TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 7/12/2024
Ngày đăng 09/12/2024 | 10:01  | Lượt xem: 47

* Hà Nội đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ đó, nhiều bệnh tật trong bào thai được phát hiện, can thiệp và điều trị sớm, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, tránh những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ.

Giảm rủi ro dị tật bẩm sinh

Mang thai lần đầu, lại là thai đôi nên chị N.T.Q (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) vừa mừng vừa lo. Chị Q chia sẻ: “Khi có thai, ước muốn của người làm cha, làm mẹ là sinh được những đứa con khỏe mạnh. Thế nhưng, đi cùng niềm vui luôn có cả sự lo lắng, em bé mình sinh ra có gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không”. Chính vì vậy, chị đã đăng ký khám, xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán trước sinh tại Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Kết quả, trong 2 thai có một thai bị bệnh lý dị tật bất thường. Tuy nhiên, nhờ phát hiện và can thiệp kịp thời, nên bé đã chào đời mạnh khỏe.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trung bình mỗi năm có hơn 20.000 thai phụ đăng ký khám và tư vấn chẩn đoán sàng lọc trước sinh, trong đó có hơn 1.000 trường hợp cần chọc dịch ối để làm xét nghiệm di truyền. Việc sàng lọc này sẽ giúp phát hiện sớm những thai nhi bị dị tật bẩm sinh nặng, bệnh lý gen hoặc những trẻ bị khuyết tật trí tuệ như: Hội chứng Down (tam bội thể 21), hội chứng Edwards (tam bội thể 18), hội chứng Patau (tam bội thể 13), dị tật ống thần kinh, bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)… Ngoài ra, khi thực hiện kỹ thuật sàng lọc, những khuyết tật có thể sửa chữa được sau sinh như: Sứt môi, hở hàm ếch, chân tay khoèo… cũng được bác sĩ phát hiện kịp thời.

Qua công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hằng tháng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát hiện khoảng 500 trường hợp thai có bất thường, tập trung ở bệnh tim bẩm sinh, hệ thần kinh trung ương, thận, tiết niệu… Bác sĩ Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của bệnh viện cho biết, đối với từng ca bệnh, nhất là những ca khó, hằng ngày, hằng tuần, bệnh viện đều tổ chức những buổi hội chẩn liên viện, liên chuyên khoa để đưa ra những chiến lược quản lý trong suốt thai kỳ, kế hoạch hồi sức sơ sinh, bảo đảm phương án tốt nhất cho thai phụ. Đặc biệt, với những em bé dị tật bẩm sinh sẽ được chăm sóc y tế ngay tại giờ đầu tiên sau sinh, giúp nâng tỷ lệ cứu sống, chữa trị thành công sau này.

Cùng với sàng lọc trước sinh, các cơ sở y tế cũng đã triển khai sàng lọc sơ sinh qua xét nghiệm lấy máu gót chân để phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Toản (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), xét nghiệm lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh là một thủ thuật y khoa hiện đại được dùng để phát hiện và có phương pháp điều trị sớm các bệnh bẩm sinh về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, di truyền… ngay từ những ngày đầu sau khi sinh.

Cần nâng cao nhận thức

Theo thống kê từ Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính trung bình mỗi năm có 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó khoảng 40.000 trẻ mắc các dị tật bẩm sinh dẫn đến chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, vận động, ảnh hưởng đến tâm lý và khó hòa nhập với xã hội. Thế nhưng, điều đáng nói là không ít phụ nữ mang thai chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Chính vì vậy, cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp.

Trước thực tế đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Nhờ đó, theo báo cáo của Chi cục Dân số Hà Nội, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của toàn thành phố tăng từ 60,71% vào năm 2013 lên 85,74% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh tăng từ 30,98% năm 2013 lên 86,55% trong 10 tháng của năm 2024

Tiến sĩ Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của bản thân và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục các hoạt động truyền thông, tư vấn cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế triển khai nhiệm vụ này vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.

Để hạn chế dị tật bẩm sinh ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, sản phụ nên đi khám sàng lọc khi mang thai ở tuần thứ 11-14, tốt nhất là từ tuần thứ 12-13. Ngoài ra, sản phụ nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 đến 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 đến 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương

Báo Hà Nội mới

https://hanoimoi.vn/ha-noi-day-manh-cong-tac-sang-loc-truoc-sinh-va-so-sinh-vi-muc-tieu-nang-cao-chat-luong-giong-noi-686688.html

* Người phụ nữ gặp nạn lúc 5 giờ sáng, trong bụng chứa 3000 ml máu không đông

BVĐK Hà Đông vừa cứu sống bệnh nhân Ng.T.T, 45 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán sốc mất máu do chấn thương bụng kín, tăng huyết áp, đái tháo đường và thay van tim.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền sử mổ thay van tim cách đây 5 năm, mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, điều trị thuốc chống đông hàng ngày.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày cuối tháng 11/2024, trên đường đi làm, chị T. không may gặp tai nạn. Sau tai nạn, bệnh nhân đau nhiều sườn trái, được người đi đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, đồng thời thông báo tình hình ca bệnh nặng cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có sự chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân.

8 giờ sáng, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc nhợt, huyết áp không đo được, bụng trướng căng, chọc dò ổ bụng có máu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do chấn thương bụng kín nghi do vỡ lách, chấn thương ngực kín, tăng huyết áp, đái tháo đường, thay van tim.

Ngay lập tức báo động đỏ đã được kích hoạt, Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo bệnh nhân được đẩy thẳng phòng mổ. Các ê-kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê nhanh chóng vừa hồi sức vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Trong mổ phát hiện trong bụng có khoảng 3000 ml máu không đông, nguyên nhân chính là chấn thương lách độ V trên nền bệnh nhân dùng thuốc chống đông, rối loạn đông máu nặng (PT 21% trong khi bình thường là 70-140%). Bệnh nhân được cắt lách, dẫn lưu ổ bụng, truyền máu trong mổ tổng 6 đơn vị máu (gồm hồng cầu, huyết tương tươi và tủa).

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tích cực tại phòng hồi tỉnh của khoa Gây mê hồi sức cùng với sự phối hợp của các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, khoa Ngoại Tiêu hóa, khoa Nội tim mạch.

7 ngày sau, bệnh nhân hồi phục tốt, tự đi lại, ăn uống tốt, dùng lại thuốc chống đông máu và được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình.

BSCKII Bùi Đức Duy - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa – Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: "Đây là một trường hợp sốc mất máu do chấn thương đặc biệt trên bệnh nhân thay van tim, sử dụng chống đông thường xuyên, khiến cho khả năng cầm máu rất kém, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào trạng thái nguy kịch.

Sau mổ bệnh nhân có nhiều khó khăn trong điều chỉnh đông máu, nếu đông máu thấp bệnh nhân có nguy cơ chảy máu sau mổ, nếu đông máu cao, nguy cơ tắc mạch, huyết khối van tim có thể gây biến chứng nguy hiểm. Với sự phối hợp của các chuyên khoa và của 2 "bệnh viện chị em" là Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân đã hồi phục, trở về cuộc sống bình thường".

BS. Duy cũng khuyến cáo những bệnh nhân dùng thuốc chống đông nên khám, kiểm tra định kỳ để điều chỉnh chỉ số đông máu phù hợp, đồng thời tránh các va chạm có thể gây chảy máu, dù đối với người bình thường không nặng nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm ở người dùng thuốc chống đông.

Báo Sức khỏe & Đời sống

https://suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-gap-nan-luc-5-gio-sang-trong-bung-chua-3000-ml-mau-khong-dong-169241206150400976.htm

* Tầm soát phát hiện sớm ung thư

Vừa qua, Hội LHPN TP. Hà Nội đã tổ chức buổi truyền thông tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho đông đảo đoàn viên công đoàn ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội.

Đây là hoạt động nhằm triển khai, cụ thể hóa Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội về "Tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025" và Kế hoạch số 97/KH-BTV ngày 23/8/2024 của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội về "Tổ chức truyền thông, hội thảo tư vấn tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024".

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có trên 100.000 phụ nữ độ tuổi từ 35-60, trên địa bàn 18 huyện của thành phố được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục chia sẻ, để chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, thời gian qua Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, lao động nhập cư.

Mặc dù vậy vẫn còn một tỷ lệ cao chị em phụ nữ chưa chủ động trong việc khám sàng lọc nên dẫn tới phát hiện bệnh muộn. Nhiều chị em phải chịu di chứng nặng nề về sức khỏe do ung thư vú, ung thư cổ tử cung gây ra, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội. Chính vì vậy, việc được trang bị kiến thức để chủ động phòng bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở chị em là rất quan trọng.

Theo đó, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch 124 của UBND thành phố, bà Lê Thị Nga đề nghị lãnh đạo các công đoàn cơ sở chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, tạo điều kiện ngành y tế tổ

chức tốt các hoạt động khám sàng lọc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung theo kế hoạch.

Đồng thời tăng cường triển khai hoạt động lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung trong các kỳ sinh hoạt chuyên đề. Tích cực tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ nâng cao thể chất, tinh thần tạo sự gắn kết trong mỗi cán bộ, hội viên, từ đó thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe trong công đoàn ngành giáo dục.

Trong khuôn khổ hoạt động, ngoài truyền thông trực tiếp về nguyên nhân, cách phát hiện cũng như phòng ngừa bệnh; 250 cán bộ đoàn viên công đoàn ngành giáo dục cũng được các y bác sĩ bệnh viện Ung bướu Hà Nội trực tiếp khám tầm soát, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung

https://thanglong.chinhphu.vn/tam-soat-phat-hien-som-ung-thu-10324120618055725.htm

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 377
Lượt truy cập trong tuần: 92196
Lượt truy cập trong tháng: 192281
Lượt truy cập trong năm: 3065395
Tổng số lượt truy cập: 47132783
Về đầu trang