TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 23/10/2024
Ngày đăng 24/10/2024 | 09:27  | Lượt xem: 63

* Việt Nam đối mặt với 'gánh nặng' mù lòa: Làm gì để tránh kịch bản xấu?

Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém.

Với khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng ở nước ta đã trở thành vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, dẫn tới nghèo đói… Song, thực tế có tới 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.

Báo động “đỏ” thiếu niên mắc tật khúc xạ

Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Gần 30% trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Kết quả điều tra đánh giá nhanh phòng, chống mù lòa có thể phòng tránh được mới nhất cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 300.000 người mù.

Việc can thiệp phẫu thuật với chi phí không lớn có thể nhanh chóng mang lại ánh sáng cho người mù. Tuy nhiên, do nhiều bệnh nhân nghèo, không có điều kiện tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh nên vẫn phải chịu cảnh mù lòa.

Thực tế cho thấy, gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội. Tình trạng này sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế… Theo những nghiên cứu được Bộ Y tế công bố, có trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.

PGS.TS Cung Hồng Sơn lý giải, các lý do gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy, đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân chủ yếu với tỷ lệ 66,1%, tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Với sự phát triển công nghệ nhãn khoa hiện đại thì những bệnh lý nói trên đều có thể phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị hiệu quả.

Mặc dù vậy, số liệu thống kê từ Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho thấy những diễn biến phức tạp, đáng báo động của các tật khúc xạ ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cụ thể, tỷ lệ mắc tật khúc xạ hiện nay vào khoảng 15 - 20% ở học sinh nông thôn, 30 - 40% ở thành phố.

Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi, cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, theo các nghiên cứu gần nhất, tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp học trên 50% học sinh bị cận thị.

Khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở cho thấy, tại Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm khoảng 8% và loạn thị là 5%; tại TPHCM, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%.

Tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em khó hiểu bài, kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh “mắt lười” gây suy giảm thị lực, khó điều trị.

Nguyên nhân phức tạp, điều trị đa dạng. Vì thế, khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù lòa gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí...

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. Đồng thời, các phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tuân thủ nguyên tắc 20 - 20 - 20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 bộ (khoảng 6m).

Tăng cơ hội tiếp cận khám và điều trị

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng chống được.

Đồng thời, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù có quyền được nhìn thấy như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo đó, mục tiêu 2030 Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 12 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 75%.

Vừa qua, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc phòng, chống mù lòa trên địa bàn thành phố năm 2024.

Kế hoạch xác định thực hiện 4 mục tiêu: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,3 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 14 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,9 người/1.000 dân.

Trong đó, tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 90%. Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 60%. Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 80%.

Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Y tế Hà Nội tăng cường quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách liên ngành. Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống mù lòa. Hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng chống mù lòa.

Báo Giáo dục và thời đại

https://giaoducthoidai.vn/viet-nam-doi-mat-voi-ganh-nang-mu-loa-lam-gi-de-tranh-kich-ban-xau-post705645.html

* Dùng nước ion kiềm để chữa bệnh: Cẩn thận kẻo "rước họa vào thân”

Nước ion kiềm được quảng cáo như một loại "nước thần" có thể chữa bách bệnh. Thế nhưng, thời gian gần đây, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” do chữa bệnh bằng phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng này.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý bổ sung, điều trị bệnh bằng nước ion kiềm để tránh “rước họa vào thân”.

Suýt mất mạng do “nước thần”

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh do uống nước ion kiềm được quảng bá có khả năng chữa bách bệnh. Đơn cử, bà P.T.M (60 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt lả, chân tay bủn rủn, nôn ra dịch dạ dày, dịch mật... Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hóa, hạ kali.

Bà P.T.M cho biết, do có nhiều bệnh lý dạ dày, tá tràng, đại tràng, u tuyến giáp, tê bì tay chân… nên khi nghe người làng truyền tai nhau về địa chỉ uống “nước” chữa bách bệnh ở gần nhà bà đã tìm đến và xin được chữa trị. Theo hướng dẫn, hằng ngày, bà sẽ phải uống tối thiểu khoảng 5-6 lít nước lấy từ máy lọc, có thể pha thêm 1 chút muối và uống trong khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 5 ngày uống loại nước này và nhịn ăn, bà M đã không thể đứng vững, bắt đầu nôn liên tục, phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận chùm ca bệnh với 3 bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng bị rối loạn ý thức, suy hô hấp, tổn thương cơ tim nặng, phù phổi cấp do tìm đến một địa chỉ ở huyện Thanh Oai để uống “nước thần” với cách thức giống như bệnh nhân M nói trên.

Tương tự, nam bệnh nhân N.V.S (41 tuổi, ở Bắc Giang) được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, nguy hiểm tới tính mạng. Trước đó, vì có tiền sử viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân S được người quen giới thiệu tới một thầy lang để chữa bệnh. Tại đây, bệnh nhân được hướng dẫn chỉ uống nước ion kiềm pha muối để “thanh lọc cơ thể” trong suốt 26 ngày, tuyệt đối không sử dụng loại thực phẩm nào khác. Đến ngày thứ 18, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt, sốt cao gần 40 độ C…

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, việc uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong 1 ngày, kể cả với người khỏe mạnh cũng đã rất nguy hiểm, có thể gây phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong, chứ chưa nói đến sử dụng lượng lớn nước kiềm. Việc uống nhiều nước kiềm ngoài gây thừa nước còn gây thay đổi độ pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa.

“Môi trường máu của cơ thể có độ pH duy trì ổn định là 7,35-7,45. Chỉ số này cho phép nhiều chất trong cơ thể di chuyển và hoạt động, giúp cho các phản ứng hấp thu, chuyển hóa… Khi có thay đổi về độ pH của máu, cơ thể sẽ bị rối loạn và phát sinh nhiều bệnh. Việc uống nhiều nước kiềm sẽ khiến độ pH của cơ thể tăng lên, gây rối loạn cảm giác, hôn mê, hạ kali máu, có thể dẫn tới bị loạn nhịp tim, liệt, thậm chí tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Không tùy tiện chữa bệnh theo “tin đồn”

Trong khi đó, việc quảng cáo nước ion kiềm như một loại "nước thần" có thể chữa bách bệnh xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “nước ion kiềm” trên công cụ tìm kiếm, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website có bài viết quảng cáo về công dụng "thần kỳ" của loại nước này.

Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản E.X quảng cáo nước ion kiềm cung cấp cho cơ thể khoáng chất, thanh lọc từ bên trong để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm đẹp da... Thậm chí, nước ion kiềm còn có công dụng giúp giải rượu. “Nước ion kiềm giàu hydrogen với các cụm phân tử nước siêu nhỏ, dễ dàng thẩm thấu nhanh vào từng tế bào cấp nước bù khoáng, trả lại cho bạn một cơ thể tỉnh táo như chưa hề có kèo nhậu say nào”, tài khoản này giới thiệu.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, máy tạo ra nước ion kiềm loại bình dân có giá bán khoảng 6-8 triệu đồng. Những sản phẩm nhập khẩu từ một số nước như: Nhật Bản, Mỹ, Đức… được rao bán từ 40 đến 80 triệu đồng, thậm chí lên tới hơn 100 triệu đồng.

Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) bày tỏ lo ngại khi nhiều người vẫn tin vào những cách trị bệnh “truyền miệng”. Trong khi thực tế là chưa có bằng chứng khoa học tin cậy chứng minh những công dụng của nước ion kiềm như quảng cáo.

Còn Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Khi nghi ngờ có bệnh, người dân cần đến thăm khám ở các cơ sở y tế có chuyên môn; tuyệt đối không tùy tiện uống quá nhiều bất kỳ một loại nước nào đó để tránh gây nguy hiểm cho cơ thể. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo, điều tra và xử lý nghiêm những cơ sở quảng cáo sai sự thật gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân”.

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/dung-nuoc-ion-kiem-de-chua-benh-can-than-keo-ruoc-hoa-vao-than-682224.html

* Đặt máy tạo nhịp tim kịp thời cho trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh nặng

Ngay khi cất tiếng khóc chào đời ở tuần thai 37, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp có nhịp tim rất thấp, chỉ 30-35 lần/phút. Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim, cứu sống trẻ.

Thai nhi mắc tim bẩm sinh nặng từ tuần 20 của thai kỳ

Sản phụ N.T.L (Hà Tĩnh) ở tuần 20 của thai kỳ được phát hiện thai nhi có bất thường về tim. Tim của thai nhi thường đập khoảng 120-160 lần mỗi phút, nhưng tim của thai chỉ khoảng 30-40 nhịp/phút. Đây là một tình trạng block nhĩ thất độ III rất nguy hiểm.

Chị L. tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Qua hội chẩn, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, tim to, có tình trạng block nhĩ thất cấp III, nhịp thất chậm 30-40 lần/phút.

Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi. Mỗi nhịp đập của trái tim em bé đều như một lời nhắc nhở về sự cấp bách của tình hình.

Mặc dù khoảng cách địa lý giữa Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương rất ngắn nhưng nhưng với tình trạng bệnh lý nghiêm trọng của bé, việc chuyển viện ngay sau sinh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể dẫn đến tình trạng trụy tuần hoàn, suy tim, thậm chí tử vong.

Nhận định rõ tính cấp thiết của vấn đề, với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết.

Hội đồng thống nhất xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cử một ê-kíp bác sĩ tim mạch và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, đứng đầu ê kíp là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với bác sĩ chẩn đoán trước sinh, sản bệnh, gây mê hồi sức, sơ sinh, huyết học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để phối hợp thực hiện ca mổ đặt máy tạo nhịp tim cho em bé ngay sau sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Đến thời điểm 37 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh: block nhĩ thất cấp 3, nhịp thất chậm, hở van 3 lá, van 2 lá nhẹ, nhịp nhĩ 140-160 lần/phút, nhịp thất 38-40 lần/phút. Sau khi hội chẩn, Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định cần mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho thai nhi.

Ca chào đời đặc biệt của trẻ sơ sinh

 

Để đón trẻ sơ sinh an toàn, các bác sĩ của cả hai bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Công tác chuẩn bị tại phòng mổ vô cùng khẩn trương, tất cả phải bảo đảm các yếu tố về điều kiện phẫu thuật, các quy định ngặt nghèo về vô trùng để thực hiện một ca phẫu thuật tim nhi khoa ngay tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Các cán bộ y tế khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh phối hợp với ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương lên phương án, chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cần thiết.

Kíp chuẩn bị đã làm việc liên tục để 2 cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành liên nối tiếp nhau. Ca phẫu thuật này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều ê-kíp khác nhau: Các bác sĩ sản khoa bảo đảm một ca sinh an toàn, các bác sĩ sơ sinh thực hiện hồi sức sơ sinh cho bé, các bác sĩ nhi khoa tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp, các bác sĩ gây mê hồi sức bảo đảm tình trạng mẹ và bé luôn ổn định trong suốt quá trình phẫu thuật. Mỗi thao tác đều được tính toán kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cả mẹ và bé.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Khắc Huỳnh, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của bệnh viện cùng ê-kíp mổ đã thực hiện ca mổ lấy thai, em bé nặng 2.800g cất tiếng khóc chào đời. Ngay khi cất tiếng khóc, nhịp tim của em bé rất thấp 30-35 lần/phút.

Ngay lập tức, ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim cho em bé. Sau những phút giây căng thẳng, máy tạo nhịp tim đã được đặt thành công.

Tình trạng của em bé dần ổn định, con được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau sinh một tháng, con đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và sức khỏe hoàn toàn ổn định.

Đây là ca bệnh thứ hai thành công với sự phối hợp sản-nhi để đặt máy tạo nhịp tim ngay sau sinh. Trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có kết quả rất khả quan, em bé hiện được 11 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh. Điều này cho thấy, sự tiến bộ của y học đã mang đến những hy vọng mới cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

Việc phát hiện sớm các bất thường trong quá trình mang thai và can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng. Đối với các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh nặng, cần can thiệp ngay sau sinh để tăng cơ hội sống cho em bé. Đôi khi, nếu đợi đến chuyển viện, có thể bỏ lỡ thời điểm vàng can thiệp tốt nhất cho trẻ.

Nhờ sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ, nhiều trường hợp bệnh lý đã được phát hiện và điều trị hiệu quả, giúp trẻ sơ sinh có cơ hội sống sót và phát triển bình thường.

Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/dat-may-tao-nhip-tim-kip-thoi-cho-tre-so-sinh-mac-tim-bam-sinh-nang-post838144.html

https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dat-may-tao-nhip-cuu-song-em-be-mac-tim-bam-sinh-nang-ngay-khi-vua-chao-doi-172241023140924334.htm

* Bốn loại vaccine dịch vụ sắp được tiêm miễn phí

Bộ Y tế cho biết từ năm 2024 đến năm 2030, sẽ có thêm 4 vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân.

Theo đó, các loại vaccine sẽ được tiêm chủng miễn phí bao gồm: vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota cho trẻ dưới 1 tuổi tại 32 tỉnh năm 2024, 41 tỉnh năm 2025 và triển khai trên toàn quốc từ năm 2026; vaccine phòng bệnh phế cầu từ năm 2025; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026; vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Như vậy, từ nay đến năm 2030, nâng tổng số vaccine được tiêm miễn phí lên 15 loại.

Đài Truyền hình HN

https://hanoionline.vn/video/bon-loai-vaccine-dich-vu-sap-duoc-tiem-mien-phi-274839.htm

* Sàng lọc, phát hiện đồng nhiễm HIV/lao để chủ động phòng lây lan

Người nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc lao mới, hoặc lao tái phát do hệ miễn dịch bị suy giảm. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện đồng nhiễm HIV/lao để điều trị và cách ly ngăn ngừa bệnh lây lan...

50% người nhiễm HIV có nguy cơ đồng nhiễm lao

Năm 2023, theo Báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, đã phát hiện 106.086 ca mắc bệnh lao các thể. Con số này thể hiện tăng 2.282 ca (2,2%) so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam vào khoảng 60%. Như vậy sẽ có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng.

 

Cũng trong năm này, phát hiện các trường hợp lao đa kháng thuốc cũng tăng lên 3.775 ca, cao hơn các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Lao đa kháng thuốc chiếm khoảng 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.

Xét nghiệm, sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao để tăng cường hiệu quả phòng và điều trị bệnh...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm. Các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống bệnh lao hiện vẫn bị chậm tiến độ.

Đối với người nhiễm HIV, khả năng mắc bệnh lao lên tới 50%, cao hơn từ 10 đến 30 lần so người không nhiễm. Chính vì vậy, cần phối hợp giữa công tác phòng chống lao và HIV để góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao để điều trị, tránh lây lan, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.

Cắt đứt nguồn lây nhiễm lao để bảo vệ cộng đồng

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Theo Chương trình chống lao quốc gia, muốn đạt được mục tiêu này, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có.

Đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc điều trị mới, vaccine mới, các tiếp cận và can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây. Hơn nữa, cần điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Đối với người nhiễm HIV/AIDS, để góp phần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng do đồng nhiễm lao thì càng phải đẩy mạnh các hoạt động sàng lọc nhằm phát hiện sớm, dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh lao cho các đối tượng này.

Theo BS.CKI. Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội, với đặc thù của bệnh nhân HIV là suy giảm hệ miễn dịch, nên nguy cơ mắc bệnh lao càng cao. Hơn nữa, nếu người bệnh đồng nhiễm lao/HIV mà không được phát hiện sớm và điều trị, tình trạng bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu rất nhanh và dễ dẫn đến tử vong.

Để kịp thời phát hiện, điều trị lao cho người bị nhiễm HIV, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị.

Theo đó, hằng năm, người nhiễm HIV cần chủ động định kỳ đi khám tầm soát sàng lọc bệnh lao và chủ động phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Qua đó giúp phát hiện sớm thì người bệnh được điều trị hiệu quả, giảm thiểu lây lan, giảm tử vong và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, trên thực tế, người nhiễm HIV/AIDS đồng nhiễm lao thường đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển biến nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, gia đình ít quan tâm chăm sóc. Một số trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, nên phải kéo dài thời gian điều trị, có trường hợp dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát bệnh lao.

Báo Sức khỏe và đời sống

https://suckhoedoisong.vn/sang-loc-phat-hien-dong-nhiem-hiv-lao-de-chu-dong-phong-lay-lan-169241022165436242.htm

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 244
Lượt truy cập trong tuần: 12156
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 2554695
Tổng số lượt truy cập: 46622083
Về đầu trang