TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm tin y tế trên báo chí ngày 2/5
Ngày đăng 03/05/2024 | 18:29  | Lượt xem: 59

Phát hiện chất cấm trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục nhận được công văn số 855/ATTP-NĐTT của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gửi Cục TMĐT&KTS về việc sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bạo vệ sức khỏe.

Thông tin cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, Trung tâm Chống độc ( Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận trường hợp người bệnh sử dụng sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia, sản phẩm nêu trên có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường đề nghị thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục TMĐT&KTS cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm với thông tin nêu trên và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. Hoặc nếu phát hiện các website bán các sản phẩm như mô tả trên xin vui lòng phản ánh về Cục TMĐT và KTS để Cục có giải pháp xử lý.

Báo Công an nhân dân

Nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử vì đắp lá cây theo "mẹo dân gian"

Một viện tại Hà Nội vừa tiếp nhận điều trị cho một nam bệnh nhân 17 tuổi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị thương ở tay do tai nạn sinh hoạt. Đáng chú ý, thay vì đến bệnh viện, gia đình bệnh nhân đã tự ý đắp lá cây lên vết thương theo "mẹo dân gian".

Bệnh nhân nhập viện với nhiều vết thương ở cẳng tay, ngón I và III bàn tay phải. Vết thương có dịch đục, tấy đỏ và có nhiều dị vật lá cây bám dính.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị thương do bị mảnh kính vỡ rơi vào tay, tuy nhiên thay vì đến bệnh viện, gia đình đã áp dụng các phương pháp "mẹo dân gian" như nhai, đắp lá cây không rõ nguồn gốc hoặc bôi mật gấu, rượu ngâm... với hy vọng vết thương sẽ mau lành. Tuy nhiên, sau khi sử dụng các phương pháp này, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành khám lâm sàng để đánh giá mức độ nguy hiểm của vết cắt trên cánh tay bệnh nhân, loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và lên phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân được theo dõi và đánh giá vết thương hàng ngày tại bệnh viện để tầm soát các biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp các tai nạn gây chảy máu, người dân nên dùng khăn, vải hoặc quần áo sạch để băng bó vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng các vật liệu bẩn như lá cây, thuốc lào, cát... để đắp lên vết thương vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến cắt cụt chi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.

Việc xử lý vết thương tại nhà bằng phương pháp dân gian không kiểm chứng khoa học có thể khiến tổn thương diễn biến nặng và trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là trong trường hợp tổn thương gân, mạch máu, thần kinh bị bỏ sót, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.

Báo Kinh tế và đô thị

Nhầm liều vitamin D của người lớn, bé 6 tháng tuổi nhập viện cấp cứu

Bé 6 tháng tuổi được đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì nôn, tiểu nhiều, sụt đến 700 gram trong vòng 1 tháng. Cả nhà ngỡ ngàng khi bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị do ngộ độc vitamin D.

Ngày 2/5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé 6 tháng tuổi ngộ độc vì dùng quá liều vitamin D.

TS.BS Thái Thiên Nam, Phó Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa đi khám vì nôn, tiểu nhiều, sụt 700 gram trong 1 tháng.

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được một người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau. Tuy nhiên, có một lọ dành cho người lớn, một lọ cho trẻ em.

"Người nhà lại nghĩ 2 lọ vitamin D này giống nhau, nên đã cho bé uống lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000UI/giọt). Như vậy là trẻ đã uống khoảng 15.000 UI/ngày (cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi", BS Nam thông tin.

Ngay sau khi trẻ nhập viện, các bác sĩ làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy trẻ bị tăng canxi máu toàn phần: 5mmol/l (giới hạn bình thường: 2.1-2.4 mmol/L), tăng canxi ion hóa: 2.19mmol/l (giới hạn bình thường: 1.15 -1.3 mmol/L), nồng độ vitamin D3 tăng rất cao: 1.320ng/ml (giới hạn bình thường: 50-250 ng/ml).

"Khi bác sĩ thông báo trẻ bị ngộ độc vitamin D và đối chiếu với lọ thuốc trẻ uống thì gia đình mới phát hiện ra sự nhầm lẫn nguy hiểm này", BS Nam cho biết.

Bệnh nhi được điều trị tích cực, ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D, truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu để bù lại lượng dịch mất do nôn, tiểu nhiều và đào thải canxi máu…

Sau 5 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, không còn tình trạng mất nước, canxi toàn phần giảm từ 5mmol/l xuống còn 3 mmol/l. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn đi tiểu nhiều.

"Trẻ sẽ phải tiếp tục ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitaminD trong vòng ít nhất 6 tháng, truyền dịch để bù lại lượng dịch mất và tăng đào thải canxi máu. Sau khi trẻ ra viện sẽ được tái khám định kỳ 2 tuần/lần để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi ở các cơ quan khác có thể xảy ra", BS Nam cho biết.

Theo BS Nam, vitamin D có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển xương chắc khỏe, cũng như góp phần tăng cường hệ miễn dịch đối với trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, nếu dùng quá liều vitamin D sẽ rất nguy hiểm, gây ngộ độc. Hàng năm, khoa vẫn tiếp nhận một số trường hợp trẻ ngộ độc vitamin D do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.

Triệu chứng ngộ độc vitamin D thường không xảy ra ngay mà khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau. Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận…

Nếu không sớm phát hiện ra tình trạng này thì trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ như sau:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều  là 1.500UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2.500UI/ngày; trẻ từ 4-8 tuổi là 3.000UI/ngày và trẻ trên 9 tuổi là 4.000UI/ngày.  Ngoài ra, có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy thuộc vào từng thể trạng của trẻ.

Báo Dân trí

Gần 8.000 người nhập viện vì tai nạn giao thông trong dịp lễ 30/4

Theo Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, 17.113 trường hợp đến khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế trên cả nước. Số nhập viện điều trị là 7.836 người.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế tại 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 1/5), tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 251.089 người.

Trong những ngày nghỉ lễ, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 964.693 bệnh nhân; trong đó nhập viện điều trị là 171.806 bệnh nhân. 17.611 bệnh nhân được chuyển viện điều trị và 191.384 người được điều trị khỏi, về nhà.

Cũng trong những ngày này, 17.113 trường hợp đến khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông, số nhập viện điều trị là 7.836 trường hợp. Số bệnh nhân tai nạn giao thông đang được điều trị tại các cơ sở y tế là 5.129 người, số chuyển tuyến điều trị là 1.574 trường hợp.

Theo số liệu báo cáo tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), trong 5 ngày nghỉ lễ, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 1.420 trường hợp đến cấp cứu, trung bình 284 bệnh nhân/ngày.

Đáng chú ý, số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông là cao nhất với 263 người. Bên cạnh đó, 22 trường hợp cấp cứu vì ngộ độc; 73 người vì tai nạn sinh hoạt; 18 người do đánh nhau.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), một trong những bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc, cũng tiếp nhận hơn 700 ca cấp cứu. Trong đó, tai nạn giao thông chiếm 50%, một nửa có liên quan rượu bia. Số còn lại là tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động với nhiều ca chấn thương nặng.

Các trường hợp tai nạn giao thông vào cấp cứu gặp đa dạng, có thể chấn thương sọ não, chấn thương bụng, ngực, gãy tứ chi và thường là đa chấn thương trên một bệnh nhân.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng đón tiếp hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám, cấp cứu. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện điều trị gần 500 người. 36 trường hợp đến cấp cứu vì tai nạn giao thông và 15 trường hợp nặng phải nhập viện điều trị.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, trong 3 ngày đầu nghỉ lễ tiếp nhận trung bình từ 60 đến 70 bệnh nhân/ngày. Tại đây, ngoài những ca người bệnh đến thăm khám, có ngày các y bác sĩ phải mổ cấp cứu cho 10 bệnh nhân.

Trong kỳ nghỉ lễ, một số tai nạn đáng tiếc xảy ra như vụ nổ lò hơi tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Vụ nổ xảy ra khoảng 8h30 ngày 1/5 khiến 6 người tử vong và nhiều người bị thương.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ nổ làm nhiều người thương vong, Sở Y tế Đồng Nai đã điều động các đơn vị trực thuộc cấp cứu, huy động nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và một số cơ sở y tế cùng tham gia cấp cứu cho người bị nạn.

Cũng trong tối 1/5, địa phương này lại xảy ra vụ 73 người có dấu hiệu ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn bánh mỳ. Bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy…

Ông Đoàn Huỳnh Tuấn Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột. Hiện có 5 bệnh nhân sức khỏe ổn định. Những trường hợp còn lại không có diễn tiến nặng nhưng vẫn phải theo dõi thêm.

Tạp chí Tri thức

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 113
Lượt truy cập trong tuần: 4096
Lượt truy cập trong tháng: 71929
Lượt truy cập trong năm: 883412
Tổng số lượt truy cập: 44950800
Về đầu trang