết: “Hiệu quả điều trị của tôi từ trước tới nay rất tốt, khuyến cáo những ai có nguy cơ bị lây nhiễm thì nên đi xét nghiệm sớm để được điều trị sớm".
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Xuân Huệ - Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: “Ngoài điều trị HIV/AIDS, người bệnh còn được tầm soát chăm sóc sức khỏe toàn diện các bệnh lý khác như: tiểu đường, huyết áp,... khi có BHYT".
Những nỗ lực của các cơ sở điều trị trên đã làm giảm người bị nhiễm HIV trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số người nghiện cùng với các tệ nạn xã hội vẫn chưa giảm cũng là nguy cơ phát sinh bệnh nhân HIV mới trong cộng đồng nếu không được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
https://hanoionline.vn/video/ha-noi-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-co-hiv-284755.htm
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc