TIN TỨC - SỰ KIỆN
Trong đời sống của người phụ nữ, mang thai và sinh con là một giai đoạn đặc biệt, xảy ra nhiều biến đổi cả về sinh lý và tâm lý. Một trong những rối loạn tâm thần thường gặp sau sinh là trầm cảm. Trầm cảm sau sinh (TCSS) thường ít được chú ý chẩn đoán và nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời thì nó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến người mẹ và đứa con mới sinh.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng khởi phát ở bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Những phụ nữ mắc TCSS thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.
(Hình minh họa)
Thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ TCSS đối với các bà mẹ khoảng 10-20%. Tại Việt Nam, tỉ lệ TCSS theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.
Nhận biết sớm trầm cảm sau sinh qua các biểu hiện tâm lý và sinh lý
Phụ nữ bị TCSS thường có một số biểu hiện sau đây (Theo Mayo Clinic-USA)
- Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ
- Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày
- Cảm giác khó thở như bị đè chặt
- Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an
- Thu mình và từ chối các giao tiếp xã hội
- Giảm trí nhớ và kém tập trung
- Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)
- Rối loạn giấc ngủ
- Chán ăn
- Cảm giác kiệt sức và mất năng lượng
Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng xếp từ 1 đến 5 thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Lưu ý nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con thì là một cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
Cần phân biệt Trầm cảm sau sinh và Cơn buồn thoáng qua sau sinh
Cơn buồn thoáng qua sau sinh hay tên khoa học hội chứng Baby Blue là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp nhất sau sinh ảnh hưởng đến khoảng 70 – 80% sản phụ. Nó thường xuất hiện vài ngày sau khi sinh, thông thường là vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi hormone, sau khi sinh hormone thai kỳ đang giảm xuống và chức năng tiết sữa bắt đầu, cùng với đó là sự suy giảm cả thể lực và tinh thần sau sinh. Hội chứng Baby Blue có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với TCSS như cảm giác mệt lử, không thể ngủ hay cảm thấy mình vụng về hoặc lo lắng. Cảm giác thèm ăn cũng có thể thay đổi (có thể ăn nhiều hơn hoặc ít hơn) hoặc sản phụ cảm thấy rất dễ cáu, hay bồn chồn, lo lắng rằng mình làm mẹ chưa tốt.
Tuy nhiên, điểm khác biệt chính với TCSS là Hội chứng Baby Blue không phải là bệnh, nó là những cảm xúc bình thường của bà mẹ sau khi sinh bé, chỉ kéo dài vài ngày cho đến 2 tuần. Sau đó những triệu chứng này sẽ tự biến mất mà không cần điều trị, chỉ cần sản phụ được nghỉ ngơi, có thời gian, nhận được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè... Nếu những triệu chứng trên kéo dài trên 2 tuần với các triệu chứng ngày càng nặng hơn thì bệnh nhân bị rối loạn TCSS, cần được can thiệp điều trị.
Nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ?
TCSS là một rối loạn phức tạp và không chỉ có một nguyên nhân riêng rẽ để giải thích việc phát sinh bệnh, mà nó là sự tương tác của nhiều yếu tố sinh học, tâm lý - xã hội và những biến cố trong quá trình sinh nở. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn tới TCSS:
Thay đổi về nội tiết: ngay sau sinh nội tiết tố của người mẹ bị rối loạn: việc giảm đột ngột hormon estrogen và progestrogen góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra những thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
Thiếu ngủ, thiếu chất dinh dưỡng, lo lắng quá nhiều: ở giai đoạn sau sinh người mẹ phải làm quen với những trách nhiệm mới và nghĩa vụ mới với đứa con của mình, không có thời gian cho bản thân, ngủ không đủ giấc, ăn uống kiêng khem không đủ chất dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ… Vì vậy đây cũng là một nguyên nhân làm cho người phụ nữ dễ nảy sinh bực bội, căng thẳng.
Khó khăn trong chăm sóc trẻ: vấn đề sức khỏe, ăn uống của em bé sau sinh là một trong những mối quan tâm rất lớn của các bà mẹ, vì vậy những vấn đề xảy ra với em bé có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần bà mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bà mẹ có con không được khỏe, con hay quấy khóc, hoặc con không bú mẹ có nguy cơ bị TCSS cao những bà mẹ khác.
Mâu thuẫn hôn nhân, gia đình: Gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết triệt để trước và sau khi sinh cũng có thể gây trầm cảm cho bà mẹ. Áp lực chăm sóc con cái, do thiếu sự giúp đỡ của người thân, hoặc do áp lực về giới tính đứa trẻ cũng làm nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.
Yếu tố sản khoa bao gồm phương pháp sinh, những vấn đề khi sinh như sinh sớm, sinh khó, cũng như các tai biến sản khoa như sản giật, tiền sản giật, chảy máu nhiều khi sinh.... Những bà mẹ trải qua quá trình sinh khó, có biến cố sản khoa có nguy cơ TCSS cao hơn những bà mẹ khác.
Có tiền sử bị trầm cảm: Những phụ nữ mắc chứng trầm cảm trước, trong hoặc sau khi mang thai, hay những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.
Hậu quả nghiêm trọng của Trầm cảm sau sinh
Giống như trầm cảm xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào, TCSS gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe người mẹ. Ở dạng trầm cảm nhẹ người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân,... Nếu bị trầm cảm nặng, người mẹ trở nên buồn rầu, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác. Người mẹ có thể rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tự hủy hoại. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trầm cảm khởi phát trong giai đoạn sau sinh có nguy cơ tái phát cao, hoặc trở thành mãn tính trong tương lai.
Bên cạnh những ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, TCSS còn ảnh hưởng rất nhiều đến em bé của những bà mẹ này. TCSS đầu tiên ảnh hưởng đến sự tương tác giữa mẹ và con. Các giác quan của trẻ ngay từ 3 tháng tuổi, thậm chí sớm hơn đã bắt đầu được hoàn thiện, đây là giai đoạn khởi đầu sự phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ bị TCSS thường biểu hiện thái độ lãnh cảm, đôi khi là khó chịu, thù địch với đứa con của mình. Họ ít tham gia vào chăm sóc trẻ, ít biểu lộ cảm xúc và chơi đùa với trẻ. Thiếu sự tương tác của người mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về nhận thức và kỹ năng giao tiếp của trẻ. Một số nghiên cứu đã cho thấy trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị trầm cảm ít biểu cảm ngôn ngữ hơn và chức năng nhận thức ngôn ngữ cũng kém hơn, trẻ cũng kém linh hoạt hơn so với những trẻ khác. Những hậu quả này có thể tiếp tục gây những ảnh hưởng lâu dài lên sự phát triển về tâm lý, nhân cách và trí tuệ ở trẻ sau này.
Hoạt động chăm sóc cho trẻ đặc biệt là cho trẻ bú sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng bởi TCSS. Các bà mẹ bị TCSS thường ngừng cho con bú vào tuần thứ 4 đến 16 sau sinh. Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của trầm cảm ở mẹ lên sự phát triển của con ở các nước đang phát triển cũng cho thấy, trẻ của các bà mẹ bị trầm cảm có nguy cơ bị thiếu cân và còi cọc cao gấp 1,5 lần trẻ khác. Nguy hiểm hơn, một số bà mẹ bị TCSS thường cảm thấy sợ khi ở với con một mình, cảm thấy không có khả năng chăm sóc cho con, lo sợ cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo,... và từ đó có thể xuất hiện ý nghĩ hủy hoại con mình.
Chính vì những hậu quả nghiêm trọng này, trầm cảm ở phụ nữ sau sinh cần được sự quan tâm của gia đình và xã hội. Tăng cường giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trước và sau khi sinh, quan tâm, hỗ trợ bà mẹ sau sinh trong việc chăm sóc con cái, tầm soát các trường hợp trầm cảm trong thời kỳ mang thai và các trường hợp có tiền sử liên quan đến trầm cảm trước đó là những việc làm hiệu quả giúp bà mẹ sau sinh cải thiện sức khỏe tinh thần, phòng tránh, phát hiện sớm và vượt qua TCSS.
Bích Thủy
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc