TIN TỨC - SỰ KIỆN
Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã tích cực triển khai các phầm mềm trong quản lý khám chữa bệnh cũng như kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, tiêm chủng... hòa chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế Hà Nội.
Khám và tư vấn sức khỏe cho người dân.
Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đang quản lý 26 trạm y tế, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Mỗi ngày các trạm y tế tại huyện Sóc Sơn khám từ 40 đến 60 bệnh nhân, có trạm khám tới 80 bệnh nhân và được nhân dân thực sự tin tưởng và tỷ lệ chuyển tuyến ngày càng giảm.
Hòa chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã tích cực triển khai các phầm mềm quản lý khám chữa bệnh cũng như kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh và tiêm chủng, nhằm tối ưu hóa hoạt động của tuyến y tế cơ sở.
Bác sĩ Hoàng Lưu Sa – Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho biết, ngoài việc sử dụng phần mềm HIS – phần mềm quản lý khám chữa bệnh chuyên dụng cho y tế cơ sở, thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Trung tâm đang triển khai quản lý sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, các phòng khám thuộc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đang thực hiện thu viện phí không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc các ứng dụng VNeID, VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy, kê đơn thuốc điện tử, chữ ký điện tử… trong quá trình đón tiếp, khám và điều trị cho người bệnh.
“Phần mềm HIS giúp chúng tôi có thể quản lý bệnh nhân một cách rất sát sao, các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã được bác sĩ chỉ định, kê đơn, tình hình bệnh nhân của các phòng khám, số lượng bệnh nhân chuyển tuyến…Với hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện chúng tôi đã tạo lập được 99% hồ sơ cho người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, bây giờ chúng tôi chỉ việc “làm đầy” hồ sơ đó bằng cách nhập các dữ liệu, thông tin của người dân qua mỗi lần khám chữa bệnh" - BS Hoàng Lưu Sa đánh giá.
Từ hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân sinh sống trên địa bàn có thể quản lý sức khỏe của bản thân và gia đình trên Sổ sức khỏe điện tử, được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi. Đặc biệt, phần mềm quản lý khám chữa bệnh còn giúp tránh tình trạng lạm dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Vừa thao tác những bước đơn giản trên máy tính vừa lý giải những tiện ích mà phần mềm khám chữa bệnh mang lại cho y tế tuyến cơ sở, Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm Trưởng Phòng khám đa khoa - Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết, mỗi ngày Phòng khám đa khoa trung tâm y tế Sóc Sơn tiếp đón từ 200 đến gần 300 bệnh nhân trong đó có khoảng 30-50 bệnh nhân mạn tính mới phát hiện. Với các bệnh nhân mạn tính, các bác sỹ cần phải tiến hành theo dõi rất sát sao tiền sử bệnh nhân và những phác độ điều trị đang áp dụng. Phầm mềm quản lý khám chữa bệnh đã giúp các y bác sĩ tra soát được lịch sử khám bệnh của người bệnh, những xét nghiệm đã được thực hiện, chỉ số đường máu, huyết áp, mỡ máu, các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Từ đó, bác sĩ đánh giá, kiểm soát được diễn biến bệnh lý của người bệnh, kê đơn, điều chỉnh thuốc và hướng dẫn bệnh nhân điều trị chính xác hơn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy công tác điều trị đạt hiệu quả nhanh chóng mà cũng giảm thiểu tối đa thời gian xử lý giấy tờ. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà - phòng khám đa khoa Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết, trước đây mỗi ngày chị phải xử lý hàng chồng hồ sơ dày của bệnh nhân nhưng đến bây giờ, thời gian nhập dữ liệu rút ngắn lại còn một nửa, chị có thời gian nhiều hơn dành cho công tác chuyên môn, bệnh nhân cũng không phải chờ đợi lâu.
Tại các trạm y tế - nơi quản lý hàng chục chương trình mục tiêu y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, chương trình dinh dưỡng… các phần mềm y tế đã giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thuận tiện trong quản lý hồ sơ, dữ liệu, rút ngắn các thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công việc.
Chị Phạm Hoài Anh – Trạm trưởng Trạm y tế xã Hồng Kỳ - chia sẻ: tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em trên địa bàn rất cao, gần như tuyệt đối. Điều này có được là nhờ sự giám sát bằng phần mềm quản lý tiêm chủng. “Khi trẻ sinh ra thì các thông tin của trẻ như tên tuổi bố mẹ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại…đã được nhập vào hệ thống phần mềm. Đến lịch tiêm phòng thì bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ sẽ được nhân viên y tế nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp để đưa trẻ đi tiêm đúng lịch. Trong trường hợp trẻ bị ốm hoặc vì lý do nào đó không đến tiêm được chúng tôi cũng nhập thông tin vào hệ thống để biết trẻ bỏ lỡ lịch mũi tiêm nào để tiêm bù. Phần mềm quản lý tiêm chủng cũng giúp y tế cơ sở đề xuất, xây dựng kế hoạch về số lượng vaccine dựa trên số lượng trẻ và độ tuổi. Điều này vừa tăng tính chủ động vừa đảm bảo số lượng vaccine luôn đủ để đáp ứng nhu cầu người dân” – Chị Phạm Hoài Anh nói.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực cũng như bồi đắp niềm tin tưởng của người dân đối với cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đặc biệt, với huyện Sóc Sơn – một huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội có địa bàn rộng thì hệ thống các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực…đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, là nơi người dân thường tìm đến đầu tiên khi gặp các vấn đề về sức khỏe.
Thường xuyên đến khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Trung tâm y tế Sóc Sơn, anh Lê Văn Phượng ở xã Yên Ninh cảm nhận rất rõ những đổi thay trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại đây. Anh nhận xét, phòng khám có đầy đủ trang thiết bị y tế, thái độ phục vụ của cán bộ nhân viên y tế tận tình niềm nở, chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị hiệu quả. Đặc biệt gần đây, phòng khám triển khai việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc ứng dụng VNeID, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy nên rất thuận tiện cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh.
Chị Phùng Thị Bích Thủy ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cũng nhận xét, hiện nay, khi đến khám bệnh, chị không phải mất nhiều thời gian khai báo tên tuổi, địa chỉ và trình chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế như trước kia nữa mà chỉ việc quẹt thẻ căn cước công dân là mọi thông tin đã có trên hệ thống và nhanh chóng được chỉ dẫn vào phòng khám.
Ông Chu Văn Nhu – một bệnh nhân đang được quản lý tăng huyết áp tại trạm y tế xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn cũng bày tỏ sự hài lòng khi gần đây thủ tục khám chữa bệnh được cải thiện, nhanh chóng, thuận tiện hơn, không cần nhiều giấy tờ, thủ tục như trước.
Có thể thấy ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các cơ sở y tế tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh với mục tiêu nhanh, chính xác và người dân được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, có hệ thống. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được thì việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến y tế cơ sở cũng gặp những khó khăn riêng như hệ thống máy tính đã cũ, cấu hình thấp, mỗi chương trình hoạt động lại có một phần mềm riêng lẻ, chưa có sự đồng bộ thống nhất. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, đẩy mạnh công nghệ thông tin tại các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế là những vấn đề mà các nhân viên y tế rất mong muốn được cải thiện để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.
Trần Đắc Thành - TTYT Sóc Sơn
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc