TIN TỨC - SỰ KIỆN

Thông tin y tế trên báo chí ngày 9/5/2024
Ngày đăng 10/05/2024 | 16:35  | Lượt xem: 85

 

Thu hồi trên toàn quốc 1 lô thuốc điều trị ung thư nhập khẩu từ Đức

Một lô thuốc điều trị một số bệnh ung thư não, nhập khẩu tại Đức vừa bị thu hồi trên toàn quốc do vi phạm mức độ 3.

Ngày 9-5, theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đơn vị này vừa có công văn thu hồi 1 lô thuốc điều trị một số bệnh ung thư não, nhập khẩu từ Đức.

Cụ thể, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã thanh tra xác suất tại Công ty TNHH Dược phẩm và hóa chất Nam Linh (Công ty Nam Linh), có địa chỉ tại 915/27/12 đường Lê Văn Lương, ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình thanh tra, đoàn phát hiện 1 lô thuốc Temozolomid Ribosepharm 100mg (số GĐKLH VN2-626-17, số lô: 2J6001, ngày sản xuất: 17-8-2022, hạn dùng: 31-8-2025. Thuốc do Công ty Haupt Pharma Amareg GmbH (Đức) sản xuất; chủ sở hữu sản phẩm là Công ty Hikma Pharma GmbH (Đức). Công ty Nam Linh là đơn vị đăng ký và nhập khẩu thuốc.

Tuy nhiên, lô sản phẩm trên không có tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo quy định.

​Trước vi phạm trên, Cục Quản lý dược đã ra quyết định thu hồi toàn quốc thuốc Temozolomid Ribosepharm 100mg vì vi phạm mức độ 3.

Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty Nam Linh phải phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi lô thuốc trên trong thời hạn 2 ngày kể từ khi có công văn thông báo. Đồng thời, công ty phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý dược, gồm: Số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô thuốc nêu trên...

Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm kiểm tra và giám sát Công ty TNHH Dược phẩm và hóa chất Nam Linh thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Báo Hà Nội mới

Đống Đa xử phạt 44 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 9/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra tại quận Đống Đa nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5).

Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa Lê Thị Hoàng Ngân cho biết, quận có 3.877 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 2 trung tâm thương mại, 19 siêu thị, 9 chợ.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra  siêu thị Winmart Vincom Nguyễn Chí Thanh

Triển khai Tháng hành động vì ATTP từ ngày 15/4 đến nay, quận thành lập 24 đoàn kiểm tra (3 đoàn tuyến quận; 21 đoàn tuyến phường). Các đoàn đã kiểm tra 379 cơ sở, trong đó, 335 cơ sở đạt (tỷ lệ 88,4%), trong đó, xử phạt 44 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Y tế quận Đống Đa, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm manh mún, nhỏ lẻ, phân tán và thường xuyên biến động. Công tác kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm trong chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ,  không có địa điểm cố định.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý siêu thị bảo đảm nhiệt độ cho sản phẩm bánh ngọt.

Ngoài ra, do thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm. Vì vậy gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tự công bố sản phẩm, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Qua kiểm tra thực tế tại siêu thị Winmart Vincom Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ 54A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa), Đoàn ghi nhận, nhìn chung, siêu thị sắp xếp các mặt hàng thực phẩm khoa học, gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ.

Tuy nhiên, Đoàn liên ngành lưu ý cơ sở cần tách riêng biệt khu bánh ngọt, bánh mì, hoa quả. Trong khu vực sản xuất bánh mì cần sắp xếp gọn gàng, có chế độ vệ sinh sạch sẽ hơn. Tại quầy bánh ngọt, sản phẩm bánh cần được bao gói, tủ kính phải che đậy, có nhiệt độ bảo quản bánh.

Kiểm tra nhanh bên trong khu vực dành cho khách ăn, hệ thống cống không có nắp, không đảm bảo vệ sinh, mất thẩm mỹ, đoàn yêu cầu cơ sở khắc phục tồn tại trên.

Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành nhắc nhở cơ sở, khu vực thực phẩm đông lạnh cần có sổ sách theo dõi nhiệt độ bảo quản thực phẩm và hạn sử dụng, làm rõ thông tin để người tiêu dùng yên tâm hơn. Khu chế biến thực phẩm, những gia vị không cần thiết nên loại bỏ ra ngoài, đồng thời nhân viên chế biến cần vệ sinh móng tay sạch sẽ.

Đoàn liên ngành đề nghị cơ sở nghiêm túc khắc phục những tồn tại nêu trên cũng như hồ sơ pháp lý cần bổ sung thông tin tem nhãn. Đoàn cũng lưu ý cơ sở khâu xử lý thu gom rác thải; có biện pháp chống côn trùng, động vật gây hại, tránh sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng.

Qua xét nghiệm nhanh, bún tươi âm tính formol, chân gà âm tính với phẩm màu, chả quế âm tính với hàn the, bát ăn âm tính với tinh bột.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Chi Cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, quận Đống Đa cũng là một trong những địa phương tích cực, đi đầu trong việc đảm bảo ATTP. Thời gian tới, quận Đống Đa nói riêng và TP Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý ATTP đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; kiểm soát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quanh trường học.

Báo Kinh tế và đô thị

Cục Quản lý Dược đã nhận đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca

Đại diện Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, Cục đã nhận được thông báo của phía AstraZeneca về việc đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách tại Việt Nam.

Liên quan đến thông tin về vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, trao đổi với Sức khỏe & Đời sống sáng 9/5, ông Phan Công Chiến, Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, Cục đã nhận được thông báo của phía AstraZeneca về việc đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhu cầu cấp bách tại Việt Nam, do dịch bệnh không còn trong giai đoạn cấp bách.

"Quy trình cấp phép cho vaccine này như thế nào thì quy trình đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng cũng tiến hành các công đoạn như thế. Chúng tôi cũng phải trình Hội đồng xem xét, cho ý kiến, sau đó cơ quan quản lý sẽ có quyết định về việc chấm dứt sử dụng"- ông Chiến nói thêm.

Chuyên gia cho hay, Việt Nam hiện đã không còn vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Sau thông báo về việc này của phía AstraZeneca, trong tương lai, nếu sử dụng lại vaccine này, chúng ta phải làm lại các quy trình nhập khẩu, cho phép sử dụng vaccine theo đúng quy định.

Cũng theo chuyên gia, số vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng. Sau đó, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.

Vaccine AstraZeneca là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2/2021.

Đây là vaccine do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.

Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, đây cũng là loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Trong thông tin với Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine AstraZeneca là một trong những vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Đến nay Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Lần gần đây nhất, tháng 2/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 800.000 liều vaccine này có hạn dùng đến tháng 7/2023 tới các địa phương, để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Các mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tiêm cuối cùng ở Việt Nam trước tháng 7/2023.

Theo thông báo của phía AstraZeneca trước đó, họ bắt đầu đề nghị chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine này cho nhu cầu cấp bách tại các quốc gia, chứ không phải thu hồi vaccine này trên toàn cầu.

Từ ngày 7/5, loại vaccine này không còn được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi công ty tự nguyện rút "giấy phép kinh doanh" tại khu vực này.

AstraZeneca cho biết việc thu hồi vaccine này là vì lý do thương mại. AstraZeneca nói rằng, hiện đã có nhiều dòng vaccine khác hữu hiệu hơn, có khả năng phòng chống nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới hơn vaccine của mình. Do đó, nhu cầu của thị trường với vaccine của AstraZeneca đã không còn.

Báo Sức khỏe và đời sống

Hà Nội chỉ đạo loạt nhiệm vụ ngăn chặn bệnh dại, tay chân miệng, sốt xuất huyết

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà mới có Công văn số 1354/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ động phân tích tình hình dịch và đánh giá nguy cơ đề xuất, triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, kịp thời.

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.

Cụ thể, đối với bệnh dại, UBND TP yêu cầu đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tăng cường sự phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với Bệnh sốt xuất huyết, các đơn vị cần thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (ngày 15/6/2024).

Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.

UBND TP cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng;, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Đối với các Bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...), cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.

Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch...

Báo An ninh thủ đô

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 60
Lượt truy cập trong tuần: 8383
Lượt truy cập trong tháng: 76216
Lượt truy cập trong năm: 887699
Tổng số lượt truy cập: 44955087
Về đầu trang