TIN TỨC - SỰ KIỆN
Hà Nội chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây. Kết quả phân tích dịch tễ học cho thấy, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh do chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh. Trước thực trạng trên, ngành Y tế Hà Nội đã đồng bộ các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh hiệu quả.
Gia tăng ca mắc
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua từ ngày 22/11 đến 28/11, toàn Thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, trong đó 23 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vắc xin phòng sởi. Số mắc sởi cộng dồn năm 2024 là 140 trường hợp, ghi nhận bệnh nhân tại 26 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Đáng lo ngại, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh do chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh. Cụ thể, phân bố theo nhóm tuổi có 43 trường hợp dưới 9 tháng (30,7%), 21 trường hợp 9 - 11 tháng (15%), 23 trường hợp 12 - 24 tháng (16,4%), 19 trường hợp 25 - 60 tháng (13,6%), 34 trường hợp trên 60 tháng (24,3%). Có gần 40% các trường hợp mắc bệnh do liên quan đến khả năng lây nhiễm sởi trong các bệnh viện khi khám, điều trị các bệnh khác. CDC Hà Nội nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh trong tháng cuối năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025
Song song với việc tham mưu cho Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi. Theo đó, từ ngày 14/10, toàn Thành phố đã tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Kết quả cho thấy, toàn Thành phố đã thực hiện rà soát được 61.590 trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thành phần sởi, và 3.813 trẻ có tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong vòng 1 tháng trước chiến dịch (đối tượng tạm hoãn tiêm chủng). Như vậy, tổng số trẻ từ 1-5 tuổi thuộc đối tượng tiêm chiến dịch năm 2024 là 57.777 trẻ. Đối với đối tượng là nhân viên y tế, tổng số nhân viên y tế chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi thuộc đối tượng tiêm chiến dịch là 2.367 người. Tính đến ngày 15/11, kết quả đã tiêm được 57.903 đối tượng, trong đó có 55.640 đối tượng là trẻ 1-5 tuổi, đạt tỷ lệ 96,3% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch; 2.263 đối tượng là nhân viên y tế đạt tỷ lệ 95,6% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch. Đồng thời, phối hợp với các TTYT tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý các khu vực ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sởi.
Cùng với các hoạt động chuyên môn, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh sởi; tuyên truyền về chiến dịch sởi giúp người dân nắm bắt được tình hình dịch, ý nghĩa của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh để cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng tham gia chiến dịch.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Nhằm chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong thời gian tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sởi. Tham mưu, đề xuất với Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện có tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân sởi thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây chéo tại bệnh viện. Chỉ đạo các đơn vị tư nhân thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sởi trên địa bàn thành phố thực hiện báo cáo đầy đủ thông tin các trường hợp có xét nghiệm dương tính sởi cho CDC Hà Nội hoặc TTYT các quận, huyện, thị xã đóng trên địa bàn để phối hợp điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh truyền thông về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng sởi. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90 - 100% người chưa tiêm vắc xin, hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm vi rút sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện…
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Các chuyên gia khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi nên tiêm phòng sởi đầy đủ là trẻ chưa được tiêm vắc xin; thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin trước đây; người lớn tuổi có bệnh nền mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường; phụ nữ chuẩn bị có thai.
Sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng. Trẻ có thể gặp biến chứng viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi; viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong...
Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu. "Khi mắc sởi, cơ thể người mẹ chống lại vi rút sởi bằng cách gây sốt. Trong khi đó, nhiệt độ ở tử cung luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể 1 - 1,5 độ. Nếu mẹ bị sốt 39 - 40 độ, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm khi phải chịu nhiệt độ trong tử cung là 40 - 41,5 độ" - bác sĩ Chính giải thích.
Bác sĩ Chính cho biết, tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin có thành phần sởi như sởi đơn, sởi - quai bị - rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%. Đối với phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai 3 tháng, để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.
Báo Lao động Thủ Đô
https://laodongthudo.vn/ha-noi-chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-benh-soi-181422.html
https://congly.vn/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-tro-lai-tren-dia-ban-thu-do-461662.html
https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-lai-tang-cao-402791.html
* Hà Nội: Người đàn ông đột quỵ khi chơi pickleball
Tối 2/12, một người đàn ông 55 tuổi khi đang chơi pickleball tại nhà thi đấu Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã bất ngờ bị đột quỵ.
Thông tin được BSCKI Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội xác nhận với phóng viên báo Dân trí.
Theo BS Thắng, xe cấp cứu của trung tâm đã tiếp cận hiện trường sau khi nhận được cuộc gọi báo thông tin về bệnh nhân.
Qua khai thác thông tin, sự việc xảy ra khoảng 18h10, khi nạn nhân chỉ vừa mới tham gia chơi được 15-20 phút thì bất ngờ ngã quỵ, bất tỉnh.
"Khi đội cấp cứu đến hiện trường, nạn nhân đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Các nhân viên y tế phải tiến hành hồi sức cấp cứu tại chỗ trong khoảng 15-20 phút để tái lập mạch cho bệnh nhân trước khi chuyển vào Bệnh viện E", BS Thắng thông tin.
Pickleball là một môn thể thao mới nổi, đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ThS.BSCKII Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, bất kỳ môn thể thao nào cũng tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ về tim mạch hoặc huyết áp.
Những chuyển động nhanh, thay đổi tư thế đột ngột trong pickleball có thể gây áp lực lớn lên hệ tuần hoàn, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Sự cố xảy ra đúng vào thời điểm thời tiết tại Hà Nội đang trong những ngày chuyển lạnh, đặc biệt là vào ban đêm. Theo BS Mạnh, thời tiết lạnh là một yếu tố nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.
"Khi nhiệt độ giảm, cơ thể có xu hướng co mạch máu để giữ nhiệt, làm tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như tim và não. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người chơi vận động mạnh hoặc không khởi động kỹ", BS Mạnh giải thích.
Để tránh những sự cố đáng tiếc, BS Mạnh đưa ra một số khuyến cáo quan trọng:
- Khám sức khỏe định kỳ: Người chơi cần kiểm tra huyết áp, tim mạch và các yếu tố nguy cơ trước khi tham gia các hoạt động thể thao, đặc biệt là những người trung niên hoặc có bệnh nền.
- Khởi động kỹ: Dành ít nhất 10-15 phút để làm nóng cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu và giảm nguy cơ co thắt mạch máu.
- Giữ ấm cơ thể: Khi chơi trong điều kiện thời tiết lạnh, cần mặc đủ ấm, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như cổ, tay, chân.
- Không gắng sức: Pickleball là môn thể thao mang tính giải trí, không cần phải ép bản thân chơi quá sức. Hãy nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường.
- Chọn thời điểm phù hợp: Tránh chơi vào buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp. Nếu bắt buộc phải chơi, nên chọn sân trong nhà hoặc đảm bảo có ánh sáng và nhiệt độ ổn định.
"Chơi thể thao mang lại lợi ích sức khỏe to lớn, nhưng cần lắng nghe cơ thể và hiểu rõ giới hạn của mình. Đừng chủ quan với những yếu tố nguy cơ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hãy chơi thể thao một cách an toàn và luôn chú ý đến sức khỏe để có thể tận hưởng niềm vui và lợi ích mà môn thể thao mang lại", BS Mạnh khuyến cáo.
Báo Dân trí
https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ong-ha-noi-dot-quy-khi-dang-choi-pickleball-2347960.html
https://vtcnews.vn/dang-choi-pickleball-nguoi-dan-ong-bong-do-guc-nghi-do-dot-quy-ar911027.html
https://vnexpress.net/dot-quy-khi-dang-choi-the-thao-4823096.html
* Thanh niên suy đa phủ tạng sau khi giết mổ lợn, bác sĩ chỉ nguyên nhân
Ngày 2/12, Sở Y tế Hà Nội thông tin, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam thanh niên 32 tuổi (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội), chuyển từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện với chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Di chứng giảm thính lực do khuẩn liên cầu lợn
BS. Trần Đình Thăng, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, bệnh nhân trước đó đã thực hiện công việc giết mổ lợn trên một con lợn chết không rõ nguyên nhân.
Sau khi mổ lợn khoảng 5 giờ đồng hồ, bệnh nhân có xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo có đau bụng, nôn nhiều. Bệnh nhân được chỉ định vào điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới điều trị trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn.
2 tiếng sau bệnh nhân xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch.
Khi vào khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân có phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, bệnh nhân được chỉ định lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao và can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác, cấy máu dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng cải thiện tốt. Bệnh nhân ổn định, ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, bệnh nhân đến viện muộn nên bị để lại di chứng giảm thính lực.
Biện pháp phòng tránh
Theo BS. Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), gần đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng.
Đã có bệnh nhân tử vong do đưa đến viện muộn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng nặng không hồi phục. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ những đầu ngón tay hoặc ngón chân bị hoại tử, di chứng thần kinh...
BS Tĩnh cho biết thêm, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus Suis gây nên. Người có thể lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.
Liên cầu lợn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn hoặc tiết canh lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.
Trên người, biểu hiện thường gặp nhất là viêm màng não mủ (95%) với các biểu hiện thường gặp như: sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc tai.
Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng thành nhiễm khuẩn huyết sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, bác sĩ Tĩnh khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng.
Không giết mổ lợn bệnh, chết không rõ nguyên nhân, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.
Khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh và sau ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà xuất hiện các triệu chứng bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất để được điều trị, hạn chế các biến chứng và giảm thiểu tỉ lệ tử vong.
Báo Đại đoàn kết
https://hanoimoi.vn/giet-mo-lon-chet-nguoi-dan-ong-o-chuong-my-roi-vao-tinh-trang-nguy-kich-suy-da-phu-tang-686288.htmlVĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc