TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 24/10/2024
Ngày đăng 25/10/2024 | 15:24  | Lượt xem: 40

* Huy động xã hội hóa, nâng cao chất lượng điều trị

Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh vừa tiếp nhận 15 giường cấp cứu và 50 tủ đựng đồ bệnh nhân trị giá 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều trị cho người bệnh.

Là bệnh viện hạng hai với chức năng khám, cấp cứu ban đầu và điều trị những bệnh nhân thuộc phân tuyến kỹ thuật, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, thực hiện được nhiều kĩ thuật chuyên sâu và ngày càng thu hút đông bệnh nhân thuộc khu vực và vùng lân cận đến Với 21 khoa, phòng và 4 đơn nguyên, trung bình mỗi năm bệnh viện thu dung, khám và điều trị cho khoảng 180.000 lượt bệnh nhân, nên việc huy động, tiếp nhận đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn xã hội hóa là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao năng lực của bệnh viện trong việc ứng phó với các tình huống cấp cứu. Bên cạnh đó, việc này cũng góp phần cùng bệnh viện phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” vì cộng đồng, an sinh xã hội của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Đài Truyền hình HN

https://hanoionline.vn/video/huy-dong-xa-hoi-hoa-nang-cao-chat-luong-dieu-tri-274848.htm

* Phú Xuyên siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Thời gian qua, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, huyện Phú Xuyên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm và các đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, đến nay, toàn huyện có 2.426 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Trong đó, thành phố quản lý 14 cơ sở; huyện quản lý 156 cơ sở; xã, thị trấn quản lý 2.256 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 856 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; ngành Công Thương quản lý 805 cơ sở; ngành Y tế quản lý 765 cơ sở (113 cơ sở thức ăn đường phố, 611 cơ sở dịch vụ ăn uống, 34 bếp ăn tập thể...).

Để giám sát an toàn thực phẩm từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, huyện khuyến khích các cơ sở chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, chế biến, bảo quản thực phẩm... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, một số cơ sở sản xuất nông sản tại các xã: Tân Minh, Hồng Thái… tạo được thương hiệu rau xanh, thực phẩm sạch cung cấp ổn định cho các trường học.

Mặt khác, huyện thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm tại 100% số bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn tại các trường học, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện hiện còn một số khó khăn do số lượng các đơn vị, đối tượng phải quản lý đông. Trong khi đó, quy mô sản xuất thực phẩm còn nhỏ lẻ, hộ gia đình; còn hiện tượng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc xuất xứ; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội diễn biến phức tạp...

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao ý thức chấp hành quy định an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục tăng cường chỉ đạo 27 xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn làm tốt hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; phát huy vai trò và tăng cường trách nhiệm của Ban Chỉ đạo liên ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Huyện yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan công tác an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức như tập huấn, phát tờ rơi, thông tin trên hệ thống đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn, Cổng thông tin điện tử của huyện...

Từ nay đến cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, huyện yêu cầu các phòng chức năng, xã, thị trấn thường xuyên thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể. Qua đó, từng bước ngăn ngừa hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn, huyện Phú Xuyên yêu cầu Trung tâm Y tế thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo đó, 100% số cán bộ phụ trách về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn đều được tập huấn về giám sát, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại những buổi tiệc nhiều người tham dự...

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/phu-xuyen-siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham-682331.html

* Tăng cường kiểm tra, phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế các địa phương đang tích cực thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh hạn chế, bất cập; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống… Đây là các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường giám sát chất lượng

Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất thực hiện tốt các mô hình về an toàn thực phẩm; triển khai, chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về việc tổ chức các bữa cỗ tập trung đông người, các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, cùng với công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, huyện thường xuyên chú trọng việc lấy mẫu thực phẩm, xét nghiệm nhanh. Đến nay, huyện đã lấy tổng số 8.090 mẫu, trong đó có 600 mẫu không đạt yêu cầu; gửi xét nghiệm 10 mẫu, phát hiện 1 mẫu không đạt yêu cầu. Tuyến xã xét nghiệm nhanh 7.500 mẫu, trong đó có 752 mẫu không đạt yêu cầu. Đối với mẫu không đạt, huyện yêu cầu các chủ cơ sở khắc phục.

Tại thị xã Sơn Tây, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn thông tin, từ đầu năm đến nay, thị xã đã chủ động giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Do đó, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Để làm được việc này, thị xã chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền văn bản mới, kiến thức an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn về thực trạng công tác an toàn thực phẩm; công bố cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, có sự phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân cùng vận động, giám sát an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, UBND thị xã bố trí kinh phí mua test xét nghiệm nhanh, lấy mẫu nước xét nghiệm xác định mối nguy trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát 2.160 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ghi nhận 1.962 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 90,8%; xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 250 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã cũng đã tổ chức xét nghiệm nhanh 11.921 mẫu, trong đó có 11.141 mẫu đạt yêu cầu, bằng 93,4% (các mẫu không đạt do còn tinh bột ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh).

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các địa phương đều làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể, đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Không chủ quan, lơ là

Tiếp tục tích cực thực hiện công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, tại Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Anh yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra các hộ kinh doanh ăn uống đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, huyện yêu cầu các cơ sở không được lơ là, chủ quan, cần thực hiện tốt quy định, quy trình chế biến thực phẩm, lưu mẫu, bảo đảm an toàn, chất lượng bữa ăn cho người dân. Các xã, thị trấn tăng cường phổ biến quy định mới về an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể; hướng dẫn phương pháp nhận diện nguyên liệu thực phẩm và thực hiện nghiêm túc các bước kiểm thực theo quy định. Lực lượng chức năng liên ngành của huyện thường xuyên tổ chức đợt kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các bếp ăn tập thể, các hàng quán kinh doanh ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn, cách xử lý khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm để xử lý, điều trị kịp thời; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trong điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn (nếu có); tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm... nhằm tạo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/tang-cuong-kiem-tra-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-682338.html

* Lễ trao "Giấy chứng nhận GMP trong thực hành sản xuất thuốc" cho nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar của Dược Hà Tây

Ngày 9/10/2024 vừa qua, nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar của Công ty Cổ phần Dược Hà Tây đã tổ chức Lễ nhận Giấy chứng nhận GMP trong thực hành sản xuất thuốc do Bộ Y tế cấp phép.

Lễ đón nhận Giấy chứng nhận GMP của nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao (CNC) Hataphar đã được tổ chức long trọng tại hội trường nhà máy vào ngày 9/10/2024 với sự tham gia của khách mời, đại biểu từ các ban ngành Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm Trung ương,..., thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc, trưởng bộ phận của Dược Hà Tây và thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm ASKA Nhật Bản - đối tác chiến lược trong dự án nhà máy CNC Hataphar. Đặc biệt, tham dự Lễ đón nhận còn có đông đảo quý khách hàng, đối tác của Dược Hà Tây, trong đó đặc biệt phải kể đến đoàn thanh tra chất lượng của Bộ Y tế Cộng hòa Yemen đến tham dự nhân chuyến làm việc hợp tác với công ty.

Nhà máy công nghệ cao Hataphar của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây được khởi công xây dựng từ tháng 1/2022 với tổng mức đầu tư ban đầu cho giai đoạn 1 lên đến hơn 820 tỷ đồng, trải dài trên diện tích đất rộng hơn 45.000 m2 thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Sau hơn 2 năm xây dựng với tiêu chuẩn khắt khe, nhà máy CNC Hataphar đã hoàn thành giai đoạn 1 với đầy đủ các hạng mục công trình và đạt tiêu chuẩn GMP, dự kiến quý 1/2025 sẽ tiến hành thẩm định tiêu chuẩn PICs – GMP Nhật Bản.

Nhà máy dược phẩm CNC Hataphar được nhận định là một trong những nhà máy sản xuất dược phẩm lớn tại Việt Nam; được trang bị các hệ thống tiên tiến trong ngành sản xuất dược phẩm, như: hệ thống EMS theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, chênh áp online toàn nhà máy; hệ thống cân công thức; phần mềm điều khiển sắc ký mạng CDS; cùng nhiều thiết bị lưu trữ tài liệu và bảo đảm toàn vẹn dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc.

Bên cạnh đó Dược Hà Tây còn chú trọng đầu tư cả vào con người với hàng loạt nhân sự vận hành là người Nhật đến từ đối tác ASKA (như Giám đốc nhà máy, trưởng phòng R&D …) và đào tạo nâng cao chuyên môn cán bộ công nhân viên nhà máy.

Giấy chứng nhận GMP cho nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar là bước tiến cần thiết để nhà máy tiến gần hơn đến mục tiêu là nhà máy đạt Japan GMP đầu tiên tại miền Bắc với tầm nhìn trở thành nhà máy sản xuất các thuốc biệt dược gốc, chuyển giao công nghệ, thuốc generic… chất lượng cao tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển của nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar trong giai đoạn mới, Ds. Lê Xuân Thắng – Tổng giám đốc Công ty cho biết: "Với phương châm nâng cao năng lực nghiên cứu là chìa khóa cho phát triển bền vững, giai đoạn tới Hataphar tiếp tục bổ sung nhân sự R&D, đầu tư kinh phí nâng cấp khu pilot, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ các sản phẩm có chất lượng cao. Riêng đối với Nhà máy CNC – Hataphar có công suất khoảng 2 tỷ viên/năm, chúng tôi tin rằng Hataphar không chỉ đáp ứng được nhu cầu thuốc chữa bệnh trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế".

Đầu tư vào nhà máy mới và đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Dược Hà Tây luôn đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu bằng việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất dược phẩm, với mục tiêu dài hạn đưa Hataphar trở thành doanh nghiệp Dược có doanh thu TOP đầu tại Việt Nam và nâng tầm vị thế dược phẩm Việt trên trường quốc tế.

Để tìm hiểu thêm thêm về sản phẩm và dịch vụ của Dược Hà Tây vui lòng truy câp website https://hataphar.com.vn/.

Hoặc gọi đến số hotline 024 33 829054 - 1900 88 68 34

Báo Sức khỏe và đời sống

https://suckhoedoisong.vn/le-trao-giay-chung-nhan-gmp-trong-thuc-hanh-san-xuat-thuoc-cho-nha-may-duoc-pham-cong-nghe-cao-hataphar-cua-duoc-ha-tay-169241024114947882.htm

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 244
Lượt truy cập trong tuần: 12159
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 2554698
Tổng số lượt truy cập: 46622086
Về đầu trang