TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tôn vinh những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng
Ngày đăng 10/05/2024 | 16:40  | Lượt xem: 196

Là người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, mỗi ngày người điều dưỡng phải “hóa thân” trong nhiều vai trò, đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro. Nhưng vượt qua tất cả, họ lặng thầm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Với sự tận tâm của các điều dưỡng, nhiều bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe, chiến thắng bệnh tật.

Ngành y tế Hà Nội hiện có tổng số hơn 14.100 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên công tác tại các cơ sở y tế. Trong đó, khối bệnh viện là gần 11.400 người, khối trung tâm y tế là hơn 2.700 người. Cán bộ điều dưỡng có trình độ sau đại học, đại học và cao đẳng chiếm 94,3%.

Theo ThS. Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, cho biết: “Điều dưỡng là người tiếp xúc sớm nhất, lâu nhất và nhiều nhất với bệnh nhân. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, đội ngũ điều dưỡng luôn chú trọng đến việc nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, bởi người bệnh vừa là người trực tiếp trải nghiệm vừa là người đánh giá mức độ hài lòng trong khám chữa bệnh. Khi thực hiện được các mục tiêu an toàn người bệnh, an toàn nhân viên y tế cũng chính là thể hiện giá trị nghề của điều dưỡng.”

Ngoài những công việc chuyên môn hàng ngày như theo dõi sinh hiệu, tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng, cấp cứu bệnh nhân theo quy định, người điều dưỡng, kỹ thuật viên còn phối hợp với các y, bác sĩ để lượng giá, chỉ định, hướng dẫn, theo dõi sát người bệnh. Họ luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, động viên người bệnh, yêu thương chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Nga cùng bác sĩ của khoa Nội tiết thực hiện đi buồng để đánh giá, theo dõi sức khỏe cho người bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Nga, Điều dưỡng trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Hà Đông chia sẻ: “Đặc thù của khoa là tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính có nhiều biến chứng nặng cần được chăm sóc đặc biệt như biến chứng bàn chân, các bệnh lý nội tiết chuyển hóa. Tại khoa Nội tiết, đa số người bệnh là người cao tuổi, tần suất vào viện liên tục, nhiều bệnh nhân chỉ được người nhà đưa đến còn lại toàn bộ thời gian điều trị và chăm sóc, kể cả ăn uống, sinh hoạt và tìm hiểu khó khăn của bệnh nhân để hỗ trợ họ đều do cán bộ y bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên của khoa đảm nhiệm.”

Hay như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn: “Bất kỳ bệnh nhân nào khi đến với khoa tâm lý chung đều cảm thấy lo lắng về tình trạng bệnh và phác đồ điều trị. Hơn nữa là vấn đề sau phẫu thuật như có đau không, có đáp ứng với thuốc không, có biến chứng không. Chính vì vậy, mỗi điều dưỡng chúng tôi luôn phải học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cùng người bệnh để họ yên tâm điều trị.”

Điều dưỡng khoa Ngoại Tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn thực hiện công việc chuyên môn hàng ngày tại khoa.

Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, trong những năm qua, ngành y tế Hà Nội đã không ngừng quan tâm phát triển công tác điều dưỡng. Các đơn vị y tế trong ngành cũng thường xuyên tổ chức kỷ niệm ngày Điều dưỡng thế giới 12/5 nhằm ôn lại ý nghĩa lịch sử của ngành; tôn vinh điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh ngày đêm thầm lặng, tận tụy chăm sóc người bệnh; tuyên truyền, phổ biến tinh thần ngày Điều dưỡng thế giới tới các điều dưỡng, nữ hộ sinh nhằm động viên họ tích cực trong công việc chăm sóc người bệnh.

Cùng với đó, các đơn vị định kỳ tổ chức hội thi điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi, thanh lịch; tổ chức kiểm tra kiến thức, tay nghề điều dưỡng, kỹ thuật viên; tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng giữa các đơn vị. Các hoạt động điều dưỡng diễn ra sôi nổi, tạo sân chơi bổ ích, trí tuệ, giúp điều dưỡng tăng cường giao lưu, đoàn kết, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Công tác đào tạo, tập huấn luôn được chú trọng, các đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn công tác điều dưỡng với nhiều nội dung phong phú, nâng cao năng lực cho đội ngũ điều dưỡng như: tư vấn giáo dục sức khỏe người bệnh, cập nhật kiến thức chăm sóc vết thương, quy trình điều dưỡng, vận chuyển người bệnh an toàn.

Các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong chăm sóc người bệnh như: triển khai thực hiện thuốc, can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo chỉ định của bác sĩ và trong phạm vi chuyên môn của điều dưỡng. Đồng thời, theo dõi, phát hiện, can thiệp kịp thời nguy cơ mất an toàn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Duy trì hoạt động họp hội đồng người bệnh hàng tháng. Thông qua các buổi họp, điều dưỡng được phổ biến quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh và người nhà người bệnh, quy định của cơ sở y tế. Các bệnh viện còn lồng ghép thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người bệnh, người nhà người bệnh có thêm kiến thức tự theo dõi, bảo vệ sức khỏe của mình; tiếp thu những ý kiến đóng từ người bệnh để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Các chi hội thường xuyên tổ chức hoạt động tri ân người bệnh như tặng quà cho những bệnh nhân nghèo, cắt tóc miễn phí, khám sức khỏe cho người bệnh khó khăn, góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu, tạo sự gắn kết giữa người bệnh với nhân viên y tế.

Ngành y tế Hà Nội biểu dương, khen thưởng các điều dưỡng tiêu biểu năm 2023.

Để nâng cao vai trò của đội ngũ điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô, TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho rằng, mỗi điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức của điều dưỡng viên, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người người bệnh toàn diện. Về phía lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiếp tục chỉ đạo đội ngũ điều dưỡng phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp trong công việc, đồng thời chăm lo đời sống, tạo mọi điều kiện tốt nhất để điều dưỡng được yên tâm công tác.

Hội đồng Điều dưỡng thế giới (ICN) chọn ngày 12/5 hằng năm là ngày Quốc tế điều dưỡng. Năm 2024, ICN đưa ra thông điệp hành động: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả chăm sóc điều dưỡng”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác điều dưỡng là một trong các trụ cột của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Việc đầu tư vào công tác điều dưỡng như một biện pháp chiến lược để mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Đồng thời, đề cao giá trị của nghề điều dưỡng trong việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững.

Diệu Linh

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 117
Lượt truy cập trong tuần: 8141
Lượt truy cập trong tháng: 75974
Lượt truy cập trong năm: 887457
Tổng số lượt truy cập: 44954845
Về đầu trang