TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 24/12/2024
Ngày đăng 24/12/2024 | 16:28  | Lượt xem: 43

* Năm 2025: Ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh

Trong năm 2025, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, khám bệnh chữa bệnh, hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, mở rộng triển khai bệnh án điện tử.

Ngày 23-12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song ngành Y tế Thủ đô đã phấn đấu hoàn thành hiệu quả các chỉ tiêu được thành phố giao.

Cụ thể, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,15% so với năm 2023 (đạt chỉ tiêu); giảm 0,2% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng so với năm 2023 (vượt chỉ tiêu giao giảm 0,1%); chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân là 37,4 giường bệnh/vạn dân (đạt chỉ tiêu); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 16,6 bác sĩ/vạn dân (đạt chỉ tiêu); tiêu chí quốc gia về y tế xã có 573/579 (chiếm 98,9%) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Cũng trong năm 2024, ngành Y tế cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Tính đến 15-12-2024, thành phố không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, tái nổi như cúm A/H5N1, bệnh do vi rút Marburg, Ebola, Mers-CoV, bệnh đậu mùa khỉ…; các dịch bệnh khác không ghi nhận diễn biến bất thường.

Bên cạnh đó, các chuyên khoa đầu ngành phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; chú trọng chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, đào tạo các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật mới, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu và khám, chữa bệnh tại bệnh viện…

Từ những kết quả đạt được trong năm 2024, phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; đồng thời với ngành Y tế là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Chính vì vậy, công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy gắn với đề án vị trí việc làm được tập trung cao, quyết liệt hoàn thiện trong toàn ngành.

Đối với hoạt động chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng lưu ý, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi kịp thời tình hình dịch bệnh, chủ động dự báo, đề xuất các giải pháp hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và thực hiện y đức trong toàn ngành.

Đặc biệt, trong năm 2025, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều hành, khám bệnh chữa bệnh, hoàn thành triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Đồng thời, mở rộng triển khai bệnh án điện tử để người dân được thụ hưởng các tiện ích trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Hiện, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập nhưng chỉ có 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa khoa Xanh Pôn, đa khoa huyện Mỹ Đức, đa khoa Vân Đình, đa khoa Hòe Nhai, đa khoa huyện Ba Vì, đa khoa Sóc Sơn, đa khoa huyện Quốc Oai, đa khoa Đông Anh và Ung bướu Hà Nội.

Tại hội nghị, Sở Y tế Hà Nội đã trao giải cuộc thi “Tuyên truyền về cải cách hành chính, chuyển đổi số ngành Y tế Hà Nội năm 2024” cho 10 đơn vị có video clip dự thi đạt giải. Trong đó, 1 giải Nhất được trao cho Bệnh viện Đa khoa Đức Giang với video clip “Y tế thông minh - Vươn mình chuyển đổi”; 2 giải Nhì được trao cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với video clip “Chuyển đổi số - Mở lối chăm sóc sức khỏe tương lai” và Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng với video clip “Chuyển đổi số thay đổi cuộc sống”.

Báo: Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/nam-2025-nganh-y-te-thu-do-tiep-tuc-day-manh-chuyen-doi-so-trong-kham-chua-benh-688353.html

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-se-dong-loat-trien-khai-benh-an-dien-tu-trong-nam-2025.html

https://www.nguoiduatin.vn/nganh-y-te-thu-do-tiep-tuc-day-manh-chuyen-doi-so-trong-kham-chua-benh-204241223200710627.htm

 

* Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, đã có 30 tỉnh thành trên cả nước xin bổ sung vắc xin và mở rộng độ tuổi là từ 6 - 9 tháng tuổi. Hiện, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin sởi cho trẻ trong độ tuổi này, nhằm phòng bệnh chủ động, hiệu quả cho trẻ nhỏ.

Gia tăng ca bệnh

Thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ghi nhận số ca mắc sởi tăng nhanh. Từ ngày 31/8 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi, góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này.

Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sởi cũng gia tăng và nhóm dưới 9 tháng tuổi chiếm tới gần 30% ca mắc. Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 13/12 đến ngày 20/12, toàn Thành phố ghi nhận 50 trường hợp mắc sởi tại 24 quận, huyện, tăng 6 trường hợp so với tuần trước.

Cộng dồn năm 2024, Hà Nội ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó, 75 trường hợp dưới 9 tháng (29,0%); 47 trường hợp 9 - 11 tháng (18,1%), 85 trường hợp 1 - 5 tuổi (32,8%), 21 trường hợp 6 - 10 tuổi (8,1%), 31 trường hợp trên 10 tuổi (12,0%).

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin, hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục tăng thêm, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Trước tình trạng trên, trong tuần qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại Thượng Thanh, Long Biên; Xuân La, Tây Hồ; La Khê, Hà Đông; giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu, uốn ván (Td) tại Long Biên.

Đặc biệt, thời gian tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sởi tại một số địa bàn nguy cơ cao như: Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng); Vĩnh Ngọc (Đông Anh)… Đồng thời, chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ từ 1- 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.

Cùng với việc tăng cường các hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, CDC Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng bệnh.

Thêm giải pháp phòng bệnh cho trẻ

Liên quan tới việc tiêm vắc xin phòng sởi và giải pháp để khắc phục tình trạng trẻ mắc sởi khi chưa đủ tuổi tiêm chủng, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt buộc, trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin phòng sởi. Mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm phòng bệnh sởi thứ hai được thực hiện khi trẻ 18 tháng tuổi.

Tuy nhiên, WHO đã cảnh báo, cứ sau giai đoạn 5 năm, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp, thì khả năng sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi ở các nước, trong đó có Việt Nam. Vì thế, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin sởi nằm ngoài kế hoạch tiêm chủng bắt buộc do Nhà nước miễn phí.

Với kế hoạch này, các địa phương sẽ bố trí ngân sách cho tiêm vắc xin. Độ tuổi tiêm chủng cho trẻ cũng được mở rộng theo khuyến cáo của WHO và các chuyên gia, từ 1 - 10 tuổi. Thời gian qua, đã tổ chức tiêm chủng tại 18 tỉnh, thành phố được đánh giá có nguy cơ cao, rất cao về dịch sởi. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 98%. Đặc biệt, vắc xin các tỉnh không phải mua mà từ nguồn viện trợ của WHO, với hơn 1,2 triệu liều. Hiện số vắc xin này đã được tiêm chủng hết.

Tuy nhiên, ông Đức cho biết trong quá trình tổ chức chiến dịch cũng như qua theo dõi, đánh giá, thực tế có nhiều ca mắc sởi nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng là 9 - 18 tháng và 1 - 10 tuổi. Theo đó, có khoảng 27% số ca mắc sởi thuộc nhóm dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng của chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi, và cũng không thuộc nhóm tiêm chủng mở rộng.

Vì vậy, Bộ Y tế đã đánh giá lại toàn bộ chiến dịch tiêm chủng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, sự phối hợp của các địa phương. Qua rà soát, hiện tại có 30 tỉnh xin bổ sung vào chương trình tiêm chủng chiến dịch này, và mở rộng độ tuổi tiêm chủng từ 6 - 9 tháng tuổi. “Độ tuổi từ 6 - 9 tháng tuổi phải có vắc xin riêng của nhà sản xuất mới được chỉ định tiêm. Hiện dưới 6 tháng chưa có nhà sản xuất nào, cũng không có vắc xin nào chỉ định cho tiêm với nhóm trẻ dưới 6 tháng”, ông Đức thông tin.

Hiện, Bộ Y tế đang lên kế hoạch để tiêm mở rộng tiêm chủng cho nhóm này. Trước đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến ​​nghị, và được Bộ Y tế phê duyệt về việc tiêm vắc xin cho độ tuổi này. Trên cơ sở đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch để tiêm ở các địa phương khác.

“Hiện WHO đã có văn bản gửi cho Bộ Y tế đồng ý bổ sung thêm 260 nghìn liều vắc xin phòng sởi cho độ tuổi từ 6 - 9 tháng. Bộ Y tế đang làm thủ tục xác nhận nguồn viện trợ để phân bổ cho các tỉnh có đề xuất, qua đó kịp thời tiêm chủng cho các đối tượng trẻ này” - ông Đức thông tin thêm.

Báo; Lao động Thủ Đô

https://laodongthudo.vn/mo-rong-tiem-phong-soi-cho-tre-duoi-9-thang-tuoi-182307.html

https://baodautu.vn/tiem-vac-xin-soi-nham-tranh-dich-bung-phat-lay-lan-manh-d234568.html

 

* Lo dịch sởi bùng phát mạnh, có đủ vaccine để tiêm cho trẻ dưới 9 tháng?

Dịch sởi đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi biến chứng nặng phải thở oxy, thở máy. Mùa lễ hội, Tết Nguyên đán sắp tới, dự báo nguy cơ lây lan sởi mạnh hơn ở nhiều địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bộ Y tế đang rà soát cho tiêm vaccine sởi đối với trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở những địa bàn có nguy cơ cao và rất cao. Nguồn vaccine có đủ cho tiêm chủng hay không trong khi nhiều nơi kêu đấu thầu khó khăn?

Sởi tăng mạnh ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng

Không nghĩ con trai mới 7 tháng tuổi lại mắc sởi, khi con sốt cao, ho từng cơn không dứt, khó thở, chị Vũ Thị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho con đi khám và bất ngờ nhận được kết quả con bị sởi biến chứng viêm phổi nặng. Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, con trai chị phải thở oxy và điều trị tích cực.

Cũng chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi như con chị Phương, cháu Vũ Lê Thành, 3 tháng tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội nhập viện do ho từng cơn, sốt. Trước đó, cháu điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì phát hiện hạch ở nách, sau đó bị lây nhiễm sởi ở cộng đồng. Khi thấy con phát ban, sốt gia đình đưa tới viện thì cháu bé đã bị sởi biến chứng viêm phổi.

Ngoài nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng bị mắc sởi thì cũng có nhiều trẻ đã đến tuổi hoặc quá tuổi tiêm chủng nhưng gia đình chủ quan không cho con tiêm phòng. Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, số ca mắc sởi đã gia tăng trên cả nước. Tại Hà Nội, hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca kể từ đầu tháng 10. TS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, khoảng 30% bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận điều trị cho gần 40 bệnh nhi mắc sởi trong 1 tháng trở lại đây. BS Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Số trẻ mắc sởi chủ yếu từ 4-8 tháng tuổi. Nhiều trẻ biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng viêm não.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 1 tháng ghi nhận 195 ca sởi dương tính, trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Đủ vaccine tiêm cho trẻ ở 30 tỉnh

Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 gia tăng là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi. Mặc dù công bố dịch sởi từ tháng 8/2024, Bộ Y tế đã phê duyệt cho TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, nhưng đến thời điểm này, dịch sởi ở đây vẫn chưa giải quyết triệt để. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hồ Chí Minh, tuần qua, TP ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12, TP ghi nhận 2.400 ca bệnh sởi, 4 trường hợp tử vong.

Tương tự, dịch sởi diễn biến phức tạp tại tỉnh Đồng Nai, trong tuần vừa qua, tỉnh ghi nhận 851 ca mắc. Ổ dịch sởi ở Đồng Nai đã ghi nhận 5,6 nghìn ca từ đầu năm 2024 đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ có 3 ca. Ngoài ra, Đồng Nai cũng ghi nhận 2 ca tử vong, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều trẻ nhỏ ở Đồng Nai mắc sởi diễn biến nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, thở oxy, thở máy.

Theo thống kê từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, TP phía Nam đã ghi nhận 19 nghìn ca mắc sởi, tăng gấp 56,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Còn đại diện CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, dự báo trong thời gian tới tiếp tục tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Theo phản ánh, một trong những nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vaccine sởi nằm ngoài Chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi và tổ chức tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi tại 18 tỉnh, TP có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng đạt 98%, các tỉnh gần như không phải mua vaccine, mà hơn 1,2 triệu liều vaccine tiêm cho các trường hợp này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ và đã tiêm hết.

Vậy, với những ca mắc sởi nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng (9-18 tháng) đang gia tăng, chiếm 27,2% số ca mắc thì giải quyết ra sao? Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để giải quyết vấn đề này, tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt việc triển khai tiêm vaccine sởi mở rộng cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi tại TP Hồ Chí Minh và đã tiêm đủ. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch tiêm mở rộng độ tuổi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi ở nhiều địa bàn khác. “Hiện 30 tỉnh, TP xin bổ sung vào chương trình tiêm chủng chiến dịch và mở rộng độ tuổi từ 6-9 tháng. WHO đã có văn bản đồng ý bổ sung thêm 260 nghìn liều vaccine cho Bộ Y tế để tiêm cho độ tuổi 6-9 tháng”, ông Đức cho biết.

Việc lo lắng của người dân liệu có đủ vaccine để tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này hay không, ông Đức khẳng định đã bố trí đủ vaccine cho 30 tỉnh, TP đề xuất và đang làm thủ tục để phân bổ cho các tỉnh. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, các nghiên cứu cho thấy, vaccine sởi đơn có thể tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi “sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Báo: Công an Nhân dân

https://cand.com.vn/y-te/lo-dich-soi-bung-phat-manh-co-du-vaccine-de-tiem-cho-tre-duoi-9-thang--i754303/

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 130
Lượt truy cập trong tuần: 40622
Lượt truy cập trong tháng: 233292
Lượt truy cập trong năm: 3106406
Tổng số lượt truy cập: 47173794
Về đầu trang