TƯ VẤN TIÊM CHỦNG
Nhiều người đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 và chuẩn bị tiêm mũi 2 nhưng lại e ngại về phản ứng sau tiêm. Vậy tiêm vaccine mũi 2 sẽ có phản ứng thế nào và cần phải chuẩn bị những gì? Xử trí ra sao?
1. Vì sao cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 2?
Có nhiều loại vaccine, trong đó có vaccine phòng COVID-19 yêu cầu phải tiêm ít nhất 2 mũi. Nếu không được tiêm vaccine COVID-19 mũi hai, cơ thể sẽ không được kích hoạt đủ chức năng miễn dịch để bảo vệ khỏi tình trạng nhiễm trùng.
Thông thường khoảng cách giữa hai mũi vaccine là 4 tuần (có một số ít vaccine được đề xuất 2-3 tuần).
Hiện nay vaccine phòng COVID-19 của Moderna có khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm được khuyến nghị là 4 tuần; vaccine của Pfizer-BioNTech, vaccine Vero cell, vaccine Sputnik yêu cầu tiêm hai liều cách nhau 21- 28 ngày; trong khi vaccine của AstraZeneca đề nghị khoảng cách giữa 2 liều từ trên 4 - 12 tuần… Đây là khoảng thời gian được cho là thích hợp nhất kích hoạt đáp ứng miễn dịch thứ phát.
Kết quả sau đáp ứng miễn dịch thứ phát là nồng độ kháng thể được sinh ra đạt mức cao gấp nhiều lần so với kháng thể sinh ra sau khi tiêm mũi đầu tiên (đáp ứng miễn dịch tiên phát).
Vaccine cho mũi thứ hai tốt nhất là cùng loại với vaccine tiêm mũi thứ nhất và các lịch trình được khuyến nghị sau đó (nếu có). Cùng với việc kích thích cơ thể sinh ra một lượng kháng thể lớn, mũi tiêm thứ hai còn phát động một quá trình đáp ứng miễn dịch phức tạp, có sự tham gia của nhiều hệ tế bào miễn dịch, giúp cho cơ thể có "trí nhớ miễn dịch", nhờ đó phát động được hệ thống phòng vệ đặc hiệu, bảo vệ cơ thể nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh lần sau. Đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai sẽ nhanh hơn, mạnh hơn so với sau khi tiêm mũi vaccine thứ nhất.
Thông thường khoảng cách giữa hai mũi vaccine là 4 tuần (có một số ít vaccine được đề xuất 2-3 tuần).
2. Phản ứng sau tiêm là gì?
Cùng với quá trình kích hoạt hệ thống miễn dịch, một số phản ứng không mong muốn thường xảy ra sau khi tiêm vaccine, đặc biệt là mũi vaccine thứ hai. Đây là các phản ứng thông thường và thường cũng được dự báo trước.
Các vaccine phòng COVID-19 thường có phản ứng sau tiêm khá giống nhau và cũng thường không kéo dài – chỉ khoảng 3 ngày. Các phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine COVID-19 thường là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức toàn thân và sốt.
Cũng bởi quá trình đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ khi có tiếp xúc kháng nguyên lần sau (thứ phát) mà các phản ứng không mong muốn sau tiêm mũi vaccine thứ hai thường mạnh hơn sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Thêm vào đó, phản ứng sau tiêm là một những "kết quả" của sự tương tác giữa vaccine và hệ thống miễn dịch, vì vậy phản ứng sau tiêm cũng khác nhau ở từng người.
3. Tại sao phản ứng sau tiêm mũi vaccine thứ hai thường mạnh hơn sau mũi đầu tiên?
Nếu có phản ứng sau tiêm, thông thường đó là dấu hiệu chỉ ra rằng vaccine đang hoạt động bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch.
- Khi tiêm mũi vaccine đầu tiên, hệ thống miễn dịch của chúng ta nhận ra thứ gì đó lạ. Hệ thống miễn dịch tự động phát động một cuộc tấn công quy mô nhỏ chống lại nó. Quá trình này dạy các tế bào miễn dịch của chúng ta nhận ra và phản ứng với "kẻ xâm lược". Đó là lý do tại sao chúng ta có thể gặp một số phản ứng hay còn gọi là tác dụng phụ.
- Khi chúng ta nhận được mũi tiêm vaccine thứ hai, hệ thống miễn dịch sẽ khởi động lại cuộc tấn công đó. Nhưng lần này, có nhiều tế bào miễn dịch hơn đã sẵn sàng và chờ đợi để phát động một cuộc tấn công với quy mô lớn hơn nhiều. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể cảm thấy nhiều tác dụng phụ hơn sau liều thứ hai. Nhưng chúng sẽ biến mất sau một vài ngày.
Có thể ví phản ứng của cơ thể đối với vaccine giống như một nhiệm vụ huấn luyện cho cuộc chiến thực sự. Khi đã được tiêm vaccine đầy đủ, nếu có bị nhiễm virus gây ra COVID-19, hệ thống miễn dịch sẽ sẵn sàng khởi động một cuộc tấn công thậm chí còn lớn và mạnh để bảo vệ chúng ta.
Tuy nhiên, nếu không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào - từ liều đầu tiên hoặc liều thứ hai - điều đó không có nghĩa là vaccine không hoạt động. Trong các thử nghiệm lâm sàng vaccine, hơn một nửa số người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào nhưng kết quả thử nghiệm vẫn cho biết rằng vaccine có hiệu quả ở những người đó.
4. Xử trí các phản ứng sau tiêm như thế nào? Có thể dùng một số thuốc dự phòng phản ứng sau tiêm không?
Trong thời gian theo dõi sau tiêm (thường từ 1- 3 ngày), các phản ứng thông thường sau tiêm nếu có là "chuyện" bình thường.
-
Các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường (như paracetamol) có thể giúp giải quyết các phản ứng sau tiêm.
-
Người có phản ứng sau tiêm có thể nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nếu có sốt lưu ý bổ sung các dung dịch bồi phụ nước và điện giải. Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng sau tiêm sẽ hết trong vòng 2-3 ngày.
-
Trong trường hợp dấu hiệu đỏ, sưng nơi tiêm tăng lên sau 24 giờ hay tình trạng chung xấu hơn sau 2-3 ngày cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xử trí hoặc để đánh giá các biến chứng nguy hiểm hơn nếu có.
Không nên dùng các thuốc để chủ động giảm đau, giảm sốt hoặc dự phòng dị ứng trước khi tiêm vaccine. Các thuốc này có thể tác động đến quá trình tương tác giữa vaccine với hệ thống miễn dịch của cơ thể để tạo miễn dịch. Thêm vào đó các thuốc này có thể làm lu mờ các phản ứng sau tiêm, làm cho khó đánh giá tình trạng phản ứng nặng (nếu có).
Đỗ Hương (Nguồn suckhoedoisong.vn)
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc