TIN TỨC - SỰ KIỆN
Thông tin y tế trên các báo ngay 12/10/2020
Đái tháo đường không phải là ‘bệnh nhà giàu’
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các loại bệnh tật tại Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch và ung thư.
Số liệu thống kê từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) cho thấy, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mắc mới, và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. IDF chỉ ra, bệnh ĐTĐ hiện nay có thể coi là một loại bệnh dịch toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành bị bệnh trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường, chiếm (8,8% dân số thế giới).
Tại Việt Nam, số liệu từ Hội Nội tiết và ĐTĐ (VADE) cho biết, hiện có tới 3,53 triệu người đang “chung sống” với căn bệnh ĐTĐ, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan. Dự báo, số người bắc bệnh có thể tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.
Với những số liệu nói trên, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân ĐTĐ cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới có chỉ có 29% người bệnh bị ĐTĐ được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.
Trên thực tế, ĐTĐ là bệnh phát triển nhanh nhất, không có sự phân biệt về màu da, sắc tộc cũng như không có sự phân biệt về đẳng cấp, là bệnh đến với mọi người. Nó khác xa so với quan niệm trước đây cho rằng bệnh ĐTĐ là bệnh của nhà giàu.
Theo PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền - Giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa trung ương): Theo tây y, có ĐTĐ typ 1 và typ 2. Bệnh ĐTĐ typ 1 (phụ thuộc insulin cơ thể không tiết ra insulin) xảy ra khi những rối loạn hệ miễn dịch khiến tế bào beta trong tuyến tụy bị triệt tiêu gần hết. Không có những tế bào này, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin để cân bằng và chuyển hóa lượng glucose (hay còn gọi là đường huyết) trong cơ thể.
Người bệnh ĐTĐ typ 2 vẫn sản sinh insulin như bình thường, nhưng cơ thể lại không thể sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào (kiểu chìa khóa không mở cửa tế bào mà cứ ở ngoài) dẫn đến không hấp thụ được.
Tình trạng này gọi là kháng insulin. Tuyến tụy cố gắng sản sinh ra nhiều insulin hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển hóa và đến một lúc nào đó sẽ bị suy giảm chức năng trầm trọng. Đa phần chúng ta gặp bệnh nhân ĐTĐ typ 2, tỷ lệ này chiếm 90-95%.
Một điều đáng lo ngại cần phải nhắc tới, nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết trung ương trên 2.810 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi vừa qua trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh ĐTĐ ở nhóm đối tượng này.
Theo đó, đã có 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%); trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ là 27,8%, trong đó thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.
GS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, trẻ hóa bệnh nhân mắc ĐTĐ đang là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Thậm chí, có trẻ 14, 15 tuổi đã mắc ĐTĐ.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ĐTĐ ở người trẻ biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ĐTĐ ở người lớn tuổi.
Theo PGS Vũ Thị Thanh Huyền, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc thực hiện chế độ ăn và tập luyện vô cùng quan trọng. Về cơ bản cần chế độ ăn cân đối, tinh bột, mỡ, rau, củ quả, thịt, cá..
Về khẩu phần tinh bột được khuyến cáo giảm đối với người bệnh ĐTĐ, chiếm khoảng 50% tổng khẩu phần ăn hàng ngày. Dễ hiểu là người tiểu đường chỉ ăn ½ bát con cơm hoặc hơn chút. Đây là đối với tuổi trẻ còn ở tuổi trung niên chỉ nên ăn ½ bát con cơm.
Ngoài ra, thịt, cá cũng cần cho cơ thể nhất là người ĐTĐ lâu năm, để đảm bảo dinh dưỡng, chống teo cơ. Tuy nhiên không được lạm dụng, đặc biệt cần tránh dầu mỡ chiên đi chiên lại; tăng cường ăn rau, hoa quả và uống đủ nước (6-8 cốc nước/ngày).
Luyện tập tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày trong tuần. Cần tập đều đặn, không được bỏ qua 2 ngày vì sẽ làm cơ thể tái tạo lại.
(daidoanket.vn)
Hệ lụy của bệnh trầm cảm tuổi già
Theo các chuyên gia về tâm thần, tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm cũng rất lớn.
Tại Việt Nam, bệnh trầm cảm chiếm khoảng 10,7% tổng số người cao tuổi. Theo các bác sĩ, những biểu hiện trầm cảm ở người cao tuổi tương đối phức tạp, dễ nhầm với một số bệnh khác nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
TS.BS Cao Thị Vịnh, Trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Tuổi cao dẫn đến khả năng hấp thu thuốc cũng như đáp ứng thuốc của người già kém hơn người trẻ. Bên cạnh đó là quá trình lão hóa. Chính vì vậy, quá trình hồi phục ở người già cũng chậm hơn. Suy giảm và mất khả năng, suy giảm nhận thức dẫn đến việc điều trị cho trầm cảm người già khó khăn hơn người trẻ.
Bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 68 tuổi, do có triệu chứng của trầm cảm: cơ mặt, mí mắt chảy xệ… Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ và có tâm trạng u buồn hay quát mắng.
Chị N.T.G., con gái bệnh nhân chia sẻ: "Ở nhà, mẹ tôi nói linh tinh và không biết là mình nói cái gì, làm cái gì. Nhìn những đồ vật ở trong phòng thì toàn nhìn thấy kiến và thấy đốm đỏ. Tôi cứ nghĩ là bệnh người già".
Người thân thì chỉ nghĩ là bệnh người già. Chính vì vậy, đã có rất nhiều trường hợp nhập viện muộn khi trầm cảm đã ở giai đoạn nặng.
TS.BS Cao Thị Vịnh cho hay: Đa phần, các bệnh nhân cao tuổi vào viện trong tình trạng nặng. Mất khả năng sinh hoạt độc lập, phải có người chăm sóc bên cạnh. Ý tưởng bị hại, bị tội, nặng hơn nữa là có ý tưởng và hành vi tự sát.
Để tránh mắc bệnh trầm cảm, TS.BS Cao Thị Vịnh khuyến cáo: Cần tạo cho người già có môi trường sống thoải mái, được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu người cao tuổi có dấu hiệu mất ngủ, lo âu, giảm trí nhớ, dễ bị kích động… cần đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh hệ lụy khôn lường.
(vtv.vn)
Sau 3 tháng đau bả vai, bác sĩ bất ngờ phát hiện ung thư đã di căn
Từ những cơn đau tưởng đơn giản ở vai, khớp cổ tay, nam bác sĩ (60 tuổi, Tuyên Quang) phát hiện khối u ở bả vai phải. Ông mắc một loại ung thư hiếm gặp, bệnh đã di căn phổi, xương.
Là bác sĩ công tác tại một bệnh viện ở Tuyên Quang, ông N.T.T (60 tuổi) không ngờ có một ngày căn bệnh ung thư điểm tên mình đầy bất ngờ như thế. Trước đó ông vốn khỏe mạnh, tuy nhiên 4 tháng gần đây, trong một lần ngồi ghế massage, ông đột nhiên thấy tay phải gợn đau, đau nhiều khi tì đè, đồng thời đốt sống cổ cũng đau.
Tưởng không có gì quá nghiêm trọng, tuy nhiên đến tháng 5, ông thường xuyên thấy đau nhức khớp cổ tay, khuỷu tay và vùng bả vai phải. Lúc này, ông cũng chỉ nghĩ đơn giản do làm việc nhiều nhưng ngay cả khi nghỉ ngơi những cơn đau này cũng không cải thiện.
Ông quyết định đi khám chuyên khoa cơ xương khớp, được tiêm giảm đau thì thấy có đỡ nhưng vùng vai phải vẫn đau nhiều, hạn chế vận động. Sau đó, ông đến một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội khám thì phát hiện có khối u ở bả vai phải, phổi trái cũng có tổn thương.
Kết quả sinh thiết khẳng định, ông mắc sarcoma mô mềm, ung thư phần mềm ác tính. Đầu tháng 8, bác sĩ T. đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ nhập viện. Lúc này khối u bả vai đã to, kích thước 3x4 cm, khối u phổi 3cm nằm sát động mạch phổi, tổn thương đốt sống cổ L4 do di căn.
Ca bệnh của ông được đưa ra hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội). Theo đó, ông mắc sarcoma mô bào, đã di căn phổi, xương, được chỉ định điều trị hoá chất 6 chu kỳ. Khi sang chu kỳ thứ 3, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá lại.
Theo PGS.TS Đặng Văn Tờ, Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh - sinh học phân tử, Bệnh viện K Trung, ung thư sarcoma mô bào rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1,5% trong các loại ung thư.Đây là ung thư có nguồn gốc từ nhóm hệ bạch huyết, có thể gặp ở bất cứ mô mềm nào trong cơ thể như cơ, mỡ, gân, mạch máu… Trường hợp bệnh nhân T. là ung thư mô bào dưới da mô liên kết, tế bào ung thư có nguy cơ di căn nhiều vị trí với độ ác tính cao, điều trị rất khó khăn, khác hẳn với u lympho.
TS Đỗ Huyền Nga, Trưởng khoa Nội Hệ tạo huyết, Bệnh viện K Trung ương cũng cho biết, ở giai đoạn đầu của bệnh việc chẩn đoán rất khó khăn do các triệu chứng lâm sàng không rầm rộ. Trong chẩn đoán bệnh mô bào có 2 nhóm, trường hợp của bệnh nhân T nằm ở nhóm tiên lượng rất xấu, có tổn thương ở phổi, cột sống nên không thể phẫu thuật.
Sarcoma mô mềm là một loại ung thư hiếm gặp, chiếm khoảng 1,5% trường hợp trong tất cả các loại ung thư. Tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ. Thuốc trừ sâu diệt cỏ, đặc biệt là dioxin và sự nhiễm phóng xạ liều cao có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh nhưng chưa được chứng minh rõ ràng. Sarcoma mô mềm khi di căn xa có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.
Mặc dù ít phổ biến hơn các loại ung thư khác nhưng sarcoma thường có độ ác tính cao. Sarcoma thực sự là một căn bệnh phức tạp với hơn 70 phân loại khác nhau được báo cáo. Bản thân sarcoma mô mềm là một nhóm sarcoma phức tạp, với hơn 50 phân nhóm khác nhau.
Sarcoma mô mềm có thể phát triển từ bất cứ nơi nào trong cơ thể từ vùng đầu và cổ, đến chân tay, thân và hông chậu. Nó có thể ảnh hưởng đến các nội tạng sâu bên trong cơ thể, cũng như bề ngoài, trên da. Sarcoma phát triển từ tim, mạch máu và da đầu cũng thường thấy. Bệnh được điều trị tốt nhất với sự kết hợp của phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
(dantri.com.vn)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc