TIN TỨC - SỰ KIỆN

Điểm tin y tế trên các báo ngày 16/4/2024
Ngày đăng 16/04/2024 | 16:11  | Lượt xem: 74

*Hà Nội: Kiểm soát tốt dịch bệnh ngay từ bây giờ

Chiều 15-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội, chủ trì giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố và công tác chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cảnh giác sốt xuất huyết, tay chân miệng

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 12-4, toàn thành phố ghi nhận 570 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca).

Cùng với sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 585 ca mắc tay chân miệng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023) và 9 ổ dịch. Bệnh nhân phân bố rải rác ở 28 quận, huyện. Một số quận, huyện có nhiều ca mắc, gồm: Ba Vì (23 ca), Hà Đông (14 ca), Thanh Trì (12 ca), Ba Đình và Hoàng Mai - mỗi nơi có 10 ca.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc. Phần lớn ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%). Trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm tỷ lệ cao (72%).

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết hằng năm sẽ gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè.

Trước thực tế đó, ông Vũ Cao Cương đề nghị, các đơn vị bảo đảm sẵn sàng thiết bị, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các địa phương và cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng theo đúng quy định, giảm thiểu ổ dịch lan rộng, kéo dài.

Tăng cường kiểm tra các địa bàn và trường học

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.

Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, mỗi năm, dịch bệnh tay chân miệng có 2 chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Hiện, thành phố bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1.

“Chúng ta cần tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại khối các trường mầm non, tiểu học. Việc vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở các trường cần chú trọng dụng cụ cá nhân của trẻ như: Cốc, khăn mặt, đồ chơi… Ngoài ra, mỗi tuần, các trường cần tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp, dụng cụ…”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, phải xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của quý II và quý III-2024.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị triển khai các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: Tăng cường công tác truyền thông theo hướng đổi mới, hiệu quả như sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội… nhằm tác động mạnh vào từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, tập trung cao điểm truyền thông về sốt xuất huyết; tuyên truyền về việc xử phạt khi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết hay một số bệnh truyền nhiễm khác, công tác vệ sinh môi trường luôn là số 1. “Trong tháng 4 này, mỗi địa phương đều phải triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.

Riêng đối với dịch bệnh tay chân miệng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị, Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát kế hoạch chi tiết về công tác truyền thông, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát việc thực hành vệ sinh môi trường phòng bệnh ở các cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục triển khai không nghiêm túc, sẽ xem xét xử lý kỷ luật.

“Kết thúc tháng 4 này, chúng tôi sẽ đi kiểm tra công tác tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng ở các địa bàn và cơ sở giáo dục. Các địa phương không được chủ quan. Nếu làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ bây giờ thì khi vào thời kỳ cao điểm sẽ kiểm soát tốt hơn, giảm thiểu số ca mắc”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

(Báo Hà Nội mới - https://hanoimoi.vn/ha-noi-kiem-soat-tot-dich-benh-ngay-tu-bay-gio-663729.html)

*Hà Nội: Duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông

UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 1082/UBND-KTN về công tác phòng, chống bệnh dại.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại động vật tại các quận, huyện, thị xã.

Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y tiếp tục hướng dẫn các quận xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh dại; điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật, đồng thời báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các quận, phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, mèo nuôi và giám sát bệnh dại động vật; phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội kịp thời chia sẻ thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người bị động vật cắn, bảo đảm đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.

Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức xây dựng, thực hiện ngay kế hoạch truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại trong hệ thống trường phổ thông theo chỉ đạo của UBND thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố giao.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống phát thanh của địa phương về dấu hiệu nhận biết, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc quản lý đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo quy định; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng hoặc đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.

Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin dại; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi.

Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn, như thú y, y tế để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại các địa phương, nhất là các khu vực có nguy cơ cao.

(Báo Hà Nội mới - https://hanoimoi.vn/ha-noi-duy-tri-tang-cuong-hoat-dong-co-hieu-qua-cac-doi-bat-cho-tha-rong-663771.html)

*Quận Ba Đình: kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% cơ sở giáo dục

Ngày 16/4, UBND quận Ba Đình triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”; triển khai mô hình “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục” trên địa bàn quận.

Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” từ 15/4 đến 15/5/2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, quận Ba Đình đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm. Từ đó, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận, góp phần giữ vững an ninh chính trị, ổn định an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Dịp này, UBND quận cũng triển khai mô hình “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ba Đình” năm 2024, với mục tiêu tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin ăn uống tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung tăng cường công tác tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh học sinh công tác an toàn thực phẩm. UBND các phường chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu vực xung quanh trường học… Đồng thời chú trọng phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trên địa bàn.

Đối với triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị 4 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, nông sản. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, các đoàn xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND quận cũng đề nghị tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm tới các hộ kinh doanh, phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận.

Hiện trên địa bàn quận Ba Đình có 3.431 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; có 7 chợ, 116 bếp ăn tập thể, 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị lớn tập trung đông người; có gần 50.000 học sinh, sinh viên đang học tập, sinh sống trên địa bàn quận. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong nhiều năm trở lại đây quận Ba Đình không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm.

(Báo Kinh tế đô thị - https://kinhtedothi.vn/quan-ba-dinh-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-100-co-so-giao-duc.html)

Cùng nội dung thông tin:

Báo Hà Nội mới: https://hanoimoi.vn/ba-dinh-trien-khai-mo-hinh-an-toan-thuc-pham-tai-100-co-so-giao-duc-663785.html

*Tiếp đón người bệnh bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, căn cước công dân gắn chip hoặc VneID

Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc VneID.

Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1843/BYT-BH về việc tiếp đón người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID và triển khai ký số file XML.

Công văn nêu rõ, Bộ Y tế nhận được Công văn số 991/BHXH-GĐBHYT1 ngày 7/3/2024 của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Nội phản ánh người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện, có xuất trình CCCD gắn chip hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, ứng dụng VNelD của Bộ Công an nhưng bệnh viện không giải quyết hưởng chế độ BHYT, yêu cầu người bệnh phải về mang thẻ BHYT giấy để làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và thuận tiện cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06/CP. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; cơ sở khám chữa bệnh thuộc bộ, ngành; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chấn chỉnh các khoa, phòng liên quan, nhân viên y tế để xảy ra tình trạng nêu trên.

Đồng thời, đơn vị thực hiện giải quyết hưởng chế độ BHYT trong người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT xuất trình CCCD gắn chip hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam, ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mặt khác, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh kịp thời cơ sở khám chữa bệnh, cá nhân thuộc quyền quản lý để xảy ra tình trạng chậm gửi dữ liệu, hạn chế thấp nhất việc phải gửi đề nghị thay thế, làm ảnh hưởng đến công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó, các đơn vị tuân thủ việc gửi dữ liệu điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực để thực hiện triển khai ký số file XML xác thực dữ liệu điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 48/2017/TT-BYT trước khi gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Cơ sở khám chữa bệnh sử dụng chứng thư số đã được cấp của cơ quan, đơn vị để ký số, xác thực dữ liệu XML theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

(Báo Lao động thủ đô - https://laodongthudo.vn/tiep-don-nguoi-benh-bang-the-bhyt-tren-ung-dung-vssid-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-hoac-vneid-169131.html)

Cùng nội dung thông tin:

Báo Đại đoàn kết: https://daidoanket.vn/bao-dam-quyen-loi-khi-kham-dieu-tri-cua-nguoi-benh-10277559.html

*Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Tại các thành phố lớn, phụ huynh không phải là những người đầu tiên xuất hiện tại các cổng trường để chờ học sinh tan học. Những vị trí “đắc địa” nhất tại khu vực này thường đã được chiếm trước bởi những người bán hàng với đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy…

Nhiều người chủ quan với thực phẩm vỉa hè

Đang đứng chờ thanh toán để mua cho cháu nhỏ chiếc bánh nướng trước cổng trường tiểu học, bà Vũ Thị Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Tôi cũng biết đồ ăn ở đây không đảm bảo, thế nhưng cháu tôi ngày nào cũng đòi mua, thôi thì lâu lâu ăn một lần chắc cũng không sao.

Không chỉ hấp dẫn trẻ nhỏ, đối với nhiều người, những hàng ăn vặt, những quán vỉa hè gần như đã là một điều gì đó rất gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống, từ ăn sáng đến ăn trưa. Thế nhưng, đối với các chuyên gia y tế, đây là nguy cơ rất lớn có khả năng dẫn tới những vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt khi thời tiết ngày càng nóng dần.

Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm mỗi khi hè tới, BS Huỳnh Hoài Phương - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho hay, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

“Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… Ở khoảng 32-43 độ C – nhiệt độ thường thấy trong mùa hè, những vi khuẩn này phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút. Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ngoài ra, khi hè tới, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rẻ, nhưng quy trình chế biến có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người mua ít quan tâm” – BS Phương cho hay.

Số ca ngộ độc tăng gấp 3 lần

Số liệu thống kê từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc - tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong.

Gần đây nhất, đầu tháng 4/2024, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã ghi nhận 10 ca bệnh là học sinh đang nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói sau khi ăn cơm gà bán xung quanh trường, mỗi phần có giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng.

Trước đó, giữa tháng 3/2024, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 369 trường hợp phải đến các bệnh viện để khám, điều trị sau khi ăn cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang). Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang nhận định, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè là do hiện điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.

Cùng với đó, do quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm. Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, nơi du lịch…

Quyết liệt xử lý vi phạm

Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 từ 15/4 đến 15/5 trên phạm vi cả nước.

Cùng đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1915 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Tháng hành động, với mục tiêu tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…

Theo bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý. Trong tháng hành động phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Quá trình kiểm tra phải bảo đảm “triệt để”, qua đó có biện pháp xử lý.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, BS Nguyên lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum). Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn. Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.

Theo bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm: Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm. Thực trạng trên đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

(Báo Đại đoàn kết - https://daidoanket.vn/canh-bao-ngo-doc-thuc-pham-mua-he-10277639.html)

*Nắng nóng bủa vây nhiều nơi, Bộ Y tế khuyến cáo điều gì?

Người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời từ 10 - 16h, uống tối thiểu 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày… tránh say nắng, say nóng và nguy cơ đột quỵ trong những ngày nhiệt độ tăng cao.

Nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng

Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt xuất hiện tại nhiều địa phương cả nước, với nền nhiệt độ từ 35-40 độ C, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, những vấn đề sức khỏe thường gặp ở mùa này là say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng, theo Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu là phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Bộ Y tế lưu ý nhóm có nguy cơ cao gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như nông dân, công nhân lò gạch, lò luyện gang thép. Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường... cũng dễ bệnh nặng.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút. Mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt...) và có thể tử vong.

Hạn chế ra đường khi "đỉnh" nắng 10-16h

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới với nhiệt độ có nơi lên đến 40 độ C.

Trước nguy cơ nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột; cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Uống tối thiểu 1,5-2 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, mọi người cần tránh các hoạt động thể lực quá sức, định kỳ sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát 15-20 phút. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính...

Cần lưu ý, mọi người không sử dụng các loại đồ uống có cồn, cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như oresol (pha theo đúng hướng dẫn).

(Báo Giao thông - https://www.baogiaothong.vn/nang-nong-bua-vay-nhieu-noi-bo-y-te-khuyen-cao-dieu-gi-192240416104129769.htm)

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 130
Lượt truy cập trong tuần: 1556
Lượt truy cập trong tháng: 69389
Lượt truy cập trong năm: 880872
Tổng số lượt truy cập: 44948260
Về đầu trang