TIN TỨC - SỰ KIỆN

Thông tin y tế trên báo chí ngày 8/5/2024
Ngày đăng 09/05/2024 | 12:01  | Lượt xem: 47

Ngành y tế Hà Nội dự kiến vận động hiến 1.800 đơn vị máu

Theo kế hoạch, năm 2024, ngành y tế Thủ đô tổ chức hiến máu tình nguyện theo 2 đợt. Số lượng dự kiến là 1.800 đơn vị máu, chỉ tiêu.

Với thông điệp “Blouse trắng – Trái tim hồng”, “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”, tại chương trình hiến máu tình nguyện năm nay, ngành y tế Hà Nội đã vận động hiến thành công gần 600 đơn vị máu (trong 2 ngày 6/5 và 7/5).

Cán bộ, viên chức, người lao động công tác ở các đơn vị y tế hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư.

Theo đó, chương trình hiến máu tình nguyện đợt 1 diễn ra theo cụm từ ngày 6 đến 9/5 tại 4 địa điểm gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh, với sự hưởng ứng tham gia của gần 1.000 cán bộ, viên chức, người lao động đang công tác tại các đơn vị y tế trong ngành.

Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có 22 đơn vị tham gia hiến máu, đã vận động hiến thành công 283 đơn vị máu. Tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư có 27 đơn vị tham gia, đã vận động hiến thành công 295 đơn vị máu.

Trong ngày 8 và 9/5, chương trình hiến máu tình nguyện do ngành y tế phát động sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai và Trung tâm Y tế huyện Đông Anh với 26 đơn vị tham gia.

Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện do ngành y tế tổ chức đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của các đơn vị y tế, nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với nghĩa cử hiến máu cứu người.

Theo kế hoạch, năm 2024, ngành y tế tổ chức hiến máu tình nguyện theo 2 đợt, đợt 2 được tổ chức vào các ngày 16 đến 19/9/2024. Số lượng dự kiến là 1.800 đơn vị máu, chỉ tiêu. Sở Y tế phối hợp Công đoàn ngành y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện năm 2024.

Năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai công tác vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện ngành y tế Thủ đô với sự tham gia của 1.635 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế trong toàn ngành. Qua đó đã vận động hiến máu thành công 1.635 đơn vị máu; có 41 bệnh viện công lập, 5 trung tâm chuyên khoa và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã tham gia hiến máu nhân đạo trong năm 2023.

Một số bệnh viện chủ động phối hợp Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tổ chức, hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội...

Báo Kinh tế và đô thị

Quận Tây Hồ xử phạt 58 triệu đồng các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận, phường đã kiểm tra 319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 18 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 58 triệu đồng.

Ngày 8-5, Đoàn liên ngành số 2 thành phố Hà Nội do Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến, phát triển thị trường Hà Nội, Vũ Văn Dũng làm Phó trưởng Đoàn đã kiểm tra công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 tại quận Tây Hồ.

Tại buổi kiểm tra, Trưởng Phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, quận đã chỉ đạo các đơn vị, 8/8 phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức. Trong Tháng hành động, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận, phường đã kiểm tra 319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 18 cơ sở vi phạm; tổng số tiền xử phạt là 58 triệu đồng.

Các nội dung vi phạm chủ yếu gồm: Kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, thùng rác không nắp đậy.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ cũng cho biết: Việc xử lý các vi phạm ở tuyến phường đã được tăng cường hơn trước nhưng chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở. Còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn; tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn còn diễn biến phức tạp…

Để công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn đi vào nền nếp, quận đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến quận, phường, trong đó có kỹ năng kiểm tra cho cán bộ tham gia quản lý công tác kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ghi nhận thực tế từ cơ sở, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Vũ Văn Dũng đề nghị quận Tây Hồ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với công tác an toàn thực phẩm cấp phường; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có lượng cung cấp lớn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, công khai vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Trước đó, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra tại Bếp ăn tập thể Trường tiểu học Chu Văn An (260 Thuỵ Khuê, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ).

Báo Hà Nội mới

Ba Đình: Các bếp ăn tại trường học đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Chiều 7/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) Thực nghiệm Khoa học giáo dục và phường Cống Vị.

Tại Trường Tiểu học, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất tại khu vực bếp chế biến suất ăn bán trú phục vụ học sinh, công tác lưu mẫu thức ăn, vệ sinh khay ăn…; đồng thời kiểm tra các văn bản, hồ sơ về việc thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trường học.

Bước đầu, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang - Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao nhà trường đã chấp hành tốt các quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm, lưu mẫu thức ăn đầy đủ, cơ sở vật chất, đồ dùng trong khu vực bếp nấu, phòng ăn được quan tâm đầu tư; nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm tươi sống có địa chỉ rõ ràng, bảng thông tin về khẩu phần ăn, thực đơn các bữa ăn, đơn giá... được niêm yết công khai, các sản phẩm bao gói sẵn có nhãn mác nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và trong hạn sử dụng...

Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình cho biết, từ ngày 1/4 đến 7/5/2024, UBND quận đã phối hợp các đơn vị kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 25 bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đã bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, chia suất ăn tại nhà trường.

Tại phường Cống Vị, Phó Chủ tịch phường Chu Thanh Loan cho biết, trên địa bàn phường hiện có 112 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 2 chợ dân sinh. Từ ngày 19/4 đến 2/5/2024, UBND phường đã kiểm tra 22 cơ sở, phát hiện và xử lý 3 cơ sở vi phạm với số tiền 10 triệu đồng.

Theo UBND quận Ba Đình, trên địa bàn quận hiện có 3.240 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 3 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 7 chợ. Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, quận đã thành lập 18 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tích cực triển khai công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.

Từ ngày 15/4 đến 7/5/2024, toàn quận đã kiểm tra 352 cơ sở, phát hiện và xử lý 28 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 84 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa có giá trị tương đương 14 triệu đồng.

Thời gian tới, quận Ba Đình sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, không để xáy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” cũng như trong năm 2024.

Báo Kinh tế và đô thị

Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 2.000 trẻ sinh ra mắc bệnh cần được điều trị cả đời

Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, trên 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời...

Đây là những thông tin được Cục Dân số (Bộ Y tế) nêu ra tại tọa đàm tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt nhân ngày Thalassemia thế giới 8/5.

Tỷ lệ mang gene bệnh Thalassemia của Việt Nam cao hơn các nước

Các chuyên gia cho biết, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia (hay còn gọi bệnh Thalassemia) là một bệnh di truyền – bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ.

Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, trên 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời...

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết những con số về tình hình Thalassemia tại Việt Nam thực sự đáng báo động.

Hiện tất cả 63 tỉnh, thành phố và 54 dân tộc đều có người mang gene bệnh. Tỷ lệ mang gene bệnh của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Có nhiều dân tộc tỷ lệ mang gene Thalassemia lên tới 30-40%, riêng dân tộc Kinh là 9,8%.

Thông tin của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho thấy, một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần có khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

ThS.BS Mai Trung Sơn, Quyền Trưởng phòng Phòng Truyền thông-Giáo dục, Cục Dân số cho hay, người mang gen bệnh là người có bên ngoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện lâm sàng, là nguồn di truyền gen trong cộng đồng. Nếu chỉ bố hoặc mẹ mang gen bệnh xác suất trẻ sinh ra mang gen bệnh là 50%.

Nhưng nếu cả bố và mẹ đều mang gen bệnh Thalassemia (bên ngoài bình thường), khi có thai xác suất trẻ sinh ra mắc bệnh và mang gen bệnh là 75 % (trong đó bị bệnh là 25% và mang gen bệnh 50%). Sàng lọc không hết nhiều tiền nhưng nếu bị bệnh sẽ điều trị cả đời và vô cùng tốn kém.

Nếu cả bố và mẹ đều mang gen bệnh Thalassemia (bên ngoài bình thường, không có biểu hiện lâm sàng), khi có thai xác suất trẻ sinh ra mắc bệnh và mang gen bệnh rất cao là 75 % (trong đó xác suất bị bệnh là 25% và mang gen bệnh 50%).

Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội KHHGĐ tỉnh truyền thông tư vấn các hoạt động hưởng ứng ngày Thalassemia đồng thời lồng ghép siêu âm, xét nghiệm tầm soát một số bệnh thông thường cho công nhân, người lao động. Ảnh: Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế

Làm gì để hạn chế bệnh Thalassemia?

Theo Cục Dân số, hiện nay, số lượng bệnh nhân Thalassemia đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội, nhất là nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.Ước tính mỗi năm Việt Nam cần hàng ngàn tỷ đồng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân Thalassemia.

Thalassemia là bệnh chưa thể chữa khỏi, nhưng có thể tiến hành các biện pháp phòng bệnh để hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị bệnh và mang gen bệnh hàng năm, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi.

Các chuyên gia nhấn mạnh, để giảm thiểu gánh nặng điều trị và chăm sóc người bệnh, có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.

Truyền thông phòng chống Thalassemia đến cộng đồng.

Nếu cả hai người mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau: cần được tư vấn trước khi có dự định có thai;

Nếu hai vợ chồng mang gen bệnh Thalassemia có thai: cần được chẩn đoán trước sinh khi thai được 12-18 tuần, tại các cơ sở y tế chuyên khoa; Cần được các bác sĩ chuyên khoa huyết học, nhi khoa và tại các Trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh tư vấn về bệnh Thalassemia.

Cùng đó, các chuyên gia nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, cần chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Đối với lĩnh vực Dân số và Phát triển, truyền thông, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn.

Ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2235/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030.

Trong đó yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện ngày Thalassemia thế giới (8/5).

Các hoạt động này góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia và nâng cao chất lượng dân số.

Báo Sức khỏe và đời sống

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 153
Lượt truy cập trong tuần: 6773
Lượt truy cập trong tháng: 74606
Lượt truy cập trong năm: 886089
Tổng số lượt truy cập: 44953477
Về đầu trang