TIN TỨC - SỰ KIỆN
Thông tin y tế trên các báo ngày 2/10/2020
Kiến ba khoang xuất hiện tại nhiều khu vực ở Thủ đô
Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều khu vực trong TP Hà Nội như quận Hoàng Mai, quận Thanh Trì, quận Cầu Giấy,… xuất hiện số lượng kiến ba khoang “đột biến”. Nhiều người dân đã bị đốt, gây ra vết thương đau, rát, thậm chí, có người bị lan rộng.
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất ở các khu chung cư
Chị Thuý Hằng (cư dân chung cư ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết, mấy ngày nay, chung cư nơi chị sống, hàng loạt căn hộ xuất hiện kiến ba khoang với số lượng nhiều. Thậm chí, trong một buổi tối, có nhà bắt được hơn 20 con kiến ba khoang.
Loài kiến này gây ra vết thương rất đau, rát, thường hay bị lan rộng. Nhiều người lớn, trẻ em trong khu cũng đã bị đốt, vết thương gây khó chịu, đặc biệt là đối với trẻ em.
Chị Thuỳ Linh (cư dân chung cư ở Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai) chia sẻ, trong căn hộ của chị liên tục phát hiện kiến ba khoang những ngày gần đây. Chính chồng chị đã bị đốt, vết thương khá đau, hiện đang bôi thuốc điều trị.
Tại một topic thảo luận về vấn đề này trên mạng xã hội, bạn Trần Đạt cho biết, một số chung cư tại khu vực Tứ Hiệp, Thanh Trì cũng gặp tình trạng tương tự.
Nguyên nhân do miền Bắc bước vào vụ gặt lúa
Theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều nhất tại khu dân cư vào hai thời điểm là tháng 5-6 và tháng 9-10 hàng năm. Đây là thời điểm diễn ra và kết thúc vụ gặt lúa tại các tỉnh miền Bắc, trong đó có vùng ven đô Hà Nội.
Sau vụ gặt, nơi trú ngụ và kiếm ăn của kiến ba khoang không còn nên loài này tìm đến những hộ gia đình, khu chung cư gần cánh đồng, bãi đất trống, xuất hiện nhiều vào mùa mưa.
Đây chính là lý do khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều nơi trong khu vực TP Hà Nội xuất hiện số lượng kiến ba khoang tăng đột biến. Tình trạng này có thể kéo dài đến hết tháng 10, đến thời điểm người dân kết thúc vụ gặt.
Tổn thương và cách điều trị vết thương do kiến ba khoang gây ra
Kiến ba khoang không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính được tiết ra và trực tiếp thấm vào da. Dưới bụng của kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất Pederin.
Theo Bộ Y tế, Pederin độc gấp 12-15 lần chất độc của rắn hổ mang, nhưng do lượng độc ít và tiếp xúc trên da nên kiến ba khoang chỉ gây ngứa rát, nặng hơn là phồng rộp, nhiễm trùng, mưng mụn nước.
Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu sơ cứu đúng cách thì những tổn thương trên da sẽ dịu đi rất nhiều. Có thể dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da, sau đó nên đi khám, bôi thuốc điều trị kịp thời.
Lưu ý, tránh gãi vết thương hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian làm cho vết thương bị loét và lan rộng.
Cách phòng tránh kiến ba khoang
Một số nhà ở các khu chung cư đã tiến hành lắp đặt cửa lưới chống côn trùng để phòng tránh kiến ba khoang. Ngoài ra, cần vệ sinh khu ở nhà ở sạch sẽ, lưu ý, giũ mạnh quần áo sau khi phơi để tránh việc kiến ba khoang bám trên đó.
Ở một số khu vực công cộng, cần tránh đứng dưới các nơi có đèn sáng trực tiếp bởi kiến ba khoang rất ưa sáng, thường tập trung nơi có ánh sáng mạnh.
(daidoanket.vn)
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp được thưởng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú
Ngày 1/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định số 4414 về việc tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020. Trong số các cá nhân được thưởng danh hiệu này có bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, chuyên gia chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua.
Theo đó, 10 cá nhân đạt danh hiệu này gồm:
1, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
2, Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế.
3, Nhà thơ Vũ Ngọc Chúc (tức Vũ Quần Phương), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội.
4, Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm.
5, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.
6, Trung tướng Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2.
7, Bà Lưu Thị Phẩm, công dân thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh.
8, Ông Đoàn Văn Tiến, Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam.
9, Ông Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh), nguyên Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu.
10, Ông Nguyễn Đức Trường, giáo viên, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
(tienphong.vn)
Sẽ lập hội đồng chuyên môn về vụ thai phụ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ
Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn số 5264/BYT-BMTE gửi Sở Y tế Hà Nội về sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.
Theo đó, ngày 1-10, các cơ quan truyền thông đã phản ánh về trường hợp sản phụ Tạ Thị V, (sinh năm 1984) đến sinh con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ từ ngày 26-9. Sau đó, sản phụ được mổ lấy thai lúc 4h ngày 1-10. Tuy nhiên, cả mẹ và thai nhi đã tử vong sau mổ, chưa rõ nguyên nhân.
Trước sự việc này, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đề nghị Sở Y tế kiểm tra, xác minh thông tin và gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với sản phụ Tạ Thị V trước ngày 7-10.
Mặt khác, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với sản phụ V, thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cần rà soát và chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh sản phụ khoa và sơ sinh trên địa bàn Hà Nội nghiêm túc tuân thủ các quy định dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong việc khám, chữa bệnh sản phụ khoa; các quy trình dịch vụ chuyên môn kỹ thuật trong theo dõi, chăm sóc và xử trí tai biến sản khoa trong và ngay sau đẻ.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, lúc 20h46 ngày 26-9, thai phụ V nhập viện điều trị nội trú với chẩn đoán thai 36 tuần, theo dõi rau tiền đạo. Khi nhập viện, thai phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không phù. Sau đó, thai phụ được làm các xét nghiệm cơ bản và được theo dõi tại bệnh viện.
Đến 2h30 ngày 1-10, thai phụ V tỉnh, tức bụng dưới, cơn co tử cung thưa. Khoảng 1 giờ sau đó, thai phụ tỉnh, tức bụng dưới, bụng mềm, cơn co tử cung thưa, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình và theo dõi tiếp.
Đến 4h10 ngày 1-10, sản phụ thấy vỡ ối, người khó chịu, khó thở, tức ngực, mệt. Khi khám, bác sĩ phát hiện thấy bụng sản phụ mềm, tim rời rạc, ối vỡ. Kết quả, sản phụ được chẩn đoán là thuyên tắc mạch ối ở thai 36 tuần lần 3 theo dõi rau tiền đạo. Kíp trực đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực cho sản phụ đến 4h45 ngày 1-10 nhưng không có kết quả.
Khi bác sĩ giải thích cho gia đình sản phụ V và xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện tiến hành mổ lấy thai, hy vọng cứu được thai nhi, gia đình đã đồng ý. Bệnh viện tiến hành phẫu thuật mổ lấy thai, đưa bé gái nặng 2.600g ra.
Tuy nhiên, khi đó bé đã tím tái, không có mạch, không tự thở. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu hồi sức sơ sinh đến 6h15 ngày 1-10 nhưng không có kết quả.
(hanoimoi.com.vn)
Việt Nam có 30 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng
Sáng 2-10, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Chúng ta đã bước sang ngày thứ 30 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6 giờ ngày 2-10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.013 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến nay, chúng ta đã điều trị khỏi cho 1.018 ca bệnh, 35 ca tử vong. Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có tám ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.
Tại hội nghị trực tuyến chiều 1-10 với hơn 700 điểm cầu là các cơ sở y tế trên cả nước về bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mặc dù đến nay đã có một tháng chúng ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, tất cả các ca bệnh nhập cảnh đều được cách ly ngay, tuy nhiên trên thế giới, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số mắc vẫn gia tăng.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp đón những chuyến bay về Việt Nam. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đối với dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch, kiểm soát và cách ly người có nguy cơ, người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt những người Việt Nam, người nước ngoài đến từ vùng dịch, công tác phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng hướng dẫn là vô cùng quan trọng.
Trong công tác phòng chống dịch, an toàn bệnh viện rất quan trọng, nếu để dịch Covid-19 xảy ra tại bệnh viện sẽ khiến bệnh viện tê liệt hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh. Bài học của BV Bạch Mai, BV Đà Nẵng... vẫn luôn hiện hữu.
Do đó, để bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám chữa bệnh chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cũng như ngăn chặn phát hiện sớm ca bệnh trước khi tới bệnh viện, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Bộ tiêu chí đã được các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện.
Tính đến ngày 30-9, cả nước đã có 1.380 cơ sở y tế đã tiến hành tự đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 tại cơ sở thông qua phần mềm trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn còn 150 bệnh viện, trung tâm y tế chưa tiến hành tự đánh giá hoặc đã đánh giá nhưng không nhập số liệu. Trong số những cơ sở đã tự tiến hành đánh giá, có 1.089 cơ sở xếp loại bệnh viện an toàn (chiếm 79%), bệnh viện an toàn ở mức thấp là 263 cơ sở (chiếm hơn 19%), bệnh viện không an toàn 28 cơ sở, chiếm 2% chủ yếu là bệnh viện tư nhân. Tại Hà Nội, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã yêu cầu ba bệnh viện tư nhân phải đóng cửa tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.
(nhandan.com.vn)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc