TIN TỨC - SỰ KIỆN

Thông tin y tế trên báo chí ngày 10/5/2024
Ngày đăng 10/05/2024 | 16:42  | Lượt xem: 86

 

Huyện Sóc Sơn: xử lý nghiêm cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

100% số cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm đã bị cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn xử lý nghiêm. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

100% cơ sở vi phạm bị xử lý

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, huyện Sóc Sơn đã thành lập 3 đoàn liên ngành cấp huyện và 26 đoàn của các xã, thị trấn. Từ ngày 15/4 đến nay, các đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Thống kê từ ngày 15/4 đến nay, 29 đoàn đã thanh tra, kiểm tra 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, số cơ sở đạt/số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 318/351 (đạt tỷ lệ 90,5%); số cơ sở được xác định có vi phạm là 33 cơ sở (chiếm 9,5%).

Đáng chú ý, 33/33 cơ sở được xác định có vi phạm đều bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức là phạt tiền. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách là 78,1 triệu đồng. Huyện cũng tiến hành tịch thu, tiêu hủy 80 lít rượu, 105 gói bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các vi phạm chủ yếu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 cho thấy sự quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Dù vậy, công tác này hiện nay vẫn đối diện nhiều thách thức.

Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen cho biết, số lượng cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thực tế triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đến nay cho thấy, tỷ lệ xử lý các vi phạm tại tuyến xã, thị trấn vẫn còn thấp.

Bên cạnh đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm dù đã có chuyển biến nhưng còn hạn chế. Ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng cũng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, không chỉ trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, địa phương luôn xác định an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả năm. Một trong những giải pháp được huyện chú trọng là triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện những điều kiện sản xuất - kinh doanh bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cùng với kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, huyện cũng sẽ tang cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm để kịp thời phát hiện các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm, và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn huyện.

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn đã tiến hành lấy 348 mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Theo đó, xác định có 15/348 mẫu không đạt chỉ tiêu (chiếm 4,4% tổng số mẫu giám sát). 100% mẫu vi phạm là từ xét nghiệm nhanh, trong đó có 9/15 mẫu là tinh bột.

Báo Kinh tế và đô thị

Bộ Y tế: Đã tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca không cần xét nghiệm D-dimer và đông máu

Bộ Y tế, sáng 10/5 nhấn mạnh những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu...

Tác dụng phụ hiếm gặp huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu thường xảy ra trong khoảng 3-21 ngày sau tiêm vaccine AstraZeneca

Liên quan đến thông tin về vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca có thể dẫn đến nguy cơ đông máu, trong thông tin đến báo chí sáng nay, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ: Vaccine AstraZeneca là 1 trong 14 loại vaccine COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp (WHO vào ngày 15/2/2021, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu - EMA cấp phép sử dụng có điều kiện trên toàn châu Âu từ ngày 29/01/2021).

Vaccine này hiện là một trong những vaccine được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp và hơn 2 tỷ liều đã được tiêm chủng toàn cầu.

Vaccine AstraZeneca đã được chứng minh qua thực tiễn sử dụng rộng rãi là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tử vong do COVID-19. Phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu và theo dõi sau tiêm chủng chỉ ra rằng vaccine này an toàn và hiệu quả cho mọi nhóm tuổi.

Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine là thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc phải hội chứng này sau khi nhiễm COVID-19.

Các thử nghiệm toàn cầu đã ghi nhận hiệu quả của vaccine chống lại SARS-CoV-2 có triệu chứng là 74%, và không có trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch nào được báo cáo trong số những người đã tiêm chủng.

WHO khuyến cáo rằng sử dụng vaccine AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên.

Tác dụng phụ hiếm gặp như huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) số liệu từ Anh và Châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện TTS ước tính là 1 trên 100,000 người lớn được tiêm và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày.

Một thống kê khác của GAVI cho thấy, tỷ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0.4/100.000 người).

Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine là thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc phải hội chứng này sau khi nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, cục máu đông có thể xuất phát từ việc mắc COVID-19, thậm chí xảy ra đến tận 6 tháng sau khi mắc COVID-19.

Với tỷ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO và EMA đều khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 vượt xa so với rủi ro.

Không còn rủi ro liên quan đến huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca tại Việt Nam

Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng có điều kiện từ ngày 01/2/2021 để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được Việt Nam nhập khẩu và triển khai tiêm chủng.

Quá trình tiêm chủng diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt do Bộ Y tế xây dựng và liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn, hiệu quả, bao gồm các hướng dẫn chi tiết về khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm.

Các tiêu chuẩn chỉ định đối tượng tiêm và các mũi tiêm cũng được cập nhật liên tục theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 266 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 5 tuổi trở lên, trong đó có 70 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được sử dụng cho các mũi tiêm đầu tiên và các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Căn cứ trên các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới về khả năng có biến chứng rối loạn đông máu sau tiêm vaccine COVID-19, ngày 22/04/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 (kèm Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021).

Đến ngày 19/10/2023, theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế, COVID-19 đã được chuyển từ nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Bộ Y tế nêu rõ: Kể từ tháng 7/2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vaccine này, nên hiện tại không còn rủi ro phát triển liên quan đến huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

Sự thay đổi này phản ánh sự điều chỉnh của chính sách y tế công cộng phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện tại, và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện theo các quy định mới..

Nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và đạt tỷ lệ cao, vaccine AstraZeneca cùng các loại vaccine COVID-19 khác đã giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Vì huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) liên quan đến vaccine AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm.

Bộ Y tế nêu rõ: Kể từ tháng 7/ 2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vaccine này, nên hiện tại không còn rủi ro phát triển TTS sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

Do vậy đối với những người đã tiêm vaccine này, không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở những người đã tiêm vaccine AstraZeneca từ gần 1 năm trước.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần liên tục cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và chính thức để có cái nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch và hiểu rõ lợi ích của việc tiêm chủng.

Báo Sức khỏe và đời sống

Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tặng quà cán bộ, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn

Nhân Tháng Công nhân năm 2024, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã đi thăm hỏi, động viên và tặng quà các cán bộ, nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn tại 3 đơn vị y tế.

Theo đó, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã đến thăm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ; trao tặng mỗi đơn vị 10 suất quà hỗ trợ (mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà) cho 10 cán bộ, nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo.

Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm đề nghị lãnh đạo và Ban Chấp hành công đoàn các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung, chủ đề trong Tháng Công nhân. Trong đó, tập trung và quan tâm hơn nữa đến hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động, đảm bảo chế độ chính sách, điều kiện làm việc, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động yên tâm công tác.

Theo kế hoạch, Công đoàn ngành Y tế sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 10 đơn vị y tế tại các Công đoàn cơ sở trực thuộc nhân dịp Tháng công nhân năm 2024.

Báo An ninh thủ đô

Thu hồi lô mỹ phẩm BlackPearl không đảm bảo chất lượng

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khẩn trương thu hồi và tiêu hủy lô mỹ phẩm BlackPearl-Cleopatra Mask For All Skin Types không đảm bảo chất lượng…

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm BlackPearl-Cleopatra Mask For All Skin Types; số phiếu công bố 179273/22/CBMP-QLD; do Công ty TNHH Starshine Marketing (địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; nhà sản xuất: Sea of spa Labs Ltd –Israel.

Lý do thu hồi vì sản phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (ghi thiếu thành phần Ethylhexylglycerin, Propylene Glycol, Cyclopentasiloxane; ghi thừa thành phần Dimethicone, chlorphenesine, Glycerin, Gold).

Trước đó, sản phẩm này đã bị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm trên toàn quốc.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng; đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ các sản phẩm nêu trên.

Báo An ninh thủ đô

 

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 117
Lượt truy cập trong tuần: 8143
Lượt truy cập trong tháng: 75976
Lượt truy cập trong năm: 887459
Tổng số lượt truy cập: 44954847
Về đầu trang