TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Hà Nội triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Ngày đăng 12/04/2024 | 22:09  | Lượt xem: 237

Ngày 12/4/2024, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị.

Công tác bảo đảm ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Theo kết quả triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2023, các tuyến đã triển khai đầy đủ nội dung hoạt động đúng với chủ đề của Tháng hành động vì ATTP. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP tới từng người dân thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu… Có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP và công tác thanh kiểm tra. Trong Tháng hành động vì ATTP không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra.        

Toàn thành phố thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra ATTP. Số cơ sở được kiểm tra là 18.822 cơ sở. Trong đó, 16.106 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 85,3%), 2.776 cơ sở vi phạm. Xét nghiệm tại Labo lấy 131 mẫu, trong đó đạt 121/131 mẫu (chiếm 92,4%) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích; xét nghiệm nhanh đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với tổng số 13.836 /14.511 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 95,3%)...

Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh ATTP, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, chủ đề của Tháng hành động ATTP năm 2024 là:“Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” được triển khai cao điểm từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024, hướng tới mục tiêu chung nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP từ thành phố tới các xã/phường/thị trấn. Thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.

Cụ thể, nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP; nâng cao kiến thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về ATTP. Kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng ATTP các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường thành phố; xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về ATTP; khống chế ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận/huyện/thị xã; xã/phường/thị trấn và sở, ngành; kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được phân công.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Đồng thời, tăng cường gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2024, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, Sở Y tế Hà Nội là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP thành phố tiếp tục tham mưu UBND thành phố và chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND quận/huyện/thị xã triển khai quyết liệt các nội dung đẩy mạnh đảm bảo ATTP. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tập huấn kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tập huấn, truyền thông về ATTP bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp và chế xuất; truyền thông đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trường học; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp chính quyền và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP.

Từ đầu năm 2024 tới nay, ngành y tế đã tổ chức nói chuyện về chuyên đề ATTP với tổng số 35 buổi; 84 lớp tập huấn với 6.738 người tham dự, 28 buổi hội thảo, hội nghị với 2.150 người tham dự; phát thanh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của quận/huyện/thị xã 2.017 lượt;...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2024.

Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, Sở Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của y tế trong công tác ATTP, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP. Trong Tháng hành động ATTP sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… theo phân cấp.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tăng cường lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tuyến thành phố kiện toàn 5 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm với đầy đủ 5 xe kiểm nghiệm lưu động, hóa chất, vật tư xét nghiệm. Chủ động lấy mẫu thị trường, giám sát mối nguy về ATTP gửi Labo xét nghiệm. Kịp thời cảnh báo cho cộng đồng (nếu phát hiện nguy cơ). Tuyến quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn chủ động làm các xét nghiệm nhanh ATTP trong quá trình kiểm tra, giám sát. Thành lập 30 đội phòng chống ngộ độc thực phẩm chủ động tại các quận/huyện/thị xã.

Đặc biệt, Sở Y tế đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình điểm ATTP như mô hình Tuyến phố văn minh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; mô hình 20 tuyến phố ATTP có kiểm soát; mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 440 xã; mô hình nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học (20 trường học); mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp; mô hình kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học tại Hoàn Kiếm...

Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đề nghị Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024 đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Đồng thời, UBND các quận/huyện/thị xã cần vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, thành phố tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng đề nghị các đơn vị cần đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP trên địa bàn thành phố và kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP tới các đối tượng đích là người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân, đặc biệt tăng cường tuyên truyền trong các dịp cao điểm về ATTP như Tháng hành động vì ATTP, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu...; tuyên truyền tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác đảm bảo ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn đồng thời có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giảm sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kịp thời xử lý các thông tin phản ánh mất ATTP; chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP đã được phê duyệt, đề xuất nhân rộng các hoạt động đã triển khai và được đánh giá có hiệu quả, chủ động nghiên cứu xây dựng các hoạt động mới về ATTP đảm bảo thiết thực và phù hợp với thực trạng công tác ATTP trên địa bàn thành phố...

Đức Vân

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 124
Lượt truy cập trong tuần: 16174
Lượt truy cập trong tháng: 37598
Lượt truy cập trong năm: 849081
Tổng số lượt truy cập: 44916469
Về đầu trang